Home Truyện Ma Người Khăn Trắng Khi Người Chết Trở Về

Khi Người Chết Trở Về

– Trong vụ xài phá đến cạn hết tiền ba gởi ở nhà băng bên Pháp đâu phải chỉ mình anh, mà em đóng góp đến phân nửa trong đó. Xong vụ này mình bí mật chuyển trả lại cho ba là ổn.
Chuẩn bị đi, chợt Henri Phạm nhớ ra, anh ta hỏi:
– Hồi nãy em có đóng kỹ nắp hầm chưa?
Thu Vân cười:
– Cái hầm bí mật này quả lợi hại, nằm ngủ dưới đó cả đêm cũng giống như ngủ trong phòng khách sạn, sướng thiệt.
– Anh phải mất cả tháng trời, nhờ thợ từ trong Sài Gòn ra làm mới được như vậy. Anh phải thủ sẵn một nơi như vậy để phòng khi lộ chuyện thì có nơi mà ẩn thân một thời gian. Em đâu có biết là cả chuyện vô ra rừng hoa sứ này anh cũng phải tốn tiền mới yên chớ bộ! Thôi, có lẽ là hôm nay là ngày chót, chúng ta không trở lại đây nữa, nên cũng không cần cái hầm, có bị lộ thì cũng chẳng sao. Thôi mình đi!
Họ đi rất nhanh xuống núi, xuyên qua rừng hoa sứ. Quang quá bức xúc với những gì vừa nghe, anh vừa định đứng lên gọi họ một tiếng và vạch trần những gì họ làm. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao khi vừa đứng lên thì Quang đã ngã ngồi trở xuống như bị ai kéo lại vậy. Phải đến lần cố gắng thứ ba Quang mới có thể đứng thẳng lên, nhưng lúc ấy hai người họ đã đi khá xa rồi.
Bấy giờ Quang chỉ còn cách bước thẳng vào nhà với ý định xem cái hầm mà họ vừa nói ra sao. Nhưng điều ngạc nhiên đầu tiên của Quang là chiếc váy màu vàng của Thu Vân lúc mặc đi vào đây đã không còn, mà lúc nãy khi đi ra cô ta mặc bộ quần áo màu xám nhạt, đầu đội mũ như một cách ngụy trang, mà tay không hề xách giỏ hay cầm vật gì. Vậy bộ đồ màu vàng biến đi đâu?
Điều đó càng khiến cho Quang tò mò thêm, anh tìm nắp hầm và phát hiện ra ngay nó nằm ở gần gian bếp nguội lạnh, chỉ cần giở tấm ván lên là lộ ra một cái thang gỗ dẫn xuống dưới.
Chẳng do dự, Quang bước ngay xuống, thấy có cây đèn pin treo sẵn ở lối đi, Quang chụp lấy và soi tới trước. Quả đúng nó như một căn phòng đầy đủ tiện nghi, có cả giường nệm phẳng phiu và ở đầu giường có ngọn đèn ngủ màu hồng nhạt nữa.
– Có lẽ họ xài bình ắc quy chớ nơi này làm gì có điện!
Quang hơi thắc mắc về việc đó, nhưng thắc mắc của anh không tồn tại được lâu, bởi liền lúc đó anh chợt sững sờ khi nhìn thấy có một người đang nằm trùm mền trên giường mà phải nhìn kỹ mới thấy!
– Ai vậy?
Không thấy người nọ động đậy, Quang cất tiếng gọi:
– Ai đây, tôi muốn hỏi…
Anh gọi đến lần thứ ba mà vẫn chẳng thấy người nọ cử động hay lên tiếng, Quang chợt lo, anh bạo gan cúi xuống kéo đại góc mền ra và…
– Trời ơi!
Trước mắt Quang là… một cô gái lạ mặc bộ đồ màu vàng máng ở vách lúc nãy!
Không thể nào tin được, Quang gọi thêm lần nữa và cũng chẳng thấy cô nàng cử động. Quang hốt hoảng đưa tay chạm vào, rồi kinh hãi bởi thân thể cô ta đã lạnh cứng. Có nghĩa đó là một xác chết!
– Trời ơi!
Quang hoang mang tột độ, anh lúng túng mất vài giây rồi mới chạy tháo lên miệng hầm, định kêu ai đó. Nhưng chung quanh vắng tanh, vả lại nếu gọi người tới trong lúc này thì khác nào rước họa vào thân, bởi chỉ mình anh với một xác chết, ai mà tin được rằng anh không dính líu tới cái chết của cô nàng!
Lúng túng một hồi lâu Quang mới quyết định trở xuống hầm, lần này anh phải nhìn cho thật rõ, ít ra cũng tìm được cách nào đó báo động cho người ta biết… chớ không thể để một người chết nằm trong đó, mà chắc chắn khó lòng có ai hay được.
Nhưng khi Quang đặt chân trở xuống đó thì… cái xác của cô gái không còn ở đó nữa!
***
Việc đầu tiên của Quang khi trở về Sài Gòn là tìm tới nhà của cha mẹ Thu Vân. Họ là chủ một tiệm vàng lớn ở vùng Chợ Lớn mà đã đôi lần Quang có tới chơi với anh em Thu Vân, nên cha mẹ cô biết Quang. Vừa thấy Quang, bà Kim Tín đã òa lên khóc kể:
– Lâu nay con không ghé chơi nên bác không biết con ở đâu. Phải chi biết mà gọi con tới chơi thì chắc tụi nó không đi Ô Cấp làm gì để xảy ra cớ sự này!
Quang dò hỏi:
– Sau khi tai nạn xảy ra bác có kịp đem xác Thu Vân đi nhận diện không?
Ông Kim Tín nói thay vợ:
– Chính tôi xuống nhà xác bệnh viện để nhìn, nhưng có nhận dạng được nó đâu, bởi thi thể đâu còn nguyên vẹn.
– Henri Phạm đâu rồi bác?
– Ôi! Cái thằng lãng tử đó mà cháu hỏi làm gì. Nó về đây chỉ ở nhà có nửa buổi rồi đi biệt tới bữa nay. Cũng tại nó mà con Thu Vân mới lái xe đi Ô Cấp chớ hai bác đâu có cho. Đường sá xứ mình khác, đâu phải thấy vắng mà muốn chạy sao cũng được.
– Nghe nói có bảo hiểm phải không bác?
Ông Kim Tín hơi ngạc nhiên về sự hiểu biết của Quang, nhưng cũng đáp:
– Có! Nhưng do tụi thằng Henri và Thu Vân sống bên Pháp nên làm bảo hiểm bên đó, nên họ sẽ tiến hành thủ tục bồi thường bên đó. Nhưng còn bồi thường mà làm gì nữa khi mạng sống không còn?
Quang giả vờ hỏi:
– Hình như nhà có cô người làm tên Thắm phải không bác?
Đến lúc này thì ông Kim Tín không khỏi ngạc nhiên nói:
– Sao cháu biết con nhỏ đó?
Quang cười giả lả:
– Dạ, chẳng là vì cháu có quen với nhà cô ấy ở dưới quê…
Bà Kim Tín buột miệng nói:
– Thì ra là vậy, cháu ở làng Mỹ Quý hay Mỹ Lương của huyện Hòa Thành?
– Dạ, ở sát nhà của cô Thắm.
– Vậy là Mỹ Quý rồi! Huyện Hòa Thành tỉnh Ba Xuyên chỉ có cái xã Mỹ Quý là heo hút nhất, lại ít người biết, nên bác cũng hay quên là nó ở Mỹ Quý hay Mỹ Lương. Vậy ra cháu với nó là đồng hương. Mà cũng hay, dịp này bác hỏi cháu xem, gần đây cháu có gặp nó không?
– Dạ… gặp ai ạ?
– Con Thắm! Nó nghỉ làm ngang xương cả tuần nay mà chẳng biết đi đâu!
– Có thể cô ấy về quê chăng?
Ông Kim Tín bác ngay:
– Con nhỏ này từ ngày lên đây làm chưa bao giờ xin về quê lần nào, bởi lẽ đơn giản là nó không còn ai ở quê hết. Lẽ thứ hai là nó làm được bao nhiêu tiền lương đều gởi lại cho nhà tôi hết, không giữ đồng nào trong túi, như vậy lấy đâu tiền để đi.
Bà Kim Tín cũng nói:
– Con nhỏ hiền lành, dễ thương, tuy là không còn ở nhưng vợ chồng tui thương nó như con ruột. Tính năm tới nó đủ hai mươi tuổi thì coi mối nào được gả chồng cho nó. Con nhỏ tuy ít học nhưng đẹp người, đẹp nết, ai mà lấy được nó là có phước lắm!
Quang không kiềm chế được, buột miệng:
– Người như vậy mà bị hại thì…
Bà Kim Tín hốt hoảng:
– Ai hại nó?
Quang nói chữa:
– Dạ, cháu muốn nói nếu như rủi ro…
Ông Kim Tín nói:
– Tôi nghĩ chắc không có chuyện gì đâu. Con nhỏ này không chừng ham vui bị bạn bè rủ rê đi đâu đó, vài bữa thì về thôi.
Quang vòng vo mãi, cuối cùng anh mới hỏi thẳng điều mà hôm nay tới anh muốn hỏi:
– Ở Đà Lạt hai bác có nhà riêng hay nhà bà con gì trên đó không?
Bà Kim Tín nói thật:
– Tôi có một biệt thự bỏ không trên đó, chỉ thỉnh thoảng lên nghỉ mát vài hôm. Mà mùa này lạnh, nên phải ba bốn tháng nữa vợ chồng tui mới lên chơi.
– Vậy không chừng Henri Phạm cũng lên đó chơi, bao nhiêu lần rồi cậu ấy không lên Đà Lạt thưa bác?
– Cả chục năm rồi. Từ ngày đi du học nó về đây có bốn năm lần, mà lần nào cũng chỉ ở nhà, có đi nghỉ mát thì chỉ ra Ô Cấp thôi.
– Vậy hai bác có nhà riêng ở Ô Cấp không?
Kiểu hỏi như điều tra của Quang khiến cho ông Kim Tín bắt đầu thấy lạ, ông hỏi vặn lại:
– Hình như cháu muốn tìm hiểu điều gì phải không nào?
Quang lúng túng:
– Dạ không, cháu chỉ… hỏi cho biết vậy mà. Và cũng bởi… mới rồi cháu nằm mộng thấy Thu Vân…
Đây là Quang bịa chuyện, nhưng bà Kim Tín lại quan tâm:
– Cháu mộng thấy nó thế nào? Nó chết có yên ổn không? Bác cũng hơi lo, vì nó còn trẻ, lại chết tức tưởi như vậy nên bác sợ oan hồn…
Ông Kim Tín gạt ngang:
– Bà khéo tưởng tượng! Con gái mình là dân Tây học, làm gì có chuyện oan hồn với hồn oan.
Bà Kim Tín tại nức nở khóc:
– Ông cứ nói vậy hoài, trong lúc tui cứ mong cho vong hồn nó về một lần thôi cũng được, vậy mà chưa thấy…
Rồi bà hỏi Quang:
– Cháu mộng thấy nó nói gì?
Quang đã có toan tính trước, anh đáp:
– Dạ, cháu nghe cô ấy muốn tìm ngôi nhà nào đó ở Ô Cấp mà tìm chưa ra. Cả ba lần mộng thấy cô ấy thì cả ba lần Thu Vân đều chỉ nói có chuyện đó.
Lần này chợt ông Kim Tín buột miệng:
– Nhà ở Vũng Tàu, nó biết sao còn tìm!
Quang giả bộ:
– Dạ, con thấy Thu Vân có vẻ không nhớ, cô ấy chỉ nói là hình như nhà ở gần Bạch Dinh hay sao đó…
Bà Kim Tín vụt nói:
– Thì căn nhà biệt thự hướng ra bãi Dâu. Đúng là nó không nhớ, bởi khi đi du học thì nó mới có mười tuổi, mà ngôi nhà cũ đó tôi và ông nhà tôi cũng lâu lắm rồi không về đó, chẳng biết còn hay sập rồi nữa!
– Thảo nào…
Quang bỏ lửng câu nói khiến ông Kim Tín thắc mắc:
– Cháu nói gì?
Quang lại lảng sang chuyện khác:
– Dạ không. Cháu muốn nói… chẳng hiểu sao gần đây cháu hay mộng mị quá.
Anh vừa định đứng lên cáo từ thì chợt từ ngoài cửa có một người bước vào, mà vừa nhìn thấy thì cả ba người đang ngồi đều bật dậy một lượt:
– Trời ơi… Trời…
Bà Kim Tín té ngồi trở xuống, miệng lắp bắp:
– Con… con Thắm ông ơi.
Người vừa xuất hiện chính là Thắm, nhưng trong bộ váy màu vàng mà Quang đã thấy hôm ở rừng hoa sứ. Cô ta là cô gái nằm chết trong hầm hôm đó! Anh lắp bắp mãi, nói không thành lời:
– Cô đúng là…
Cô gái bình thản ngồi xuống và nhìn vào bà Kim Tín, hỏi bằng giọng không vui:
– Sao bà không đi tìm con?
Bà Kim Tín vẫn chưa tin vào mắt mình, giọng bà run rẩy:
– Có phải… thiệt là con không vậy?
– Là con đây! Con đâu có chết mà sao bà vẫn coi như con đã ra người thiên cổ? Ông bà biết là đã chôn ai không?
Quang vụt nói:
– Là cô Thắm!
Nãy giờ hình như cô gái không để ý đến Quang. Giờ nghe anh nói, cô mới quay sang và nói:
– Anh đã biết ngôi nhà trên núi lớn Ô Cấp thì cần trở lại đó để biết thêm điều cần biết!
Rồi cô lại quay sang ông bà chủ của mình:
– Hai người hãy chuẩn bị mà rời khỏi ngôi nhà này đi, vài ngày nữa nó không còn là của mình đâu!
Trong lúc ông bà Kim Tín còn đang ngơ ngác thì cô nàng vụt đứng lên và ra hiệu cho Quang đi theo:
– Anh ra đây!
Quang riu ríu bước theo. Khi ra tới ngoài rồi cô nàng lên tiếng:
– Anh đã gặp tôi nằm chết trong hầm ngôi nhà trên rừng hoa sứ rồi phải không? Vậy bây giờ anh có ngạc nhiên khi thấy con người đó có mặt tại đây không?
Quang sợ, nhưng anh vẫn cố nói cứng:
– Không phải một, mà là đã hai lần tôi nhìn thấy cô chết và biến mất. Như vậy kể cả lần này nữa, biết đâu cô lại…
Cô nàng bỗng cười phá lên:
– Không ngoại trừ lần này đâu!
Cô nàng vừa nói vừa dừng lại và quay ngoắc đối diện với Quang. Anh chàng há hốc mồm kinh ngạc, bởi trước mắt anh bây giờ không phải là Thắm nữa, mà là một cô gái khác với gương mặt bê bết máu!
– Anh chưa từng biết mặt thật của tôi, mà chỉ biết cái mặt biến dạng này phải không?
Quang còn chưa hiểu gì thì cô nàng buông một tiếng ngắn gọn:
– Thì như anh đã nghe họ nói rồi đó, tôi đã bị họ nhẫn tâm sát hại rồi mà còn hủy hoại nhan sắc thêm lần nữa.
Quang run giọng:
– Cô Thắm… tôi cảm thông với cô, tôi muốn giúp, nhưng mà…
Không để ý lời phân trần của Quang, cô nói tiếp:
– Và anh đã nghe anh em họ kể chuyện giết chết tôi rồi xô xuống vực sâu ở Ô Quắn cùng chiếc xe rồi phải không?
– Có… có nghe…
– Như vậy là anh biết đích xác cô Thu Vân đâu có chết, đúng không?
– Phải! Và bữa đó tôi thấy cô ta đi vào ngôi nhà trong rừng hoa sứ nữa.
– Chính nhờ vậy anh mới có động cơ tìm tới nhà cô ta và hiểu tôi đã bị chết oan như thế nào. Tôi nghèo cũng giống như anh và chỉ bởi nghèo hèn, cô thế, nên mới bị giết chết cho một mưu đồ gian ác của họ. Cũng như do anh nghèo và tốt bụng, nên suýt nữa anh đã bị sa vào bẫy của họ, để họ có gì sơ sẩy thì chính anh là người sẽ đứng ra nhận tội thay!
Quang ngơ ngác:
– Cô nói vậy là sao?
Nàng ta nhẹ giọng:
– Hôm ở rừng hoa sứ sau Bạch Dinh, chính anh bị cô Thu Vân dụ đi theo lên căn nhà hoang đó, còn cái xác mà anh nhìn thấy trong hầm là xác của tôi do bọn chúng lấy cắp được trong nhà xác bệnh viện, để làm tang chứng buộc tội anh…
Quang chận ngang:
– Nhưng tôi có bị gì đâu?
– May cho anh là tôi đã kịp thời cứu anh! Chính tôi đã biến đi và xui khiến anh rời ngôi nhà đó kịp thời. Bởi chỉ năm phút sau đó thì cảnh sát do Henri Phạm báo đã ập tới, họ chẳng gặp ai nên mọi việc coi như xong!
Quang không thể nào tin được, nhưng khi anh nhìn cô gái thì thấy cô ta mỉm cười, gật đầu:
– Tôi tuy chết oan, thù hận mọi người, nhưng không thể để cho một người ngay như anh bị nạn thay cho họ được! Do anh biết quá nhiều chuyện của họ, nên họ tìm cách thủ tiêu anh để bịt đầu mối. Anh có biết là họ đã tính trước mấy bước tiến và mấy bước lui. Tiến là nếu mọi việc êm xuôi, họ sẽ lãnh được tiền bảo hiểm nhân thọ, còn lui là phòng bất trắc, cơ mưu bị bại lộ. Lúc ấy họ sẽ đổ vấy lên đầu anh, nói chuyện giết tôi là do anh làm, mà bằng chứng do họ tạo ra sẵn là một túi tiền lớn họ dàn cảnh mang theo bên thi thể tôi để mọi người nghĩ động cơ anh giết tôi là vì muốn cướp tiền!
Trong lúc Quang còn đang hoang mang thì cô nàng vụt nói nhanh:
– Anh về nhà và đừng ngạc nhiên khi thấy số tiền bạc triệu để sẵn trong đó. Tiền đó tôi lấy được tại hiện trường, thứ mà họ định dùng để vu cáo anh. Đó là đồng tiền phi nghĩa, do đó không việc gì anh trả lại mà cứ giữ xài. Và còn nữa, khi hãng bảo hiểm đền tiền, thì thay vì họ nhận được, tôi sẽ khiến cho nó thuộc về anh! Anh sẽ dùng số tiền đó để thoát kiếp nghèo, hoặc làm từ thiện gì đó tùy anh. Thôi, vĩnh biệt anh, con người tốt bụng nhưng phải cái tội… quá tò mò!
Nói xong thoắt cái cô ta đã biến mất. Vừa khi ấy cha mẹ Thu Vân trong nhà chạy ra hỏi lớn:
– Thắm! Con Thắm đâu rồi?
Quang chỉ lắc đầu không đáp. Bà Kim Tín phải gào lên:
– Nó đâu rồi? Phải đó là hồn ma không?
Bây giờ chính ông Kim Tín là người có kết luận:
– Chưa chết mà hồn ma nỗi gì?
Nhưng bất thần, Quang nhìn thẳng vào ông nói:
– Cô ấy là hồn ma đó! Một oan hồn đáng lý về đòi nợ máu, nhưng cô ấy chưa làm. Có lẽ cô ấy chỉ muốn đòi nợ chính người đã gây ra tội ác mà thôi.
Nói xong Quang quay bước đi, bà Kim Tín gọi lớn:
– Kìa, cháu Quang! Cháu vừa nói gì?
Quang nói mà không quay lại:
– Hai bác sắp đón nhận những tin không tốt lành gì đâu.
Anh đi nhanh bởi không muốn trả lời thêm nữa. Anh tự nhủ:
– Biết nhiều quá là rước lấy phiền nhiễu nhưng cũng có được cái hay, như mình…
***
Ba tháng sau…
Bỗng nhiên Quang nhận được điện tín từ một ngân hàng Pháp bảo rằng anh có một số tiền mười triệu Franc Pháp mà không nói rõ là tiền gì. Quang định viết thư từ chối và nói rõ mọi chuyện cho họ biết và rút lại số tiền lớn đó. Tuy nhiên anh chưa kịp viết thì lại nhận được một thư khác từ một chi nhánh ngân hàng Pháp tại Sài Gòn chuyển đến, thông báo là anh có một trương mục tại ngân hàng họ với số tiền mười triệu đồng Franc.
Quang chưa kịp có phản ứng gì thì đêm đó anh đang ngủ vụt ngồi dậy khi nghe có tiếng nói từ cửa sổ vọng vào:
– Em đã nghĩ rồi, số tiền này thay vì trả lại cho hãng bảo hiểm, có nghĩa là anh tố cáo tội gian manh của anh em nhà Henri Phạm và Thu Vân, như thế họ sẽ ở tù thì anh cứ giữ mà làm từ thiện và cải thiện cuộc sống, đừng trả lại. Cứ để suốt đời con Thu Vân sẽ sống trong cảnh trốn chui trốn nhủi với cái tên giả, đó là cách nó phải trả giá cho tội ác của mình, đau khổ còn hơn là ngồi tù.
– Nhưng như thế này trước sau gì cũng đổ bể, tôi lại liên lụy, bởi tiền đang nằm trong trương mục của tôi.
Giọng nói kia giải thích rất rạch ròi:
– Mọi thứ em đã lo hết rồi. Em khiến cho đồng tiền luân chuyển từ Pháp về trương mục của anh mà chẳng ai biết được nguồn gốc. Không phải mình gian manh, nhưng để cho người thật thà, tốt bụng như anh khỏi phải liên lụy. Anh cứ yên tâm dùng số tiền ấy. Có thể một ngày nào đó anh sẽ cứu trợ ngược lại cho ông bà Kim Tín, bởi sớm muộn gì hai đứa con trời đánh ấy cũng làm cho gia sản nhà đó không còn một đồng.
Tự dưng có số tiền lớn như vậy khiến Quang lúng túng chẳng dám đụng vào. Nhưng lạ quá, cứ hàng tháng anh lại nhận được một số tiền để chi dụng mà không biết của ai cho.
Sau đó khi nhận được thông báo tình hình trương mục ngân hàng, Quang mới hiểu đã có người rút tiền giúp cho anh. Người giúp đó ngoài Thắm ra thì đâu còn ai nữa!
Và cứ thế, hễ mỗi khi Quang vừa có ý định làm ăn gì thì tự nhiên có ngay số tiền như ý chuyển đến. Được cái là Quang không hề lợi dụng số tiền đó để phung phí. Anh chủ yếu dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo khác. Và đặc biệt, anh mua một mảnh đất rộng, chỉ xây một căn nhà nhỏ để ở, phần đất còn lại anh lập một cái miếu thờ, mà trong miếu chỉ thờ một bức họa do chính Quang vẽ lại theo trí nhớ chân dung của Thắm.
Từ đó Quang sống thanh thản một mình và tự nguyện làm ông từ chăm sóc ngôi miếu. Sau này người ta đồn ngôi miếu đó linh hiển lắm, cầu gì được nấy. Mà lời cầu khấn phải mang ý tốt thì mới được đáp ứng, còn ngược lại, nếu lợi dụng hay gian trá thì sau khi khấn vái sẽ mang bệnh chữa hoài không khỏi…

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận