Kinh hãi hủ tục cắt “bao quy đầu” bé gái
Các tổ chức y tế quốc tế nhiều năm nay vẫn lên án hủ tục này. Dù từ năm 2008 đã bị coi là bất hợp pháp nhưng cắt “bao quy đầu nữ” vẫn rất phổ biến. Ở nhiều vùng nông thôn của Ai Cập, ước tính hơn 75% phụ nữ đã trải qua tập tục này. Ngay cả các vùng đô thị cũng vẫn phổ biến.
Bé gái 13 tuổi Suhair al Bata'a vừa chết sau khi bị cắt “bao quy đầu”
“Tôi đã đưa 3 con gái đi cắt khi chúng 11 tuổi”, bà Abdel-Razek kể. “Tôi nói với chúng rằng điều đó cực kỳ quan trọng, giống như việc cắt amiđan vậy”.
Cắt “bao quy đầu nữ” nghĩa là một phần bên ngoài của bộ phận sinh dục của bé gái bị cắt bỏ. Ở một số vùng nông thôn, quy trình này được thực hiện mà không có thuốc gây tê.
Trong nhiều trường hợp, người ta cắt bỏ nhiều quá đến nỗi vết thương trở thành sẹo cục, chỉ còn một lỗ rất nhỏ để đi tiểu.
Nhưng bà Sameya lại nói rằng mỗi khi một cô con gái của bà được cắt xong thì gia đình lại mở tiệc ăn mừng, và bà cũng muốn cháu gái mình tiếp tục “truyền thống” này.
Ở nhiều vùng nông thôn của Ai Cập, ước tính hơn 75% phụ nữ đã trải qua tập tục
cắt "bao quy đầu nữ". Ảnh minh họa
Nhiều nghiên cứu trên vùng đông bắc và tây Phi, nơi tục cắt âm vật phổ biến nhất, cho thấy hủ tục này dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Không ít bé gái mất mạng sau khi thực hiện. Trong tháng này, bé gái 13 tuổi Suhair al Bata'a sinh sống ở ngôi làng phía bắc Cairo đã chết vì tụt huyết áp quá nhanh.
Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thủ thuật này gây ra nhiều ảnh hưởng tâm lý. “Đó là sự chà đạp lên nhân phẩm của các bé gái. Chúng phải chịu đựng một kiểu khủng bố đối với loài người. Họ bị suy nhược, đau đớn và sốc khi đột nhiên phải đối mặt với điều khủng khiếp ấy”, TS. Naglaa el-Adly ở Hội đồng quốc gia vì phụ nữ Ai Cập nói.
TS. Adly cho biết nguồn gốc của hủ tục này có từ thời cổ đại, nhưng nay người ta lại gắn nó với yếu tố tín ngưỡng và sự thanh khiết.
“Khi họ nói với các bé gái rằng đó là hoạt động tôn giáo thì chúng sẽ nghĩ Đạo Hồi chống lại chúng. Vì thế nên nhận thức của chúng về tôn giáo bị khác đi”, TS. El-Adly nói.
TS. Adly cho rằng giới lãnh đạo Ai Cập không có quyết tâm chính trị trong việc thực thi luật cấm cắt âm vật. Ngược lại, tổ chức Anh em Hồi giáo đang cầm quyền ở Ai Cập còn bảo vệ hủ tục. “Thực tế đó cần vai trò báo chí để thay đổi nhận thức của mọi người. Các thủ lĩnh tôn giáo cũng cần nói với người dân rằng tập tục này không liên quan đến Đạo Hồi hay Cơ-đốc giáo.
Trước kia, các thủ lĩnh tôn giáo từng nói rằng cắt âm vật không liên quan đến tôn giáo, nhưng gần đây một số tu sĩ công khai kêu gọi pháp luật cho phép thực hiện tập tục này.
“Cắt bao quy đầu” nữ là chỉ thị của Thánh Allah, luật (Hồi giáo) Sharia từ Thánh Allah. Lệnh của Thánh Allah phải được thực hiện. Điều đó giúp con gái kiểm soát ham muốn tình dục vì phụ nữ nhanh có nhu cầu tình dục hơn nam giới”, tu sĩ Sheikh Yussef al-Badri nói. Vị tu sĩ này nhiều lần kiện lên tòa án Ai Cập để đòi hợp pháp hóa cắt “bao quy đầu” nữ.
Trong thực tế, nhiều người dân thậm chí còn không biết việc cắt âm vật là vi phạm pháp luật.
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Ai Cập cho rằng chính phủ chẳng làm được gì nhiều trong việc bảo vệ các quyền của phụ nữ. Vì thế, họ cho rằng việc cắt âm vật ở Ai Cập ngày càng khó có khả năng bị xóa bỏ.
– Cắt “bao quy đầu nữ” là biện pháp làm thay đổi hay tổn thương bộ phận sinh dục nữ không phải vì lý do y tế.
– Khoảng 140 triệu phụ nữ và bé gái trên toàn thế giới đang phải mang hậu quả của hủ tục này.
– Người bị cắt âm vật dễ bị chảy máu nhiều, khó tiểu tiện, nhiễm trùng, vô sinh, tăng nguy cơ con tử vong trong quá trình sinh nở.