Home Chuyện Lạ Có Thật Kinh ngạc bà lão chinh phục 7 “nóc nhà” của trái đất

Kinh ngạc bà lão chinh phục 7 “nóc nhà” của trái đất

Điều đáng chú ý là kỷ lục này sẽ không thể bị phá vỡ, bởi những người cấp phép lên đỉnh Everest ở Trung Quốc hiện đã giới hạn độ tuổi của các vận động viên leo núi không quá con số 60.

Hành trình ghi kỷ lục đáng nể của người phụ nữ sống tại thành phố Salt Lake của Mỹ kéo dài tròn 4 năm. Bà đã viết và xuất bản cuốn sách No Magic Helicopter (Không có chiếc trực thăng thần kỳ) nói về hành trình ghi kỷ lục có một không hai của mình

“Lẽ ra tôi nên học đan lát và chơi bài brit”

Có thể nói 3/4 cuộc sống của Masheter đã diễn ra hoàn toàn bình thường, chẳng có mấy chi tiết đặc sắc. Sinh ra và lớn lên tại quận Orange, California, từ nhỏ bà đã được cha mẹ giáo dục rất kỹ lưỡng về tính tự lập và khả năng sống độc lập. Cha mẹ không cho Masheter khoản tiền tiêu vặt nào, nhưng sẽ “trả lương” nếu bà đồng ý làm việc vặt trong nhà. Masheter nói rằng bà thường để dành 10% “thu nhập” kể từ khi mới được 8 tuổi. Vào thời gian bước vào trung học, bà đã có trở thành con người chịu trách nhiệm và biết cách tổ chức tốt tới nỗi hàng xóm thường xuyên nhờ trông nhà khi họ đi vắng.

Cuộc đời của Masheter cứ thế êm đềm trôi đi cho tới năm bước vào tuổi 50 , bà bất ngờ nhận rất nhiều cú sốc. Trong vòng 18 tháng, chị của bà ốm nặng, bà mất công việc ưa thích tại một trường đại học, mẹ đẻ qua đời và người đàn ông bà yêu quyết định rời bỏ bà để đi với một cô ả khác. Mặc dù sức khỏe sa sút, Mashter vẫn quyết định làm điều gì đó thật đặc biệt để thay đổi cuộc đời. Bà quyết định chọn môn leo núi. “Lẽ ra tôi nên học đan lát, chơi bài brit và làm những thứ phù hợp với tuổi của mình hơn. Nhưng nếu thế, tôi đã chẳng còn là mình nữa” – bà giải thích – “Để đương đầu với nỗi đau, sự giận dữ, stress, tôi đã tới dãy Andes ở Bolivia để tập huấn leo núi độ cao lớn. Tôi đã leo lên 7 ngọn núi cao hơn 5.000 mét  và thấy mình khá giỏi món này.  Tôi chỉ khám phá ra tài năng của mình khi đã gần tàn đời. Nhưng leo núi thực sự đã cứu vớt cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy mình bình an nhất khi ở trên những ngọn núi. Đó là ngôi nhà tinh thần của tôi”.

Bà Masheter trên đỉnh Vinson Massif ở Nam Cực

Bà Masheter trên đỉnh Vinson Massif ở Nam Cực


Thử thách giới hạn của bản thân

Năm 2005, Masheter leo lên đỉnh Cho Oyu, ngọn núi cao thứ 6 thế giới ở Trung Quốc. Từ đây, bà  có thể thấy đỉnh Everest và trong đầu bà nảy ra ý nghĩ: “Chà, mình không muốn chết khi không biết rõ bản thân liệu có chinh phục được Everest hay không, chỉ vì mình không dám thử sức”.

Để chuẩn bị đối mặt với gã khổng lồ Everest, bà Masheter chọn các mục tiêu dễ thở hơn. Ở tuổi 60,  Carol lần đầu chinh phục Aconcagua, đỉnh núi cao nhất Nam Mỹ (6.962 mét). Tiếp đó bà leo lên Kilimanjaro (5.892 mét) ở Tanzania, đỉnh núi cao nhất châu Phi vào tuổi 61. Sau 2 thành công này, bà đã quyết định tới Nepal và chính thức lên đỉnh Everest (8.848 mét) vào ngày 24/5/2008.

Everest thực sự đã chứng minh nó là đỉnh nguy hiểm nhất. Trong hành trình leo lên, có lúc Masheter bị mù tạm thời vì tuyết và phải “sờ lần” khi đi xuống. “Tôi tạm mất thị lực của mình. Vì thế lẽ ra người ta phải trao cho tôi thêm danh hiệu người đã leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới mà không thể nhìn thấy gì” – bà pha trò.

Từ chỗ hạ gục “quái vật” Everest, người phụ nữ can đảm này lại hướng tầm mắt về Seven Summits – 7 ngọn núi cao nhất 7 lục địa. Sau 2 năm nghỉ ngơi, ở tuổi 63, Masheter tiếp tục chinh phục đỉnh Denali (6.194 mét) ở Alaska, còn được biết tới với tên núi McKinley và là đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ. Bà cũng leo lên  Elbrus (5.642 mét), ngọn núi cao nhất châu Âu, nằm ở Nga trước khi chinh phục đỉnh Vinson Massif (4.892 mét) ở Nam Cực hồi tháng 1 vừa qua.

Đỉnh núi cuối cùng bà leo lên là  Kosciuszko, cao 2.228 mét. Trước đó, Masheter định nhắm tới đỉnh Carstensz Pyramid cao hơn 4.800 mét ở Indonesia, vốn được cộng đồng leo núi đánh giá là mới xứng đáng là “nóc nhà thực thụ” của một lục địa. Nhưng tới phút chót, người hướng dẫn gốc Indonesia của bà đã bỏ cuộc.

Vì thế, khi một người bạn leo núi ở Australia đề nghị bà tới  chinh phục Kosciouszko, đỉnh núi cao nhất ở đây, bà đã nhận lời ngay. Masheter kể lại rằng khi lên tới đỉnh, bà đã “cất tiếng hú như một chú sói hoang” để ăn mừng thắng lợi.

Sẽ khuất phục “nóc nhà” Indonesia

Khi được hỏi liệu có thấy sợ không lúc chinh phục các đỉnh cao nổi tiếng nguy hiểm, chết chóc như Everest, bà đã thẳng thắn trả lời không. Thậm chí bà còn tự tin nói rằng người già có “tỉ lệ sống sót cao hơn” trong môn thể thao leo núi, bởi họ có sự bền bỉ hơn và khả năng đưa ra quyết định tốt hơn. “Mỗi vận động viên leo núi cần phải được đánh giá dựa trên thành tích của riêng họ, chứ không phải tuổi tác” – bà nói.

Được biết Masheter đã tự trang trải chi phí cho mọi hành trình của bà, vốn chỉ dựa vào tiền tiết kiệm và các khoản tiền lời thu được từ những thương vụ đầu tư nhỏ lẻ. Trong đời thường, Masheter  sống dưới mức thu nhập của mình, luôn tránh xa các khoản chi tiêu bà cho là phù phiếm để hướng tới những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa.

“Áo này tôi mặc 1 năm rồi đấy” – bà nói và khoe chiếc áo đang mặc màu đỏ.

Masheter mới nghỉ hưu gần đây, trong vai trò một chuyên gia dịch tễ tại Sở Y tế Utah. Khi còn đương nhiệm, bà không bao giờ “ăn cắp” thời gian của cơ quan và chỉ tập luyện, leo núi mỗi khi được nghỉ phép chính thức. Gần như toàn bộ các kỷ lục của bà đã được thực hiện trong chưa đầy 3 tuần đi nghỉ theo chế độ mỗi năm.

Dù già cả nhưng bà không hề ngơi nghỉ. “Tôi đang sống gấp. Tôi vẫn tiếp tục học hỏi mỗi ngày. Những gì tôi muốn làm là một mục tiêu di động, nó thay đổi thường xuyên mỗi năm” – bà nói. Carol hiện đang chờ đợi để người ta ghi nhận kỷ lục của bà, vốn đang do Kay LeClaire nắm giữ. Bà LeClaire đã hoàn tất kỷ lục leo lên 7 ngọn núi ở tuổi 60. Nếu được Guinness xác nhận, Masheter sẽ gần như trở thành “bất bại”, bởi chính quyền Trung Quốc hiện đều không chấp nhận cho những người leo núi hơn 60 tuổi lên đỉnh Everest từ hướng Tây Tạng, vốn dễ hơn hướng lên từ Nepal.

Trong thời gian này, bà vẫn chạy bộ đều đặn 3 lần một tuần để mau hồi sức và vẫn mong sẽ sớm trở lại được với hoạt động thể thao bản thân ưa thích. Giờ đây khi ai đó hỏi mục tiêu kế tiếp trong đời là gì, bà không ngần ngại trả lời: “Chinh phục đỉnh Carstensz Pyramid”.

Tường Linh
(Theo TT&VH)
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận