Lạ lùng đàn ông cho con bú
Trong một số trường hợp, các ông bố có thể nuôi con bằng… sữa của chính mình?
Đàn ông có sữa vì… bị đói
Năm 1978, trong cuốn "Cho con bú: Quà tặng ngọt ngào", nhà nhân loại học Dana Raphael cho rằng nam giới cũng có thể tiết sữa nếu chịu khó kích thích đầu vú mình. Giáo sư nội tiết Robert Greenblatt (Đại học Y khoa Georgia, Mỹ) cũng đồng tình với quan điểm này.
Tuy nhiên, Jack Newman, một nhà khoa học người Canada chuyên nghiên cứu về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ thì khẳng định việc nam giới tự tiết sữa là điều rất khó xảy ra, vì muốn có sữa phải có sự gia tăng hormone prolactin. Một số loại dược phẩm, như thorazine, một loại thuốc điều trị chứng loạn thần kinh là tác nhân kích thích tuyến yên, gây tăng tiết prolactin. Dư thừa loại hormone này có thể dẫn đến tiết sữa ở nam giới. Thuốc digoxin điều trị bệnh tim cũng có thể gây ra tác dụng phụ tương tự. Một trường hợp khác là khi có khối u ở tuyến yên.
Như vậy, theo Newman, việc đàn ông có sữa không phải là vấn đề tự nhiên hay do vấn đề tình cảm (như trong câu chuyện của người đàn ông Sri Lanka) mà chỉ là hậu quả của một căn bệnh hoặc tác dụng phụ của một số dược phẩm.
Một nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến tiết sữa ở nam giới là thay đổi chế độ dinh dưỡng đột ngột. Trong bài báo “Sữa cha” đăng trên tạp chí Discover, tác giả Jared Diamond, một nhà nghiên cứu sinh lý học đã dẫn chứng một số trường hợp những người sống sót được cứu thoát từ các trại tập trung của phát xít Đức và Nhật trong Thế chiến thứ II.
Trong thời gian ở trại, do bị đói, chức năng tiết hormone của các tuyến nội tiết cũng như hấp thụ hormone của gan đều bị ức chế. Sau khi được tự do, được ăn uống đầy đủ, các tuyến nội tiết phục hồi nhanh hơn gan. Do vậy, trong một thời gian ngắn, hormone sản xuất ra không được hấp thụ và trở nên dư thừa, dẫn đến việc tiết sữa.