Home Chuyện Lạ Có Thật Lạ lùng tục đón Tết

Lạ lùng tục đón Tết

1. Trung Quốc: Cắt tóc trước giao thừa
 
Trước đêm giao thừa, người dân Trung Quốc kéo nhau đi cắt tóc nhưng không phải để đem lại vận may mà để xua đi điềm xấu. Ở Trung Quốc, nhiều người tin rằng nếu một người đi cắt tóc vào tháng giêng thì chú hoặc cậu của mình sẽ bị chết. Vì vậy, vào những ngày trước Tết, các cửa hiệu cắt tóc đều rất đông khách.
 

Hai đứa bé cắt tóc trước thềm năm mới ở Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc (Ảnh: CHINA NEWS)

Hai đứa bé cắt tóc trước thềm năm mới ở Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc (Ảnh: CHINA NEWS)


 2. Đài Loan: Đua nhau sưu tập tiền xu năm rồng
 
Mấy tuần nay, người dân đảo Đài Loan xếp thành hàng dài trước các chi nhánh ngân hàng để đợi đổi các đồng tiền xu được phát hành trong năm con rồng. Đây là hiện tượng chưa từng thấy ở đây.
 
Một người đàn ông họ Ngô, tuổi rồng, nói: “Dù phải chờ suốt 4 giờ đồng hồ để đến lượt mình nhưng tôi vẫn cảm thấy vui”. Trên đồng xu có in hẳn hình một con rồng.
 

 Một người dân khoe bộ tiền xu năm rồng vừa mua được Ảnh: FOCUS TAIWAN)

Một người dân khoe bộ tiền xu năm rồng vừa mua được Ảnh: FOCUS TAIWAN)

 3. Malaysia: “Tậu” tem vàng
 
Sau khi được phát hành, tem có hình rồng trở thành món hàng bán chạy nhất ở Malaysia. Yap Wei Yee, 24 tuổi, thất nghiệp, cho biết: “Tôi hy vọng con tem này sẽ mang đến may mắn và giúp tôi sớm có công việc mới”.
 
Tại bưu điện, bên cạnh những người mua tem để cầu mong may mắn, dân chơi tem hòa vào dòng người đông đúc để mua được bộ tem làm kỷ niệm một năm đáng nhớ.
 
Các nhà thiết kế tem Malaysia còn tung ra mẫu tem giống áo hoàng đế thời Minh, chính giữa là hình rồng bằng vàng thật.
 

Mẫu tem có hình rồng được làm từ vàng Ảnh: NEW STRAITS TIMES)

Mẫu tem có hình rồng được làm từ vàng Ảnh: NEW STRAITS TIMES)


4. Philippines: Tết âm lịch đầu tiên
 
Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã ra quyết định Tết âm lịch trở thành ngày lễ chính thức ở Philippines từ năm 2012, giống như Giáng sinh, lễ Phục sinh….
 
Quyết định được đưa ra bất chấp sự phản đối của giới thương nhân lo sợ nền kinh tế nước sẽ càng kém năng suất do có quá nhiều ngày lễ. Tuy nhiên, cộng đồng người Hoa tại Philippines lại hoan nghênh quyết định này. Với họ đây là một khởi đầu may mắn cho năm 2012.
 

Người dân bày bán vật dụng trang trí hình rồng ở khu phố người Hoa. Ảnh: GETTY IMAGES

Người dân bày bán vật dụng trang trí hình rồng ở khu phố người Hoa. Ảnh: GETTY IMAGES

 
5. Mông Cổ: Tẩy rửa năm cũ bằng sữa ngựa
 
Mông Cổ là một trong số ít quốc gia ăn Tết âm lịch giống Việt Nam. Ở Mông Cổ, hai dịp lễ quan trọng được chờ đợi nhất là Tết tháng trắng (người dân địa phương gọi là Tsagaan Sar) vào tháng giêng và tết Naadam vào tháng 7.
 
Những ngày này, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào khởi đầu mới tốt, đẹp hơn. Nghi thức trước đêm giao thừa của người Mông Cổ là rửa sạch chén bát với sữa ngựa.
 
Vào thời khắc giao thừa, người Mông Cổ thực hiện tục uống trà đầu năm. Trước tiên, họ pha trà rót ra 1 chén đầu tiên, đem ra trước sân nhà vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ 2 dành mời chủ nhà, sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình.
 

Bữa tiệc ăn mừng năm mới của một gia đình ở Mông Cổ (Ảnh: EASYVOYAGE)

Bữa tiệc ăn mừng năm mới của một gia đình ở Mông Cổ (Ảnh: EASYVOYAGE)

 
Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (giống như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa. 
 
6. Nepal:  Tết mẹ – Tết cha
 
Tết mẹ diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng 1 âm lịch ở Nepal với mục đích là làm người mẹ vui hạnh phúc, toại nguyện nhất. Vào ngày này, người mẹ được tôn kính như thần thánh. Bà ngồi trên ghế cao và con cái vái lạy mẹ, sau đó lắng nghe những lời chỉ giáo của mẹ. Mọi người ca hát, nhảy múa cả ngày.
 
Vào ngày Tết cha (tháng 8), người dân tụ tập ở các đền, miếu ở ven các con sông, làm lễ tế thần linh và xuống sông tắm rửa. Tắm xong, họ làm một nghị lễ tưởng nhớ lại những người cha đã qua đời, mặc niệm và tế cúng. Tại các gia đình còn có cha già đang sống, họ cùng nhau trở về nhà, mở tiệc ăn mừng như trong dịp tết mẹ.

HUỆ BÌNH
Theo Người Lao Động
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x