Người Đồng Đội Cũ – Tác Giả 4nothing
Sau 4 năm chinh chiến, ngược hướng với đồng đội tiến sâu về phương Nam , nó lại lầm lũi ‘tự thân vận động’ hành quân ra Bắc tham gia khóa đào tạo tại Trường sĩ quan Pháo binh.
Vốn mọt sách từ hồi nhỏ, vớ được quyển “THUYỀN TRƯỞNG VÀ ĐẠI ÚY”, nó đọc ngấu nghiến và tâm đắc chép 1 câu ‘châm ngôn’ vào trang đầu cuốn Nhật ký: “NẾU CÓ THỂ, HÃY LÀ NGƯỜI GIỎI NHẤT”. (Khi ở lứa tuổi 20, thường vẫn có người ngây ngô theo đuổi những ‘vớ vấn’ như thế)
Tất cả các môn quân sự ‘khô như ngói’ đều được nó say mê học. Trong vai trò cán bộ lớp phụ trách mảng học tập, nó có điều kiện hiểu sâu thêm cả lý thí thuyết lẫn thực hành khi ‘kèm cặp’ các đồng đội học yếu. Hệ quả, các điểm thi của tất cả các môn đều cao chót vót, nó đỗ đầu khóa đào tạo 17, trở thành sĩ quan của QĐNDVN anh hùng.
Như bao thanh niên ‘vừa hồng vừa chuyên’ thời đó và lại là quân nhân, nó vui vẻ khoác ba lô nhận công tác tại Trung đoàn PB178 – QK3, đóng quân dưới chân núi Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương – nơi cụ Nguyễn Trãi lui về ở ẩn theo gót ông ngoại Trần Nguyên Đán cũng đã về lánh đời cuối thời Trần – nơi thủa đó còn rừng hoang vu, dân thưa thớt…
Ước mơ được tới Liên Xô luôn cháy bỏng, dù chẳng biết cửa nào để thực hiện, nó vẫn học Tiếng Nga . Trong mấy năm ở chốn ‘khỉ ho cò gáy’ , sau những giờ tập luyện cùng cán binh, gã sĩ quan trẻ gốc gác thủ đô lại châm ngọn đèn dầu, mở sách vở tự mày mò học Tiếng Nga – một mình. Muốn đến LX, không học tiếng Nga, làm sao có thể… lên đường?
Cơ hội đến bất ngờ.
Ngày 29/6/1946, Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam Hoàng Văn Thái đọc Quyết định thành lập Đoàn pháo binh Thủ đô.
Ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Binh chủng Pháo binh Anh hùng. Nhằm thiết thực kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống binh chủng, lần đầu tiên, Bộ tư lệnh PB tổ chức cuộc thi “Sĩ quan PB giỏi” từ cấp trung đoàn đến quân khu và toàn quân.
Viên trung úy Hà Nội đã đoạt giải nhất tại Trung đoàn PB178 rồi sau đó giành tiếp giải nhất trong cuộc thi “Sĩ quan pháo binh giỏi” tại QK3.
Tháng 6 năm 1981, trong cuộc thi toàn quân được tổ chức tại Trường SQPB, Đoàn tuyển thủ trường SQPB đoạt GIẢI NHẤT, Đoàn QK3 đoạt giải nhnhì; về cá nhân, viên trung úy QK3 chỉ kém trung úy Lê Đàn – người đoạt giải Nhất 1/2 điểm.
Thi tại trường SQPB nên giáo viên đoạt giải nhất cũng là điều dễ hiểu (?!)
Thế nhưng, may thay, cuộc thi đó còn có ‘giám khảo dự thính’ là các cố vấn quân sự Liên xô (sang VN sau khi ký hiệp ước hữu nghị Xô Việt 11/1978); chính họ đã đề nghị cho thằng đoạt giải nhì sang đào tạo tại Học viện Pháo Binh Kalinin (còn sĩ quan đoạt giải nhất lại yên vị công tác tiếp tại trường).
Không ngờ vốn Tiếng Nga tự học lại hữu dụng đến thế.
Nếu chỉ có vậy, hẳn ai cũng có thể rút ra kết luận: Nếu bạn cố gắng, bạn có thể tạo ra cơ hội cho mình.
Thế nhưng… Nỗ lực tột bậc để thực hiện giấc mơ bên chiến hào đâu phải cứ ‘muốn là được?
Ở đời còn có chữ rủi may, số phận, định mệnh – hay nói cách khác – TÂM LINH.
Để được tới Liên Xô, cái nôi của CMT10 và CNXH. . nó còn chày vảy chán; dưng may thay, nó nhận được sự trợ giúp kỳ lạ từ…Tâm linh.
Câu chuyện sau này từng bước thực hiện được ước mơ “tới những nước đã đem quân sang đánh nước mình như Pháp, Nhật, Mỹ, Tầu. Đến vương quốc mà “mặt trời không bao giờ lặn trên xứ sở” và đến được những nơi chỉ biết qua những trang sách”… cũng vậy.
Muốn biết TÂM LINH tác động đến số phận ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.
toẹt vời
Cám ơn anh đã viết câu chuyện này và tôi rất cảm động. Tôi có đọc những câu chuyện của lính miền nam và lính Mỹ. Đây là lần đầu tiên được nghe câu chuyện kể lại từ phía kia. Tôi rất ngưỡng mộ sự Dũng cảm tranh đấu của chiến sĩ phía Bắc vì phương diện vũ khí và trang bị không bằng phía nam mà phía Bắc hơn về phương diện quyết tâm. Tôi là người Hoa sanh trưởng ở Saigon và tiếp xúc ít với người Việt nên tiếng Việt tôi không biết nhiều. Tôi đã đi quân đội VN vài tháng hồi 1969. Sau đó tôi được đỗ Tú tài du học tại Mỹ. Tôi cầu anh và những chiến hữu của anh được nhiều sức khỏe, bình yên và hạnh phúc.