Người mẹ không đầu – Tác giả Góc Nhìn
Đây là tác phẩm đầu tiên sau gần 10 năm, đánh dấu sự trở lại của tác giả Góc Nhìn, tác giả truyện Ma/Kinh dị được nhiều người biết đến với các tác phẩm như: “Oan hồn trong xóm trọ”, “Những bóng ma trên đường Hoàng Hoa Thám”, “Nước mắt của yêu tinh”…
Đây là một câu chuyện có thật được viết lại, thực sự vô cùng đáng sợ
Người mẹ không đầu
Đây là câu chuyện được Góc Nhìn viết dựa trên một câu chuyện có thật (Dựa trên lời kể của bạn Sice 2011)
Công việc mới
Minh (nữ) nhận bằng đã được hơn một tháng nay rồi, khoa Giáo Dục Tiểu Học đại học SPTPHCM. Cô đã chính thức là cô giáo. Có điều, chưa có học sinh. Minh đã đi vài chỗ của Sài Gòn, nhưng về cơ bản, chỗ cô muốn làm thì họ không cần, trong khi những chỗ cần thì không có tương lai và trả lương quá bèo bọt. Dù sao cô cũng còn rất trẻ, bố mẹ thì vẫn gửi tiền đều đặn, có gì đâu mà lo. Thời gian này cô chăm chỉ tụ tập ăn uống, đi chơi… với bạn bè.
Rồi thời cơ cũng tới trong một lần tụ tập. Nhỏ em của người bạn của lão anh trai của cô bạn thân giới thiệu cho Minh một ông chú tên Chính, làm bên xuất nhập khẩu Sài Gòn, đang cần tìm gia sư ở lại nhà và chăm một đứa con gái 8 tuổi, thù lao rất khá.
Hôm sau gặp trao đổi công việc, hóa ra chú Chính nói tuyển ở Đà Lạt cơ, mà tuyển vú giữ thôi chứ không cần cô giáo. Chi tiết hơn thì chú này thường xuyên đi đi về về giữa Sài Gòn – Đà Lạt, do đó con gái chú cũng thường xuyên phải ở nhà một mình. Vì vậy chú muốn có một người ở với con gái chú, còn việc nhà thì có một bà giúp việc rồi. Khi biết Minh là cô giáo, chú Chính nói nếu cô chịu làm, ông sẽ trả luôn cả lương giáo viên cho cô nữa. Trao đổi về lương bổng thì thấy quá ổn, lại thích không khí ở Đà Lạt nên Minh nhận lời.
Vậy là Minh về phòng trọ chuẩn bị đồ đạc, vài hôm sau lên Đà Lạt cùng chú Chính. Chú Chính điều hành một công ty chuyên xuất khẩu thổ sản Đà Lạt nên thường xuyên đi đi về về giữa Sài Gòn – Đà Lạt.
Nhà chú Chính là một căn biệt thự bự “tổ chảng”. Minh được sắp xếp vào một phòng riêng đầy đủ tiện nghi. Bà giúp việc chỉ làm đến 4 giờ chiều thì về. Bé gái tên Ly, ngoan lắm, nhưng rất ít nói.
Sáng hôm sau chú Chính lại quay lại Sài Gòn, bé Ly thì đi học, ở nhà chỉ còn Minh và bà giúp việc, tên Len. Minh tham quan một lượt căn nhà rồi quay xuống bếp vừa nói chuyện vừa giúp bà Len nhặt rau. Bà Len cũng khá dễ gần, bà kể qua cho cô về căn nhà và gia đình này. Khi Minh hỏi má bé Ly đâu? Bà nói “bà chủ” bị trúng gió mất từ khi bé Ly chưa biết nói nên con bé chẳng có cảm giác gì về má. Nghe đến đây Minh bỗng thấy thương bé Ly quá. Má thì mất sớm, bố lại bận triền miên ít khi có nhà. Nhà thì giàu có thật đấy, nhưng một đứa bé mà không có được sự ấm cúng từ gia đình và tình yêu của ba má thì giàu có có ích gì đâu? Minh nhớ lại gia đình mình khi cô còn bé. Tuy bình thường thôi nhưng bữa cơm tối luôn có mặt đầy đủ các thành viên, mọi người quan tâm lẫn nhau, chuyện trò rôm rả. Còn bé Ly, buổi tối khi bà giúp việc đã về, bé lủi thủi một mình trong căn biệt thự thênh thang. Hoàn cảnh như vậy thì dù cho ở trong tòa lâu đài bằng vàng ròng của thần đèn cũng không thấy niềm vui. Hèn chi cô bé ít nói. Minh tự nhủ trong lòng, phải ráng làm tốt nhiệm vụ của mình để bù đắp được ít nào hay ít đó cho bé Ly.
Chợt như nhớ ra điều gì, bà Len nói với Minh:
– Ở trong nhà và sân trước thì con muốn làm gì làm, nhưng cái nhà kho ở sân sau thì con đừng vô nha, ông chủ rất không thích đâu!
Minh cũng thấy qua cái nhà kho đó rồi, nó hơi cũ và nhìn không có gì thu hút. Dù bà Len không dặn chắc cô cũng không vào đó làm gì.
Bé gái bình thản
Trưa bé Ly đi học về, cả ba người cùng ăn cơm. Trong bữa ăn Minh có hỏi qua về tình hình học tập, bạn bè trên lớp… của cô bé. Minh hỏi đến đâu bé nói đến đó, lễ phép ngoan ngoãn, nhưng không bao giờ bé chủ động nói trước. Minh nghĩ, có lẽ cô phải dùng “nghiệp vụ” sư phạm để giúp cô bé cởi mở hơn. Cô còn nhiều thời gian, tin rằng cô có thể lấy được niềm tin từ cô bé.
Ăn xong, bà Len dọn dẹp còn bé Ly về phòng. Minh cũng về phòng mình mở laptop online nhắn tin với bạn bè. Cô lục lại những tài liệu sư phạm hướng dẫn các phương pháp tiếp cận trẻ tự kỷ nhẹ rồi nghiên cứu sâu thêm. Dù thực tế, là một cô giáo tiểu học, cô đã học qua tất cả các phương pháp này, cũng đã áp dụng với nhiều bé trong thời kỳ làm gia sư sinh viên. Cô quyết định coi bé Ly là thử thách đầu tiên của một cô giáo, và nhất định phải “chinh phục thử thách” này một cách hoàn hảo. Nghĩ đến đây, Minh bỗng thấy phấn chấn.
Buổi tối, Minh nấu cơm dựa trên đồ bà Len mua và chế biến sẵn. Sau đó cô dọn dẹp rửa bát trong khi bé Ly ngồi chơi cùng đống đồ chơi ở phòng khách. Dọn xong cô quay ra phòng khách hỏi và hướng dẫn cô bé một chút về bài học, rồi ngồi ở ghế sofa chơi laptop. Còn bé Ly sau khi hoàn thành bài học thì xuống chơi tiếp hoặc đọc truyện. Khoảng gần 10 giờ Minh nhắc bé đánh răng rồi đưa bé về phòng ngủ, bảo bé lên giường và tắt đèn. Cô cũng về phòng riêng của mình. Nửa tiếng sau cô sang phòng bé kiểm tra, thấy bé đã ngủ say rồi. Cô nhẹ nhàng kéo tấm chăn mỏng đắp lên ngang ngực cho bé rồi về phòng.
Phòng khách nhà chú Chính rộng và sang trọng. Trong phòng có một bộ sofa đặt sát tường, với lớp thảm màu lông chuột êm như nhung phủ từ tận chân sofa đến sát sảnh. Đối diện sofa có một kệ sách lớn và một cái ghế bành, là vị trí ngồi ưa thích của chú Chính. Cạnh ghế bành có một chậu cây kim tiền. Điểm lạ duy nhất là phía trên sofa treo một bức ảnh (hoặc tranh), nhưng phủ khăn che lại. Minh nghĩ có lẽ là ảnh cưới. Không chịu nổi khi nhìn lại hạnh phúc ngày nào nhưng cũng không nỡ dỡ xuống, chú Chính đã che nó lại.
Sáng mai, Minh hẹn đồng hồ để sang phòng bé Ly gọi dậy đi học. Nhưng khi cô sang phòng cô bé, nó đã mặc xong quần áo đồng phục và sẵn sàng mọi thứ. Bà Len cũng đã đến từ sớm và chuẩn bị xong đồ ăn sáng cho cả hai. Trường bé Ly học chỉ cách nhà 300m, lại không phải băng qua đường lộ nên bé tự đi bộ đến trường.
Đã sáu ngày trôi qua. Mối quan hệ giữa Minh và bé Ly có cải thiện, nhưng không nhiều như cô mong đợi. Cô bé vẫn ít nói, tuy nhiên những câu trả lời của bé bắt đầu dài hơn, không còn “ngắn gọn súc tích”. Minh cũng tế nhị tránh hỏi nhiều về những đề tài bé không thích. Hình như ở lớp bé không có bạn nên không muốn trả lời về chuyện đó. Dù vậy Minh vẫn cố dò hỏi xem bé có phải là đối tượng bị bắt nạt không? Nhưng có vẻ không phải. Dần dần Minh hiểu ra, bé là một UFO (Vật thể lạ) chính hiệu trong lớp. Bé không nói chuyện với ai và cũng không bạn nào thực sự quan tâm đến bé.
Trong lúc tìm hiểu xem bé có bị bắt nạt hay không, bé kể bạn trong lớp thì không ai bắt nạt bé, nhưng đầu năm học mới, có một con bé lớp bên cạnh hay trêu bé là “con câm”. Ít ngày sau nó bị ngã gãy chân, từ đó mang cái chân bó bột to đùng lên trường nên chính nó mới là người bị trêu ghẹo.
Trong suốt thời gian này, chú Chính vẫn cứ đi đi về về Sài Gòn – Đà Lạt. Minh để ý, chú rất quan tâm đến Ly, hỏi han chiều chuộng bé mỗi khi ở nhà, mua cho bé nhiều đồ chơi, truyện tranh, quần áo đẹp. Tuy nhiên, đáp lại ba, cũng là thái độ ít nói như với mọi người. Cô bé làm bạn nhiều nhất với đám đồ chơi, trong đó có búp bê nhựa, gấu bông và một con lật đật Nga đắt tiền. Nhưng khác với trẻ con cùng lứa tuổi, cô bé chơi mà không nói. Nhìn bé bò trên thảm, tay chọc chọc đẩy ngã con lật đật trong im lặng, Minh vừa thấy thương vừa có chút gì cảm phục. Nhà người ta thường tìm mọi cách cho trẻ em yên lặng, nhưng ở bé Ly, im lặng luôn thừa thãi.
Bốn ngày nữa trôi qua. Dù đã vận dụng tất cả những kỹ năng sư phạm tốt nhất mà mình có, nhưng không có thêm bất cứ tiến triển nào trong mối quan hệ giữa Minh và bé Ly. Cô thực sự ngạc nhiên. Nếu theo đúng “bài”, thì một cô bé sống nội tâm như bé Ly, sẽ tâm sự rất nhiều với người mà bé tin tưởng. Minh đã thành công với tất cả các bé mà cô làm gia sư thời còn sinh viên, huống hồ bây giờ kỹ năng của cô cao hơn nhiều, lại còn tham khảo thêm rất nhiều tài liệu, kinh nghiệm quý giá từ các cộng đồng giáo viên tiểu học.
Minh đã làm tất cả những gì tốt nhất để lấy lòng bé Ly. Lẽ ra đến lúc này, cô bé phải tâm sự với cô rồi mới phải? Cô đã từng rất tự tin, nhưng bây giờ… Lẽ nào cô chỉ có thể làm đến đó? Minh không cam tâm, cô tự nhủ lòng phải cố gắng hơn nữa.
Công việc chăm sóc và tiếp xúc nhiều với bé Ly đã phát triển một tình cảm đặc biệt trong lòng Minh. Con bé dễ thương thực sự. Ngoài ngoan ngoãn lễ phép, sự ít nói của bé, dù là mục tiêu để Minh “tấn công”, nhưng cũng mang lại cảm giác thoải mái cho cô. Những bảo mẫu khác thường phải điên đầu trước sự hiếu động và cái mồm liến thoắng của lũ trẻ, đặc biệt là sự hống hách hỗn hào của các cậu ấm cô chiêu nhà giàu, nhưng Minh thì nhàn hạ. Bé Ly luôn biết phải làm gì, trước cả khi cô nghĩ đến chuyện nhắc bé. Có lúc, cô lại thầm cảm phục, vì sự tự giác của bé, đến tận thời học trung học cô cũng chưa bằng. Một cô bé mới 8 tuổi, nhà giàu, được bố nuông chiều, lại có ý thức của người trưởng thành, và không bao giờ làm phiền người khác. Lạ lắm thay!
Nhiều lúc Minh tự hỏi, cô ở đây làm gì? Chẳng có việc gì cho cô làm cả. Mọi thứ trong nhà này đều vận hành đúng, cô hình như luôn đi sau một bước. Buổi sáng khi cô ngủ dậy thì bà Len đã chuẩn bị xong đồ ăn sáng, bé Ly sẵn sàng đi học. Buổi trưa bà Len nấu nướng, ăn xong thì bà dọn dẹp rửa bát. Buổi tối cô chỉ phải nấu một chút cho hai người, nhưng mọi thứ cũng được bà Len chuẩn bị sẵn hết rồi, bếp thì rất tiện nghi, thành ra việc nấu ăn này còn nhàn gấp mấy lần tự cô nấu ở nhà trọ cho bản thân. Việc giảng bài cho bé Ly không thực sự cần thiết, vì cô bé thông minh và tự giác, bé vẫn hiểu bài không cần sự trợ giúp của Minh. Ấy vậy mà Minh nhận mức lương cao hơn cả giáo viên có kinh nghiệm!!!
Trưa hôm đó lúc Minh đang đứng trước cổng nhà hóng gió thì thấy từ xa, bé Ly ngồi trên xe máy của một người phụ nữ. Người phụ nữ này đưa bé Ly đến cổng thì giới thiệu là cô giáo chủ nhiệp lớp 1 của bé, tiện đường nên chở bé về. Thấy cô đồng nghiệp lớn tuổi hơn, lại từng dạy bé Ly hẳn một năm, Minh mới giới thiệu bản thân rồi mời cô vào nhà chơi. Cô giáo, tên Nhuận, đưa đồng hồ lên xem giờ rồi cũng vui vẻ vào nhà.
Minh mời cô giáo ngồi rồi pha trà mời. Nói chuyện hóa ra cả hai người học chung trường đại học, cách nhau 10 năm nên tỏ ra khá ăn ý. Sau một vài câu chuyện chung về mái trường cả hai từng học, Minh mới hỏi cô Nhuận về bé Ly trên lớp như thế nào?
Cô Nhuận trả lời, bé Ly ngoan lắm, ngoan nhất lớp luôn. Lại tiếp thu nhanh, học tốt, nghe lời cô giáo. Vấn đề duy nhất của cô bé, cũng là quá ngoan, đến mức tự kỷ. Trong lớp bé không chơi với ai và cũng không nói chuyện với ai bao giờ, luôn lặng lẽ một mình tại bàn học. Giờ ra chơi bé cũng không ra ngoài, thường ngồi tại chỗ đọc truyện tranh, hoặc ngồi im. Các học sinh khác nếu ngồi tại chỗ thường tỏ ra mệt hay buồn ngủ, nhưng cô thì chưa từng thấy bé Ly như vậy. Bé ngồi một chỗ, nhưng khuôn mặt bình thản, với cái dáng vẻ “mọi thứ đều ổn” đã trở thành “thương hiệu” mà cô chưa thấy ở học sinh nào khác.
Gần như không có học sinh nào tương tác với Ly cả. Trong lớp có một học sinh cá biệt, quý tử của một cán bộ cấp cao thành phố, rất ngang bướng và làm cô giáo phải đau đầu. Em này lúc đầu mượn truyện tranh của Ly rồi làm mất, Ly cũng không đòi hay trách, vẫn bình thản như mọi khi. Nhưng bạn kia lại đùa dai, hay trêu chọc Ly, có lúc nói những câu quá đáng. Ly không đáp lại trêu chọc của bạn cũng không tỏ ra quan tâm, nhưng nhiều học sinh khác không thích cậu ta nên mách lại với cô giáo. Khi cô chưa kịp gặp nói chuyện thì cậu ta ốm nặng nằm liệt giường. Hai tuần sau cậu ta khỏi bệnh, bỗng chủ động gặp Ly xin lỗi, trước con mắt của rất nhiều bạn. Sau đó còn mua lại cuốn truyện khác đền cho Ly. Bạn trai từ đó hiền như bụt, không còn ngỗ ngược quậy phá nữa, nhưng học hành cũng sa sút. Cô Nhuận nói, đó là sự kiện duy nhất đáng nhớ với Ly, còn lại cô bé lúc nào cũng như lúc nào, một màu bình thản.
Tiễn cô Nhuận về xong Minh vào giúp bà Len dọn cơm. Nghe cô Nhuận kể chuyện, cô lại thêm một lần nữa quý mến bé Ly hơn. Cô thực sự ấn tượng với tính cách của cô bé. Mục đích ban đầu của cô là giúp Ly cởi mở hơn, nói nhiều hơn, hoạt bát hơn, nhưng, hình như, cô đang dần trở thành “fan” của cô bé. Sự chững chạc đến phi thường của đứa bé mới 8 tuổi đầu khiến Minh phải nghiêng mình. Cô bé như là ví dụ cho câu “Thái Sơn đổ trước mặt không biến sắc”. Có lúc Minh bỗng khao khát có được sự bình thản khoan thai của cô bé. Cô tưởng tượng, trước mặt mình là một con mụ đang tru tréo chửi rủa, còn cô vẫn thờ ơ không để ý, trong sự thán phục của mọi người. Ngầu thật! Tất nhiên trong thực tế có khi Minh đã sẵn quần chỉ mặt chửi lộn rồi. Bằng này tuổi đầu nhưng sự bốc đồng trong cô vẫn còn lớn lắm.
Mộng du
Hơn 12 giờ khuya rồi. Giờ này lẽ ra Minh đã ngủ. Nhưng cô không ngủ được. Ngoài trời mưa to. Người ta nói đúng đấy, Đà Lạt mà mưa thì buồn vô hạn. Tiếng mưa rơi lách tách khiến Minh nhớ Sài Gòn, nhớ bạn bè quá. Gần hai tuần rồi cuộc sống của cô trôi qua khá tẻ nhạt, dù dễ chịu. Cô nhớ cái ồn ào ô nhiễm, nhớ cảm giác tắc đường, tiếng hàng rong, quán xá… của Sài Gòn.
Thao thức mãi, có lẽ hơn 1 giờ sáng rồi. Mưa vẫn không ngớt. Lần đầu tiên kể từ khi đến đây, cô thấy Đà Lạt mưa lâu và to như vậy. Đầu óc cô cứ miên man nhớ về Sài Gòn, bạn bè…
Bỗng Minh nghe có tiếng động ở bên ngoài. Tiếng động lặp lại khiến cô chú ý. Minh ngồi dậy, cô phải sang xem bé Ly có sốt ho hay gặp vấn đề gì không. Cô mở cửa nhìn ra và giật thót mình khi thấy có bóng người đang chuyển động ở phòng khách. Định thần lại, Minh nhận ra đó là bé Ly. Trời đất ơi, không phải bé Ly thì chắc Minh ngất mất. Cô vừa đi lại phía cô bé vừa quan sát. Những gì cô thấy khiến cô rụng rời…
Giữa phòng khách, bé Ly đang múa hát. Tiếng hát lào xào Minh nghe không rõ, nhưng động tác múa thì rõ lắm, như múa Ba Lê, rất nhuần nhuyễn. Chưa ai nói với Minh cô bé từng học múa cả, đã thế lại còn hát? Nhưng những cái đó không lạ bằng việc hơn 1 giờ sáng bé ra đây múa hát? Có lẽ bé bị mộng du rồi.
Cô lại gần lay người Ly. Cô bé giật mình như vừa tỉnh mộng rồi đi thẳng về phòng ngủ. Minh theo sau, thấy phòng cô bé không bật đèn. Vậy là vừa nãy bé mò mẫm trong bóng tối ra đây? Cô hé cửa nhìn vào trong, ánh đèn yếu ớt của chiếc đèn tường ngoài phòng khách hắt vào giúp cô thấy bé đã lên giường nằm ngay ngắn rồi. Phòng có đèn ngủ, nhưng bé không bao giờ bật. Minh trở về phòng, cô bật điện thoại xem thì lúc này là 2 giờ kém rồi.
Chuyện xảy ra khiến Minh hơi sợ. Cô trằn trọc suy nghĩ. Cô biết mộng du là một dạng bệnh lý, nhưng cô thấy sợ những người mộng du, cứ như bị ma làm. Thái độ của Ly cũng làm Minh sợ. Lẽ thường nếu mộng du thức dậy ở một nơi khác giường ngủ, cô bé phải hỏi, phải thắc mắc. Nhưng nó không nói gì, không biểu hiện gì, như thể nó đã quen với việc này, chỉ khác là lần này bị bắt gặp. Đây cũng là lần đầu tiên Minh thấy cô bé giật mình, khi cô lay bé. Suy nghĩ mãi rồi cô chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Sáng mai khi bé Ly đã đi học, Minh hỏi bà Len cô bé đã từng học múa hay hát bao giờ chưa? Bà Len nói bà chưa nghe đến chuyện ấy bao giờ. Không biết sau 4 giờ bà về rồi thì sao, chứ khi bà còn ở đây, chưa bao giờ thấy nó múa. Còn hát, nghe giọng nó lúc bình thường đã hiếm rồi lấy đâu ra hát? Nó từng học múa hay không thì bà không rõ, có thể ở lớp mẫu giáo được các cô dạy rồi. Minh cũng nghĩ đến trường hợp đó. Trẻ đi mẫu giáo được cô dạy múa là bình thường. Chỉ là, cô thấy lạ, với tính cách của bé Ly, thì có lẽ không dễ để bắt nó học múa. Nếu cô giáo mẫu giáo dạy múa được cho Ly, thì Minh nể cô thực sự, cô đó hẳn trên tài Minh một bậc.
Minh gạt chuyện đó đi và tiếp tục công việc thường ngày. Cô chat chít nhắn tin với bạn bè để khỏi phải nghĩ về chuyện đó nữa.
Ngày hôm đó mọi chuyện xảy ra như những ngày trước, rồi Minh cũng quên đi vụ mộng du của bé Ly. Thực ra bạn bè cô cũng không ít người bị như vậy, chúng nó còn mang lên trường kể như trò đùa. Cái cô tò mò ở đây là những động tác múa nhuần nhuyễn, hay là nghe hát từ cô bé ít nói như Ly.
Cho bé Ly đi ngủ xong Minh lại về phòng, cô mở laptop lên chơi rồi ngủ gật lúc nào không hay.
Âm thanh báo pin yếu của laptop đánh thức Minh. Cô ngủ quên đã 2 tiếng rồi, laptop vẫn hoạt động. Cô ngáp dài, gập laptop lại loay hoay cắm sạc. Minh vươn tay định tắt đèn, thì một âm thanh khác phát ra từ phía phòng khách khiến cô để ý. Gần như đoán ra vấn đề, một cảm giác rợn người chạy dọc sống lưng Minh. Cô nín thở lắng nghe.
Đúng vậy, thứ âm thanh sền sệt nhẹ như tiếng chân di trên vải phát ra đều đặn từ phòng khách, kèm theo tiếng người, nhưng lúc có lúc không. Minh biết chắc chuyện gì xảy ra rồi. Mồ hôi cô túa ra nhưng người thì lạnh run rẩy, cô tiến lại mở cửa phòng.
Bé Ly đang say sưa múa hát giữa phòng khách, nhưng vũ điệu tựa hôm qua. Minh không thể nghe ra bé hát gì, nhưng cô cũng không quan tâm, cô muốn chấm dứt tình trạng này càng sớm càng tốt.
Minh đi nhanh về phía bé Ly, cô vấp phải cái ghế bành khiến nó phát ra tiếng động to. Bé Ly giật mình quay lại nhìn Minh, rồi không nói không rằng chạy về phòng ngủ. Minh không kiểm tra phòng bé nữa, cô cũng về phòng mình.
Đến nước này Minh không thể không nghĩ nữa. Rõ ràng con bé có vấn đề về tâm lý hoặc sức khỏe. Cô rất lo, không biết nó bị thế từ trước hay nay mới bị. Nếu nó mới bị thì mệt, vì như thế tức là nó mới đổ bệnh. Còn nếu nó có tiền sử mộng du lâu năm rồi thì đỡ hơn, vì đã có quá trình rồi chứ không phải mới nhiễm bệnh. Ngày mai cô phải nói rõ chuyện này với chú Chính.
Nằm trằn trọc mãi không ngủ được, Minh lại ngồi dậy mở laptop tra mạng tìm hiểu về chuyện mộng du. Ồ, ra trường hợp của bé Ly cũng không đáng sợ như cô nghĩ. Khắp thế giới có rất rất nhiều người bị mộng du, họ còn nặng hơn bé Ly nhiều. Có người ra tận sông đi tắm, vật nhau với người khác, thậm chí nấu những món ăn phức tạp… Càng đọc Minh càng thấy đỡ sợ hơn. Đúng là có “ánh sáng khoa học” thì mọi chuyện đều không còn bí hiểm. Vậy thì cô có thể chưa gọi cho chú Chính vội, và quan sát tìm hiểu thêm đã. Cảm thấy nhẹ lòng, Minh chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Ngày mai Minh không nhắc gì đến chuyện mộng du của bé Ly. Một ngày yên ả trôi qua. Tối đó cô cố thức khuya để theo dõi, nhưng không có gì xảy ra, và cô ngủ quên mất.
Cô tỉnh dậy sáng khoái trong người. Ra khỏi phòng, cô thấy bà Len đang chuẩn bị hoa để cúng rằm. Lúc này Minh mới để ý hôm nay là 14 âm lịch rồi. Một ngày dễ chịu nữa trôi qua. Tranh thủ lúc bé Ly đi học, cô đi lòng vòng khu vực gần nhà thăm thú. Đà Lạt quả là thiên đường hoa và nông sản. Ngày cận rằm, thị trường lại càng nhộn nhịp với muôn hoa khoe sắc muôn quả khoe hương. Ngắm cảnh đẹp lòng cô thấy thoải mái, gần như không còn nghĩ gì đến chuyện mộng du của bé Ly nữa. Minh tự thưởng cho mình một tách cà phê ngay bờ hồ Xuân Hương. Tối đó về cô ngủ rất ngon.
Nhưng cô bị đánh thức bởi tiếng người nói chuyện!!!
Khi còn mơ màng, cô nghe thấy tiếng hai người đang thì thào. Tuy nhiên lúc tỉnh táo hẳn, cô chỉ còn nghe thấy giọng một người.
Chắc chắn cô biết người này. Bởi đó là giọng bé Ly!
Giọng nhỏ, phát ra từ phía phòng khách, nhưng đêm khuya yên tĩnh, Minh vẫn nghe thấy được. Có mấy câu cô nghe rõ: “Dạ”, “Vâng ạ”, “Con biết rồi ạ”… Nghe như thể có ai đó đang dặn dò Ly và cô bé trả lời. Thế nhưng Minh lắng tai kỹ đến đâu cũng chỉ nghe thấy giọng mình bé Ly. Nỗi sợ hãi lại từ đâu xâm chiếm khiến lông tóc cô dựng ngược cả lên. Minh bấm vào chiếc điện thoại bên cạnh: Hai giờ sáng.
Thu hết can đảm, Minh đứng dậy, mở cửa thật nhẹ đi ra ngoài. Dưới ánh đèn lờ mờ, cảnh nhìn thấy lại một lần nữa khiến cô lạnh gáy.
Giữa phòng khách, dưới tấm thảm, bé Ly đang ngồi vừa ôm con gấu bông vừa đong đưa vui vẻ và đang nói chuyện một mình. Nếu là một đứa trẻ bình thường, nếu bây giờ là 2 giờ chiều, thì việc một đứa bé chơi đồ chơi và tưởng tượng nói chuyện với người khác, là chuyện rất bình thường.
Nhưng bây giờ là 2 giờ sáng, và cô bé kia là bé Ly, bé gái “không có gì ngoài im lặng”.
Không để nỗi sợ phát triển thêm nữa, Minh gọi to, như thể hi vọng tiếng nói giúp mình thêm dũng cảm: “Con đang nói chuyện với ai đấy?”.
Dưới tấm thảm, bé Ly giật thót mình, quay ngoắt đầu lại nhìn Minh. Bé vứt vội con gấu bông xuống thảm rồi đứng lên, như hai lần trước, bước thẳng về phòng ngủ. Minh định vào xem phòng bé, nhưng lần này cô sợ thực sự, cô cũng lẩn nhanh về phòng mình.
Lên giường, cô không dám tắt đèn, chui vào chăn nằm suy nghĩ.
Nếu hai lần trước bé Ly chỉ tự hành động một mình, múa hát…, lần này bé cư xử như thể trong phòng khách còn một người khác nữa. Điều này mang đến cho Minh cả một thiên hà tưởng tượng. Ôi trời đất ơi, bao nhiêu chuyện ma cô đã nghe thấy từ bé đến giờ bỗng dồn dập tấn công trí óc cô. Lúc này cô tưởng tượng bé Ly nói chuyện với một người đàn bà áo trắng tóc xõa dài đến chân, lúc kia lại nghĩ đó là hồn ma treo cổ với đôi mắt trắng dã, ngồi đối diện Ly với cái cổ vẫn tròng trong thòng lọng, hay một người không có mắt mũi miệng vân vân và vân vân. Mỗi lần cô lại hình dung ra một nhân vật nào đó trong truyện ma mà cô từng nghe hay đọc, đang ngồi nói chuyện với bé Ly.
Nghĩ lại tỉnh táo hơn, Minh thấy, bé Ly rõ ràng có biểu hiện của người tâm thần. Đúng vậy, chuyện người tâm thần tự nói chuyện nó là quá bình thường, là con người chắc ai ai cũng gặp rồi. Nhưng dù là gì đi nữa, Minh vẫn rất sợ. Minh hạ quyết tâm, ngày mai, chắc chắn cô phải gọi điện để thông báo tình hình và hỏi rõ chú Chính. Lúc này, cô lại nảy ra một suy luận khác nữa.
Mắc mớ gì chú Chính phải trả cả lương giáo viên cho cô, trong khi ban đầu chú không hề tuyển gia sư cho con? Cho dù chú muốn tuyển bảo mẫu, thì sao không tuyển ở Đà Lạt cho gần và tiện? Nhận một người tận Sài Gòn cách hơn 300km, lại trả thêm cả lương giáo viên? Trong khi mình mức lương bảo mẫu cũng đã rất cao rồi? Càng nghĩ Minh càng thấy có vấn đề. Chắc chắc phải có gì đó chú Chính mới chịu tốn kém như thế. Có thể là, vì biết con mình có vấn đề về tâm lý nên chú mới phải đầu tư đến vậy? Nhưng nếu như vậy sao không nói ngay từ đầu với Minh? Nếu con bé có vấn đề về tâm lý và ngay từ đầu chú Chính giải thích rõ, thì cô cũng không sợ đến vậy đâu. Một đống suy nghĩ như tơ vò quấn lấy cô.
Bỗng như có ai sai khiến, Minh đẩy chăn ra đứng dậy, mở cửa bước ra phòng khách, đến bộ ghế sofa nhìn vào bức tranh phủ vải. Cô cứ nhìn như vậy hồi lâu, như thể đó là câu trả lời cho mọi chuyện.
Tấm vải bất ngờ rớt xuống. Minh hét lên!!!
Trên bức ảnh, là chú Chính, trong trang phục chú rể, đang ôm eo cô dâu tình tứ. Cô dâu xúng xính trong bộ áo dài truyền thống cũng bám nhẹ vào áo chồng mình như điểm tựa. Chỉ có điều…
Cô dâu không có đầu!!!
Cổ áo cô dâu là máu, đậm đặc. Áo cả cô dâu và chú rể loang lổ máu!
Minh bật dậy, mồ hôi ra ướt áo. Ôi ông bà thổ địa ơi, hóa ra cô vừa nằm mơ. Giấc mơ vừa quái gở vừa kinh dị. Đèn phòng vẫn sáng, cô đã ngủ quên trong lúc suy nghĩ… Nhưng cô cảm nhận, mọi thứ giống thật vô cùng. Cảm giác bước ra khỏi cửa, đi trên tấm thảm… tất cả đều y như thật.
Nước mắt lưng tròng, Minh cố gạt bỏ chuyện vừa rồi ra khỏi đầu. Cô lấy laptop ra ngồi lướt mạng đến tận lúc gà gáy và trời sáng mới chui vào chăn ngủ.
Còn tiếp. Đón đọc phần sau để xem người nói chuyện giữa đêm với bé Ly là ai, chú Chính rốt cục có bí mật gì ghê gớm giấu trong nhà kho? Bức ảnh phủ vải trên tường có cái gì? Và còn rất nhiều bí ẩn đang cần Minh khám phá.
Moé
Truyện hay
Create good story!