Nhà vệ sinh trường nào cũng có ma – Tác Giả Minh Minh
Chương 2
– May là không sao! – cậu tôi thở phào nhẹ nhõm – Nhưng bác sĩ nói chắc bảy ngày sau mới tỉnh được!
Tôi nhìn như thôi miên qua tấm kính của phòng hồi sức. Cha mẹ đang nằm đó, trông có lẽ sẽ là bình yên nếu như nơi đây không phải bệnh viện.
Chuyện này do ai gây ra? Tôi có cảm giác không phải là sự tình cờ…
– Cháu sẽ phải tự lo trong một thời gian đấy! – cậu vỗ vai tôi – Cần gì gọi qua cậu nhé!
– Vâng ạ! – tôi gật đầu.
Mệt mỏi ngồi xuống hàng ghế đối diện phòng hồi sức, tôi lấy hai tay ôm đầu, cố tập trung suy nghĩ. Ngày mai lớp tôi vẫn phải đến trường để chào đón một nhân vật quan trọng – trích lời lớp trưởng. Bọn ma quỉ kia vẫn đang nghênh ngang đi trong trường, không phải sợ bất kỳ ai. Mặc dù đã có cách để bảo vệ bọn-thiểu-năng đó nhưng để thực hiện cũng không phải dễ.
Lấy chiếc điện thoại từ trong túi áo ra, tôi bấm số gọi cho một người quen.
– Anh Lộc phải không ạ? – tôi nói, giọng khá thản nhiên – Cho em đặt làm ba mươi sợi dây chuyền đi!
Anh Lộc vốn là chủ cửa hàng trang sức. Chúng tôi quen nhau trong dịp tôi đi mua một số “dây nhợ – vòng vèo” tặng giáo viên nhân dịp 20 – 11. Mặc dù lâu quá không liên lạc nhưng khi nghe giọng, anh ta vẫn nhận ra tôi.
– Kiểu thế nào cậu bé? – anh ta cười sảng khoái – Dạo này thế nào rồi?
– Cũng ổn ạ! – tôi trả lời – Lấy loại dây nhựa ấy, mặt dây làm cho em một khối pha lê lục giác đều rỗng ruột nhé!
– Khi nào em cần?
– Càng sớm càng tốt!
Tôi cúp máy, khẽ thở dài. Xem như sự an toàn của lớp tôi đã được đảm bảo một nửa!
Mặc dù thông báo từ ban giám hiệu là hôm nay nghỉ học nhưng lớp tôi cùng toàn bộ ban cán sự các lớp khác vẫn có mặt từ rất sớm. Bọn họ đứng trước cửa phòng học, nói chuyện, cười đùa ầm ĩ dù cho ám ảnh về bọn ma quỷ vẫn chưa kịp nguôi.
– Các bạn xếp hàng lại nào! – thằng lớp trưởng dõng dạc ra lệnh.
Ngay lập tức, từ trai đến gái, từ “nội thần” đến “ngoại bang” đứng nghiêm túc thành vài hàng ngang, mặt hớn hở như con nít chờ quà.
Dĩ nhiên tôi không nằm trong đám “nhí nhảnh quá mức” đó! Làm sao có thể vui khi cha mẹ tôi còn đang nằm trong bệnh viện, vả lại, sự kiện bọn chúng đang chào đón lại là việc tôi không hề thích.
Có tiếng người cuối hành lang bên kia, rồi đột nhiên, hai người đàn ông cao lớn, mặc vest đen xuất hiện!
– Đến kìa! – bọn con gái lao nhao.
Trái hẳn với tưởng tượng của những kẻ không-hiểu-chuyện-gì-đang-xảy-ra, xuất hiện giữa hai “lực sĩ” đó không phải là một “lực sĩ” khác mà là một con bé lùn tịt, tóc cắt ngắn, úp vào trong như mũ nấm. Nó dặn hai người đàn ông điều gì đó rồi sải những bước dài và nhanh đến chỗ chúng tôi.
Đó là bí lớp thư tôi, chính xác hơn là thủ-lĩnh-thiểu-năng-hội. Nếu xét về độ nổi tiếng thì có lẽ nó chỉ đứng sau mỗi tôi bởi khả năng lãnh đạo và pha trò rất giỏi.
Nhưng thật không công bằng – theo bọn lớp tôi nhận xét – khi trời cho nó tài thì lại lấy đi sức khoẻ của nó. Một năm học chín tháng thì nó đã phải nghỉ hết bốn tháng để đi chữa bệnh. Những ngày nó đi học lại thật căng thẳng bởi sự dồn dập của tất cả các bài kiểm tra nó đã thiếu. Cả lớp tôi vừa học vừa nhìn thấy cảnh nó cắm cúi làm bài, đứa nào cũng xót!
Chờ cho nó đến gần, thằng lớp trưởng đứng đầu hàng ngang bắt nhịp dõng dạc:
– Hai… Ba… !
Thoạt đầu, tôi cứ tưởng sẽ là một tràng vỗ tay hay chí ít cũng phải vài câu chào mừng xôm tụ nhưng khi được tận mắt chứng kiến “màn biểu diễn” vô cùng ấn tượng của bọn thiểu năng đó thì đến tôi cũng cúi đầu bái phục. Hơn hai mươi tám cái miệng – tính cả cốt cán lớp khác – đồng thanh “hót” lên:
– Tình cha ấm áp như vầng thái dương…
Trong cuộc đời tôi chưa từng thấy ý tưởng chào đón nào độc đáo và… thuộc loại “tâm thần nặng” như thế. Nếu không vì tôi đang ở thế bị “cô lập” thì chắc chắn bọn chúng đã bị cười nhạo lâu lắm rồi.
Con bí thư lại chẳng hề tỏ thái độ nhạo báng màn văn nghệ vừa rồi. Nó chỉ cười và lịch sự vỗ tay.
– Cảm ơn mọi người! – nó nói.
Do quá vui mừng, bọn con gái chưa kịp hoàn thành xong bài hát đã vội chạy ào tới ôm chầm lấy nó. Đứa nào đứa nấy mừng ra mặt.
– Hội trưởng về rồi!
– Nhớ bí quá!
Sau một hồi “bày tỏ tình cảm” thắm thiết (sến thì đúng hơn), tất cả chúng tôi kéo nhau vào lớp, cẩn thận đóng cửa lại để trốn bọn ma quỷ mặc dù biết cách đó chẳng có tác dụng gì.
Bàn ghế được dọn sạch sang hai bên lớp từ hôm qua vô tình trở thành nơi thuận lợi để đám lố nhố tổ chức họp mặt. Không thức ăn, nước uống, không hò hét, cười đùa, bọn chúng-trừ tôi-chỉ dám nói khẽ với nhau. Nó ngồi giữa, miệng không ngớt trả lời những câu hỏi do bọn cùng lớp đặt ra. Thỉnh thoảng có thằng cười phá lên nhưng rồi lại im ngay.
Trong cái khung cảnh đầm ấm hệt một gia đình đang đoàn tụ ấy, tôi bỗng trở thành kẻ dư thừa. Không phải vì tôi ngại hay ít nói, lý do duy nhất tôi giữ gương mặt lầm lì chính là con bé đó. Lần đầu tiên gặp mặt, chúng tôi đã gây nhau. Hôm đó khai giảng, không biết nó đi đứng thế nào mà đâm ngay vào xe tôi ngay cổng trường. Đáng ra, theo tính nết của một đứa con gái, nó phải rối rít xin lỗi mới đúng, đằng này lại quay sang mắng tôi không tiếc lời. Ngày đó, nếu không phải là giữa chốn đông người thì chắc chắn nó đã chẳng thể dự lễ khai giảng được rồi. Và hình như mâu thuẫn đó cũng bắt đầu cho một mối quan hệ chẳng mấy tốt đẹp. Cái lớp học nhỏ với chẵn ba mươi “nhân khẩu” lúc nào cũng bị xáo xào lên bởi những trận cãi nhau nảy lửa giữa tôi và nó.
– Tập trung lại đây! – tôi cắt ngang cuộc trò chuyện.
Tất cả bọn chúng im bặt trong vài giây trước khi lào xào đứng lên xúm lại chỗ tôi ngồi.
– Mỗi đứa lấy một cái! Nữ trước nam sau! – tôi đổ mớ dây đã đặt hôm qua lên bàn.
Theo lệnh tôi, bọn chúng thứ tự xếp hàng. Đứa nào đứa nấy hớn hở như được quà.
– Đẹp quá! – nó trầm trồ – Nhưng để làm gì vậy!
Không trả lời, tôi lạnh lùng đưa cây kéo lên cắt một lọn tóc nhỏ trên cái đầu nấm của nó rồi bỏ vào phần rỗng ruột trong khối pha lê.
– Cho xin một giọt máu! – tôi đưa lưỡi dao rọc giấy và mặt dây cho nó.
– Má..á..u…h..ả? – nó tái mặt khi nghe đến máu.
Củng phải thôi, quanh năm sống trong bệnh viện, mùi hoá chất và máu chắc đã ám ảnh nó lắm rồi. Vậy thì sao chứ? Đó là kẻ thù của tôi mà.
– Ừ! – tôi tỉnh bơ – Nhanh lên!
Mũi dao theo sự sợ hãi của nó run lên bần bật trước khi đâm vào lớp da xanh xao do thuốc men của con bé. Nó nhăn mặt nhìn giọt máu chảy dọc theo ngón tay và rơi xuống mớ tóc ban nãy.
– Được rồi! – tôi ghép khối pha lê lại – Đeo vào nếu không muốn bị ma đuổi sau lưng!
Việc phát “bùa chú” thật mệt mỏi đối với bọn con gái, chúng cứ la í oái mỗi khi con dao đến tay một đứa trong đám. Phải mất hơn một tiếng đồng hồ, nam sinh lớp tôi mới có thể lấy được “bùa hộ mạng”. Tôi ngồi đó, đưa mắt nhìn đám bạn hạnh phúc với món quà có sức mạnh kia và rồi rất vô thức cất một tiếng thở dài.
– Cha mẹ đã đỡ hơn chưa? – con bí thư đáng ghét đó len qua đám đông, đến gần chỗ tôi – Đừng hỏi sao mình biết!
– Không cần mi quan tâm!
Tôi gạt bỏ lời hỏi han nhẹ-nhàng-hiếm-có ấy đi, thô lỗ xách balô đi ra cửa.
– Pháp sư về hả? – hết thảy mọi người trong phòng quay sang hỏi.
– Ừ!
Vốn đã định đi thẳng về, nhưng không hiểu sao tôi lại ở cửa, ló đầu gọi con bí thư.
– Chào mừng về nhà! – tôi nói, giọng rất vô cảm.
– Cảm ơn!
[….]
Y như một cơn sốt thời trang, ngay sau khi lớp tôi đồng loạt đeo sợi dây chuyền tôi đã phát thì các lớp khác cũng bắt đầu đặt làm theo. Và chỉ trong vòng một ngày, toàn thể học sinh của trường đã “tiếp nhận” thêm một phụ kiện mới đi kèm với đồng phục thường ngày.
Nhưng khổ nỗi thứ bùa chú đó chỉ có tác dụng bảo vệ (khổ) chủ của nó chứ hoàn toàn chẳng khiến bọn ma biến khỏi trường được.
Chưa bao giờ – ngay cả trong các phim kinh dị học sinh các lớp lại bị ám “toàn phần” như thế. Ma xuất hiện khắp mọi nơi, không ngại sáng hay tối và tỏ thái độ vô cùng khiêu khích. Ai lại có thể tin được trong giờ học, khi mà giáo viên giảng bài phía trên bục giảng thì ở cuối lớp, một thằng nhóc mình trần, da đen thủi và tay chân teo tóp hệt bị suy dinh dưỡng rất thản nhiên ngồi xổm, đưa cặp mắt đỏ tươi nhìn lên đám con gái đang co rúm lại vì sợ. Hay lúc kiểm tra, bọn học sinh chúng tôi không tài nào tập trung được bởi cái bóng ma của một người đàn bà với tóc đen dài rũ rượi và bộ đầm trắng cứ bò qua lại trên trần nhà, lâu lâu lại rú những tràng cười man rợ!
Mặc dù chẳng con ma nào lại gần được chúng tôi nhưng chỉ cần thấy bộ mặt gớm ghiếc cùng dáng đi xiêu vẹo theo kiểu “ta là ma đây” thì đến người lớn – cỡ thầy hiệu phó – cũng phải rùng mình.
Giờ ra chơi hôm ấy – tức là ngày thứ sáu kể từ lúc trường tôi phải gánh đại hoạ ma quỷ (hoàn toàn được hiểu theo nghĩa đen) – bọn bí thư không biết ở đâu tập trung trước cửa lớp tôi rất đông.
– Pháp sư ơi, có người kiếm kìa! – thằng lớp trưởng ló đầu vào lớp, hò hét như có… ma (chẳng biết tự bao giờ, từ “ma” đã trở thành cấm kị!)
Trong khi tôi chưa kịp nhấc mình khỏi ghế thì con hội trưởng thiểu năng đã xông xáo chạy ra theo kiểu rất “thiếu đầu óc”, miệng chào liến thoắng.
– Mời bạn xích ra ha! – tôi thô bạo đẩy nó sang một bên – Các bạn đây tìm mình mà!
Bị xua đuổi như thế nhưng nó vẫn tiếp tục nói không ngừng với bọn “đồng cấp” kia thêm một lát nữa trước khi nhún nhảy đi vào lớp.
– Vẫn vui tính như thế! – một anh lớp 12 vừa cười vừa lắc đầu.
– Bệnh thì có! – tôi bĩu môi khinh bỉ.
Sau một hồi chào hỏi, tôi nhận ra họ đến để xin một câu trả lời cho tương lai của trường. Thật khó xử bởi chính tôi cũng chưa tìm ra cách nào tốt hơn là trực tiếp đến cái nhà vệ sinh ấy để tìm ra sự thật. Nhưng đó là phương án cuối cùng bởi nó rất nguy hiểm.
– Hãy cứ thử đi!
Giọng nói tự tin pha lẫn chút “không bình thường” vang lên ngay sau lưng tôi. Chẳng cần quay đầu lại cũng đủ biết kẻ đó là ai.
– Đã không sống khoẻ nổi mà còn muốn thử sức à?
– Nhưng nếu không làm vậy thì biết chừng nào mới thoát được? – nó nắm bàn tay lại, ra vẻ rất cương quyết – Mình sẽ đi tiên phong!
– Anh đi nữa! – thêm mấy ông anh cuối cấp hưởng ứng.
Trước tình thế nếu-không-đồng-ý-sẽ-bị-khủng-bố, tôi đành chấp nhận.
– 7h tối mai tập trung ở trường! – tôi nghiêm giọng – Không bắt buộc ai nhé!
Suýt nữa thì tôi đã ngủ quên trên chiếc sofa. Lịch học ở trung tâm dày quá, vừa về đến nhà đã hơn sáu giờ rưỡi, tôi buông balô, nằm chợp mắt đến nỗi không nhớ giờ giấc. Cũng may mắn, con bí thư gọi đến đúng lúc. Chiếc điện thoại réo lên hồi chuông quen thuộc khiến tôi vội vã ngồi dậy đến mức rơi xuống ghế.
– Chưa đi à? – giọng nó léo nhéo nghe phát bực.
– Mới đi học về! – tôi gắt – Để thở nữa chứ!
Chắc có lẽ biết tôi không vui nên nó chỉ “à” rồi cúp máy. Tranh thủ mười lăm phút còn lại, tôi vội vàng thay một bộ quần áo khác rồi leo lên xe chạy ngay đến trường.
(Còn tiếp…)