Nữ tử tù được miễn chết nếu có người cầu hôn
Ở nước Pháp thế kỷ 17, các nữ tử tù có cơ hội thoát chết nếu trước giờ hành quyết nhận được lời cầu hôn của một người đàn ông tại pháp trường.
Lịch sử loài người từng chứng kiến nhiều hình thức xử tử ghê rợn như dùng ngựa phanh thây, đóng đinh tới chết, chôn sống, tùng xẻo, voi giày, cho hổ, báo ăn thịt…Trong đó, những hình thức xử tử của xã hội châu Âu một thời cũng được liệt vào hàng rùng rợn.
Trong luật pháp La Mã cổ đại, những người phản quốc, thông dâm, trộm gà, mưu sát, tham ô tiền của…đều bị khép vào tội tử hình. Và hình thức tử hình thông dụng nhất là chặt đầu trước sự chứng kiến của bàn dân thiên hạ.
Tại Anh, vào năm 1819, hạ nghị viện đã xác định hình phạt tử hình đối với 220 loại tội phạm. Các phạm nhân mang tội giết người, cướp của, xâm phạm súc vật, đe dọa tính mạng, chặt gỗ rừng hoặc chỉ đơn giản là ăn cắp vặt vài đồng xu lẻ… đều bị xử tử. Hàng loạt hình phạt tàn khốc được áp dựng, từ dùng giá treo cổ, cho xe cán đến chặt đứt tứ chi và đầu, mổ bụng moi gan…
Hình thức xử tử bằng giá treo cổ khá phổ biến tại Anh, Pháp một thời.
Còn tại nước Pháp thế kỷ 17, giá treo cổ hoặc chặt đầu là hai hình thức xử tử thông dụng nhất. Các buổi hành quyết đều được diễn ra tại pháp trường trước sự chứng kiến của vua chúa lẫn dân đen. Lúc này, tử tù phải chịu lời phán quyết nặng nề của tầng lớp thống trị lẫn lời nguyền rủa của người xem.
Nhưng có một quy định hết sức kỳ lạ được áp dụng trong suốt thời gian dài: Trước giờ hành quyết, nếu nữ tử tù nhận được lời cầu hồn của một người đàn ông quen biết hoặc lạ mặt trong đám đông đang vây quanh pháp trường, cô ta sẽ được miễn tội tử hình.
Đôi khi, người đưa ra lời cầu hôn cứu mạng ấy lại chính là đao phủ. Năm 1638, một thiếu nữ xinh đẹp 18 tuổi tới từ Angers khi bị đưa lên giá treo cổ để chuẩn bị hành quyết đã nhận được lời cầu hôn của tên đao phủ. Kỳ lạ thay, nữ tử tù một mực từ chối. Lý do duy nhất khiến cô gái trẻ không màng tới sinh mạng là không muốn ý nghĩa của tình yêu bị vấy bẩn bởi những lời cầu hôn vội vàng.
Câu chuyện ấy vẫn được lưu truyền tới tận ngày nay. Người dân Pháp hiện đại mỗi lần nhắc tới sự việc hy hữu này vẫn luôn tỏ ý thán phục bản lĩnh và sự cương trực tới phút chót của cô gái ấy. Nhiều người còn truyền tai nhau về những câu nói cuối cùng của cô gái trẻ trên giá treo cổ. Đó là những lời cuối cùng thể hiện tình yêu dành cho Chúa trời…
Với các tử tù tại Pháp thời xưa, trước giờ hành quyết, họ có quyền gào thét những tâm nguyện cuối cùng hoặc đơn thuần là những lời chửi rủa quan tòa, những câu chỉ trích nặng nề chế độ chính trị hoặc tôn giáo mà mình bất mãn…
Theo Mai Anh (Đất Việt)