Home Liêu Trai Chí Dị Quyển III–40 –: Hồng Ngọc (Hồng Ngọc)

Quyển III–40 –: Hồng Ngọc (Hồng Ngọc)

Ông Phùng người huyện Quảng Bình (tỉnh Hà Bắc) có một con trai tên Tương Như, cha con cùng là Chư sinh. Ông Phùng tuổi gần sáu mươi, tính cứng cỏi mà vẫn nghèo. Trong khoảng vài năm, vợ và con dâu nối nhau chết, việc cơm nước giặt giũ đều phải tự làm lấy.

Một đêm Tương Như ngồi dưới trăng, chợt thấy người con gái láng giềng phía đông leo lên tường nhìn trộm. Sinh thấy nàng đẹp, tới gần thấy hơi cười bèn vẫy, nàng không tới cũng không đi, nài mãi mới trèo thang qua, liền ngủ với nhau. Hỏi tên họ, nàng nói “Thiếp là con gái nhà láng giềng, tên Hồng Ngọc” Sinh rất yêu thương, hẹn cùng kết duyên mãi mãi. Nàng ưng thuận, từ dó đêm dêm thường tới. Được nửa năm, một đêm ông Phùng tỉnh giấc nghe trong phòng con có tiếng cười nói, nhìn vào thấy cô gái nổỉ giận gọi sinh ra mắng “Quân súc sinh làm gì thế? Nghèo túng thế này đã không chịu khổ lại còn học thói đàng điếm à? Người ta biết thì ngươi mất hết danh dự, người ta không biết thì ngươi cũng giảm thọ” Sinh quỳ xuống nhận lỗi, khóc nói đã hối hận. Ông Phùng mắng cô gái “Con gái không giữ lễ giáo, đã làm nhuốc mình lại làm nhơ cả người khác. Nếu việc lộ ra thì không chỉ một nhà này chịu nhục thôi đâu”, mắng xong căm tức quay vào phòng.

Cô gái chảy nước mắt nói “Lời cha quở trách thật là thẹn nhục, duyên phận hai ta thế là hết rồi”. Sinh nói “Cha còn thì không được tự chuyên, nếu nàng có tình thì nên ngậm tủi thương nhau”. Cô gái quyết ý đoạn tuyệt, sinh rơi nước mắt, nàng khuyên giải, nói “Thiếp với chàng không có lời mai mối, không có lệnh cha mẹ, trèo tường theo nhau thì làm sao sống với nhau tới lúc bạc đầu được? Vùng này có một đám tốt, có thể hỏi cưới”. Sinh nói nhà nghèo, cô gái nói “Tối mai cứ đợi nhau, thiếp sẽ tính cho”. Đêm sau quả nhiên nàng tới, đưa ra bốn mươi lượng bạc tặng sinh, nói “Cách đây sáu mươi dặm có con gái họ Vệ ở Ngô thôn đã mười tám tuổi, còn kén chọn nên chưa lấy ai, chàng đưa nhiều tiền thì xong”, rồi từ biệt ra đi.

Sinh tìm dịp thưa với cha muốn đi xem mặt, nhưng giấu chuyện cô gái tặng tiền, không dám nói cho cha biết. Ông Phùng nghĩ nhà nghèo nên bảo thôi, sinh lại nói khéo là cứ đi thử xem, không được thì thôi, ông bèn ưng thuận. Sinh bèn thuê đầy tớ và ngựa tới nhà họ Vệ. Vệ vốn là người làm ruộng, sinh gọi ra nói chuyện. Vệ biết sinh là nhà dòng dõi, lại thấy dáng người khôi ngô, trong lòng đã ưng nhưng còn lo không được nhiều tiền. Sinh thấy nói năng ngập ngừng biết ý, bèn dốc túi bày tiền ra bàn. Vệ mừng rỡ, nhờ người học trò láng giềng làm chứng, viết giấy đỏ giao ước.

Sinh vào chào bà già, thấy nhà cửa chật hẹp, cô gái đứng núp sau mẹ. Sinh liếc thấy nàng tuy áo vải thoa gai nhưng thần thái xinh đẹp, trong bụng mừng thầm. Vệ thuê nhà tiếp đãi con rể, nói “Công tử không cần đón dâu, đợi may ít quần áo sẽ đưa qua nhà”. Sinh hẹn ngày rồi về, nói dối với cha rằng “Họ Vệ mến nhà ta dòng dõi thanh bạch nên không đòi tiền”, ông Phùng cũng mừng. Đến ngày hẹn, Vệ quả đưa con gái tới. Cô gái tính cần kiệm lại hiền thục, vợ chồng rất êm ấm. Hơn hai năm nàng sinh một trai, đặt tên là Phúc Nhi.

Nhân tiết Thanh minh nàng bế con đi tảo mộ, gặp họ Tống là thân hào trong huyện. Tống làm quan tới chúc Ngự sử, phạm tội ăn hối lộ bị cách chức về nhưng vẫn cậy oai lộng hành. Hôm ấy Tống cũng đi tảo mộ về, thấy cô gái đẹp, hỏi người trong thôn biết là vợ sinh, nghĩ Phùng là học trò nghèo, lấy nhiều tiền dụ dỗ có thể xiêu lòng, liền sai người nhà bắn tin. Sinh vừa nghe thấy tức giận ra mặt, kế lại nghĩ thế không địch nổi bèn nén giận tươi cười rồi về nói với cha. Ông Phùng cả giận chạy ra gặp tên người nhà của Tống chỉ trời vạch đất chửi mắng thậm tệ. Tên người nhà trốn về, Tống cũng tức giận, sai mấy người xông vào nhà sinh đánh nhau, hai cha con sinh chửi ầm lên. Cô gái nghe thấy, bỏ con xuống giường, xõa tóc chạy ra kêu cứu, bọn kia liền bắt lấy khiêng lên rầm rộ bỏ đi. Cha con bị thương nằm rên rỉ dưới đất, đứa nhỏ thì khóc oa oa trong phòng. Láng giềng cùng thương xót vực cha con lên giường, qua hôm sau sinh chống gậy đứng lên được, ông Phùng thì tức giận bỏ ăn, thổ huyết mà chết.

Sinh khóc lớn, bế con đi kiện lên tới tỉnh, kiện tụng khắp nơi rốt lại vẫn không được xét. Sau nghe nói vợ không chịu khuất mà chết lại càng đau xót, căm giận đầy bụng không làm sao phát tiết. Thường nghĩ muốn đón đường đâm chết Tống, nhưng lo đầy tớ y đông, con lại không gửi ai được, ngày đêm đau xót nghĩ ngợi không hề chợp mắt. Chợt một người đàn ông tới nhà thăm hỏi, râu quăn cằm bạnh, chưa từng gặp qua. Sinh mời ngồi, vừa định hỏi họ tên quê quán, khách đã nói ngay “Ông có cái thù giết cha, mối hận cướp vợ mà không báo à?”. Sinh ngờ là người của Tống sai tới dò xét nên chỉ giả vâng dạ. Khách nổỉ giận trợn mắt muốn rách khóe, bước ngay ra, nói “Ta cho rằng ông là người, nay mới biết là đồ hèn không đáng đếm xỉa”. Sinh thấy lạ liền quỳ xuống kéo lại nói “Thật là sợ người nhà họ Tống tới dò la, nay xin bày tỏ gan ruột. Ta ôm lòng báo thù lâu rồi, nhưng thương đứa nhỏ trong bọc này, sợ bị tuyệt tự. Ông là bậc nghĩa sĩ, có thể vì ta mà làm Chữ Cữu* không?”.

*Chử Cửu: Sử ký, Triệu thế gia chép Triệu Sóc nước Tấn thời Xuân thu lấy vợ là chị Tấn Thành công. Gian thần là Đồ Ngạn Giả hại chết Triệu Sóc, lúc ấy vợ Sóc đang mang thai, Giả chờ nếu sinh con trai sẽ giết. Sau phu nhân sinh con trai, môn khách của Sóc là Trình Anh và Công Tôn Chử Cữu bày mưu đưa được ra khỏi cung nhưng bị Ngạn Giả nghi ngờ, dò xét truy tìm rất gấp. Lúc ấy Trình Anh cũng vừa sinh con trai bèn tráo vào thay con Sóc rồi cho Chử Cữu đi tố giác. Ngạn Giả đem quân bắt được Anh, thấy con trai Anh quấn tã lót sang trọng bèn giết chết. Chử Cữu xin Ngạn Giả cho mang “con Anh” đi ở ẩn sau nuôi con Sóc lớn lên, trả thù được cho họ Triệu.

Khách nói “Đó là việc của đàn bà con gái, ta không làm được. Việc ông muốn nhờ người xin tự làm lấy, còn việc ông muốn tự làm thì ta xin làm thay cho”. Sinh nghe nói dập đầu lạy, khách bỏ ra không thèm nhìn. Sinh đuổi theo hỏi họ tên, khách đáp “Việc không xong không nhận oán, việc xong không nhận ơn”, rồi đi. Sinh sợ tai vạ tới, bế con bỏ trốn.

Đến đêm, cả nhà họ Tống đang ngủ, có người vượt qua mấy lần tường vào giết ba cha con Ngự sử và một tỳ nữ, một con dâu. Nhà họ Tống làm báo quan, quan cả sợ. Nhà họ Tống cứ vu cho Tương Như nên quan sai lính bắt sinh, vì sinh trốn không biết đi đâu nên càng tin là thật. Đầy tớ nhà họ Tống cùng lính quan đi lùng khắp nơi, đêm đến núi Nam nghe tiếng trẻ khóc, tìm tới nơi gặp sinh bèn trói giải về. Đứa nhỏ càng khóc dữ, chúng liền giật lấy vứt đi, sinh căm hòn muốn chết.

Khi gặp quan huyện, quan hỏi vì sau giết người, sinh nói “Thật oan quá! Họ chết ban đêm mà ta ra đi từ ban ngày, vả lại bế đứa nhỏ khóc oa oa thì làm sao vượt tường giết người?”. Quan huyện hỏi “Không giết người tại sao bỏ trốn?”, sinh nghẹn lời không đáp được, quan liền sai giam vào ngục. Sinh khóc nói “Ta chết cũng không tiếc, nhưng đứa nhỏ mồ côi kia có tội gì?” Quan huyện nói “Ngươi giết con người ta đã nhiều, thì con ngươi bị giết còn oán gì?”. Sinh bị lột áo mũ nhà nho, lại nhiều lần bị tra tấn tàn khốc nhưng rốt lại không hề nhận tội.

Đêm ấy quan huyện nằm ngủ nghe có vật gì dập vào giường rung lên thành tiếng, cả sợ kêu lớn. Cả nhà giật mình thức dậy, xúm lại đốt đuốc soi, thấy một lưỡi đoản đao sáng loáng cắm vào giường sâu hơn một tấc, chặt cứng không rút ra được. Quan huyện nhìn thấy khiếp vía, cầm giáo đi lùng khắp nơi không thấy gì, trong lòng lo thầm. Lại vì họ Tống đã chết không đáng sợ nữa, bèn trình lên quan tỉnh giải oan cho sinh rồi tha về.

Sinh về nhà, trong hủ không một đấu gạo, một mình với bốn bức vách, may được láng giềng thương xót cho ăn uống, sống đỡ qua ngày. Nghĩ tới mối thù lớn đã trả thì tươi cười vui vẻ nhưng nhớ lại tai họa thảm khốc suýt chết toàn gia thì buồn bã sa lệ, lại nghĩ mình nửa đời nghèo thấu xương, không người nối dõi, thì khi vắng người bật tiếng khóc thất thanh không sao kìm được. Cứ thế nửa năm, việc bắt bớ lơi lỏng dần, bèn xin quan huyện cho mang hài cốt Vệ thị về. Chôn cất xong trở về, đau đớn chỉ muốn chết, trằn trọc trên giường nghĩ không còn cách gì để sống.

Bỗng có người gõ cửa, sinh lắng tai nghe thấy ngoài cửa có tiếng một người đang nựng nịu trẻ con. Sinh vội dậy ra nhìn thì như là một cô gái, cửa vừa mở đã hỏi “Nỗi oan lớn đã rửa, may không sao chứ?” giọng rất quen nhưng lúc vội vàng không sao nhớ ra được. Đánh lửa soi thì ra là Hồng Ngọc, dắt một đứa nhỏ cười đùa dưới chân. Sinh không kịp hỏi han, ôm nàng khóc nức nở, cô gái cũng buồn bã. Kế đẩy đứa nhỏ nói “Con quên cha rồi sao?” Đứa nhỏ nắm áo cô gái nhìn sinh chằm chằm, sinh nhìn kỹ thì là Phúc Nhi, cả kinh khóc hỏi “Sao con về đây được?”. Cô gái nói “Nói thật với chàng, trước kia thiếp nói là con gái láng giềng là nói dối. Thiếp thật là hồ, nhân đi đêm thấy con khóc trong hang liền bế về nuôi ở đất Tần (tỉnh Thiểm Tây). Nghe nạn lớn đã yên nên đem con về cùng chàng đoàn tụ”, sinh lau nước mắt lạy tạ. Đứa nhỏ nép vào lòng cô gái như nương tựa mẹ ruột, không nhận ra cha nữa.

Trời chưa sáng, cô gái đã trở dậy, hỏi thì nàng đáp “Nô tỳ muốn đi,” Sinh cởi trần quỳ ở đầu giường khóc không ngẩng lên được. Cô gái cười nói “Thiếp lừa chàng thôi. Nay nhà đang gầy dựng, không thức khuya dậy sớm không được”. Rồi nhổ cỏ dọn dẹp, làm lụng như đàn ông. Sinh lo nhà nghèo không đủ ăn, nàng nói “Xin chàng cứ buông rèm học hành, đừng hỏi chuyện thiếu đủ, may cũng không chết đói đâu”. Rồi bỏ tiền ra sắm khung dệt, thuê vài mươi mẫu ruộng mướn người cày cấy, vác bừa làm ruộng, kéo tranh lợp nhà, hàng ngày làm lụng.

Làng xóm nghe sinh có vợ hiền càng vui lòng giúp đỡ, khoảng nửa năm trong nhà ăn uống sung túc như nhà giàu. Sinh nói “Sau lúc tro tàn, nhờ nàng một tay gầy dựng lại, nhưng còn một việc chưa xong, biết làm sao?”. Nàng hỏi việc gì, sinh đáp “Kỳ thi sắp tới mà khăn áo chưa lấy lại được”. Cô gái cười nói “Trước đây thiếp đã đem bốn lượng vàng gửi Học quan, ghi lại tên chàng vào sổ rồi, đợi tới chàng nhắc thì trễ lắm”, sinh càng cho là thần. Khoa ấy sinh đỗ Cử nhân, năm ấy ba mươi sáu tuổi, ruộng tốt liền bờ, nhà cửa cao rộng. Cô gái mảnh khảnh như gió thổi là bay mà làm lụng còn hơn con nhà nông, mùa đông rét buốt vẫn làm việc mà bàn tay vẫn mềm mại, tự nói ba mươi tám tuổi nhưng nhìn chỉ như hơn hai mươi.

Dị Sử thị nói: Con giỏi mà cha có đức nên được báo đáp hào hiệp, mà chẳng riêng gì người hào hiệp, tự mình cũng giống kẻ hào hiệp nên tao ngộ cũng lạ lùng. Nhưng quan huyện mù mờ khiến người ta căm hờn, luỡi đao sắc cắm vào giường, còn tiếc gì mà không phóng qua cách đó nửa thước? Nếu Tô Tử Mỹ* đọc truyện này ắt sẽ hào hùng nói “Tiếc là đánh mà không trúng”.

*TÔ Tử Mỹ… không trúng: Thế thuyết bổ chép Tô Vũ Khâm người thời Tống, tự Tử Mỹ, tính hay rượu, tới ở nhà cậu, cứ tối đến là xin một đấu rượu. Cậu sai gia nhân rình xem, thấy Tử Mỷ đọc truyện Trương Lương trong Hán thư, tới doạn Trương Lương cùng người khách ám sát Tần Thủy Hoàng thì vỗ tay nói “Tiếc là đánh mà không trúng”, rồi uống cạn một chén lớn. Gia nhân về kể lại, cậu nói “Nếu thế thì uống một đấu rượu cũng không phải là nhiều”.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x