Home Liêu Trai Chí Dị Quyển X – 169 – 170 -: Giả Phụng Trĩ (Giả Phụng Trĩ)

Quyển X – 169 – 170 -: Giả Phụng Trĩ (Giả Phụng Trĩ)

Giả Phụng Trĩ người huyện Bình Lương (tỉnh Cam Túc) tài danh đứng đầu một thời nhưng cứ đi thi là rớt. Một hôm đi đường gặp người Tú tài tự xưng là họ Lang, phong thái tiêu sái, nói chuyện đâu vào đấy nên mời cùng về nhà, đưa văn bài ra nhờ sửa cho. Lang đọc xong, không khen ngợi lắm, nói “Văn chương của túc hạ thi khảo khóa thì đỗ đầu có thừa, mà vào trường thi thì đội bảng cũng thiếu”. Giả nói “Vậy thì làm thế nào!”, Lang đáp “Chuyện đời nhìn lên thì khó, cúi xuống thì dễ, cần gì ta phải nói nữa”, rổi chỉ ra vài bài văn của vài người làm mực thước. Đó đều là những kẻ Giả vốn khinh bỉ, nên nghe thế cười đáp “Kẻ học lập ngôn quý ở chỗ được lời bất hủ, như thức ăn ngon sánh với bát trân mà thiên hạ không cho là xa xỉ chứ ăn cắp công danh như thế thì dẫu có làm tới khanh tướng cũng vẫn hèn hạ”. Lang nói “Không phải thế. Văn chương dẫu hay mà thân phận hèn hạ cũng không được lưu truyền, nếu ông muốn ôm sách vở đến chết thì được, bằng không thì các quan chấm thi đều tiến thân bằng thứ văn chương tầm thường ấy cả, sợ không đọc nổi văn ông thì không lọt được vào mắt họ đâu”. Giả vẫn khăng khăng giữ ý mình, Lang đứng dậy cười nói “Kẻ thiếu niên hào hùng thật!”, rồi chào đi.

Mùa thu năm ấy Giả thi hương lại rớt, sầu muộn bất đắc chí, chợt nhớ lời Lang nói bèn tìm những bài văn Lang đã chỉ cho miễn cưỡng đọc. Chưa hết bài thì buồn ngủ díp mắt, trong lòng ngờ vực không rõ là vì sao. Lại qua ba năm, sắp đến kỳ thi thì Lang lại tới, gặp nhau rất vui vẻ, nhân đưa bảy đề bài mình nghĩ ra bảo Giả làm. Qua hôm sau đòi xem, cho là không được, bảo làm lại, làm xong lại chê. Giả đùa, bèn xào xáo những câu văn sáo rỗng không ai nghe được trong các bài thi rớt ghép lại thành bài, chờ Lang tới đưa cho xem. Lang mừng nói “Thế này thì được rồi!”, rổi bảo phải học thuộc lòng, dặn đi dặn lại bảo đừng có quên. Giả cười nói “Nói thật với ông, nhũng bài này không phải ta thật lòng viết ra, chớp mắt là quên ngay, có đánh đòn cũng không nhớ nối đâu” Lang ngổi ở đầu bàn, nói cứ cố đọc lại một lượt, kế bảo Giả vén áo lên, lấy bút vẽ một đạo bùa trên lưng rồi đi, nói “Bấy nhiêu là đủ rồi, đọc sách cho lắm cũng chỉ vô dụng”. Giả xem lại đạo bùa thì rửa đi không sạch, thấm luôn vào thịt rồi.

Đến khi vào trường thi thì bảy đề bài đều đúng như của Lang, Giả nhớ lại các bài đã làm thì đều quên sạch, chỉ có những bài chắp vá để đùa là nhớ rõ mồn một. Nhưng đặt bút xuống lại thấy xấu hổ, cũng muốn sửa đổi một ít, song nghĩ nát óc mà không thay được chữ nào, mặt trời đã xế đành chép đúng rồi nộp quyển mà ra. Lang chờ đã lâu, hỏi sao muộn thế, Giả kể thật lại rồi xin xóa lá bùa, nhưng nhìn lại thì đã mờ hết. Nhớ lại lúc làm bài trong trường thi, thấy như là sống kiếp khác, vô cùng lạ lùng. Nhân hỏi Lang sao không dùng cách ấy để đi thi, Lang cười đáp “Chỉ vì ta không nghĩ tới việc thi ấy nên cũng không đọc nổi loại văn ấy”. Rồi hẹn Giả ngày mai qua chỗ mình chơi, Giả ưng thuận. Lang đi rồi, Giả đem bản thảo bài làm ra xem lại, thấy khác hẳn lòng mình, lấy làm ấy náy, cũng chẳng qua thăm Lang, chán nản về nhà.

Không bao lâu ra bảng, quả Giả đỗ đầu. Lại lấy bản thảo cũ ra xem, đọc tới đâu toát mồ hôi tới đó, đọc xong thì áo ướt đẫm, tự nhủ “Văn chương này mà truyền ra thì làm sao dám gặp kẻ sĩ trong thiên hạ nữa?”. Còn đang hổ thẹn thì Lang chợt tới, nói “Muốn thi đỗ thì đã thi đỗ rồi, còn buồn gì nữa?”. Giả đáp “Ta đang nghĩ đúng là mâm vàng chén ngọc lại đem đựng phân chó, thật không còn mặt mũi nào gặp người quen, định sẽ vào núi gò mai danh ẩn tích, vĩnh viễn cắt đứt với thế tục đây!”. Lang nói “Như thế thì rất cao thượng, chỉ e rằng không làm được thôi. Nếu làm được ta xin đưa ông tới gặp một người, có thể được trường sinh thì cái danh thơm ngàn thuở cũng không đáng tiếc, huống hồ là chuyện giàu sang thoảng qua ư?”. Giả mừng giữ Lang ngủ lại, nói “Cho ta nghĩ kỹ lại đã”. Sáng ra nói với Lang rằng “Ý ta đã quyết rồi”. Rồi không nói gì với vợ con, theo Lang nhẹ nhàng ra đi, dần dần vào núi sâu, tới một tòa động phủ, bên trong như một cõi trời đất riêng biệt. Thấy có một ông già ngồi trong sảnh đường, Lang dẫn Giả vào ra mắt, gọi là thầy. Ông già hỏi “Sao về sớm thế?”, Lang thưa “Ngươi này lòng đạo đã bền, xin thầy thu nạp”. Ông già nói “Ngươi đã tới đây, thì phải đặt thân mình ra ngoài thế tục mới đắc đạo được”, Giả dạ dạ vâng lời.

Lang đưa tới một phòng, sắp xếp chỗ ngủ rồi, lại đem cơm tới mới đi. Phòng cũng sạch sẽ, có điều cửa lớn không có cánh cửa, cửa sổ không có chấn song, bên trong chỉ có một chiếc giường và một cái bàn. Giả cởi giày lên giường, trăng đã lên chiếu vào phòng. Thấy hơi đói bèn lấy cơm ra ăn, ngon ngọt khác thường. Thầm nghĩ chắc Lang sẽ lại tới, nhưng ngồi chờ hồi lâu vẫn im ắng, chẳng có tiếng động nào, chỉ thấy mùi hương man mác khắp phòng, tâm thần nhẹ nhõm, cảm nhận được cả khí huyết đang vận hành. Chợt có tiếng động lớn như mèo gãi sồn sột, hé mắt nhìn ra thấy có con cọp ngồi dưới thềm, thoáng hoảng sợ nhưng nhớ tới lời thầy dặn, lập tức trấn tĩnh ngồi yên. Cọp như biết có người, dần dần vào tới gần giường, thở khìn khịt ngửi chân Giả. Giây lát trong sân lại có tiếng phành phạch như gà bị trói giãy giụa, con cọp lập tức chạy đi. Giả ngồi một lúc nữa thì có mỹ nhân bước vào, hương thơm sực nức, im lặng lên giường ghé tai Giả nói nhỏ “Thiếp tới rồi đây!”, lúc nói nghe hơi thở cũng thơm phức. Giả vẫn thản nhiên không động đậy, mỹ nhân lại hạ giọng hỏi “Ngủ rồi à?”, giọng nói rất giống vợ nhà. Giả hơi động lòng, mở mắt nhìn kỹ thì đúng là vợ mình. Hỏi làm sao tới được đây, vợ đáp ”Lang sinh sợ chàng thấy hiu quạnh muốn về, sai một bà già đưa thiếp tới”.

Vừa nói xong thì nghe tiếng ông già quát tháo, dần dần tới gần phòng, vợ Giả vội vùng dậy nhưng không có chỗ nào trốn núp, bèn leo qua chỗ tường thấp chạy ra ngoài. Giây lát Lang theo ông già vào, ông già cầm trượng đánh Lang ngay trước mặt Giả, rồi sai đuổi khách đi. Lang cũng đưa Giả theo chỗ tường thấp ra ngoài, nói “Ta mong mỏi còn ông viễn vông, không khỏi có chỗ hấp tấp, nhưng không ngờ ông lại chưa dứt được tình duyên làm ta bị trách phạt. Bây giờ hãy tạm về đi, sau này sẽ có ngày gặp lại” Bèn chỉ đường cho về, vái chào rồi chia tay. Giả nhìn xuống núi thấy quê nhà đã trước mắt, nghĩ rằng vợ chân yếu chắc còn trên đường, bèn rảo bước đi, hơn một dặm thì tới cổng nhà. Nhưng thấy tường vách tiêu điều khác hẳn cảnh ngày trước, già trẻ trong thôn chẳng thấy có ai quen, bắt đầu khiếp sợ.

Chợt nhớ đến tình cảnh Lưu Nguyễn từ Thiên Thai trở về cũng đúng như thế này nên không dám vào nhà, ngồi đợi trước cửa nhà đối diện. Hồi lâu trong nhà có ông già chống gậy bước ra, Giả vái chào rồi hỏi nhà Giả Mỗ ở đâu, ông già chỉ đáp “Đúng là nhà ấy đấy, có phải khách muốn hỏi chuyện lạ không? Ta biết rõ lắm. Nghe đồn rằng ông ta được tin thi đỗ thì bỏ trốn, lúc ấy con trai mới bảy tám tuổi, đến năm mười lăm tuổi thì bà mẹ chợt ngủ mãi không tỉnh dậy. Lúc người con còn sống thì hàng ngày vẫn thay áo đổi nệm cho mẹ, khi chết rồi hai người cháu nghèo khổ, phòng ốc hư dột chỉ lấy cành lá che tạm thôi. Tháng trước phu nhân chợt tỉnh dậy, tính lại thì đã hơn trăm năm rồi. Gần xa nghe chuyện lạ tới hỏi thăm nườm nượp, đến nay mới hơi thưa đấy”.

Giả chợt hiểu ra, nói “Ông không biết đấy, chứ ta là Giả Phụng Trĩ đây” ông già cả kinh, chạy qua nhà Giả báo tin. Lúc ấy cháu nội đích tôn của Giả đã chết, cháu thứ hai tên Tường đã hơn năm mươi tuổi, thấy Giả mặt mũi còn trẻ ngờ là bịa đặt. Lát sau phu nhân ra mới nhận biết Giả, ứa lệ gọi cùng vào nhà. Khổ nỗi nhà không có phòng ốc gì, mới vào tạm nhà cháu nội, thấy trai gái lớn nhỏ chạy vào xúm xít đầy nhà, đều là chắt chít, tất cả đều nghèo hèn ít học. Cháu dâu trưởng là Ngô thị dọn cơm mời Giả, thức ăn chỉ có rau, lại bảo con thứ hai là Quả cùng vợ qua ở chung phòng với mình, nhường phòng lại cho ông bà. Giả vào nhà cháu nội ở thấy bụi bặm bẩn thỉu, đông đúc ồn ào, mới có vài ngày đã thấy không sao chịu nổi. Nhà hai cháu nội chia nhau đem cơm nước cho ông bà, nhưng nấu nướng rất không vừa miệng. Người làng thấy Giả mới về, ngày ngày còn mời đi uống rướu, chứ phu nhân thì thường không ngày nào được ăn no. Ngô thị vốn là con gái nhà sĩ nhân, được dạy dỗ có khuôn phép nên còn kính trọng ông bà, chứ nhà Tường thì việc cơm nước ngày càng tệ, có hôm còn gọi qua ăn cùng.

Giả nổi giận dắt phu nhân đi, mở trường dạy học ở thôn Đông, thường nói với phu nhân rằng “Ta rất hối hận đã trở về, nhưng không kịp nữa. Nên bất đắc dĩ phải theo nghiệp cũ, nếu trong lòng không có gì xấu hổ thì giàu sang cũng chẳng khó”. Như thế hơn năm, Ngô thị vẫn thường cung đốn tiền gạo chứ cha con Tường thì bặt tăm. Năm ấy Giả thi đỗ vào trường huyện, quan huyện trọng văn tài nên tặng cho rất hậu, nhờ vậy trong nhà cũng được dư dật. Tường mon men tới thăm, Giả gọi vào bảo tính hết phí tổn cho mình trước đây, lấy tiền đưa trả rồi cấm cửa không cho gặp nữa. Kế mua nhà mới, gọi Ngô thị về cùng ở. Ngô thị có hai con trai, con lớn vẫn giữ nghề làm ruộng, con thứ là Quả rất thông minh, Giả bảo theo học chung với học trò mình. Giả từ lúc trong núi về, đầu óc càng minh mẫn, không bao lâu liên tiếp thi đỗ Cử nhân rồi Tiến sĩ. Vài năm sau được lấy hàm Thị ngự ra làm Tuần phủ Chiết Giang, oai danh lừng lẫy, trong nhà lầu gác đài tạ, dưới thềm yến ẩm đàn ca, nổi tiếng một thời.

Giả là người cứng cỏi, không sợ kẻ quyền quý nên đụng chạm tới nhiều quan lón trong triều, bèn dâng sớ xin về hưu nhưng chưa có chỉ dụ thì đã gặp tai họa. Nguyên Tường có sáu con trai, đều là hạng vô lại, tuy Giả đã cấm cửa không cho lui tới nhưng vẫn mượn danh Giả tác oai tác phúc, chiếm đoạt nhà cửa ruộng vườn của dân, người làng đều sợ. Có tên Ất vừa cưới vợ, bị con thứ của Tường cướp làm thiếp. Ất vốn là người trí trá nên người làng giúp tiền cho y đi kiện, chuyện tới tai trlều đình, các quan đểu dâng sớ hặc tội Giả. Giả không có cách nào biện hộ nên bị bắt giam. Được một năm thì Tường và đứa con thứ chết trong ngục, Giả được chỉ sung quân ở huyện Liêu Dương (tỉnh Liêu Ninh). Năm ấy Quả vào học trường tỉnh đã lâu, tính rất nhân hậu, nổi tiếng tài giỏi. Phu nhân sinh được một con, năm ấy mười sáu tuổi, gởi gắm cho Giả rồi dắt một lão bộc, một bà già đi với chồng. Giả nói “Giàu sang hơn mười năm cũng không lâu bằng một giấc mộng, nay mới biết trường vinh hoa đều là một cõi địa nguc, hối hận vì Lưu Nguyễn lại gây ra thêm một cái án oan nghiệt vậy”.

Vàỉ hôm tới bờ biển xuống thuyền, thấy xa xa có một chiếc thuyền lớn chèo tới, đàn sáo rộn rã, bọn người hầu đều như thần tiên. Thuyền tới gần thì có một ngừữi bước ra, tươi cười mời quan Thị ngự qua trò chuyện một lúc Giả nhìn thấy người ấy vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, nhảy luôn qua thuyền lớn, bọn lính áp giải không dám ngăn cản. Phu nhân vội vàng bước theo nhưng thuyền lớn đã rời xa, uất ức nhảy luôn xuống biển. Loi ngoi được vài bước thì có một người thả tấm lụa xuống cứu lên. Bọn lính áp giải bảo nhà thuyền chèo mau đuổi theo, vừa đuổi vừa quát tháo. Chợt nghe có tiếng trống thúc vang vang như sấm hòa vào với tiếng sóng ầm ầm, trong chớp mắt thì chiếc thuyền kia biến mất. Người lão bộc của Giả nhận ra người trên thuyền, nói đó là Lang sinh.

Dị Sử thị nói: Nghe dồn Trần Đại Sĩ* đi thi, viết xong bài rồi, đọc đi đọc lại mấy lần, than rằng “Ai cũng viết được thế này”,  bèn bỏ đi viết bài khác nên không đủ mực viết bài thi. Giả sinh xấu hổ bỏ trốn, cũng là có tiên cốt, nhưng lại quay về nhân gian rồi vì miếng cơm manh áo mà tự hạ mình, thật là bần tiện làm sao!

*Trần Đại Sĩ: bản Hương Cảng chú nhân vật này 1à người thời Minh, thi đỗ Tiến sĩ năm Giáp tuất niên hiệu Sùng Trinh (1634).

170. Ba Kiếp

(Tam Sinh)

Anh Mỗ ở Hồ Nam nhớ được chuyện ba kiếp trước. Kiếp đầu làm quan huyện, được cử làm khảo quan kỳ thi hương. Có danh sĩ tên Hưng Vu Đường bị đánh rớt uất ức mà chết, cầm quyển thi tới âm ty kiện. Đơn kiện vừa đưa lên, những sĩ tử thi rớt mà chết kéo tới hàng vạn người, tôn Hưng đứng đầu, lúc tan lúc họp. Mỗ bị bắt tới đối chất với Hưng, Diêm Vương hỏi Mỗ coi việc cân nhắc văn chương, tại sao lại đánh rớt người tài sĩ mà lấy đỗ kẻ tầm thường. Mỗ phân trần rằng ở trên còn có quan Chủ khảo, mình chẳng qua chỉ là kẻ thừa lệnh mà thôi. Diêm Vương lập tức phát thẻ bài sai đi bắt viên Chủ khảo, hồi lâu giải tới, Diêm Vương thuật lại lới Mỗ, viên Chủ khảo nói “Ta chẳng qua chỉ là người xem lại lần cuối, nếu các quan Giám khảo không đưa bài lên thì làm sao ta đọc được?”. Diêm Vương nói “Không được đổ lỗi cho nhau như thế, hai ngươi đều không làm tròn phận sự như nhau thôi”, vừa sắp phạt đánh đòn hai người thì Hưng không vừa lòng bước ra gào lớn, đám ma đứng dưới thềm cũng la hét phụ họa.

Hưng nói trừng phạt như vậy quá nhẹ, phải khoét cả hai mắt để trị tội không biết đọc văn. Diêm Vương không chịu, đám ma càng la hét tợn, Diêm Vương nói “Tội của họ không phải là không muốn được văn hay, chỉ là ngu dốt thôi”. Đám ma lại xin mổ tim, Diêm Vương bất đắc dĩ sai lột áo hai người, lấy dao bén rạch bụng, hai người đổ máu kêu la, đám ma vô cùng vui sướng, đều nói “Bọn ta uất ức dưới suối vàng chưa lần nào được phát tiết nỗi hận, nay nhờ Hưng tiên sinh mới được hả giận”, vui vẻ tan đi. Mỗ chịu tội mổ bụng xong, bị giải tới Thiểm Tây đầu thai làm con nhà thường dân. Năm hai mươi tuổi thì trong vùng có bọn giặc lớn gây loạn, Mỗ bị ép theo. Quan quân đánh dẹp phá tan, bắt được rất nhiều, Mỗ cũng bị bắt nhưng nghĩ mình bị ép chứ không phải thật lòng làm giặc, còn có thể phân trần được.

Đến khi ra mắt quan trên, thấy cũng chỉ hơn hai mươi tuổi, Mỗ nhìn kỹ thì ra là Hưng, sợ hãi nói “Chắc ta chết rồi”. Kế đó Hưng cho tha hết những kẻ bị bắt, duy có Mỗ tới sau thì không cho phân trần gì, sai đem xử chém. Mỗ tới âm ty đưa đơn kiện Hưng, Diêm Vương không cho bắt ngay để chờ Hưng hướng hết lộc số. Ba mươi năm sau Hưng mới tới đối chất, Diêm Vương thấy coi thường mạng người nên phạt làm súc vật. Lại xét lại việc làm của Mỗ thấy lúc trước từng đánh đập cha mẹ, cũng phạt như Hưng. Mỗ sợ kiếp sau Hưng báo thù, nên xin làm con vật lớn. Diêm Vương bèn phạt Mỗ làm chó lớn, Hưng làm chó nhỏ. Mỗ thác sinh ở chợ phủ Thuận Thiên (tỉnh Hà Bắc), một hôm đang nằm ở đầu đường thấy có người khách từ Nam lên, dắt theo một con chó lông vàng to bằng con mèo, nhìn lại thì ra là Hưng. Mỗ khinh là nhỏ xông vào cắn, bị con chó nhỏ táp vào cổ họng, đeo dính như cái lục lạc. Con chó lớn rẫy ra rồi đè con chó nhỏ xuống cắn, người trong chợ xúm lại giằng ra không được. Lát sau cả hai cùng chết, lại xuống âm ty tranh cãi với nhau. Diêm Vương nói “Oan oan tương báo đến bao giờ mới thôi được, nay ta sẽ cởi mối thù oán cho các ngươi”, rồi phán kiếp sau Hưng sẽ làm con rể Mỗ.

Mỗ sinh ra tên Khánh Vân, năm hai mươi tám tuổi thi đỗ Cử nhân. Sinh được một gái đoan trang đẹp đẽ, các nhà thế tộc tranh nhau nhờ người tới hỏi, Mỗ đều chối từ. Ngẫu nhiên qua chơi quận bên, gặp lúc quan Học sứ xếp hạng các Chư sinh, người đứng đầu là họ Lý, thật ra là Hưng. Mỗ đưa về nơi trọ, đối xử rất ân cần, hỏi tới gia đình thì chưa có vợ, bèn hứa gả con gái cho. Mọi người đều cho rằng Mỗ quý kẻ có tài, chứ không biết thật ra là số phận. Kế đó Lý cưới con gái Mỗ, vợ chồng rất hòa hợp nhưng chàng rể cậy tài coi thường cha vợ, cả năm không tới thăm một lần, cha vợ cũng nhịn. Sau chàng rể trung niên lận đận, lao đao mãi vẫn không thi đỗ, Mỗ tìm đủ cách giúp đỡ cho mới được đắc chí ở khoa danh, từ đó hai người thương yêu nhau như cha con ruột vậy.

Dị Sử thị nói: Bị đánh rớt một lần mà ba kiếp chưa hết thù oán, căm hận đến thế thật là quá đáng. Diêm Vương thu xếp vốn rất hay, nhưng dưới thềm có hàng ngàn hàng vạn kẻ chen chúc như Hưng, chẳng lẽ những rể hiền trong thiên hạ đều là con ma kêu gào khóc lóc dưới âm ty sao!

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận