Home Liêu Trai Chí Dị Quyển XI – 191 – 193-: Lăng Giác (Lăng Giác)

Quyển XI – 191 – 193-: Lăng Giác (Lăng Giác)

Hồ Đại Thành là người đất Sở (tỉnh Hồ Nam). Mẹ vốn thờ Phật, trên đường Thành đi học tới trường có miếu thờ Quan âm, mẹ dặn đi qua là phải vào làm lễ. Một hôm vào miếu, thấy có cô gái dắt theo đứa nhỏ đùa giỡn bên trong, tóc xõa che hết trán nhưng phong thái rất yêu kiều. Năm ấy Thành mười bốn tuổi, trong lòng ưa thích bèn hỏi tên họ, cô gái đáp “Ta là con gái của người thợ vẽ họ Tiêu nhà ở phía tây miếu này, tên Lăng Giác. Anh hỏi làm gì vậy?”. Thành lại hỏi đã có chồng chưa, cô gái bẽn lẽn đáp “Chưa”. Thành hỏi “Ta làm rể nhà em có được không?”, cô gái thẹn thùng nói “Chuyện đó ta không làm chủ được” nhưng đưa mắt long lanh nhìn Thành từ trên xuống dưới, có ý vui mừng, Thành bèn trở ra. Cô  gái theo sau dặn với “Cha ta vốn quý trọng ông Thôi Nhĩ Thành, cứ nhờ ông mai mối chắc là được”. Thành đáp “Được rồi”. Vì thấy nàng thông minh lại đa tình nên càng hâm mộ, về nói hết với mẹ. Mẹ chỉ có Thành là con nên ít khi trái ý, lập tức nhờ ông Thôi làm mai. Nhưng họ Tiêu đòi sính lễ nhiều nên việc không thành, Thôi ra sức thuyết phục rằng Thành là con nhà tử tế lại có tài, Tiêu mới ưng thuận.

Thành có ông bác già mà không con, làm học quan ở Hồ Bắc, vợ chết tại nhiệm sở, mẹ Thành sai con tới giúp việc tang. Mấy tháng sau Thành định về thì ông bác lại chết, phải ở lại ít lâu nữa. Gặp lúc có toán giặc lớn cướp phá Hồ Nam, tin nhà đứt hẳn. Thành trốn lánh trong dân gian, sống thui thủi một mình một bóng mà thôi. Một hôm có bà già khoảng bốn mươi tám, bốn mươi chín tuổi tới đi quanh làng đến tận trưa, nói rằng gặp lúc loạn lạc không có nhà cửa mà về, định tự bán mình. Có người hỏi giá, bà đáp “Không thèm làm đầy tớ, cũng không muốn làm thê thiếp, chỉ cần có kẻ chịu nhận làm mẹ thì ta sẽ theo về không cần giá cả”, ai nghe thấy cũng cười. Thành tới nhìn diện mạo thì thấy có hai ba phần giống mẹ mình, động lòng thương xót. Lại thầm nghĩ rằng mình lẻ loi một thân, không ai may vá cho bèn đón về, đối xử như kẻ làm con. Bà già vui mừng, từ đó nấu cơm khâu giày cho Thành, ân cần như mẹ, Thành làm việc gì trái ý thì trách mắng, song hơi có điều gì buồn khổ thì vỗ về an ủi như con đẻ.

Một hôm chợt nói với Thành “Sống ở đây yên ổn nhưng may mắn mà không được vui vẻ, có điều con đã lớn, dẫu là ở nơi đất khách quê người nhưng nhân luân không thể bỏ phế. Hai ba ngày nữa mẹ sẽ cưới vợ cho con”. Thành khóc nói “Con đã có vợ rồi, chỉ là nam bắc đôi nơi cách trở thôi”. Bà già nói “Thời loạn ly thì việc người cũng đổi thay, làm sao chờ được?”. Thành lại khóc nói “Chưa nói tới việc vợ chồng đã hẹn ước với nhau thì không thể phụ bạc, cứ nghĩ xem ai lại đem con gái cưng gả cho kẻ rày đây mai đó?”. Bà già không đáp, chỉ lo may sắm rèm màn chăn gối, chuẩn bị rất đầy đủ chu đáo, Thành cũng không biết vợ ở đâu ra. Một hôm trời vừa tối, bà dặn Thành “Ở nhà một mình đừng có ngủ, để mẹ đi xem cô dâu mới tới chưa”, rồi ra cửa đi. Đến hết canh ba vẫn chưa về, Thành rất đỗi ngờ vực lo lắng, chợt nghe ngoài cửa có tiếng ồn ào, ra nhìn thì thấy có một cô gái ngồi trong sân, tóc tai rối bời đang khóc nức nở.

Thành ngạc nhiên hỏi han nhưng cô ta không đáp, hồi lâu mới nói “Anh cưới ta về đây không phải là điều may đâu, ta chỉ có chết thôi”. Thành hoảng sợ không biết chuyện gì, cô gái nói “Ta lúc trẻ đã lấy Hồ Đại Thành, không ngờ chàng đi Hồ Bắc không có tin tức gì, cha mẹ ép ta về với anh, thân ta thì còn bắt về được chứ lòng ta thì không bắt theo được đâu”. Thành nghe thấy òa khóc, nói “Ta là Hồ Đại Thành đây, nàng là Lăng Giác đấy ư?”. Cô  gái hoảng sợ nín bặt, đầu tiên còn không tin, kế theo vào nhà thắp đèn nhìn kỹ mới nói “Không phải là nằm mơ chứ?”. Rồi đổi buồn làm vui, cùng nhau kể lễ nỗi niềm xa cách nhớ nhung. Vốn trước đó trong cơn loạn lạc thì đất Hồ Nam hàng trăm dặm không có bóng người, họ Tiêu dắt gia đình chạy tới phía đông Trường Sa (tỉnh thành Hồ Nam), lại hứa gả con gáỉ cho Chu sinh, nhưng đang loạn lạc không thể làm đám cưới nên đên ấy đưa con gái tới nhà Chu. Cô  gái khóc không chịu sửa soạn gì cả, người nhà cứ ép đẩy lên kiệu, trên đường đi cô gái lăn ra khỏi kiệu rơi xuống đất, chợt có bốn người khiêng kiệu tới nói là người của nhà họ Chu đón dâu, đỡ nàng lên kiệu, đi nhanh như bay, tới đây mới dừng. Có một bà già kéo vào sân nói “Đây là nhà chồng cô, cứ vào đừng có khóc, mẹ chồng cô thì vài hôm nữa sẽ gặp thôi”, rồi đi mất.

Thành hỏi rõ mọi việc mới biết bà già là thần, hai vợ chồng bèn thắp hương cùng khấn khứu xin cho mẹ con được đoàn tụ. Mẹ Thành từ khi binh lửa dấy lên, cùng các bạn bè phụ nữ chạy vào hang núi ẩn náu. Một đêm nghe đồn ầm lên là giặc tới, mọi người kinh hoàng chạy trốn tứ tán. Chợt có một đồng tử đưa ngựa cho mẹ Thành cưỡi, đang lúc gấp rút bà cũng không kịp hỏi là ai. Đồng tử đỡ bà lên ngựa, ngựa phi rất nhanh, chớp mắt đã tới bên hồ*. Ngựa đạp trên mặt nước phóng như bay, dưới vó không hề nổi sóng. Không bao lâu đồng tử đỡ bà xuống, chỉ một căn nhà nói “Trong đó ở được đấy”. Mẹ Thành lạy tạ, ngẩng đầu nhìn thì thấy ngựa đã biến thành con Kim mao hẩu** cao hơn trượng, đồng tử nhảy lên dong đi. Mẹ Thành vừa gõ cổng thì thấy cánh cổng đã mở, có người bước ra hỏi, nghe giọng nói quen thuộc lấy làm lạ, nhìn kỹ thì té ra là Thành. Mẹ con ôm nhau khóc, vợ Thành cũng kinh ngạc choàng dậy, cả nhà vô cùng mừng rỡ. Ngờ rằng bà già là Quan âm đại sĩ*** hiện thân, vì vậy càng chuyên cần tụng kinh Quan âm, từ đó ở luôn lại Hồ Bắc, dựng nhà làm ruộng ở đó.

* Hồ: tức hồ Động Đình, ngăn cách hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc.

**Kim mao hẩu: thần thú lông vàng, vẫn được gọi là sư tử lông vàng. Chữ “hẩu” theo âm Việt Hán là “khổng”, đây đọc theo Thanh âm. Ở nhiều chùa chiền và trong các lễ hội của người Nam Bộ thường có thờ cúng và nghi lễ “múa hẩu”, chính là xuất phát từ các truyện tích về con Kim mao hẩu này.

***Quan âm đại sĩ: tức Quan Thế âm Bồ tát.

192. Hình Tử Nghi

(Hình Tử Nghi)

Huyện Đằng (tỉnh Sơn Đông) có Dương Mỗ theo đảng Bạch Liên giáo học được phép thuật tả đạo. Sau khi Từ Hồng Nho bị giết Dương may mắn lọt lưới, bèn đem phép thuật ngao du khắp nơi, trong nhà thì vườn ruộng lầu gác đủ cả, nổi tiếng giàu có. Tới nhà thân hào ở Tứ Thượng (thuộc tỉnh Sơn Đông), dùng ảo thuật làm trò vui, đàn bà con gái trong nhà đều ra xem, Dương liếc thấy con gái nhà ấy xinh đẹp, khi về nhà mưu bắt cóc. Vợ kế Dương là Chu thị cũng phong vận, Dương bèn cho nàng ăn mặc lộng lẫy giả làm tiên nữ, đưa cho con chim gỗ dạy cách sử dụng, rồi dắt lên lầu đẩy ra. Chu thấy thân thể nhẹ như chiếc lá lãng đãng theo mây bay đi, không bao lâu đám mây dừng lại không bay nữa, biết là đã tới nơi. Đêm ấy trăng sáng vằng vạc, từ trên nhìn xuống thấy rõ cả, Chu bèn cầm con chim gỗ ném xuống, con chim xòe cánh bay thẳng tới phòng cô gái. Cô  gái thấy con chim màu sặc sỡ bay vào, gọi tỳ nữ bắt lấy thì nó đã tung rèm cửa lướt ra ngoài. Cô  gái đuổi theo, con chim rơi xuống đất đập cánh phành phạch, vừa tới gần thì nó vọt lên đũng quần, giãy giụa rồi đội cô gái bay lên, xông thẳng vào trong mây. Cô  gái kêu gào, Chu đứng trong mây nói “Người hạ giới đừng sợ, ta là Hằng Nga trong Nguyệt điện đây. Ngươi là con gái thứ chín của Vương mẫu ngẫu nhiên bị đày xuống trần, Vương mẫu hàng ngày nhớ nhưng nên tạm gọi lên gặp một lần, rồi sẽ đưa về ngay thôi”, rồi buộc tay áo vào nhau mà đi.

Vừa tới địa giới huyện Tứ Thủy (tỉnh Sơn Đông) thì gặp người ta bắn pháo hoa trúng cánh chim, con chim hoảng sợ sa xuống kéo cả Chu theo, rơi vào nhà một người Tú tài. Người Tú tài tên Hình Tử Nghi, nhà rất nghèo nhưng tính cương trục. Có người đàn bà láng giềng đang đêm qua khêu gợi, Hình cự tuyệt không cho vào, người đàn bà căm tức bỏ đi, đặt điều với chồng là Hình dụ dỗ. Ngươì chồng vốn là kẻ vô lại, sáng chiều tới trước cổng chửi mắng, Hình vì vậy bán nhà qua ở thôn khác. Nghe nói có thầy tướng họ Cố giỏi đoán phúc thọ của người, bèn tới gặp. Cố vừa nhìn thấy cười nói “Ông giàu có ngàn chung, sao lại mặc áo rách tới gặp người, định nói ta có mắt không tròng sao?”. Hình chê nói sai, Cố nhìn kỹ rồi nói “Đúng thế, tuy còn nghèo khổ nhưng hầm vàng không còn xa đâu”. Hình lại chê nói sai, Cố nói “Không những hoạnh tài giàu có mà còn được vợ đẹp nữa kia”. Hình vẫn không tin, Cố đẩy ra cửa nói “Cứ đi đi, cứ đi đi, khi nghiệm rồi ta mới tới lấy tiền tạ on mà”. Đêm ấy Hình ngồi một mình dưới trăng, chợt có hai cô gái trên không rơi xuống, nhìn thấy đều xinh đẹp, sợ hãi cho là yêu quái bèn gặng hỏi.

Ban đầu họ không chịu nói, Hình toan kêu lớn gọi láng giềng tới, Chu sợ mới nói thật, lại xin đừng lộ chuyện ra, hứa sẽ theo hầu hạ suốt đời. Hình nghĩ con gái nhà thế gia không cùng loại với với vợ kẻ yêu nhân bèn sai người báo cho gia đình cô gái. Cha mẹ cô gái từ khi con gái bay đi cùng khóc lóc lo sợ, chợt được thư báo tin, mừng rỡ quá đỗi, lập tức sắp sửa xe kiệu tới ngay, tạ ơn Hình trăm lượng vàng rồi đưa con gái về. Hình được vợ đẹp đang lo nhà nghèo chỉ có bốn bức vách, được vàng rất khoan khoái, qua tạ ơn Cố, Cố lại nhìn mặt nói “Chưa phải đâu, chưa phải đâu, vận may đã tới, trăm lượng vàng có đáng gì?”, rồi không nhận tiền tạ ơn. Vốn là họ Thân về rồi bèn xin quan trên bắt Dương, Dương đoán biết nên đã bỏ trốn không biết đi đâu, quan bèn tịch biên gia sản, phát lệnh bắt Chu. Chu sợ hãi kéo áo Hình khóc lóc, Hình cũng hết cách, chỉ tạm hối lộ cho đám công sai rồi thuê xe kiệu chở Chu tới nhà Thân năn nỉ xin cứu giúp. Thân cảm vì có nghĩa nên hết sức chạy chọt, được nộp tiền chuộc tội cho Chu, bèn giữ cả hai vợ chồng ở lại trong nhà, vui vẻ như thân thích.

Con gái Thân lúc nhỏ đã nhận sính lễ của họ Lưu, Lưu nhất thời làm quan vinh hiển, nghe nói cô gái từng ngủ lại nhà Hình, cho là nhục nhã bèn gởi thư tuyệt hôn. Thân bàn gả cho người khác, cô gái nói với cha mẹ thề theo Hình. Hình nghe rất mừng, Chu cũng mừng, tình ngưyện xin làm vợ lẽ, nhưng Thân còn lo là Hình nghèo khổ. Lúc ấy nhà cửa của Dưong được quan dem bán đấu giá, Hình mua rồi hai vợ chồng cùng về, bỏ tiền túi ra mua đồ đạc thuê tôi tớ, trong mươi ngày đã hết sạch tiền, chỉ mong cô gái tới để được Thân giúp đỡ. Một đêm Chu nói với Hình rằng “Người chồng tội lỗi của thiếp là Dương Mỗ có chôn ngàn lượng vàng dưới lầu, chỉ có thiếp biết, mới rồi ra chỗ đó xem thấy gạch đá vẫn còn nguyên, có khi hầm vàng chôn cất vẫn còn nguyên chưa biết chừng”. Bèn cùng nhau tới đó đào lên, quả tìm được vàng, vì thế tin Cố xem tướng hay, tạ ơn rất hậu. Sau đó cô gái vu quy, mang về rất nhiều tiền bạc, chỉ trong vài năm Hình trở nên giàu có đứng đầu một quận.

Dị Sử thị nói: Bạch Liên bị diệt mà họ Dương không chết, lại còn giàu lên làm người ta suýt cho rằng lưới trời lồng lộng kia thưa nên gần lọt, nhưng nào biết sở dĩ trời lưu Dương lại chỉ là vì Hình. Nếu không thì Hình tuy bỉ cực thái lai nhưng làm sao trong chớp mắt xây lầu gác, có ngàn vàng được? Không yêu một người đẹp mà trời đền đáp cho hai người, than ôi, tạo vật không nói gì, nhưng ý tứ có thể thấy được vậy.

193. Lục Áp Quan

(Lục Áp Quan)

Ông Triệu ở huyện Vũ Lăng tỉnh Hồ Quảng làm quan tới chức Cung chiêm thì trí sĩ về nhà, chợt có một thiếu niên tới cổng xin giúp việc giấy tờ. Ông cho gọi vào, thấy nho nhã như học trò, hỏi họ tên thì nói là Lục áp Quan, không cần tiền công, ông bèn giữ lại. Lục thông tuệ hơn đám tôi tớ bình thường, thư từ của ông gởi đi đều cho y tùy ý mà viết, lá nào cũng văn hoa. Lại những lúc chủ nhân chơi cờ với khách, Lục liếc qua rồi chỉ nước là thắng, Triệu vì thế càng yêu mến. Bọn tôi tớ thấy y được chủ nhân coi trọng, hùa nhau trêu chọc, đòi phải mời tiệc. Áp Quan ưng thuận, nhân hỏi tất cả có bao nhiêu người, vừa lúc tá điền các nơi về tính sổ, khoảng hơn ba mươi người, họ tính luôn cả vào để làm khó. Áp Quan nói “Bấy nhiêu thì rất dễ, nhưng khách đông, lúc bất ngờ không lo liệu kịp, xin mời ra quán rượu”. Rồi mời tất cả ra quán rượu ngoài phố.

Ngồi yên xong, rượn vừa bày ra, có người cầm bầu đứng lên nói “Các anh khoan hãy rót. Xin hỏi hôm nay ai đứng ra mời? Nên đưa tiền ra làm tin trước mới có thể yên tâm nhậu nhẹt, nếu không uống một hồi vài ngàn chén rồi tan về thì lấy đâu mà trả?”. Mọi người đều nhìn Áp Quan, Áp Quan cười nói “Các vị nói ta không có tiền chắc? Ta có đủ đây!”, rồi đứng lên vói vào mâm nắm lấy một vắt mì ướt bằng nắm tay, ngắt ra ném lên bàn, đều biến thành chuột nhắt chạy rối rít đầy bàn. Áp Quan chụp bừa một con xé làm đôi, kêu chóe một tiếng thì bụng toác ra, lấy được một thỏi vàng nhỏ. Bắt tiếp con nào cũng thế, phút chốc hết chuột thì vàng vụn chất đầy trước mặt, rồi nói “Bấy nhiêu mà không đủ cho bọn mình uống rượu à!”, mọi người đều kinh lạ, kế cùng nhau uống thả sức.

Tan tiệc, tính ra hơn ba lượng vàng, mọi người đem cân mớ vàng vụn thì vừa đủ số. Có kẻ định bẩm lại chuyện lạ cho chủ nhân biết nên xin một mẩu nhỏ bỏ túi, về tới nhà kể lại cho Triệu nghe, Triệu bảo đưa mẩu vàng cho xem, tìm lại thì đã mất. Quay lại hỏi chủ quán thì vàng đều hóa ra gai góc, về bẩm với Triệu. Triệu căn vặn, Áp Quan nói “Anh em bạn đòi ta phải đãi tiệc, nhưng thật tình túi rỗng không tiền, lúc nhỏ học được trò mua vui, nên làm thử thôi”. Mọi người lại bắt trả tiền rượu, Áp Quan nói “Ta không phải là kẻ ăn quịt đâu ở thôn Mỗ có mớ rơm đem ra đập lại có thể được hai thạch lúa mì, thừa sức trả tiền rượu”, rồi mượn một người đi theo. Sẵn dịp người tá điền thôn ấy về, bèn đi cùng. Tới nơi thấy lúa mì đã giê sạch, đổ đống trên sân tới mấy hộc, mọi người vì vậy càng lấy làm lạ lùng. Một hôm Triệu tới nhà bạn dự tiệc, thấy giữa phòng có chậu lan rất tươi tốt thích lắm, về nhà cứ khen ngợi mãi. Áp Quan nói “Nếu quả thật ông thích thứ lan ấy thì cũng không khó!”.

Triệu còn chưa tin, sáng sớm vào phòng sách chọt ngửi thấy mùi hương lạ thơm phức, nhìn lại thì có một chậu lan, cành lá chỗ thưa chỗ dày đều giống hệt như chậu lan mình đã thấy, nghi là y ăn cắp về bèn căn vặn. Áp Quan nói “Hoa cỏ nhà ta gom trồng có hàng trăm hàng ngàn loại, cần gì phải ăn cắp!”, Triệu cho là y nói dối, vừa gặp lúc người bạn kia tới chơi, nhìn thấy chậu lan, giật mình nói “Sao mà giống hệt chậu lan nhà ta!”. Triệu nói “Ta vừa mua được, nhưng cũng không biết vì sao họ có mà bán, mà lúc ra khỏi nhà, ông còn nhìn thấy chậu lan không?”. Người bạn đáp “Ta không vào phòng sách nên không biết là còn hay mất, nhưng làm sao mà nó tới đây được!” Triệu nhìn Áp Quan, Áp Quan nói “Chuyện này không có gì khó, cái chậu nhà ông bị vỡ, có vá một chỗ, còn cái chậu này thì lành”, kế xem lại mới tin là đúng.

Tối đến Áp Quan nói với chủ rằng “Trước nay ta nói ở nhà ta có nhiều hoa cỏ ai cũng ngờ là dối trá, nay phiền ông dời gót ngọc, nhân lúc sáng trăng tới xem một chuyến, nhưng mọi người đều không ai theo được, duy A Áp thì không sao”. Áp vốn là tiểu đồng của Triệu, ông bèn theo lời. Ra khỏi nhà đã có bốn người khiêng kiệu chờ bên đường, Triệu bước lên thấy đi nhanh hơn ngựa phi, phút chốc vào tới núi sâu, chỉ ngửi thấy mùi hương lạ thấm vào tận xương tủy. Không bao lâu tới một tòa động phủ, thấy nhà cửa cao ráo sáng sủa khác hẳn nhân gian, nơi nào cũng đặt đá trồng hoa, chậu bồn xinh xắn ngời sáng tỏa hương, loại lan nào cũng có vài mươi chậu, thảy đều tươi tốt đẹp đẽ, Triệu xem xong Áp Quan lại sai kiệu đưa về. Áp Quan theo Triệu hơn mười năm, sau Triệu không bệnh mà chết, Áp Quan bèn dắt A Áp ra cửa không biết là đi đâu.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x