Thực hư chuyện tái xuất “rắn thần” tại miếu Bà
Theo tin từ UBND huyện Hải Lăng, Quảng Trị, ngôi miếu Bà – nơi cha con ông Thiệt khẳng định đã nhìn thấy con rắn có kích thước khủng – là một trong những “chứng nhân” lịch sử của thôn Lam Thuỷ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, đây là căn cứ địa cách mạng. Dưới lòng miếu lúc bấy giờ là nơi hoạt động của các chiến sĩ cách mạng, từ miếu này nhiều đường giao thông hào cũng được đào dẫn ra nhiều nơi.
Hiện miếu Bà đang được các cơ quan chức năng huyện Hải Lăng lập hồ sơ xin được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Đêm hôm trước nằm mơ thấy có cụ bà đến nhắc nhở mình về tội dựng trại nuôi vịt cạnh miếu thiêng; sáng hôm sau vừa thức giấc, bất ngờ có con rắn to lớn không biết từ đâu xuất hiện trong tư thế “ngồi xổm” nhìn thẳng vào mắt người đàn ông chủ trại vịt.
Vừa sợ vừa mừng thầm, dân làng thôn Lam Thuỷ, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) tin rằng con rắn chính là vị “ngài” của làng ẩn nấp bấy lâu, nay “tái xuất” trở về thăm làng.
Ngôi miếu Bà – nơi được cho là có “rắn thần” xuất hiện.
“Rắn thần” nắn gân chủ trại vịt
Sự việc xảy ra cách đây đã hai năm, nhưng đến nay mỗi lần nhắc lại ông Nguyễn Đức Thiệt (58 tuổi, trú thôn Lam Thuỷ) vẫn chưa hết sợ hãi. Ông Thiệt kể, vào khoảng tháng 7.2010 tiết trời mưa lũ, nhằm cải thiện thu nhập gia đình trong thời gian nông nhàn nên ông mua đàn vịt nhỏ về chăn thả. Thấy bãi đất trống gần miếu Bà sát bờ sông Cổ Hà thoáng mát, bèn chọn làm nơi dựng trại nuôi vịt.
Dựng trại được vài ngày, ông Thiệt thấy ruột gan bồn chồn lo lắng mà không hiểu nguyên nhân vì sao, cho đến một ngày: “Hôm đó trời mưa to, dông tố ầm ầm, tôi nằm mộng thấy có bà lão tóc bạc đến răn dạy miếu Bà là nơi linh thiêng, không được dựng trại nuôi vịt làm ô uế miếu và bảo tôi chuyển trại vịt đi nơi khác”.
Giấc mộng lạ khiến ông chủ trại vịt tỉnh giấc và càng lo âu. Nhưng rồi cứ nghĩ đó chỉ là mộng mị nên vẫn tiếp tục trở lưng thiếp đi. Đến tờ mờ sang, ông Thiệt thức dậy cho đàn vịt ăn thì cảnh tượng “thật như mơ” khiến bản thân ông hồn xiêu phách lạc: “Con rắn to bằng đùi người lớn, dài khoảng 2m, đen nhánh toàn thân, thè lưỡi đỏ lòm. Nó nằm ngay dưới giường ngủ, đầu ngẩng cao nhìn chằm chằm vào mặt tôi.
Lúc đó sợ quá, tôi chỉ biết chắp tay van xin thì nó lại nằm xuống một lúc khá lâu rồi trườn xuống sông. Con rắn to lắm, mỗi bước trườn của nó đè dẹp cả những đám cỏ tranh cao tốt ” – ông Nguyễn Đức Thiệt nhớ rõ đến từng chi tiết.
Cũng theo lời ông chủ trại vịt này, bao năm hành nghề chăn vịt thường xuyên len lỏi chốn bụi bờ sông nước, nhưng chưa bao giờ ông chứng kiến con rắn nào to lớn đến thế. Dân làng thôn Lam Thuỷ xưa nay cũng chưa ai tận mắt nhìn thấy rắn to lớn như vậy xuất hiện.
Như để minh chứng lời mình nói, ông Thiệt cho biết hôm “rắn thần” xuất hiện ông gọi cả con trai lên “ứng cứu”, nhỡ có chuyện chẳng lành xảy ra.
Thế nhưng như lời ông nói, đứa con trai vừa đến nơi chứng kiến con rắn có kích thước “khủng” liền khiếp vía bỏ chạy la làng. Người dân cho biết thêm, con trai ông Thiệt sau lần đó có lẽ vì quá hoảng sợ mà tâm lý bất an, có triệu chứng hoảng loạn.
Ông Nguyễn Đức Thiệt đang kể chuyện gặp rắn.
Quá khiếp sợ, ông Thiệt vội vã tìm đến nhà thủ bộ của làng là cụ Nguyễn Trí Thản- năm nay đã hơn 80 tuổi- để cầu cứu. Được hướng dẫn, ông Thiệt trở về làm mâm cỗ mang đến miếu Bà làm lễ tạ lỗi rồi tháo dỡ trại vịt chuyển đi nơi khác. Không biết có phải nhờ thế hay không, nhưng từ đó con trai ông Thiệt mới hoàn toàn bình thường trở lại như trước.
Câu chuyện “rắn thiêng”, “rắn thần” nhanh chóng trở thành đề tài “hót” ở vùng quê Lam Thuỷ từ đó. Nhiều bậc cao niên lúc đó mới cho hay, trước đây từng nghe cha ông kể về con “rắn thần” sống gần miếu Bà. Tuy nhiên không ai có cơ hội diện kiến “ngài”, bởi chỉ những người hợp mạng mới được “ngài” cho thấy.
Miếu thờ 3 “cụ” rắn ?
Chúng tôi tìm đến cụ Nguyễn Trí Thản, hiện đang đảm nhận chức thủ bộ làng Lam Thủy, để tìm hiểu về thực hư chuyện trên. Lật giở từng trang gia phả đã ố vàng, cụ Thản cho hay trong làng mình còn có ngôi miếu nằm bên bờ sông Cổ Hà là nơi thờ cúng 3 “cụ” rắn với ba bài vị, tên tuổi các “cụ” được ghi chép tỉ mỉ trong gia phả làng như sau: “Cụ thứ nhất tên Thủy Dái Húy Công đệ nhất Nguyễn Tôn thần, cụ thứ hai tên Thủy Dái đệ nhị Nguyễn Tôn thần, cụ thứ ba tên Thủy Dái Húy viện đệ tam Nguyễn Tôn thần. Hằng năm, vào dịp giỗ làng, tên của 3 cụ vẫn được xướng lên trong các lễ cúng”.
Vị thủ bộ làng Lam Thủy cũng cho biết, trước đây thi thoảng 3 “cụ” rắn có về thăm làng, nhưng lúc ẩn lúc hiện. Mỗi lần “rắn thần” xuất hiện tức năm đó mùa màng bội thu, người dân ăn nên làm ra.
Lần các “cụ” rắn xuất hiện gần đây nhất là vào năm 1982. Người làng Lam Thủy bây giờ vẫn còn nhớ chuyện dịp rằm tháng 7.1982, khi dân làng đến chùa làm lễ cúng cô hồn. Đúng giờ hành lễ, trụ trì chùa tiến đến thắp hương trên bàn phật thì bất giác rùng mình nhìn thấy một con rắn đen, to bằng cổ chân nằm khoanh tròn “chễm chệ” dưới chân tượng Phật.
Biết “ngài” về thăm quê, nhà sư thắp nhang, quỳ gối niệm Phật như không có chuyện gì xảy ra. Lúc bài kinh kết thúc, vị sư trụ trì mở mắt nhìn lên thì không thấy “ngài” đâu nữa.
Theo lời cụ Thản, chuyện này hoàn toàn thật 100% bởi không chỉ vị trụ trì mà nhiều người dân đến làm lễ cũng nhìn thấy. Cụ bà Nguyễn Thị Loan, 85 tuổi – một phật tử của chùa – xác nhận thêm: “Vì đứng gần bàn thờ Phật nên tôi thấy rất rõ “cụ” rắn nằm khoanh tròn, đầu ngẩng cao chăm chú nghe kinh. Thiệt tình lúc đầu tôi có phần hoảng sợ, toan bỏ chạy thì nhà sư vẫy tay ra ký hiệu đừng làm kinh động ngài rắn”.
Nói đến đây, tuy không khẳng định nhưng vị thủ bộ làng có ý liên tưởng rằng “cụ” rắn năm xưa và “cụ” rắn mà bố con ông Thiệt chứng kiến tại miếu Bà là một.
Nhiều người mới nghe chuyện có phần hoài nghi có thể bố con ông Thiệt bịa đặt, thì cụ Thản đặt câu hỏi ngược: “Chẳng có lý gì ông ta phải đặt điều huyễn hoặc, chẳng nhẽ tự dưng người ta lại nhờ tôi bày vẽ rồi tốn kém làm cỗ tạ lễ?”.
Như vậy, có thể “cụ” rắn năm xưa sau gần 30 năm “mất tăm” nay lại xuất hiện tại làng. Thêm điều trùng hợp nữa là năm 2010 dân làng Lam Thuỷ lại được mùa bội thu, khiến ai nấy càng tin rằng “ngài” rắn về thăm làng.
Ly kỳ giai thoại người sinh ra rắn
Nói về ngôi miếu thờ 3 “ông” rắn ở nơi mình sinh sống, cụ Nguyễn Trí Thản dẫn đọc từng câu chữ ghi chép trong gia phả của làng kể lại xưa kia, trong làng có đôi vợ chồng sống với nhau nhiều năm nhưng không có con. Một hôm, người vợ ra tắm ở hồ nước lớn trước nhà thì đột nhiên mất tích bí ẩn. Dân làng đổ xô tìm kiếm khắp nơi, nhưng không ai thấy tăm hơi người phụ nữ này đâu.
Tìm kiếm vô vọng, người chồng cùng dân làng nghĩ rằng chị đã bị “hà bá” bắt đi bèn lập đàn gọi hồn. Kỳ lạ thay, đúng 3 ngày 3 đêm sau người vợ bất ngờ trở về làng trước sự ngỡ ngàng của gia đình, hàng xóm.
Thêm điều lạ nữa, sau khi về nhà không lâu thì phụ nữ này mang thai. Rồi cũng đúng chín tháng mười ngày người vợ trở dạ sinh nở như những phụ nữ bình thường khác. Thế nhưng ngay trong lần sinh đầu tiên thai phụ cho ra đời 3 quả trứng tròn trĩnh. Chuyện tưởng chừng chỉ có trong thần thoại, nhưng người dân Lam Thuỷ tin chắc hoàn toàn có thật.
Chứng kiến cảnh tượng lạ, lại quá hoảng sợ nên người chồng đem 3 quả trứng để ngay ngắn trên mô đất cao đầu làng. Suốt mấy ngày sau đó hôm nào vợ chồng người nông dân kia cũng ra thăm nom 3 quả trứng như những đứa con của mình. Rồi một hôm, như thường lệ vợ chồng anh ra mô đất cao đầu làng, bỗng chết lặng người bởi 3 quả trứng nở ra 3 con rắn.
Chuyện người sinh ra rắn tức thì gây xôn xao xóm làng. Người thì cho đây là “điềm dữ”, nhưng cũng có người lại quan niệm đấy là “điềm lành” bởi năm đó làng Lam Thuỷ lại lần nữa trúng mùa lúa.
Kể tiếp giai thoại đậm chất liêu trai mà cha ông ghi chép lại, cụ Thản nói: “Sau khi “hạ thế” được bốn tuần thì vào một đêm tối trời, mây đen từ đâu kéo về dày đặc, sấm chớp ầm ầm kèm theo trận mưa như trút nước. Cũng từ đêm đó, mọi người không thấy 3 con rắn đâu nữa”.
Cụ Thản cho hay, câu chuyện 3 “cụ” rắn gắn với làng mình đến nay đã xấp xỉ 200 năm, nhưng bất kể người dân làng nào cũng đều thuộc nằm lòng.
Tung tích 3 con “rắn thần” được người dân lý giải rằng có thể các “ngài” đã di chuyển sang các tỉnh lân cận Thừa Thiên-Huế hoặc Quảng Bình. Sự biến mất đầy bí ẩn của 3 con rắn khiến các bô lão trong làng quyết định lập miếu thờ tại mô đất cao nơi vợ chồng nông dân đặt trứng. Cho đến nay ngôi miếu thờ vẫn còn nguyên vẹn, bên trong miếu thờ 3 bát nhang tượng trưng cho 3 “ông rắn”.
Theo lời người dân, miếu rắn cực kỳ linh nghiệm, hằng năm bậc bô lão đều tế lễ tại đây nhằm cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Miếu thiêng đến mức cách đây mấy thập kỷ, khi tiến hành mở rộng đường làng người ta phải “né” miếu ra xa cả chục mét do sợ “phạm” đấng thần linh.
Liên tưởng đến con rắn “khủng” mà cha con ông Thiệt chứng kiến, nhiều người thôn Lam Thuỷ một lần nữa tin rằng đấy chính là một trong 3 “cụ” rắn năm xưa.
Theo Lao Động