Home Truyện Ma Kinh Dị Truyện Dài Kinh Dị – Lá Cờ Ma

Truyện Dài Kinh Dị – Lá Cờ Ma

[3] Một cân Trung Quốc bằng 0,5kg.
Việc này cứ quyết định như thế, từ nay về sau, Hán Chương sẽ là người vác cờ.
Có một điều tuy mấy đứa chúng nó không nói với mình nhưng mình vẫn biết.
Ấy là vác lá cờ này có phần huênh hoang quá.
Tôn Diệu Tổ chỉ viết đến đây thì ngừng. Có lẽ, cả ba người còn lại đều được đọc cuốn nhật kí này nên Tôn Diệu Tổ không viết quá chi tiết.
“Có phần huênh hoang quá”, nghĩa là như thế nào nhỉ? Tôi thử suy ngẫm một chút, vác một lá cờ to như thế đi trên những con phố của thành phố, những cánh đồng của làng xã, người người trông tỏ, họ không thể xem như đang đi giữa chốn không người, Lão Nhị và Lão Tứ nhà họ Tôn tất nhiên cảm thấy xấu hổ. Đây có lẽ mới là nguyên nhân thực sự khiến bốn anh em nhà họ Tôn quyết định để Tôn Lão Tam vác cờ.
Thì ra bốn anh em nhà họ Tôn không phải tất cả đều chung một lòng, chỉ có Tôn Diệu Tổ và Tôn Huy Tổ là người kiên định nhất.
Trong cuốn nhật kí, Tôn Diệu Tổ không dành một phần riêng để nói rõ mối dây liên hệ giữa việc vác lá cờ đó đi trên đường với việc phát hiện vị trí của ngôi mộ cổ. Ông ta chỉ ghi chép lại việc mình đã từng sáu lần giải thích điều đó với ba đứa em trước và sau khi sự việc xảy ra. Xâu chuỗi chúng lại với nhau, tôi cũng nắm được đại ý.
Lá cờ đó có mối liên hệ mật thiết với một đồ vật nào đó trong ngôi mộ cổ, khả năng cao nhất chính là cuốn sách đó, hoặc có thể là đồ vật khác, điều này không được Tôn Diệu Tổ ghi chép tỉ mỉ, nhưng ắt hẳn phải có nguyên nhân sâu xa nào đó, có thể chúng cùng nguồn gốc, hoặc chúng có một tác dụng tương tự như nhau. Các vị tổ tiên của nhà họ Tôn suy đoán, giữa hai vật này có thể có tác dụng cộng hưởng hoặc có lực hấp dẫn lẫn nhau, giống như hai cục nam châm khi để chúng ở một khoảng cách nhất định sẽ xảy ra hiện tượng khác lạ và nhờ đó có thể đoán định được vị trí đại khái của ngôi mộ cổ.
Suốt hơn một năm ròng, lá cờ đó không phát sinh một hiện tượng khác lạ nào, chỉ trừ việc khiến cho những người lần đầu trông thấy nó kinh hoàng khiếp đảm, tuyệt nhiên không thấy nó có sự cộng hưởng hay có lực hút với vật khác. Bởi thế, nỗi hoài nghi của mấy anh em nhà họ Tôn về lời suy đoán của liệt tổ liệt tông ngày một nặng nề thêm và đó cũng là nguyên nhân khiến Tôn Diệu Tổ phải giải thích với các em tới sáu lần.
Tôi có thể thấu hiểu, khi đó bốn anh em nhà họ Tôn ngày nào cũng vác lá cờ đi khắp nơi, những mảnh đất mà họ chưa đặt chân đến ngày càng ít dần, nhưng lá cờ đó vẫn không hề có phản ứng như trong tâm tưởng của họ, hẳn nhiên họ sẽ băn khoăn không biết lời suy đoán của tổ tông có đúng hay không. Thậm chí họ sẽ nghĩ, lẽ nào tổ tông của họ đã dùng đủ mọi biện pháp thực tế mà vẫn thất bại, nhưng vì không muốn con cháu đời sau từ bỏ hi vọng tìm kiếm ngôi mộ cổ đó nên tổ tiên họ đã thêu dệt nên câu chuyện kì quái này?
Nếu lá cờ đó bản thân nó không mang những điều thần kì, e rằng anh em nhà họ Tôn đã từ bỏ công cuộc tìm kiếm ngôi mộ đó rất lâu rồi.
***
Ngày 14 tháng 7 năm 1936, trời nổi sấm, mưa.
Sắp sửa tiến vào Đại Thượng Hải.
***
Ngày 15 tháng 7 năm 1936, trời mưa.
Hán Chương bảo với mình là nó cảm thấy hơi khang khác.
Nó nói, nó không rõ đó là cảm giác gì, chỉ biết rằng cảm giác của nó khi vác lá cờ không giống như trước đây nữa.
Còn mình, Lão Nhị và Lão Tứ thì lại chẳng có cảm giác gì cả. Hi vọng không phải là ảo giác của Hán Chương.
***
Ngày 7 tháng 8 năm 1937, trời nhiều mây.
Hán Chương lại có cảm giác. Và cảm giác lần này mạnh hơn lần trước.
Nơi này chính là Sạp Bắc của Thượng Hải.
Nghe Hán Chương nói thế, mình, Lão Nhị và Lão Tứ cơ hồ cũng có cảm giác khác lạ. Không phải là do tác động tâm lý chứ?
Hi vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn.
Nếu lần này mà vẫn không thành công nữa thì…
***
Ngày 11 tháng 8 năm 1937, trời nắng.
Cuối cùng cũng tìm thấy rồi!
Đúng là có sự thay đổi dị thường! Tất cả mọi người trên phố trông thấy lá cờ đều sợ tới nỗi phát điên, giống hệt như một cơn bão táp tinh thần đang hoành hành vậy! Nhưng bốn anh em mình đứng ngay dưới lá cờ đó lại không hề hấn gì. Không, nói đúng hơn thì vào khoảnh khắc đó, trong lòng mình thấy dạt dào sức mạnh.
Sức mạnh. Giây phút đó, mình tưởng như có một sức mạnh vô song khiến mình dám thách thức cả thế giới.
Mình tin là ngày này sẽ không còn xa nữa, ngôi mộ cổ đang nằm dưới chân mình rồi.
Nét chữ trên trang nhật kí này run run. Khi viết những dòng này, Tôn Diệu Tổ xúc động đến nỗi tì rách một số chỗ trên trang giấy. Niềm hi vọng vốn dĩ ngày càng trở nên mịt mờ bỗng chốc lại trở thành hiện thực và thành công đã cận kề, làm sao người ta không xúc động được?
Còn với một người ngồi đây đọc lại cuốn nhật kí này sau nhiều năm như tôi, tôi biết rằng, thực ra họ đang tiến gần tới cái chết.
Những trang sau của cuốn nhật kí ghi chép những điều cơ bản tôi đã biết: việc bốn anh em nhà họ Tôn tạo mối quan hệ với chính quyền, di dân đi nơi khác, xây dựng “khu ba tầng”, thỉnh mời bác Chung Thư Đồng, Đại sư Viên Thông, “Vua trộm mộ” Vệ Bất Hồi, đào đường hầm trong lòng đất dưới vỏ bọc đào hầm trú ẩn, vận chuyển số đất đào được ra bên ngoài, lấp ao Khâu Gia, phát hiện ra vị trí cụ thể của ngôi mộ cổ, sự kiện quân xâm lược Nhật ném bom, lời tiên đoán chẳng lành của Đại sư Viên Thông…
Tôi giở tới trang cuối cùng của cuốn nhật kí.
Ngày 4 tháng 9 năm 1937, trời nhiều mây.
Chuẩn bị xuống dưới lòng đất.
Đây là thời khắc cuối cùng rồi, nhưng tâm trạng của mọi người hình như có chút…
Có lẽ không nên mời Đại sư Viên Thông tới.
Hi vọng Vệ Bất Hồi có thể trợ giúp anh em mình, dù dưới lòng đất ẩn chứa điều gì đi nữa, anh em mình cũng không còn đường lùi nữa rồi. Bốn anh em mình gánh trên vai niềm kì vọng của gia tộc Tôn Thị từ cả ngàn năm trước. Liệt tổ liệt tông đang dõi theo mình.
Cũng may, bốn anh em không băn khoăn điều gì.
Tôi gấp cuốn nhật kí lại. Đồng hồ chỉ hơn 1 giờ sáng. Với tôi, thời điểm đó không phải quá muộn, nhưng lúc này, tôi cảm giác mệt mỏi rã rời, không phải sự mệt mỏi trên cơ bắp mà là sự mệt mỏi từ sâu trong đầu óc lan tỏa, khiến tôi không thể tiếp tục tư duy được nữa.
Tôi đã suy nghĩ quá nhiều và những suy nghĩ đó cứ vấn vít vào nhau, rối như tơ vò khiến tôi trong chốc lát đã mất đi khả năng phân tích rõ ràng từng sự việc.
Thôi, cứ đi ngủ trước vậy.
Tôi thường ngủ để né tránh một số chuyện, song trên thực tế thì tôi không có cách nào thoát khỏi chúng được.
Trên các đầu móng tay của tôi thoang thoảng mùi máu tanh.
Tôi vùi hai bàn tay xuống dưới gối.
Tôi không nhớ rõ mình chìm vào giấc ngủ từ khi nào. Hình như, tôi chưa hề ngủ. Có những cảnh tượng cứ lướt qua trong đầu, bóng dáng của Vệ Tiên, hình hài của bốn anh em nhà họ Tôn và cả cái đầu lâu đó nữa. Từ rất lâu rồi, tôi chưa co một giấc ngủ nào trằn trọc và khổ sở như giấc ngủ đêm qua. Lúc tôi lồm cồm bò dậy, toàn thân ướt đẫm những giọt mồ hôi lạnh và dính nhơm nhớp.
Kim đồng hồ chỉ 7 giờ 15 phút. Với tôi, giờ này hơi sớm để thức dậy, nhưng không thể nấn ná thêm trên giường được nữa, vì khi mi mắt tôi vừa khép lại, thì những hình ảnh hỗn loạn lại thi nhau ào tới.
Tôi tắm nước lạnh rồi cố gắng ép mình xốc lại tinh thần. Bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để gọi điện cho bác Chung Thư Đồng. Tôi không muốn giở cuốn nhật kí màu đỏ sậm đó ra xem lại lần nữa.
Nội dung của cuốn nhật kí đã giúp tôi hình dung ra đại thể chuyện xảy ra năm xưa. Tuy thế, tác dụng của nó cũng không quá lớn, nhất là trong tình cảnh tôi vốn dĩ cho rằng mình có thể tìm ra manh mối để trả lời câu hỏi vì sao Vệ Tiên tự sát từ cuốn nhật kí đó, nhưng bây giờ tôi lại chẳng nghĩ ra điều gì cả.
Điều gì đã dồn Vệ Tiên tới chỗ chết, khiến anh ấy không có dũng khí để phản kháng, thậm chí không cầu cứu tới tôi?
Tôi nhớ lại, ở vào phút cuối cùng, gương mặt của Vệ Tiên đột nhiên trở nên hoảng hốt và tuyệt vọng, điều này phải giải thích thế nào? Lúc đó, ánh mắt của anh ta nhìn chòng chọc vào tôi.
Một ý nghĩ vụt hiện lên trong đầu khiến tôi kinh ngạc. Không lẽ Vệ Tiên đang sợ tôi?
Anh ấy sợ tôi nên mới im lặng với tôi. Ở giây phút cuối cùng của đời mình, Vệ Tiên đã sợ hãi khi nhìn thấy tôi?
Tôi nhìn hình ảnh mình đang mặc quần áo trong gương. Vẫn như bình thường, chỉ có điều hơi tiều tụy một chút.
Tôi đi đi lại lại trong phòng. Có một thứ áp lực không rõ từ đâu dồn lên trong lòng làm tôi không tài nào cảm thấy thoải mái được, tôi biết chắc chắn là có chô nào đó bất ổn, nhưng tôi không thể nắm bắt được nó.
Tôi cảm nhận nguy hiểm đang rình rập, song lại hoàn toàn không biết mối nguy ấy từ đâu tới.
8 giờ 15 phút, cuối cùng, tôi không thể chờ đợi thêm được nữa, tôi nhấc điện thoại lên và gọi cho bác Chung Thư Đồng. Người già thường hay dậy sớm.
Bác Chung Thư Đồng bắt máy rất nhanh. Xem ra, tôi không quấy nhiễu giấc ngủ của bậc đại học giả là bác. Vừa nghe thấy tôi nói việc điều tra có bước tiến mới, bác vội vã bảo tôi tới nhà bác kể cho bác nghe, bác cơ hồ sốt sắng hơn cả tôi.
Tôi rửa những bức ảnh đã chụp bằng chiếc máy ảnh kĩ thuật số ra khổ lớn, cho vào trong túi rồi không đủ kiên nhẫn đợi xe bus, tôi gọi taxi tới nhà bác Chung Thư Đồng.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận