Truyện Ma Quê Ngoại ( Mới 2014 )
Chuyện thứ 7: Người yêu cô V
Cô V xinh gái nhất nhà. Ai nhìn cô lớn lên cũng bảo cô giống hệt bà hồi còn trẻ. Tuy cô xinh vậy nhưng số cô lận đận lắm. Cô là con gái đầu tiên của ông bà, ông lại đi công tác xa nhà, bà thì bận việc nên bao nhiêu việc nhà đều đến tay cô hết. Cô làm tất mọi việc từ trông em, đến việc đi chợ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Ấy vậy mà cô vẫn học giỏi lắm. Nhưng mà cô lại là con gái. Cô học hết cấp 3, bà nói cô ở nhà giúp bà chợ búa chứ cô mà đi học nữa thì việc nhà ai lo. Bà bảo “ Anh mày đi học tao nuôi đã tốn kém lắm rồi, giờ thêm mày nữa thì tao chết” Anh mày ở đây là bác cả T chứ bố em thì hết cấp 3 là nghỉ luôn rồi. Cô V cũng dễ tính, bà nói gì thì ghe theo đấy. Sau đó bà sắm đồ để cho cô đi buôn rau và hoa quả bên chợ huyện. Ở quê nhà em, đi lên thị trấn thì xa lắm, nhưng sang thị trấn ở Thái Bình thì rất gần. Cô cùng mấy người nữa cứ sáng sớm lại chở đồ sang bên chợ huyện bên kia bán, tối thì cô về. Đi đông người như vậy nên bà cũng yên tâm cho cô làm ăn. Cô đi chợ sớm lắm, cứ tầm 4h sáng cô đã dậy rồi, nấu cơm hay luộc củ sắn củ khoai mang đi ăn trưa, thu xếp hàng hóa rồi cô đi ra bến đò để đợi người đi cùng. Những ngày đầu tiên cô đi làm ai cũng lo cô thân gái đi sớm về muộn nhỡ đâu có chuyện gì nhưng cô bảo không sao, thêm nữa sau cả tháng trời cô đi làm cũng chẳng có gì xảy ra thật nên mọi người cũng yên tâm hẳn.
Cho tới một hôm, cô V đi chợ được một lúc thì bà cũng dậy. Cô đi chạy chợ thì bà phải dậy để lo cơm nước cho cô N, cô T ăn đi học rồi còn cho lợn cho gà ăn. Vừa tỉnh giấc được lúc thì bà nghe thấy có tiếng chân chạy lập cập về nhà, rồi thêm tiếng gọi “ Mẹ ơi, anh S ơi” lẫn tiếng khóc. Thôi đúng là con V rồi, không hiểu có chuyện gì xảy ra với con bé. Bà nóng ruột chạy ra, gọi cả bố em dậy nữa. Hai mẹ con ra đến cổng thì thấy cô V mặt mũi tèm nhem nước mắt lẫn đất đường đang hớt ha hớt hải chạy về. Bà hỏi vồn “ Sao, sao ? ”. Cô thì thấy mẹ với anh chạy ra thì càng khóc to hơn làm bà càng sợ. Bố nóng tính nghĩ có đứa nào trêu em mình, vào nhà vác cái quốc rồi chạy ra bến đò. Bố em kể ra tới bụi tre cuối làng thì thấy cái xe đạp của cô V vứt ở đấy, 2 sọt rau củ hai bên vẫn còn nguyên. Nắm cơm của cô V vứt ngay ở bên xe. Bố thu dọn đồ rồi mang về cho cô. Tiếc nắm cơm của cô bố cũng mang về nốt. Hôm nay con V nó lại gói cơm nguội mang đi à ?. Về đến nhà thấy cô V vẫn khóc bố mới hỏi có chuyện gì thì cô mới bắt đầu kể. Như mọi hôm cô đi tắt theo đường bãi bồi ra bến đò. Đi tới gốc tre cuối làng thì cô thấy hình như có mấy đôi mắt đang nhìn chằm chằm vào cô thì phải. Cô sợ lắm , đi thật nhanh thì bỗng nhiên có tiếng gọi
– Này con bé kia
Cô V giật thót mình, thiếu chút nữa thì xỉu luôn, cô quay lại thì thấy dưới gốc tre có một bà lão đang đưa tay ra vẫy cô. Nghĩ là người ăn xin hay tới làng mà cô có lần gặp rồi, cô thở phù đi tới
– Bà gọi gì cháu đấy ạ ?
– Tao đói quá, mày có gì ăn không?
– Cháu chỉ có cơm nắm muối vừng thôi bà ạ
– Mày cho tao xin miếng
Cô V đưa nắm cơm cho bà lão ăn, nắm cơm hãy nóng hổi, cô vừa mới nấu sáng nay. Bà lão cầm nắm cơm của cô đưa lên miệng rồi trả lại. Cô thấy lạ cầm lại thì thấy nắm cơm nãy giờ đang nóng hổi tự nhiên lạnh ngắt. Cô giật mình nhìn lại bà lão thì thấy một gương mặt nhợt nhạt, đen sì, hai mắt mở to ra đang nhìn cô cười. Cô V sợ quá vất cả xe, cả nắm cơm ra đất. Rồi không chỉ một mà mấy tiếng cười nữa vang lên thé thé
– Mày làm con dâu tao nhé, hé hé hé….
Cô V sợ quá chạy tọt về nhà, tiếng cười của nó còn đuổi theo ngay sau cô. Cô chạy bán sống bán chết, ngã mấy lần vẫn đứng lên chạy tiếp. Tiếng cười của đám kia vẫn theo cô cho tới khi bà và bố chạy ra.
Bà thở dài. Lại cái bụi tre đấy. Ngày xưa ăn mày về đất này, có người chết đói ven sông, có người chết trong làng. Làng không cho chôn ở đất của làng thì họ lén lút chôn ở khóm tre bụi chuối. Mấy cái vong này không ai hương khói, ngày rằm tháng chạp lại ra trêu người. Hôm đấy bà bảo cô ở nhà, bà nghỉ việc đưa cô ra cái lầu ở trong làng thắp hương. Lúc bà với cô vào lầu, bà lão trông coi việc hương khói ở đó, chỉ thẳng mặt cô nói:
– Con này, có cái vong theo sau mày kìa.
Cô em sợ chết khiếp, bà làm lễ vào thắp hương, rồi bà xin lá dâu ở lầu về đun nước cho cô tắm. Cả tuần đấy cô ở nhà, rồi sau đó cô đi làm bình thường, cũng chẳng có gì xảy ra thêm nữa.
Bác cả đi học về lấy vợ ở mãi bên kia sông. Hai người học cùng nhau, giờ về làm cùng ở trường cấp 3 gần nhà. Sau đó bố em cũng lấy mẹ là người trong làng. Cả nhà giục cô V đi lấy chồng. Năm đó cô cũng 28 rồi. Lạ cái là từ sau cái ngày cô gặp ma, cô cũng chẳng có mảnh tình nào. Hoặc là trai làng chẳng ai giám đến hỏi cô. Bà thì buồn lắm, bà nói đi cắt duyên âm cho cô mấy lần mà chẳng được. Vậy mà một ngày cô nói cô có người yêu rồi. Cả nhà ai cũng mừng hết. Cô vẫn chạy chợ bên kia sông, ngày ngày qua cái trường tiểu học ở bên đó, ngồi nghỉ mấy lần thì gặp chú kia. Chú ấy làm giáo viên ở đó. Chuyện qua chuyện lại, thấy cô xinh xắn thì đem lòng thương. Ai nghe cô kể về chú ấy cũng mừng cho cô, bác cả càng mừng, bác còn đùa thế này thì nhà lắm giáo viên quá. Chú ấy đi bộ đội xong mới về đi học, hơn cô 4 tuổi, hai người dự định sang năm thì cưới. Cả nhà giục cô nói cô bảo chú sang thăm nhà đi. Rồi chú ấy cũng sang, hôm nhà ông bà làm có giỗ. Ai nhìn thấy chú cũng khen cô V khéo chọn người. Sau đó chú sang thăm nhà thường xuyên hơn, có hôm tối cũng sang chơi rồi lại về. Ba tháng nữa là cô chú làm đám cưới. Hôm đó chú sang chơi bàn chuyện với ông bà. Ông em lúc này về quê rồi, ở nhà làm công tác trên xã. Lúc chú về là gần 9h tối, bình thường đò ở đây chạy tới 10h mới nghỉ, đêm ai đi gọi họ cũng chạy cho nhưng tính giá khác. Hôm đấy không hiểu sao cô V nóng ruột lắm, cứ bảo chú hay ở lại nhà đi đừng về nữa. Chú thì lại bảo cô lo xa, đi bao lần có sao đâu. Mà không về nhà lại lo nên chú cứ về. Cô đưa chú ra bến đò, đi qua gốc tre kia, cô lại lạnh người, cảm giác bao nhiêu ánh mắt nhìn theo giống hệt khi xưa. Cô nhìn chú lên đò rồi mới về nhà. Đêm ấy cô như ngồi trên đống lửa, chỉ muốn sáng cho mau để sang gặp chú.
Đêm đấy có người ngã sông. Lúc đò ra giữa dòng, cái xà lan chở cát đi gần đến nơi mới rú còi. Người lái đò bẻ vội cái bánh lái tránh đường cho xà lan đi nhưng vẫn có va chạm. Hôm đó chỉ có một người khách trên đò. Do đứng phía trên mũi đò nên cả người cả xe sau va chạm bị hất văng xuống nước. Cái nghề sông nước bạc lắm, đã gắn với nó rồi thì không dứt ra được. Thấy người chết đuối không được cứu là cái luật nghiệt ngã nhất của người sống trên sông. Hôm đấy lại chỉ có một mình người kia đi đò, thành ra trong dòng nước đục ngàu ấy người ta chỉ biết bất lực nhìn xuống mà không thể làm gì. Đêm ấy trời nổi gió to, mưa lớn. Sáng hôm sau người ta mới đi tìm xác của người bị nạn. Cô V hay tin khóc ngất lên ngất xuống, ra bến đò gào khóc như một người điên. Ai cũng thương cho cô.Chiều hôm đấy người ta tìm thấy chú kẹt trong bụi lau bên sông. Chú vẫn còn đang thoi thóp. Cô V hay tin chạy đến đầu tiên. Cả nhà đưa chú đi cấp cứu. Phải 3 hôm sau chú mới tỉnh được về nhà, nhưng bác sĩ bảo mấy cái chấm đỏ trên người chú thì họ không sao chữa lành được. Lâu sau chú mới kể, lúc va chạm chú bị hất văng xuống, cũng chẳng đáng sao đâu vì chú được rèn luyện trong quân đội, tâm lí cũng vững vàng. Đang định ngoi lên thì hình như chú thấy có cái gì đó đang giữ chặt lấy chân mình lôi xuống dưới. Giữa sông kiểu này lấy đâu ra rong rêu mà bám. Chú giật, quẫy chân tay loạn lên, thì càng quẫy càng chìm xuống. Chú nghĩ lần này chết chắc rồi. Nhìn xuống đáy sông chú thấy trong dòng nước đục ngàu ấy có đôi mắt đỏ đang nhìn thẳng vào chú. Mặc dù nước sông nặng phù sa, lại đêm tối nhưng chú vẫn có cảm giác như đang đối mặt với một đôi mắt rất đáng sợ vậy. Nghĩ tới chuyện cô dặn chú lần tay lấy ra chuỗi hạt bình an đeo tay cô đưa trước lúc lên đò, miệng lẩm bẩm khấn. Rồi chú thấy chân mình cử động được, vội vàng lao lên trên, bám lấy khúc gỗ trôi sông rồi ngất lịm. Chú không hiểu sao trôi dạt được vào đến bờ, nhưng chú nói trong cơn mê, chú thấy đôi mắt đỏ kia vẫn nhìn chú, nó như điên cuồng, hậm hực mãi tới gần sáng chú lịm hẳn nó mới biến mất.
Ông nói : “ Nó không giết được thằng bé, nên giấu vào đây cho chết đói rồi bắt đi”
Cô chú lấy nhau, cô chuyển sang bên sông ở. Sau ngày lấy chồng phải có việc lắm cô mới về nhà. Cô sợ đi đò. Gần đây có cây cầu nối hai bên,lại thêm nhà nhiều việc xảy ra cô mới hay chạy sang. Phần chú, sau cái lần chết hụt đấy, chú mang về nhà theo mấy cái chấm đỏ trên người không đau, không ngứa nhưng nhìn rất sợ. Chữa sao cũng chẳng khỏi, mấy vết đó giống như của người ăn xin trước kia ông gặp. Cho tới một ngày, ông em làm cho nó biến mất.