Home Truyện Ma Thành Viên Truyện Tổng Hợp : DỊ GIỚI – Tác Giả Portgas D. Tuấn Anh

Truyện Tổng Hợp : DỊ GIỚI – Tác Giả Portgas D. Tuấn Anh

Hôm nay một người ông, một người bạn của cả tuổi thơ tôi và rất nhiều người cuối cùng cũng ra đi ở tuổi 91. Không gia đình, không vợ con. Mọi sự quan tâm chăm sóc của hàng xóm láng giềng, các cấp – các ban ngành đoàn thể của chính quyền đã không giữ lại được ông ở lại với thế gian. Một con người giàu lòng nhân ái, tốt bụng, một pháp sư, một thầy lang giỏi, một vị cao niên đã không thắng được tuổi già. Ông ra đi một cách thanh thản, để lại bao tiếc nuối cho con cháu xóm làng. Nhưng tôi tin ông đã rất hạnh phúc khi ông đã sống trọn một kiếp người với từng đứa bé, từng cụ già. Ông ra đi nhưng những câu truyện của ông đã từng làm, từng trải qua sẽ luôn được ghi nhớ bởi những thế hệ sau này của làng Kim.

di-gioi

Với Serie truyện này, tôi xin gửi đến tất cả các bạn những câu truyện đã được ông – Pháp Sư Hoàng Thông kể lại và chính chúng tôi tận mắt chứng kiến trong những năm qua.

*
*
*
Chap 1 : Chiếc Dây Chuyền Bằng Vàng. ( Phần 1 )

Vào những năm 1950, khi mà cả miền Bắc đang cố gắng tăng gia sản xuất để chống lại nạn đói, dân làng Mi Sơn cũng vậy, cả hợp tác xã làm việc hết năng suất để chuẩn bị vào vụ lúa cuối năm.

Vào một đêm trăng sáng, đã gần 11h đêm, mọi người đã yên giấc thì ông Hạ – chủ nhiệm hợp tác xã vẫn đang làm việc thường ngày của mình mỗi khi đế vụ mùa đó là ra ngoài đồng rà xoát những ruộng lúa chưa được thu hoạch để ngày mai điều động nhân công tới làm. Ông một tay cầm đèn dầu, tay còn lại cầm cuốn sổ ghi chép lượn qua lại trên từng bờ ruộng. Khi đến bờ sông cái, ông ngồi xuống nghỉ chân, để cái đèn dầu sang một bên, ông lấy bút ra ghi lại từng địa điểm còn chưa được thu hoạch lúa. Một cơn gió lùa qua khiến từng trang giấy trong cuốn sổ cứ lật qua lật lại, ông Hạ lấy tay trái giữ thì không may làm rớt cái đèn xuống sông. Trăng sáng nhưng không đủ để cho một ông già hơn 50 tuổi nhìn rõ trang giấy để mà viết được, ông xắn ống quần lội xuống mò cây đèn.

Nước sông không lớn lắm cao chưa đến đầu gối ông, ông xắn tay áo mò từng chút một khoảng tầm 5 phút ông mới thấy cây đèn. Ông đang định trèo lên bờ thì ông cảm thấy dưới lòng bàn chân mình đang dẫm lên một vật gì đấy, nó tròn tròn cong cong chứ không giống như viên đá, cành cây. Tò mò ông mới cúi xuống thử nhặt nó lên, nó trông giống như một cái vòng bằng kim loại, trời tối nên ông cũng chẳng nhìn ra nó là cái vòng gì. Ông lấy diêm quẹt thử vào cây đèn nhưng nó đã bị ngấm nước nên không sáng được nữa, ông mới rọi vào cái vòng thì ông trợn ngược mắt lên, một que không đủ để ông nhìn rõ cái vòng đó, 2 que, 3 que… đến khi trong hộp không còn que diêm nào thì ông mới bình tĩnh được bởi vì trong tay ông là một cái vòng kiềng bằng vàng, vàng thật chứ không phải là giả. Tim ông đập loạn xạ, chỉ việc đứng lên thôi mà ông trượt mấy lần mới đứng lên được. Ông vẫn chưa dám tin là tay ông đang cầm cả một gia tài mà cả đời ông làm chưa chắc đã có được một phần mười.

Ông run rẩy, hồi hộp và ông cảm thấy hơi lạnh ở sống lưng, chắc là do ông vừa lội nước và tâm trí ông đang bấn loạn vì nhặt được cái vòng vàng nên đầu óc ông không nghĩ được gì cả. Ông xách đèn chạy thẳng một mạch về nhà, ông nghe phảng phất qua tai một tiếng cười nho nhỏ nhưng cũng đủ ông lạnh hết sống lưng. Vào phòng khách ông thắp đèn lên, bây giờ ông mới đủ nhận thức để quan sát cái vòng kiềng, nó vàng óng, ánh đèn dầu phản chiếu qua nó vào mắt ông khiến ông chói cả mắt. Toàn bộ bề mặt của cái vòng được trạm khắc tinh xảo hình rồng phượng và có cả chữ Tàu, ông nghĩ cái vòng này nó nằm dưới con sông ấy từ lâu lắm rồi, hôm nay ông thật may mắn khi nhặt được nó. Ông học theo ông cha xưa dùng răng để thử vàng, có dấu răng là vàng thật, không có là vàng giả. Ông cắn mấy phát liền và đều in dấu răng của ông trên đó. Để chắc ăn, ông hơ nó trên cái đèn dầu cả mấy phút đến khi chỗ ông cầm nóng ran lên ông mới lấy ra và nó vẫn sáng lấp lánh ánh vàng. Lúc này ông mới gọi vợ ông dậy, vợ ông là bà Tâm cũng bất ngờ không kém, 2 người bàn bạc xì xào cả đêm, đến khi gà gáy thì trong gian phòng khách của nhà ông Hạ mới tắt đèn.

Khoảng 1 tháng sau khi hết vụ mùa, ông Hạ xin thôi chức chủ nhiệm hợp tác xã vì lí do sức khỏe, rồi ông sửa sang lại nhà cửa, thuê đầu bếp trên phố huyện về làm cỗ đãi cả làng. Ai cũng thắc mắc là ông ta làm gì mà nhiều tiền đến thế, ai hỏi ông cũng trả lời là của ông bà để lại giờ ông mới đem ra sử dụng và lo lắng cho con cháu. Nhưng hàng xóm ai chả biết thừa 3 đời nhà ông Hạ là bần nông, đến đời ông ta may sao theo học được cái lớp xóa mù chữ của Đảng nên mới về làm được cái chức chủ nhiệm hợp tác xã. Rồi họ đồn ông ta biển thủ công quỹ của hợp tác xã, sau khi đầy túi rồi mới xin từ chức và bắt đầu hưởng thụ.

Mặc cho người ta nói ra nói vào, ông Hạ cũng mặc kệ không quan tâm tới, ông chỉ nghĩ rằng suốt bao năm ông chịu đói, chịu khổ thì bây giờ ông đã được sống thảnh thơi an nhàn. Nhưng ông đâu có biết được rằng : Đó chỉ là bắt đầu cho chuỗi thảm kịch của gia đình ông sau này mà thôi.

Từ ngày ông Hạ xin nghỉ ở hợp tác xã, ông chuyển sang đi buôn, không biết là do trời phù hộ hay ông là người có tài làm ăn buôn bán mà chỉ sau một năm, giờ đây ông đã là người có tiếng khắp các phố buôn nằm trong vùng lân cận, ông bây giờ được người ta gọi là thầy Hạ chứ không phải là cái tên Hạ hợp tác xã như trước nữa. Sau chuỗi ngày dài đắm chìm trong thành công và hạnh phúc thì vào một hôm, đúng tròn một năm trước đây từ ngày ông Hạ nhặt được cái vòng vàng, 2 vợ chồng ông cùng con cháu đang tổ chức ăn uống vì cái gì thì chỉ có 2 ông bà biết, khi mọi người đang vui vẻ trò chuyện thì bỗng dưng ông Hạ cảm thấy chóng mặt, đầu óc ông mơ mơ màng màng. Ông nghĩ mình say rồi nên đi vào trong phòng nằm, ông nằm xuống thì toàn thân ông rũ rượi mỏi nhừ. Mắt ông cứ díu dần xuống, ông cảm thấy mình như đang rơi vào một cõi hư vô nào đó, ông mở mắt ra thì thấy mình đang bị nhấn chìm trong một dòng sông, ông bịt mũi cố gắng vùng vẫy để ngoi lên nhưng có một bóng đen cứ giữ chặt lấy đầu ông, toàn thân nó là một thứ gì đó đen đúa không có hình dạng cố định, nó chỉ là một đống bầy nhầy có một cái tay mọc ra để giữ đầu ông, ông Hạ càng vùng vẫy thì cái đống bầy nhầy đó càng dí chặt đầu ông xuống, nó tiếp tục mọc ra 2 con mắt và một cái miệng và cười phá lên, ông không nhịn được thở nữa, nước bắt đầu xộc vào mồm, vào mũi ông và tai ông bắt đầu ù đi, những gì ông còn thấy chỉ là một màn đen và tiếng cười nhỏ nhẹ đến mức ghê rợn của cái thứ gớm ghiếc kia.

Ông Hạ tỉnh dậy thì đã thấy mình đang nằm trong bệnh viện, xung quanh là vợ con ông người thì đi ra đi vào, kẻ thì khóc lóc thút thít. Khi thấy ông Hạ mở mắt thì ai nấy đều ùa vào hỏi ông có làm sao không, vì vậy mà ông mới biết mình đã bất tỉnh được 2 ngày, ông được đưa tới bệnh viện khi cháu ngoại ông vào phòng thấy ông đang lên cơn co giật trong phòng, nó sợ quá khóc thét lên và ra mách mẹ thì mọi người mới biết, 3 4 người đàn ông khỏe mạnh cố hết sức mới giữ ông nằm im được mà đưa ông đi cấp cứu. Ông định nói gì đó nhưng miệng ông không thể nào mở ra được. Ông chỉ ra hiệu cho mọi người biết là răng ông đau không nói được và muốn được nghỉ ngơi đừng ai làm phiền ông nữa.

Ông suy nghĩ mãi vì sao tự nhiên mình lại bị như thế này, và tại sao ông lại mơ một giấc mơ kì lạ đến như vậy, nụ cười của cái vật thể kinh dị kia hình như ông đã nghe ở đâu rồi thì phải, mệt quá ông thiếp đi lúc nào không biết. Khi ông tỉnh dậy thì trời đã tối, bên cạnh ông là bà Tâm đang ngồi ngủ gục bên giường, răng ông vẫn còn đau, ông định ngồi dậy đi vệ sinh như giờ ông lại mới thấy rằng tay chân ông hoàn toàn bị tê liệt không thể cử động được nữa, giờ đây ông chẳng khác gì người thực vật cả. Ông không thể làm gì ngoài suy nghĩ và thở. Rồi một cơn gió lạnh thổi qua, ông lại tiếp tục nghe thấy một điệu cười thỏ thẻ nhưng đầy ma mị phảng phất đâu đây, rồi một bóng đen nó cứ bay qua bay lại trước mắt ông, nó bay chậm dần chậm dần rồi lơ lửng trước mặt ông, nó hiện dần dần thành hình một con người nhưng toàn thân vẫn đen thùi lùi nhưng trên cổ nó đeo có một cái gì đó rất quen thuộc – đó là chiếc vòng vàng mà ông đã nhặt được cách đây một năm. Và giờ đây ông Hạ cũng mới giật mình nhớ lại rằng tiếng cười của “nó” cũng là tiếng cười của một năm trước khi ông trên đường cầm cái vòng về nhà.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận