Tất cả người dân cũng bị trận lở núi làm cho kinh hồn bạt vía. Bình thường đồi đất sạt lở cho mưa lũ thì không hiếm nhưng hôm nay họ tận mắt chứng kiến là nguyên khối đá vôi lớn lở ra đổ ào xuống dưới. Đá xô nước làm con thuyền của ông Tuấn bị sóng đánh cũng dập dềnh chao đảo. Chú Khởi lập tức lôi con Mến lại. Nó nhất quyết đòi xuống thuyền bằng được. Cô Phấn liền quát: lên ngay, mày bước chân xuống đó tao bẻ chân mày bây giờ. Làng thì lũ, đá thì lở thế kia, mày còn không sợ hả? Quay lại với mẹ ngay.
Ông Tuấn nhắc: con Mến lên với bố mẹ đi, thằng Phi sắp về rồi. Giờ bác đi đón bà Tém về chứ không vào bệnh viện.
Con Mến cụp đôi mắt xuống, nó buồn bã bước lên bờ theo bố mẹ lên hang dơi. Nó đứng nhìn cái hang rồi bảo: cái núi to thế kia còn lở ra được, liệu cả làng chui vào cái hang đá này có sập không? Nó mà sập cái không phải chết cả làng à?
Cụ Mão liền dự cảm không lành. Cụ nhắc mọi người: con Mến nói có lý đấy, chắc mọi người ra ngoài cho an tâm đi. Nước đang rút rồi, mong sao qua đêm nay nước rút cạn để bà con về nhà.
Ông Tuấn chèo thuyền quay lại, thầy Thìn xách cái ba lô gọi với theo: ông Tuấn ới, cho tôi đi với. Tôi về nhà một chuyến.
Thầy quay lại dặn bà con: tôi xin phép phải đi bây giờ, nhưng tôi sẽ còn quay lại với bà con. Lương thực của bà con giờ cũng đủ cầm cự ít bữa, bà con đợi nước rút rồi về nhà. Nhớ đừng ai bỏ gương với bùa đi đấy.
Đoạn thầy quay sang nói thầm vào tai cụ Mão: tôi tới viện chỗ thằng Phi xem sao, nếu nó khoẻ thì tôi muốn cùng nó đi tìm đoàn quay phim xem thực hư chuyện này thế nào. Cụ ở lại mạnh giỏi, tôi sẽ quay lại sớm thôi.
– Cám ơn thầy nhiều lắm, tôi thay mặt dân làng cám ơn thầy dốc lòng dốc sức vì chúng tôi. Mấy ngày qua không có thầy thì quả thật chúng tôi không biết xoay sở thế nào.
Thầy Thìn xuống thuyền cùng ông Tuấn, hai người chèo tới vùng cao, do nước đã rút đi nên cả hai đi bộ khá xa mới tới nơi buổi trưa bà Tém và ông Tuấn hẹn nhưng lạ thay không thấy bà Tém đâu. Ông Tuấn chau mày: quái lạ, bà Tém hẹn ngồi đây chờ tôi mà sao giờ không thấy đâu?
Thầy Thìn đáp: hay bà ấy đi mua bán cái gì không? Dọc đường đi chúng ta cũng không thấy bà ấy.
– Vâng, vậy thầy đi trước, tôi ở lại chờ bà ấy. Giá như đưa được cái xe đạp đi thì thầy đỡ vất vả rồi.
– Không sao, tôi đi bộ đoạn nữa kiếm cái xe ôm, phố huyện không thiếu ông ạ!
May mắn lúc đó có người đi xe ngang qua, thầy Thìn nhảy lên đi nhờ tới bệnh viện.
Một mình ông Tuấn đi sang phía gốc cây ngồi đợi. Ông nhớ lúc trưa bà Tém có nói sẽ ngồi đây đợi ông quay lại đón.
Thầy Thìn tới bệnh viện, đi theo hướng dẫn của ông Tuấn nhanh chóng tìm được bố con Phi. Lúc nghe chuyện bố nó trúng độc cấp cứu lúc trưa khiến thầy Thìn cũng bất ngờ. Thầy hỏi han nó mấy câu , khuyên nó chăm sóc cho bố nhưng chú Tú lại bảo: Thầy với thằng Phi đi tìm đoàn phim sớm đi ạ, tôi không sao đâu. Hơn nữa hiện tại tôi khoẻ rồi, tự lo được cho mình. Thằng Phi cũng được bác sỹ làm giấy ra viện sáng nay rồi thầy ạ!
Thầy Thìn ái ngại: chuyện này….
– Không sao thầy ạ, tôi bị trúng thực nhẹ thôi, không nặng như thằng Phi. Giờ chuyện ở làng phức tạp quá, đi sớm được lúc nào hay lúc ấy thầy ạ.
– Giờ cũng muộn rồi, vậy để sáng mai tôi và cháu Phi sẽ đi
Thằng Phi đáp: đi ngay cũng được thầy ạ, nhưng đi sang đó phải thuê xe đi cho tiện. Con biết địa chỉ của đoàn phim nên chúng ta có thể đi tìm ngay bây giờ, chỉ sợ thầy mệt thôi ạ
Hai người quyết định đi ngay chiều tối, sợ để lâu nhiều chuyện. Cả hai ra bến xe bắt xe đi lên thành phố. May mắn cho họ là xe khởi hành ngay nên 8h tối họ đã tới được địa chỉ của Minh. Minh gặp được Phi thì vô cùng ngạc nhiên . Cậu mời cả 2 vào nhà rồi hỏi han: sao mọi người lại tới đây giờ này? Có chuyện gì đúng không?
Phi đáp: làng em sau khi các anh đi xảy ra nhiều chuyện quá. Hiện tại cả làng bị lũ cuốn trôi hết. Dân làng phải chạy lên núi tránh lũ rồi anh Minh ạ!
– Trời ơi! Anh có xem ti vi nói mưa lũ nhưng họ quay mấy chỗ gần phố huyện chứ không quay làng em. Vậy là làng mình cũng bị lụt hả em?
– Vâng! Em nghe bác Tuấn kể là lũ ập về, giờ lụt ngang mái nhà anh ạ.
– Chết thật! Vậy bà con có chạy lũ kịp không? Có ai bị sao không em?
– May mắn là bà con không bị lũ cuốn đi nhưng làng em bị thần trùng anh ạ. Cái thần trùng mà bắt cả làng đi giống như chuyện các anh kể cho chúng em nghe đấy.
Minh ngạc nhiên: chuyện gì? Anh đâu kể chuyện gì thần trùng đâu?
– Là anh Trung kể anh ạ. Vậy nên chúng em muốn gặp anh Trung hỏi anh ấy về thần trùng và câu chuyện lời nguyền. Câu chuyện anh ấy kể gần giống với chuyện đã xảy ra ở làng em.
Minh nhíu nhíu mày: chuyện anh Trung kể giống với chuyện của làng em à? Lạ nhỉ? Anh lại cứ tưởng nhưng câu chuyện cậu ấy kể là do cậu ấy nghĩ ra và viết thành. Cậu ấy là biên kịch mà.
– Vậy bộ phim nước mắt của quỷ cũng là do anh ấy viết kịch bản hả anh?
– Đúng rồi, là do anh ấy viết cả. Anh ấy có nhiều kịch bản lắm.
Thầy Thìn chỉ lặng im ngồi nghe cuộc đối thoại giữa hai người rồi thầm đánh giá. Mãi sau thầy mới lên tiếng hỏi: vậy giờ chúng tôi có cách nào liên lạc với cậu Trung được hay không?
– Được ạ, mai cháu cũng có việc gặp anh ấy. Vậy tối nay hai người ở lại đây nghỉ ngơi đi, sáng mai chúng ta tới gặp cậu ấy.
Đêm đó Phi và thầy Thìn ở lại nhà Minh. Sáng sớm hôm sau Minh chạy xe máy chở cả hai tới nhà gặp Trung. Thoạt thấy Minh đi cùng hai người khiến Trung thắc mắc: sao mấy người lại đi chung với nhau vậy?
Trung mở cửa mời cả ba vào nhà. Minh nhanh nhẹn đáp: là chú với Phi tới nhà em từ tối qua. Hôm nay hai người có việc gặp anh nên tiện thể chúng em qua cùng nhau luôn.
Thầy Thìn bước vào nhà, bàn chân thầy tự nhiên bị cứng lại. Thầy chau mày hỏi: trong nhà cậu có người mới mất sao?
Trung lắc đầu: không đâu chú, trong nhà tôi không có ai mới mất cả.
Thầy Thìn đứng lại, hít một hơi, hai mắt thầy nhắm lại, hai tay đưa ra trước nhẹ nhàng thở ra. Thầy đáp: thật sự là tôi thấy trong nhà có mùi đặc biệt lắm, nó giống mùi của nhà có người mới mất.
Trung nghe thầy Thìn nói vậy bèn tỏ ý không vui. Phi lên tiếng giải thích: à, em xin được giới thiệu với anh, thầy Thìn là thầy pháp ở phố huyện quê em. Vậy nên thầy có cảm nhận đặc biệt khác với mọi người.
Anh Trung mặt cau có lại: cảm nhận khác biệt gì anh không biết nhưng sao vừa bước chân vào nhà lại khẳng định nhà anh có người chết chứ?
Thầy Thìn nhìn chằm chằm vào đôi mắt của Trung. Trung cũng không lẩn tránh mà nhìn lại. Bốn con mắt giao nhau, thầy Thìn lập tức thay đổi thái độ, trở nên vui vẻ đáp: vâng, có lẽ linh cảm của tôi bị sai, căn nhà này dường như có bùa yểm nên làm tôi phán đoán nhầm lẫn.
Thầy Thìn nói vậy thì khuôn mặt Trung mới giãn dần ra. Anh đáp: nếu nói bùa yểm thì đúng là không sai, mẹ tôi nghe thầy bà ở đâu nên về nhà yểm linh tinh khắp cả.
Trung vừa dứt lời thì một người phụ nữ từ trong nhà đi ra. Bà lên tiếng: con nói linh tinh cái gì vậy? Cái gì mà yểm linh tinh? Đất này đất độc, không yểm thì còn lâu mới ở được nơi này. Con có biết ngày xưa chỗ này chết bao nhiêu người rồi không?
Thầy Thìn đoán người này là mẹ của Trung nên cất tiếng chào. Bà Nguyên nhìn thầy Thìn thoáng qua rồi vui vẻ: tôi ở trong kia nghe giới thiệu thầy là thầy pháp ư?
Thầy Thìn đáp: vâng, tôi là thầy pháp.
Bà Nguyên vui vẻ hẳn lên: dạ, mời thầy ngồi
Bà quay sang giục con trai: mau pha ấm trà cho mẹ đi con, lấy trà ngon nhất mẹ cất trong hộp ấy.
Trung biết mẹ mình đồng bóng, lại mê tín dị đoan, nay gặp được thầy Thìn thì đúng cạ nên chắc chắn bà sẽ ngồi bắt người ta hầu chuyện cả buổi. Cậu bèn đánh trống lảng: mẹ, chẳng phải mẹ nói hôm nay phải đi gặp mấy bác hội phụ nữ quyên góp đồ ủng hộ người dân vùng lũ sao?
Bà Nguyên lập tức nhớ ra chuyện của hội phụ nữ bèn vội vã đứng dậy: phải rồi, con không nhắc thì mẹ quên mất đấy. Thôi, mẹ đi ra đó không các cô ấy lại trách.
Đoạn bà quay sang nói chuyện với khách: mọi người thông cảm nhé, tôi trót hẹn với hội phụ nữ quyên góp ủng hộ cho người dân vùng lũ mất rồi. Khi khác chúng ta nói chuyện sau.
Minh vui vẻ: vâng, cháu chào cô.
Bà Nguyên cắp theo ít bao, đội cái nón rồi đi ngay sau đó. Trung cười: mẹ tôi đó, có hội phụ nữ hay vận động quyên góp mấy vùng sâu vùng xa, bà làm vậy mấy năm nay rồi. Bà bảo “lá lành đùm lá rách”, mình giúp người thì người giúp ta lúc hoạn nạn.
Thầy Thìn ngưỡng mộ: mẹ cậu có tấm lòng nhân ái, thảo nào phúc phần lớn.
Trung nhìn thầy Thìn hỏi: chú thực sự là thầy pháp, có thể nhìn thấu mọi chuyện sao?
Thầy Thìn lắc đầu: không hẳn là vậy, có những chuyện người ta che mắt thì tôi không thể thấy được. Tôi cũng không phải tài giỏi hay năng lực cao siêu gì mà chỉ là người được học qua pháp thuật để cứu giúp những ai cần mà thôi.
– Vậy nhưng vừa vào nhà thầy đã biết nhà tôi yểm bùa à?
– Thực ra phán đoán của tôi vẫn sai, lúc đầu tôi lại linh cảm trong nhà có người mới mất. Tuy nhiên cậu xác định không có thì tôi mới nghĩ tới bùa yểm. Vào những nơi có bùa yểm thì linh lực hay bị nhiễu, khó phân được thực hư.
Trung gật gù: ra là vậy, mẹ tôi tín lắm, ai nói gì cũng nghe thành ra nhà tôi cứ vài bữa là lại có thầy pháp tới đào chỗ nọ, làm chỗ kia. Thực tình tôi vì chuyện này cũng mệt mỏi vô cùng.
Phi bấy giờ chen ngang: anh Trung này, em nhớ lần trước anh kể cho em nghe chuyện về mắt quỷ ấy, anh có nhớ không?
– Nhớ chứ? Có chuyện gì sao em?
– À, anh còn nhắc tới chuyện một cô gái bị dân làng sát hại nên gieo lời nguyền chết chóc lên ngôi làng. Sau đó ngôi làng gặp lũ, người chết bị cá rỉa xác rồi xương người tụ lại một chỗ nữa.
Trung lắc đầu bật cười: chuyện đó ở đâu ra vậy?
Phi sửng sốt: đó là chuyện anh kể cho chúng em nghe mà anh?
Trung chỉ tay về mình ra điều khó hiểu: anh á? Anh kể chuyện đó cho các em nghe á? Nhưng sao anh lại không ấn tượng một chút nào về nó thế nhỉ?
Thằng Phi không tài nào hiểu nổi chuyện gì bởi nó khẳng định chắc chắn chuyện nó nghe thấy là đúng. Hơn nữa người được nghe chuyện ấy vũng không phải riêng một mình nó. Bố nó cũng nghe được chuyện đó. Hai bố con nó còn nói chuyện đó lúc sáng hôm trước.
Thầy Thìn thắc mắc: cậu không hề kể chuyện đó với người dân sao?
Trung lắc đầu khẳng định thêm một lần nữa: quả thật tôi không có ấn tượng gì về câu chuyện mà Phi mới kể.
Thầy hỏi thêm: vậy nhưng kịch bản mà cậu viết ấy, cậu từng nghe ai kể cho nghe không?
Trung gật đầu rồi lại lắc đầu: không, tôi chưa hề nghe ai kể hết. Tất cả nó ở trong đầu tôi. Tôi nghĩ ra là viết.
Ánh mắt Trung tự nhiên hơi lạ, thầy Thìn nhìn đôi mắt láo lia ấy khẽ nhíu mày: cậu bây giờ không còn là Trung nữa phải không?
– Phải!