4
Kể thêm về hoàn cảnh tăm tối của lão Bảy Gù. Nói lão là kẻ bần cùng mạt hạng nhất trong cái làng Thanh Hà này kể cũng không oan. Ông cụ thân sinh ra lão Bảy Gù mất khi đang đi làm mướn ở bên kia thôn làng, cách làng Thanh Hà những mấy chục dặm, đúng ngày Bảy Săm cất tiếng khóc chào đời. Bà cụ thân sinh ra lão vì thương chồng, nên nửa đêm mưa gió sức cùng lực kiệt, mặc kệ lời khuyên ngăn của hàng xóm mà lao đi nhận xác chồng và cũng mất tích ở cánh rừng rậm rạp.
Người dân trong làng đồn nhau mẹ hắn bị ông thần Hổ bắt đi vì dám phạm vào chốn u minh, rừng thiêng nước độc. Thành thử dạo ấy, dân làng thay nhau bữa cháo, bữa rau. Lại cậy nhờ mấy người đàn bà đang cho con bú mà cứu sống được tính mạng lão như mành treo chuông.
Nhưng người dân làng Thanh Hà dạo đó nào có giàu có gì. Đến miếng ăn, miếng mặc còn đang quay quắt từng ngày thì làm sao họ có thể đèo bồng thêm một miệng ăn. Người thương tình thì cưu mang dăm bữa, kẻ bần cùng chỉ góp được củ khoai, cái sắn mà thôi. Nên dân làng bàn nhau đưa lão Bảy Gù lên chùa, những mong hồng ân đức Phật che chở bảo bọc mà cứu lấy cuộc đời đứa trẻ tội nghiệp.
Ở với sư trụ trì đến năm mười hai tuổi thì lão Bảy Gù trốn đi. Dường như kinh phật mà sư trụ trì ra sức giảng dạy chẳng ngấm được vào đầu lão. Lão chỉ vui thích với đám trẻ con trong làng trong những lần trộm chuối, bẻ ngô hay chọc phá bà con làng Thanh Hà. Sư trụ trì trách phạt và bắt lão chay tịnh ghê lắm, cực chẳng đã lão lựa một đêm mưa gió tối trời, lúc sư trụ trì và các tiểu đồng đang ngủ mà lẻn vào chính điện trộm cắp được mấy đạo sắc phong, hai cái đỉnh đồng cùng một khúc trầm rồi bỏ đi mất dạng.
Mười hai tuổi nhưng lão có phần khôn ranh hơn hẳn so với đám bạn cùng trang lứa. Lão bá hộ họ Trần trong một lần đi thúc giục đám người làm, thấy lão đang hì hục be bờ bắt cá thì dụ dỗ ngon ngọt bảo hắn về ở đợ vì thiếu chân hầu điếu đóm trong những lần lão ngồi chầu tổ tôm hay khi lão cần chân chạy vặt việc nhà. Cái khôn ranh của thằng bé mười hai tuổi cũng không thể giúp hắn nhận ra được âm mưu của con cáo già nổi tiếng quỷ quyệt ở cái làng này. Lại nghe lão bá hộ nói cơm trắng ba bữa , một năm hai quan tiền thì lão bỏ hẳn cái bờ đang đắp dở mà lạy lục xin theo hầu.
Đã mấy lần lão tính chuồn đi nhưng ngặt nỗi lão bá hộ họ Trần giở mặt, bảo tiền công một năm trả một lần, nếu nó dám bỏ đi thì không được một hào, một cắc nào từ lão. Cực chẳng đã lão Bảy Gù bèn bấm bụng ở lại.
Chiều hôm ấy vì mải mê chơi đánh trận giả với đám trẻ con trong làng ở bãi bồi ven sông mà lão để đàn trâu hơn hai chục con béo múp sang tàn phá ruộng ngô của bà hộ Tám, một bá hộ cũng khét tiếng độc ác ở cái làng này. Thành thử lão bá hộ Trần phải cắn răng đền hai lạng bạc, đúng bằng số hoa màu mà đàn trâu đã dẫm nát.
Lão bá hộ Trần điên máu đánh cho lão Bảy Gù một trận thập tử nhất sinh rồi bỏ đói mấy ngày, lần đó tưởng lão Bảy Gù tưởng chết hẳn. Chị bếp thương tình lâu lâu dúi cho lão nắm cơm cháy thừa nên mới qua cơn bĩ cực đó .
Bẵng đi một tuần thì nhà lão bá hộ họ Trần có tang.Ấy là ông cụ thân sinh ra lão chẳng hiểu lí do gì đang hồng hào khoẻ mạnh lại lăn đùng ra chết, người ăn kẻ ở trong nhà và gia quyến lão bá hộ thương tiếc ông cụ lắm, có lẽ chỉ có lão Bảy Gù là hả hê. Có thể nói ông cụ thân sinh ra lão bá hộ Trần là một người tốt, sống có tính cảm và vô cùng nhân nghĩa. Trong thôn được lòng rất nhiều người và con cháu trong nhà xem như cũng có hiếu thuận.