“TRUYỆN CÓ BẢN QUYỀN, MỌI HÌNH THỨC TỰ Ý THU ÂM ĐỀU LÀ PHẠM PHÁP, XIN CÁM ƠN!”
Chương 2: Mộ kết không thiêng
Giữa trưa, bà Tuyên từ ngoài chợ phăm phăm đạp xe về nhà. Bà hớt hải dựng cái xe đạp thống nhất cũ kĩ ở mé sân, bỏ mặc cơ man là đồ ăn vừa mua ở chợ còn nằm chình ình trong giỏ xe và ngoắc đầy hai bên ghi đông. Bà đi như chạy vào trong nhà, vừa đi vừa gọi lớn:
“Ông Mạnh, ông Mạnh, ông đâu rồi?”
Vào trong nhà không thấy chồng đâu, bà liền đi vòng ra sau nhà. Quả nhiên ông Mạnh đang nhổ sắn ở mảnh vườn nhỏ phía sau giếng nước. Bà vén tay áo đứng ở sân giếng mà gọi lớn:
“Bố thằng Tú, bỏ đấy vào đây, vào đây tôi bảo cái này.”
Ông Mạnh đương nhổ sắn thấy vợ gọi giọng gấp rút cũng bỏ dở công việc đấy tất tả đi vào. Vừa đưa tay quệt chỗ mồ hôi trên trán, ông vừa hỏi:
“Có chuyện gì mà bà cuống hết cả lên thế? Hôm nay mặt trời mọc đằng tây hay sao đi chợ giờ này đã về thế hả?”
Bà Tuyên nhìn chồng khẽ trề môi xuống, đúng như cái tên dân làng vẫn gọi bà là bà Tuyên đốp, bà có tướng người cao to phốp pháp lại thô kệch hệt như đàn ông, gương mặt góc cạnh, đôi lông mày xếch ngược cùng cặp mắt lúc nào cũng láo liên tạo cho bà một vẻ ngoài rất dữ tợn. Bà cất giọng ồm ồm như đàn ông:
“Giời ơi là giời, chồng ơi là chồng, con ơi là con… ông xem giờ là lúc nào rồi còn cắm mặt vào mấy củ sắn ghẻ đấy thì lúc nào mới ngóc đầu lên với thiên hạ được. Mau, mau rửa tay chân thay quần áo rồi theo tôi sang nhà bác cả nhanh lên. Thời của nhà mình tới rồi ông ơi.”
Ông Mạnh vẫn đứng như trời trồng giữa sân giếng ngơ ngác không hiểu vợ mình đang nói gì. Ông vừa toan cất lời hỏi lại thì bà Tuyên đã lại luyến thắng nói tiếp:
“Ô hay ông còn đứng ngây ra đó làm gì. Giời ơi là giời, sao số tôi lại khổ thế này không biết. Lấy phải ông chồng kém cỏi không lo cho vợ con được cuộc sống tử tế như người ta thì chớ… ông đó, tối ngày ru rú ở xó nhà thì biết bao giờ mới ngẩng mặt lên được. Ông không ra kia mà xem, ngoài đường ngoài chợ người ta đang đồn ầm lên chuyện mộ cụ tổ nhà mình đang kết kia kìa.”
Nghe vợ nheo nhéo một hồi vẫn không hiểu chuyện gì, ông Mạnh lí nhí hỏi lại:
“Mộ cụ tổ nào? Nay bà bị làm sao đấy, nhà mình trước giờ có thờ cúng gì cụ tổ nào đâu?”
Bà Tuyên càng nói lại càng hăng, gương mặt bà đỏ gay như gấc, bà chỉ tay vào cái lu nước cạnh giếng rồi lại lớn giọng nói:
“Thôi thôi… ông rửa tay chân nhanh lên rồi theo tôi sang nhà bác cả bàn chuyện. Tôi biết ngay là không thể trông chờ gì vào ông rồi mà.”
Ông Mạnh thấy vợ ngày một lớn tiếng thì cũng không hỏi nữa mà im lặng tiến lại lu nước rửa tay chân mặt mũi. Chưa đầy 15 phút sau cả hai vợ chồng bước ra ngoài cổng. Ông Mạnh toan quay cái xe đạp để dắt đi thì bà Tuyên đã giật phắt lấy cái ghi đông về phía mình, bà nói:
“Để đấy tôi đèo cho. Gớm để ông đạp được sang đến đấy thì cũng hết xừ nó ngày. Mà không biết thằng Tú nhà này mới sáng bửng mắt đã mang xe đi đâu, con với chả cái lúc cần cấm có thấy mặt mũi đâu cả.”
Nói xong bà trèo phắt lên xe, ông Mạnh cũng tiện đấy nhảy lên ngồi vắt một bên ở phía sau gác baga. Chở theo chồng phía sau mà bà đạp phăng phăng nhẹ như không, chiếc xe cứ thế lao nhanh trên con đường làng heo hút. Cảnh tượng này đã quá đỗi quen thuộc với người dân ở đây nên chẳng ai buồn lấy làm lạ nữa.
Độ tầm gần một tiếng sau, hai người dừng lại ở trước cửa một ngôi nhà cấp bốn siêu vẹo nằm giữa một mảnh vườn nhỏ ở tít cuối xóm Đồi. Cổng không đóng, bà Tuyên dong xe đi thẳng vào trong, ông Mạnh đi theo đằng sau lưng vợ. Con chó mực từ trong nhà thấy có người lạ vội nhảy bổ ra mà sủa lên những tràng dài inh ỏi. Bà Tuyên lừ lừ đôi mắt nhìn nó rồi cất giọng chửi:
“Cha bố mày, mày thử đụng vào người bà xem bà có cho mày vào nồi không thì bảo.”
Từ trong nhà một người đàn bà trạc 50 tuổi, mái tóc đã bạc phân nửa bước ra hắng giọng quát con chó. Thấy chủ con chó vội cụp đuôi lại rồi chạy nấp ra đằng sau, nó vẫn nhìn bà Tuyên thi thoảng sủa lên một tiếng khe khẽ. Nhận ra hai vị khách, người đàn bà chủ nhà cười tươi đon đả nói:
“Ô kìa vợ chồng chú Mạnh sang chơi đấy à. Dựng xe ở đấy, vào đây… vào đây uống chén trà đã.”
Nói rồi bà lại quay vào trong mà gọi lớn:
“Ông nó ơi, ra mà xem vợ chồng chú Mạnh qua chơi đây này.”
Chỉ vài giây sau từ trong nhà một người đàn ông dong dỏng cao, điệu bộ nhanh nhẹn bước ra cười tươi đon đả:
“Ôi, vợ chồng chú Mạnh lâu quá mới gặp, vào trong nhà… vào trong nhà nhanh lên sao còn đứng đó làm gì.”
Bà Tuyên gạt cái chân chống xe đạp đánh phịch một cái, dựng xe ở góc sân rồi cũng cười tươi đon đả chào hai vợ chồng ông Cường. Lúc bước ngang qua bậc cửa vào nhà bà còn không quên dặm chân mạnh một cái làm con mực đã im nãy giờ lại giật mình chạy ra xa một đoạn rồi lại sủa lên inh ỏi. Không thèm để ý đến nó nữa bà bước thẳng vào nhà. Ông Mạnh cun cút đi theo sau vợ hệt như một đứa trẻ theo mẹ đến chỗ đông người.
Lúc này đã quá trưa, ánh nắng từ trên cao rọi xuống lọt qua kẽ hở của những viên ngói đã cũ kĩ tràn vào nhảy múa trên nền nhà xi măng xám ngoét. Trên bộ tràng kỉ bằng gỗ gụ màu nâu đen ở giữa nhà, ông Cường dở tay pha trà, bà Nụ vợ ông nhanh tay lau qua mặt bàn bám đầy những hạt bụi li ti. Ở nhà quê này chỗ nào cũng dính đầy bụi bặm, vừa lau xong liền đấy quay đi quay lại đã lại thấy đâu vào đấy như cũ.
Đón cốc nước chè từ tay ông Cường, bà Tuyên không khách sáo thổi phù phù mấy hơi rồi húp cạn. Anh em lâu ngày không gặp nhưng bà bỏ qua những câu hỏi khách sáo thông thường mà vội vàng đi ngay vào vấn đề chính:
“Hôm nay vợ chồng em qua đây là có chuyện quan trọng muốn bàn với hai bác. Chẳng hay chuyện mộ ông cụ nhà ta đang kết các bác đã biết gì hay chưa?”
Vợ chồng ông Cường ngơ ngác đưa mắt nhìn nhau, rồi lại nhìn vợ chồng ông Mạnh. Đoạn bà Nụ không nén được tò mò mà hỏi lại:
“Ý của thím là mộ của ông nội thằng Thanh ấy hả? Làm gì có sáng nay ông nhà tôi vừa ra tảo mộ về thấy vẫn bình thường mà có kết gì đâu.”
Bà Tuyên khẽ trề cái môi xuống, lắc lắc đầu rồi nói:
“Không phải, là mộ của cụ cố thân sinh ra ông nội thằng Thanh cơ.”
Ông Cường như không tin vào tai mình, ông đặt cốc trà trên tay xuống bàn rồi nhìn bà Tuyên sốt sắng hỏi:
“Thím nói gì cơ? Mộ của cụ cố, là cụ cố nào? Trước giờ nhà này đâu có thờ cúng mộ của cộ cố nào bao giờ?”
Bà Tuyên đảo mắt nhìn khắp xung quanh một lượt, sau đó cố gắng hạ thấp cái giọng khàn khàn như đàn ông của mình xuống tông thấp nhất có thể, bà ra vẻ bí mật kể lại hết những chuyện nghe được hồi sáng nay. Chả là lúc ấy bà vẫn ngồi hóng hớt ở quán trà trá hình của mụ Thảo lùn ở cổng chợ. Bên ngoài mụ bán trà bánh các loại là vậy, chứ thực chất mụ ngồi đó để ghi số đề từ những con nghiện như bà Tuyên. Mỗi lần đi chợ bà Tuyên đều ghé vào quán mụ ghi vài con đề, rồi rảnh rang còn ngồi đó nhâm nhi cốc trà xanh cùng vài cái kẹo lạc để tiện còn hóng hớt chuyện bàn dân thiên hạ. Ấy vậy mà bà có ngờ đâu cũng có ngày cái gia đình vốn nghèo rớt mồng tơi như nhà bà lại trở thành đề tài được bàn tán rôm rả nhất ở cái xóm chợ ấy. Người ta đi tảo mộ về đâu đâu cũng thấy nhắc đến ngôi mộ vốn đã bị bỏ hoang lâu ngày nay lại mọc đầy hoa dại. Rồi có người nhận ra hình bóng quen thuộc của bà Tuyên, họ xúm lại hỏi thăm rồi chúc mừng mà bà còn chưa hiểu mô tê gì cả. Đến khi có người kể lại toàn bộ câu chuyện hồi sáng cụ Hậu kể ở ngoài nghĩa địa bà mới ngớ người ra, hoá ra cái mộ kết ấy là của cụ cố nhà mình thật. Vốn là một người cực kì tín, lại thêm câu chuyện truyền miệng qua người này người kia được thêm thắt, thổi phồng lên gấp nhiều lần, bà Tuyên biết ngay cơ hội đổi đời của gia đình mình đang tới. Chính vì vậy mà sáng nay còn chưa kịp ghi số đề bà cũng xách xe đạp tức tốc trở về nhà ngay. Sau đó thì không cần bàn bạc với chồng mình, bởi từ lâu bà đã không còn để hình ảnh ông Mạnh trong mắt, nhất là từ ngày tai nạn lao động khiến ông không thể làm những việc nặng nhọc bên ngoài được nữa. Người đầu tiên bà nghĩ đến khi biết chuyện chính là ông Cường, là anh trai cả của ông Mạnh.
Nhà ông Cường cũng không mấy làm khá giả, nhưng ông lại có lối sống nề nếp chính trực nên dù nghèo vẫn được người khác kính trọng. Hơn nữa ông Cường là anh cả, lúc nào cũng quan tâm lo lắng cho các em của mình thay cho trách nhiệm của cha mẹ. Dù không xem trọng chồng, nhưng với người anh chồng này lúc nào bà Tuyên cũng có một sự kính trọng nhất định.
Sau khi bà Tuyên kể hết những gì mình nghe được hồi sáng về ngôi mộ của cụ cố bị bỏ hoang đã lâu, cả hai anh em nhà ông Cường đều thẫn thờ ngồi im mà không ai nói gì. Mãi một lúc sau ông Mạnh mới hỏi:
“Bác cả, chuyện này bác thấy sao, có phải là mộ của cụ cố nhà mình thật không?”
Ông Cường đưa tay day day trán như đang cố hồi tưởng lại những chuyện đã qua. Ông nhìn em trai mình rồi nói:
“Xâu chuỗi một số dữ liệu lại thì hình như thông tin này là chính xác. Anh nhớ ngày trước khi bà nội còn sống, ngày lễ tết bà thường đi đâu đó rất lâu rồi mới về. Mỗi lần như vậy anh đều thấy mắt bà sưng đỏ vì khóc quá nhiều. Có lần anh hỏi bà đi đâu, và vì sao mắt bà lại như vậy, bà liền ôm anh vào lòng. Bà còn chưa kịp nói gì thì bố đã từ ngoài đi vào cất giọng lè nhè chửi. Sau đó bà bảo anh đi chơi, còn bà và bố lại to tiếng với nhau. Anh chỉ nhớ bố nói là cấm bà không được nhắc về ông ấy với mấy đứa nhỏ. Ngày ấy các em còn bé chưa biết gì, anh cũng vậy, cũng không hiểu có chuyện gì xảy ra. Sau đó thì bà và bố lần lượt mất đi, ba anh em chúng ta như những con rắn mất đầu, nương tựa vào nhau mà lớn lên rồi cũng không còn biết về gốc gác của mình nữa.”
Bà Tuyên lại vỗ tay đánh đét một cái phá tan đi cái bầu không khí đượm buồn lúc này, bà bô bô nói:
“ Nếu vậy thì đích thị ngôi mộ kết ấy là của cụ cố nhà mình rồi. Trời ơi bác cả ơi cuối cùng thì cũng đến ngày dòng họ này trở mình rồi. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Con cảm lạy tổ tiên đã khuất nhưng vẫn để phước lộc lại cho con cháu.”
Nói xong bà bất giác đưa tay lên vái lạy khắp xung quanh trong vô thức. Ông Mạnh lại đưa mắt nhìn anh trai mình chờ đợi, dáng bộ của ông gầy gộc ngồi khép nép cạnh vợ mình trông đến là tội.
Ông Cường đứng dậy tiến tới hương án ở giữa nhà, lấy ra 6 que hương rồi lần lượt cắm vào hai bát hương của bà nội và bố mình. Ông nhắm mắt lại rồi khấn:
“Thưa bà nội, thưa bố, chuyện của đời trước các con cháu không được hay biết nên không dám can dự vào. Nhưng nay biết rõ mộ phần của tổ tiên mình ở đó mà không đả động tới thì một phần dân làng thiên hạ sẽ cười chê, một phần lại đẩy con cháu rơi vào cảnh bất hiếu. Nay các con thắp nén hương này, xin với bà và bố cho các con được nhận lại mộ phần của ông nội rồi hương khói cho phải đạo.”
Khấn xong ông thành tâm vái ba lạy rồi quay qua bàn uống nước nơi ba người còn lại vẫn đang ngồi nhìn mình chờ đợi. Ông nhìn ông Mạnh khẽ gật đầu nhẹ một cái như thầm khẳng định lại việc nhận ngôi mộ vô chủ kia là mộ ông nội mình. Bà Tuyên lại nói:
“Hay quá, vậy là bác cũng chịu nhận ngôi mộ này rồi phải không. Nếu vậy thì bây giờ theo em chúng ta phải gọi cả nhà cô Ái tới, sau đó mời thầy ra làm lễ tạ ở ngoài mộ mới được. Gì thì gì chứ cứ phải làm một cái lễ thật lớn, thật hoành tráng vào mới được.”
Ông Mạnh hỏi:
“Có nhất thiết phải làm lễ lỉnh kỉnh vậy không hở bà? Hay thôi tóm gọn lại gọi hết con cháu đến rồi ra mộ thắp hương cho ông cụ, sau đó thì mời thầy lập bát hương rồi thờ cúng là được rồi. Làm lễ lớn thì tốn kém quá, nhà chúng ta cũng đâu có khá giả gì.”
Bà Tuyên ngoắc mắt lườm chồng một cái rõ dài, sau đó trề môi ra mà đay nghiến:
“Ông đó, giữ cái suy nghĩ đó thì biết bao giờ mới khá lên được. Ông có biết mộ kết là gì không hả? Ông có biết đến cả các bậc vua chúa ngày xưa trước khi chết cũng cho mời những thầy phù thuỷ tài giỏi nhất đi tìm thế đất tốt có long mạch để hạ táng mình với hi vọng mai sau mộ kết thì con cháu đời sau được hưởng lộc không hả? Nay tự dưng bộ cụ nhà mình kết, quý lắm, hiếm lắm đó ông có biết không? Rồi sau đây thiên hạ sẽ phải nhìn dòng họ nhà mình bằng một con mắt khác. So với những gì mà mộ kết mang lại thì chút tiền lễ lạc này có xá là gì? Ông không phải lo, chuyện này tôi sẽ đứng ra lo liệu hết.”
Sau khi trì triết chồng một hồi, bà lại quay qua vợ chồng ông Cường mà hỏi đãi bôi:
“Vợ chồng bác cả thấy em tính vậy có đúng không ạ?”
Bà Nụ bối rối nhìn chồng, trước giờ chuyện thờ cúng trong nhà đều một tay ông Cường lo liệu cả, ông nói gì bà cũng đều nghe theo. Ông Cường nhìn ông Mạnh đầy ái ngại, nhưng rồi cũng gật đầu với bà Tuyên mà nói:
“Tôi đồng ý với thím việc mời thầy về làm lễ ở mộ của ông cụ, không phải vì đó là mộ kết để được hưởng lợi, mà bởi ngôi mộ bị bỏ hoang đã lâu, nay muốn nhận lại phải có thầy bà giúp đỡ mới được. Hơn nữa nếu đúng như ngôi mộ đang kết như lời người ta đồn thổi chúng ta lại càng phải cẩn trọng. Bởi tôi đã nghe nói nhiều về việc đụng chạm đến mộ kết dẫn đến con cháu phải gánh chịu những hậu quả khôn lường. Thím hay đi lễ vậy chắc có quen biết với nhiều thầy, việc mời thầy nhờ cậy vào thím vậy. Chỗ cô Ái là phận con gái đi lấy chồng rồi thì thôi đi, chi phí thế nào gia đình tôi và chú thím sẽ cùng nhau lo liệu.”
Bà Tuyên thấy mọi chuyện theo ý mình thì vui lắm, bà gật đầu lia lịa mà nói:
“Được được chuyện này bác cứ yên tâm để em lo liệu. Ở làng Hạ có bà thầy cao tay lắm, xem giải hạn cho em mấy lần rồi. Bây giờ bác đi báo tin cho nhà cô Ái đi, để em qua đó mời thầy ngay. Hôm nay thì chắc là chưa làm lễ ngay được vì còn phải chuẩn bị lễ theo ý thầy nữa, để xem thầy dặn thế nào em sẽ quay lại đây để báo lại ngay.”
Ông Mạnh hỏi:
“Có phải bà thầy mà bà nói là bà Thìn có cái điện thờ tháng nào bà cũng đến dâng lễ phải không? Ai chứ bà đấy tôi thấy không khả quan đâu. Tháng nào cũng thấy bà dâng lễ xin số mà lần lượt đồ đạc có giá trị trong nhà đều đội nón ra đi cả, chả đâu vào đâu cả.”
Bà Tuyên xua tay nói:
“Thôi thôi thôi… ông không biết gì thì cứ ngồi im ở đó cho tôi nhờ. Tôi vẫn đang nuôi số mới, tháng trước thầy bảo số tôi sắp tới rồi. Ngẫm thấy đúng thật, phen này có khi lộn mấy vòng cũng nên.”
Nói xong bà đứng dậy toan bước ra ngoài. Ông Cường thấy thế liền gọi giật lại:
“Thế thím tính đi bằng xe đạp đấy à? Từ đây sang làng Hạ cũng cả chục cây biết đến bao giờ mới đến nơi. Hay lấy tạm xe máy của tôi mà chạy cho nhanh.”
Bà Tuyên hơi thoáng lưỡng lự rồi hỏi:
“Thế em đi rồi bác lấy gì để qua nhà cô Ái?”
Ông Cường liền đáp:
“Thím yên tâm đi, để tý thằng Thanh nó về tôi bảo cháu gọi điện thoại mời vợ chồng cô ấy qua đây một chuyến là được khỏi phải đi mất công. Rõ khổ, thế xe máy đâu mà hai vợ chồng lại phải lóc cóc đi xe đạp thế này?”
Ông Mạnh trả lời thay vợ:
“Chẳng biết thằng Tú mới sáng bảnh mắt ra đã đi đâu rồi bác. Cả ngày có thấy mặt mũi nó với cái xe ở nhà bao giờ.”
Bà Nụ lấy chìa khoá xe đưa vào tay bà Tuyên, bà cầm lấy rồi lên chiếc honda cũ dựng ở giữa sân rồ ga phóng thẳng. Ông Cường nhìn theo bóng lưng của người em dâu mà khẽ lắc đầu nén một tiếng thở dài.
****
Ngay chiều ngày hôm sau ba anh em nhà ông Cường dẫn theo bà thầy Thìn tìm ra ngôi mộ hoang ở gốc cây cáo ngoài nghĩa địa để làm lễ nhận mộ. Theo lời bà thầy, một mâm lễ thịnh soạn với đủ xôi gà thủ lợn, hoa quả bánh kẹo, đèn nến hương vàng được chuẩn bị tươm tất. Đến nơi bà thầy đứng từ xa nheo mắt nhìn khắp ngôi mộ một lượt, sau đó khẽ gật đầu ra chiều ưng ý lắm. Lúc bà thầy làm lễ, lũ con cháu cả đời chưa một lần biết đến tổ tiên quỳ đằng sau ai nấy vẻ mặt thành tâm vái lấy vái để. Đặc biệt là bà Tuyên đốp, cái vẻ mặt đanh đá của bà hôm nay cũng đã được thu lại, bà nhắm hai mắt lim dim khẽ lắc người vái lia lịa. Nhìn hai tay nhịp lên xuống như người đang múa cũng đủ hiểu bà là người tín và có kinh nghiệm lễ bái nhiều đến nhường nào.
Lễ tạ, thầy Thìn rút ba chân hương cắm ở trên ngôi mộ rồi khấn mời vong linh người dưới mộ theo con cháu về nhà để được thờ phụng. Ba que hương này được bà mang về nhà ông Cường cắm vào bát hương đã được chuẩn bị từ trước đó. Xong xuôi đâu đấy bà quay về phía ba anh em ông Cường mà nói:
“Việc của gia đình xem như đã tạm ổn rồi. Bây giờ ta đem ba que hương này về lập bàn thờ ở nhà ông Cường đây nữa là xong. Tuy là một kết nhưng đã lâu con cháu không đi lại thờ phụng hiếu kính với tổ tiên nên không thể nhất thời mà được hưởng lộc ngay được. Muốn nhận được lộc thì từ nay hãy thờ cúng chăm nom ngôi mộ cho thật tốt. Phước lộc được đến đâu còn tuỳ vào sự thành tâm của con cháu các người.”
Nói rồi bà cho dọn dẹp hết đồ đạc rồi kéo nhau ra về. Dọc đường từ gốc cây cáo ra đến chỗ để xe ở bờ đường cũng cách vài trăm mét, bà Tuyên luôn đi kè kè bên bà thầy, hai người cứ thì thầm nói gì đó với nhau ra chiều bí mật lắm. Chỉ thấy bà Tuyên sau đó khuôn mặt phấn khởi cười từ ngoài nghĩa địa về đến tận nhà vẫn chưa thôi. Dường như bà thấy cơ hội đổi đời đang ở ngay trước mắt mình, chỉ cần cố gắng thêm một chút nữa là bà đã có tất cả những thứ mà mình muốn.
Cổ nhân xưa đã có câu “tái ông mất ngựa, chưa biết là phúc hay là hoạ.” Không biết ngôi mộ kết từ trên trời rơi xuống này có thật sự mang lại may mắn cho gia đình ba anh em ông Cường hay không? Hay đó chỉ là khởi đầu cho một cơn ác mộng kéo dài, với không chỉ mình gia đình bọn họ, mà còn với cả dân làng?
****
Ba năm sau…
Chiếc xe dream cũ đỗ xịch trước cổng một ngôi nhà mới khang trang nằm ở khuất trong cuối làng. Trên xe là ba người, ngồi ở vị trí lái là cậu thanh niên áng chừng chỉ ngoài hai mươi tuổi, nước da tái nhợt, cái đầu trọc lốc chỉ để duy nhất một cái mào gà trên đỉnh đầu kéo dài từ sau gáy ra trước nhuộm đỏ choé trông rất là dị. Ngồi chẹt ở giữa là người đàn ông khắc khổ, dáng vẻ gầy gò, mặc trên mình bộ quần áo bay bộ đội đã cũ nát. Và sau cùng là người đàn bà tướng người phốp pháp thô kệch như đàn ông. Ấy chính là ba người nhà ông Mạnh. Hôm nay cả nhà nhận được lời mời đến nhà ông Cường ăn tân gia nhà mới.
Lúc này vẫn còn sớm, trong sân nhà đã được căng bạt và bày hơn chục bộ bàn ghế. Chỉ có lác đác vài người làm giúp tất bật chạy qua chạy lại. Cả ba người nhà ông Mạnh xuống xe đứng ngây ra ngắm ngôi nhà khang trang trước mặt. Ở đúng vị trí của căn nhà cấp bốn lụp xụp trước đây đã thay thế bằng một ngôi nhà vườn mái thái vô cùng hiện đại. Ở trước cửa nhà, ông Cường đang ngồi trò chuyện rôm rả cùng mấy người hàng xóm.
Đợt tết vợ chồng ông Mạnh có đến đây một lần rồi, lúc ấy ngôi nhà mới chỉ xong phần móng, không ngờ khi hoàn thiện lại to đẹp đến nhường ấy. Đây là cả một cơ ngơi mà có lẽ cả đời này ông Mạnh cũng chưa một lần dám nghĩ tới.
Vào trong nhà thấy cả gia đình cô Ái cũng đã đến đông đủ tự lúc nào. Anh em lâu ngày tụ họp, lại là ngày vui của gia đình anh cả nên ai nấy đều lấy làm phấn khởi lắm, tiếng trò chuyện cười nói rôm rả cả một đoạn đường. Duy chỉ bà Tuyên là có vẻ không vui, bà nhìn khắp lượt căn nhà, rồi lại nhìn vợ chồng ông Cường cùng gia đình cô Ái, trong lòng bà chộn rộn, khó chịu, bứt rứt như có con gì đương bò trong đó. Rồi bà lại nhìn khắp lượt ba người nhà mình. Bộ quần áo cũ đã đánh đeo từ năm này qua năm khác. Những ánh mắt cảm thông, những cái nhìn trìu mến, những lời quan tâm hỏi han của mọi người nhưng trong mắt bà lại trở thành sự thương hại. Trước đây so với hai gia đình kia thì gia đình bà thuộc dạng có của ăn của để hơn cả, chính vì vậy mà bà đã chẳng xem anh em người nhà bên chồng ra gì. Ngay cả chồng bà cũng thế, đối với bà lúc nào cũng phải khép nép sợ sệt chưa một lần dám to tiếng. Nhưng cũng chỉ vì bà mê đỏ đen mà lần lượt những thứ có giá trị trong nhà đều đội nón ra đi cả. Ấy vậy mà không thể ngờ chỉ chớp mắt một cái thời thế lại đổi nhanh đến vậy. Chỉ trong 3 năm mà từ những người bần cố nông hai gia đình kia lại ngày một khá giả có của ăn của để, còn gia đình bà nghèo vẫn hoàn nghèo. Ngẫm có tức không cơ chứ?
Tuy tức bực là thế nhưng trước mặt đông người bà không tỏ thái độ gì không vừa lòng ra bên ngoài. Chỉ lẳng lặng ngồi một góc quan sát tất cả mọi người. Thằng Tú con trai bà và ông Mạnh thì vui lắm. Hai người hồ hởi đi xem khắp một lượt căn nhà, cười cười nói nói cùng mọi người suốt cả một ngày.
Cuối cùng thì bữa tiệc tân gia cũng đến lúc tàn, quan khách dần ra về hết. Trời vừa sẩm tối ba người nhà ông Mạnh cũng ra về. Lúc ra đến xe máy ở ngoài cổng, bà Nụ vợ ông Cường còn chạy theo gọi giật ba người lại. Bà giấu giấu cái túi gì ở đằng sau, vừa cười tươi vừa nói:
“Ấy, chú thím khoan hẵng về chờ chị đã. Ông nhà bảo đưa cái này cho chú Mạnh mà chị quên mất.”
Nói rồi bà chìa ra phía trước một cái túi giấy bên trong có đựng vài bộ quần áo được gấp gọn gàng. Bà tiếp tục nói:
“Đây là đồ của cháu Thanh nó mua từ Hà Nội gửi về cho ông ấy nhưng nhiều quá không mặc đến. Cái thằng kiếm được tiền là mỗi lần về đều mua quà cho bố mẹ. Chú Mạnh với ông Cường dáng người cũng na ná nhau cả. Chỗ anh em với nhau đi đâu mà ngại. Chú cầm lấy mang về mặc đỡ đi. Đây toàn là đồ mới chưa mặc lần nào đâu.”
Bà Tuyên nhìn túi quần áo mà nét mặt sa sầm cả lại. Bà toan nói gì đó nhưng ông Mạnh đã đưa cả hai tay ra đón lấy túi đồ từ tay bà Nụ, miệng liên tục cảm ơn. Lúc này thằng Tú cũng đã trèo lên xe nổ máy, nó quay lại giục:
“Bố mẹ nhanh về thôi con còn có hẹn.”
Ông Mạnh một lần nữa chào bà Nụ rồi cầm theo túi quần áo trèo lên xe ngồi phía sau Tú. Bà Tuyên dưới bóng tối nhập nhoạng của buổi chiều, khẽ quắc mắt lườm bà Nụ một cái rồi quay ngoắt người nhảy lên xe. Cái xe loạng choạng suýt ngã, thằng Tú ở phía trước la lên oai oái. Chiếc xe rồ ga rồi lao thẳng vào con đường nhỏ trước mặt.
Về đến nhà, Tú đỗ xe từ tít ngoài cổng cho bố mẹ xuống, rồi lại phóng vút đi. Bà Tuyên nhìn theo bóng con mà chửi:
“Sư bố cái thằng, tối ngày chỉ đi chơi là giỏi. Bằng tuổi thằng Thanh mà không biết chống mắt lên mà xem nó học hành thành tài chuẩn bị thành ông nọ bà kia đến nơi rồi. Cái số tôi không biết bao giờ mới hết khổ hả giời.”
Rồi bà lại quay qua phía ông Mạnh vẫn ôm khư khư bọc quần áo bà Nụ đưa đứng chờ mình, bà sẵng giọng quát:
“Không vào trong nhà còn đứng đấy đợi tôi rước vào à? Chồng với chả con chả được cái tích sự gì chỉ báo hại tôi là giỏi.”
Bà dậm chân thình thịch trên nền đất ngúng nguẩy bước vào nhà. Nhìn thái độ của bà ông Mạnh biết chắc hẳn bà lại đang không vui chuyện gì nên chỉ im lặng mà bước theo sau vợ.
Ông Mạnh vào nhà bật đèn rồi để túi quần áo trên bàn, ông xắn tay xuống bếp cho gà ăn. Sau đó còn đi pha cám cho đàn lợn trong chuồng. Bà Tuyên từ lúc vào nhà chỉ nằm vật ra giường, càng nghĩ lại càng thấy tức không nuốt nổi sự uất hận trong lòng. Lăn qua lăn lại một hồi rồi bà ngồi bật dậy, với lấy cây đèn pin lò dò đi ra ngoài cổng mà không thèm nói với chồng một lời. Đến khi ông Mạnh xong công việc lên trên nhà thì thấy nhà cửa trống hươ trống hoác, túi quần áo trên bàn không hiểu sao lại rơi xuống đất tự lúc nào, đổ tung toé cả ra nền đất. Có lẽ đã quá quen với sự vắng mặt của vợ ở nhà giờ này nên ông lẳng lặng nhặt chỗ quần áo dưới đất lên, phủi sạch bụi đem cất rồi lên giường đi nằm.
Lại nói về bà Tuyên, hôm nay bà không đi xe đạp mà đi bộ. Ra khỏi cổng nhà bà đi ngược vào trong về phía cuối làng. Bà bước từng bước phăm phăm dưới cái tiết trời se se lạnh của những ngày đầu tháng 10. Ở vùng quê này mới chập tối người ta đã đóng cửa đi ngủ hết cả, con đường làng không một bóng người qua lại. Thi thoảng chỉ có một vài con chó thấy người lạ ngoài đường sủa lên một vài tiếng cho có lệ rồi thôi. Đến cuối làng bà cẩn thận nhìn quanh quất một lần xem có ai bắt gặp mình ở đây hay không, thấy không có người mới yên tâm rẽ vào con đường nhỏ dẫn đến bãi mía ở sau làng. Từ đây bà chui qua bờ rào, men theo con đường mòn nhỏ xíu giữa hai bên là hai hàng mía kéo dài tít tắp. Xung quanh tối om như tờ, chỉ có ánh đèn pin yếu ớt tạo thành một vòng tròn nhỏ loang ra trên nền đất. Dường như đã quá quen với con đường này, bà Tuyên cứ thế hăm hở tiến về phía trước. Được một lúc thì căn chòi nhỏ nằm cạnh ba ao cá hiện ra trước mặt. Từ trong chòi ánh đèn vàng vọt hắt ra bên ngoài hiên thứ ánh sáng mờ mờ càng khiến khung cảnh nơi đây trở nên heo hút. Tiếng ca cải lương từ cái đài catset vang lên rõ mồn một.
Đứng trước cánh cửa gỗ, bà Tuyên khẽ hắng giọng rồi gọi:
“Ông Lâm, mở cửa cho tôi.”
Giống như kẻ đi ăn trộm sợ bị phát hiện, gọi xong bà lại cảnh giác đảo mắt nhìn khắp xung quanh xem có ai thấy bà ở đây hay không. Từ trong chòi một người đàn ông cao to dáng vẻ bặm trợn, có bộ râu quai nón xoăn tít khẽ lò đầu ra ngoài nghe ngóng. Nhận ra bà Tuyên, ông ta khẽ reo lên:
“Ôi con heo mập bé nhỏ của anh, sao em đến mà không báo gì cho anh vậy?”
Bà Tuyên không đáp mà bước thẳng vào trong chòi, không ngần ngại ngồi phịch xuống cái giường ở góc căn chòi. Đây không thể gọi là một cái nhà, bởi nó chỉ được dựng tạm lên để cho mình ông Lâm ở canh ao cá và vườn mía mà thôi. Trong chòi ngoài cái giường và bàn uống nước cũng không có thêm bất cứ một thứ gì có giá trị.
Sau khi bà Tuyên vào nhà, ông Lâm cũng cẩn thận nhìn khắp xung quanh một lượt rồi mới yên tâm mà đóng cửa lại. Ông ta cười hít cả mắt, tiến tới giường ngồi sát sạt vào bà Tuyên, vòng tay qua kéo bà sít lại gần hơn với mình, gương mặt dâm dê không lời nào tả hết. Bà Tuyên gương mặt vẫn khó đăm đăm, hậm hực gỡ tay ông ra gạt mạnh một cái. Thấy điệu bộ khó chịu của bà, ông Lâm thôi không cợt nhả nữa mà ngồi nghiêm túc trở lại, ông hỏi:
“Em đi đâu mà cả ngày gọi không được? Sao
mà em lại đến đây vào giờ này? Không sợ lão chồng già nghi ngờ sao?”
Bà Tuyên đưa tay tắt phụp cái đài catset vẫn đang vang vang bài hát cải lương ở phía đầu giường, bà nói với giọng khó chịu:
“Nay theo bố con nhà nó đến nhà ông anh cả bên xóm Đồi ăn tân gia. Ta nói càng nghĩ càng tức không chịu được.”
Ông Lâm liếc mắt hỏi dò:
“Ai làm gì em sao? Hay có đứa nào đồn gì đến tai lão rồi?”
Bà Tuyên nhếch mép rồi nói:
“Em sợ đếch gì thằng nào con nào… chỉ có điều tức không chịu được thôi. Vì cái cớ gì mà gia đình chúng nó ngày một trở nên giàu có sung túc, trong khi mình mãi vẫn không ngóc đầu lên được. Cứ nghĩ đến ánh mắt thương hại bọn nó dành cho mình lại thấy cay cú.”
Ông Lâm cười giòn tan rồi lại nói:
“Thì ra là em đang ghen tỵ với nhà ông Cường đó hả? Sao, bây giờ nhà đó giàu có lắm à?”
Bà Tuyên đáp:
“Phải, nay nhà đó vừa tân gia ngôi nhà to đẹp mà đến trong mơ em cũng muốn có được. Mà có phải vợ chồng nhà đó tài cáng gì cho cam. Chẳng qua là vận may tự dưng trên trời rơi xuống. Cái đám ruộng cày được bà mẹ vợ chia cho trước đây vốn ở vùng đất trũng năm nào cũng ngập lụt mất mùa triền miên bỏ hoang bao nhiêu năm thì không sao. Nay đùng một cái dự án công ty nước ngoài về đó mở công ty gì đó, tự dưng trên trời rơi xuống một số tiền khổng lồ đủ để xây nhà. Lại thêm cả nhà cái cô Ái ngày trước còn chạy ăn từng bữa, bữa đói bữa no mà nay thằng chồng đi buôn trâu trên vùng ngược cũng phất lên trông thấy, còn có cả xe tay ga, điện thoại xịn để dùng. Bọn đó trước nay phải nể em một phép mà bỗng dưng phất lên nhìn em bằng ánh mắt thương hại, em không cam tâm… có nuốt thế nào cũng không nuốt nổi cục tức này…”
Ông Lâm ngồi yên lắng nghe bà Tuyên kể, lúc này lại nói:
“Anh nghĩ không phải ngẫu nhiên mà hai nhà ấy lại gặp may vậy đâu. Chẳng phải trước đây em nói nhà đó có ngôi mộ của ông cụ cố gì đang kết có phải không? Có thể cơ may mà họ nhận được là do mộ kết này mang lại đó.”
Bà Tuyên gật đầu đáp:
“Phải, thế nên e lại mới tức không nuốt trôi được. Cùng là anh em trong một nhà, thì vì cớ gì mà hai nhà kia lại gặp may như vậy, trong khi cái số nhà em quay đi quay lại nghèo vẫn hoàn nghèo. Đây, chính em, chính e đây này là người mời thầy đến làm lễ tạ mộ ông cụ. Nhà em cũng bỏ ra không ít tiền bạc để lễ lạc công thầy chứ có phải không đâu. Tự dưng mất tiền mà chẳng được tý lợi lộc gì ai lại không tức.”
“Phải rồi, theo lý mà nói thì lão Mạnh nhà em cũng là con cháu nhà đấy thì cũng phải được hưởng vận may như hai người kia mới đúng chứ?”
Bà Tuyên bĩu môi rồi đáp:
“Ôi dào ơi, cái lão Mạnh đấy tối ngày hết cắm đầu vào mấy củ sắn củ khoai ngoài vườn lại đến mấy con lợn trong chuồng. Sức như con nhái bén ấy thì đến đời nào mới mong khá lên như người ta được. Có trông vào vận may thì trông vào em đây này. Sau 6 giờ tối đổi đời chỉ trong phút mốt. Mà không hiểu sao cái số gì đâu mà xui tận mạng. Đánh ít thì nó về, mà cứ hễ hôm nào mạnh tay cái là xui tận mạng mất trắng hết cả. Rồi đến cả cái thằng Tú nhà này nữa, bằng tuổi với thằng Thanh nhà lão Cường mà tối ngày chỉ biết ăn chơi lêu lổng. Trong khi thằng Thanh ngày xưa nhà nghèo nhưng đã nổi tiếng là hiếu học, rồi đậu vào trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội. Mới chỉ năm ba thôi còn chưa ra trường mà đã có doanh nghiệp nước ngoài nhận vào làm, tháng nào cũng gửi ngược tiền về cho bố mẹ ở quê. Nghe nói sang năm ra trường còn được cử đi tận nước ngoài để học lên tiếp. Nghĩ có thấy tức không? Sao mà số em khổ thế không biết…”
Ông Lâm im lặng hồi lâu, rồi khẽ bật lên cười khoái chí. Ông nói:
“Rồi rồi… anh hiểu lý do vì sao rồi. Nào yên anh nói thử xem đúng không nhé. Sở dĩ nhà ông Cường và cô Ái gặp may mắn mọi thứ đều thuận lợi chính là vì ngôi mộ kết ấy, điều này thì khỏi cần bàn cãi. Còn lý do tại sao nhà em không gặp may như thế? Trước hết là do lão chồng già của em đi đã. Lão cả đời chẳng bao giờ bước chân ra ngoài, không dám nghĩ đến công to việc lớn gì thì làm gì có cơ hội mà phất lên được. Giống như một người tối ngày ôm mộng trúng số nhưng lại chả bao giờ mua vé số ấy. Em xét cho cùng cũng chỉ là con dâu, là người ngoài dòng họ ấy. Còn thằng Tú lại càng dễ hiểu, bởi nó làm gì có phải con của lão Mạnh. Mà nhà anh thì lại chẳng có ngôi mộ kết nào cả.”
Nói xong lão Lâm lại cười lên khoái chí. Bà Tuyên nghe đến đây thì giật mình khẽ đưa tay lên miệng suỵt một cái rõ to, bà nói:
“Bé bé cái mồm thôi ai nghe được thì chết cả nút bây giờ.”
Ông Lâm một lần nữa vòng tay qua ôm lấy thân hình hộ pháp của bà Tuyên, vẻ mặt dâm đãng, đôi mắt lim dim khẽ hít hà sau gáy cổ bà, ông ta nói:
“Ở đây ngoài anh với em ra thì làm gì còn có ai nữa mà sợ…”
Như sực nhớ ra điều gì, bà Tuyên lại gạt phắt tay của ông Lâm ra, bà quay ngoắt người lại rồi hỏi:
“Nếu đúng như ông nói thì xem như cơ hội đổi đời của nhà này là bằng không à? Cái lão Mạnh đấy thì chẳng trông chờ gì được rồi. Còn em và thằng Tú thì không liên quan đến dòng họ nhà đấy… mẹ kiếp! Biết thế ngay từ đầu đã chẳng lễ lạc làm gì cho vừa tốn tiền vừa mất công mà để cho đứa khác hưởng lợi. Em không được hưởng thì kẻ khác cũng đừng hòng mà có được. Đáng ghét!”
Nói rồi bà mím môi đấm thình thịch xuống giường. Ông Lâm muốn xoa dịu người tình của mình, liền ghé sát tai bà rồi thì thầm nói nhỏ:
“Nào nào bình tĩnh. Em có muốn chấm dứt vận may của bọn chúng cho bõ tức không?”
“Bằng cách nào?” Bà Tuyên ngạc nhiên hỏi lại.
“Bằng cách khiến cho ngôi mộ ấy không còn là mộ kết nữa.”
Ông Lâm chậm rãi nhả từng từ một vào tai bà Tuyên. Sau đó ông thì thầm cái gì đó vào tai bà một lúc lâu, chỉ thấy bà khẽ gật đầu rồi thay đổi sắc mặt, nở một nụ cười khoái trí. Đợi ông nói xong, bà cười lên ha hả, vòng tay ôm chầm lấy cổ ông rồi nói:
“Hay lắm, quả là em đã không nhìn nhầm anh. Phen này em phải chống mắt lên để xem chúng còn hưởng thụ được đến bao giờ.”
Ông Lâm không ngần ngại đưa tay khẽ xoa xoa lên cái lưng rộng như tấm phản của bà Tuyên. Lần này bà không còn đẩy ông ra nữa. Hai con người bỉ ổi ấy hoà vào nhau lén lút ngoại tình như cái cách mà họ đã làm suốt mấy chục năm qua.
Ông Lâm trước đây vốn là người yêu cũ của bà Tuyên. Hai người quen nhau từ trước khi bà Tuyên lấy ông Mạnh. Ngày đó bà Tuyên vừa hay tin có bầu Tú thì ông Lâm bị bắt đi tù vì tội trộm cắp tài sản. Một mình ôm cái bầu bà Tuyên hoảng quá mới tìm cách đổ vỏ cho ông Mạnh. Ông Mạnh vốn hiền lành như cục đất lại chưa từng trải sự đời nên đã rơi vào bẫy của bà đến tận lúc này vẫn chưa biết sự thật rằng Tú không phải là con trai của mình. Sau đó vài năm thì ông Lâm ra tù rồi lấy vợ. Nhưng bản tính côn đồ rượu chè bê tha nên chỉ độ vài năm sau vợ ông ôm con bỏ về nhà ngoại. Từ đó một mình ông dọn hẳn vào trong chòi ao để canh mía, ngôi nhà cũ bỏ không. Ông tìm cách nối lại liên lạc với bà Tuyên. Người ta từng nói, tình cũ không rủ cũng tới là vì vậy. Bà Tuyên sống trong cuộc hôn nhân không có tình yêu với chồng mình nên tính cách ngày một trở nên cáu bẳn. Căn bản ông Mạnh không đủ làm bà thoả mãn nên vừa gặp lại ông Lâm hai người đã lao vào nhau như những con thiêu thân. Chỉ tội ông Mạnh hết lòng cam chịu vì vợ vì con, nhưng đến cuối cùng nhận lại chỉ là sự phản bội mà thôi.