Thấy cô ta như vậy, đứa trẻ không còn cười được nữa thay vào đó là một khuôn mắt mếu máo, nó bắt đầu khóc lóc. Đứa trẻ chẳng còn trở thành vật cản, cô ta cứ thế mà hành động. Khóe môi cô gái kéo dài đến mang tai, miệng há ra rộng toác như cái miệng lu chờ nuốt trọn hồn phách Đào. Để làm được điều đó, cô ta đưa tay lên ngang bằng với gáy của Đào, những cái móng tay dài hoắt và đen sì chụm lại xòe ra làm động tác kéo hồn. Ấy thế mà Đào vẫn bước đi bình thường chẳng hay biết nguy hiểm đang rình rập.
Đứa trẻ trên lưng vì kinh hãi mà khóc lớn hơn, tiếng khóc của nó vang xa, khiến gió thổi lồng lộng. Cơ thể Đào hơi co lại vì lạnh, cũng vì sợ, cô cảm nhận được một điều bất an đang ập thời. Nhưng cảm giác rất mung lung không rõ chuyện gì, đôi chân cũng vì thế mà bước nhanh hơn. Rồi cô thấy mình như bị ai đó giữ lại không thể bước tiếp được nữa. Ngực cũng bắt đầu thấy tức đau. Đào ngã quỳ xuống đất, uể oải vô cùng, cả cơ thể như không còn sức sống, đôi mắt chỉ muốn díu lại.
Con ma kia sắp thực hiện được âm mưu, nó thấy phấn khích vô cùng. Nhưng vẫn rất cẩn trọng, tay nó cứ chụm lại xòe ra lặp lại như thế, đến khi sắp tách được hồn Đào ra khỏi thân xác thì bị đứa trẻ trên lưng Đào quấy rối. Nó không nói không rằng không sợ sệt mà chạy lại ôm lấy chân cô ta, nhe những chiếc răng nanh mới nhú ngoặm cho cô ta một miếng vào chân thật đau điếng. Bị tấn công bất ngờ, con ma buộc phải tạm thời dừng lại âm mưu của mình mà chú tâm đối phó với đứa trẻ. Mặt cô ta nhăn lại xấu xí thể hiện rõ sự tức giận, cái chân bị đứa trẻ ngoặm cứ đưa đi đưa lại nhằm tách nó ra, khiến lưng đứa trẻ có khi đụng trúng tảng đá, có khi lại đụng trúng cái cây ven đường. Thế nhưng nó không chịu bỏ cái chân ra, cứ ngậm lấy mà cắn thật sâu. Bất lực, con ma đành phải dùng đòn hiểm, nó giơ cao tay trái, xòe ra những cái móng dài nhọn, định chọc thủng xuống đầu đứa trẻ cho nó tan hồn phách.
Cọc cách cọc cách…
May thay, lúc ấy có một người phụ nữ mặc váy áo dân tộc gõ ống tre đi ngang qua. Vừa gõ bà ta vừa hát một bài hát bằng tiếng dân tộc mà Đào không thể hiểu nổi, cô trố mắt ra nhìn bà đầy lạ lẫm. Nhưng ngược lại, nó có tác dụng với con ma kia. Hai tay nó mất dần đi những chiếc móng vuốt nhọn hoắt, cái miệng rộng đến mang tai cũng được thu nhỏ lại thành môi đôi môi thâm sì, khuôn mặt nó tái nhợt như hồi ban nãy, đôi mắt cũng không còn rực đỏ mà chỉ còn lại hai quầng thâm. Có lẽ đó là một bài hát xua đuổi ma quỷ, ngay cả đứa trẻ cũng cảm thấy chóng mặt, nó yếu ớt ngã lăn ra đất. Còn con ma nữ kia thì chạy vội chạy vàng. Chờ nó đi rồi, người phụ nữ mới thôi không gõ nữa, bà mỉm cười với đứa trẻ. Đồng thời nó cũng cười đáp lại với bà. Lúc nãy là bà nghe tiếng khóc của trẻ con nên biết nơi này có chuyện, cũng thật may mắn là đến kịp mới cứu Đào thoát khỏi con ma kia.
– Cô có sao không thế?
– Bác nói được tiếng Kinh à?
Đào có vẻ hơi ngỡ ngàng khiến người phụ nữ không khỏi bật cười.
– Có chứ, tôi là người Kinh lên đây lấy chồng. Ở đây ai cũng nói được tiếng Kinh cả, không như cô đang nghĩ đâu.
Sở dĩ Đào buột miệng nói như vậy vì thấy bà mặc váy thổ cẩm, đầu quấn khăn ban nãy còn hát tiếng dân tộc làm cô không thể hiểu nổi nên mới hỏi bất lịch sự như vậy. Biết mình không phải nên Đào hơi cúi mặt. Vẫn giữ thái độ ôn hòa, bà đỡ Đào đứng dậy:
– Cô đi đâu tối thế này? Có biết suýt chút nữa bị con ma kia ăn mất hồn rồi không?
Đào lắc đầu, cô nhớ lại cô gái kì lạ khi nãy. Lòng sợ hãi:
– Có phải cô gái ban nãy không ạ?
– Ừ, cô ta đấy.
– Thảo nào nãy giờ tôi cứ thấy mệt mỏi. Dù gì cũng cám ơn bác.
Rồi người phụ nữ không giấu giếm gì kể lại mọi chuyện liên quan đến con ma hồi nãy cho Đào nghe. Rằng cô ta là một cô gái đẹp, lại thông minh, nhà cũng khác giả. Khoảng hơn mười năm trước có một chàng trai lên bản công tác, tiện dạy chữ cho bà con, chàng trai ấy nhiệt tình lại tốt bụng nên con gái ở bản phải lòng lắm, trong đó có cô. Giữa hai người họ nảy sinh tình cảm rồi ăn nằm với nhau nhưng rồi chàng trai hết chuyến công tác thì bỏ về xuôi, anh ta có hứa sẽ quay lại cưới cô gái khiến cô cứ chờ mãi. Cuối cùng, cô ta quyến định xuống xuôi tìm nhưng tìm hoài chẳng thấy. Dưới xuôi xô bồ tấp nập, cô biết mình không thể sống ở đấy nên đã trở về. Nhưng khi về bản cô ta còn vác theo một cái bụng bầu. Mà kể cũng tội, lúc ấy luật làng còn cổ hủ, con gái chưa chồng mà chửa thì chỉ có bị đánh cho xảy thai rồi đem ném xuống suối thôi. Đợt ấy, cô ta bị đánh tới chết, xác ném trôi vất vưởng, lòng còn ôm hận mà cứ lởn vởn ở đây ăn hồn những người lạ dưới xuôi tới.
Đào nghe kể chuyện mà bất giác rùng mình, còn đứa trẻ vì mệt nên nằm thiu thiu ngủ trên lưng cô.
Đoàng đoàng…
Tiếng sấm lại vang lên, Đào nhăn mặt sợ hãi. Nhìn trời đen nghịt thế này quả là không tránh được một cơn mưa giông lớn.
– Thế giờ cô định đi đâu?
– Tôi đến nhà thầy Thìn.
Người phụ nữ hơi nhướn mày rồi nhìn liếc sang đứa trẻ trên vai Đào, hơi hiểu ra chuyện gì đó.
– Tôi sẽ dẫn cô đến đấy. Nhưng có điều này phải dặn cô trước. Trẻ con như tờ giấy trắng chúng nó ngây thơ và vô hại lắm với những đứa trẻ không may chết sớm chúng nó cũng không biết hận là gì. Chúng nó chỉ biết làm theo người lớn sai bảo. Thế nhưng có những người vì hận thù của mình mà kéo chúng vào cuộc biến chúng thành những đứa trẻ quậy phá thì thật không phải với trời, với đất, sau này chắc chắn sẽ nhận quả báo. Tôi nhìn cô cũng còn trẻ, chắc cũng là sai lầm, có lỡ thì mang đứa trẻ lên chùa cho nó được siêu thoát.
Nghe những lời này, cả Đào và con cô đều giật thót mình ngơ ngác. Đứa trẻ càng bám chặt lấy mẹ mình hơn sợ sẽ phải rời xa. Còn Đào, cơ hơi đứng khựng lại một chút, lòng bỗng thấy xao động.
– Bác nói thế là có ý gì?
Người phụ nữ cười hòa nhã:
– Tôi không có ý gì cả. Chỉ khuyên cô thế thôi. Còn cô thấy làm sao cho phải thì cứ làm.
Nói rồi, hai người họ lại đi tiếp. Cơ thể và tâm trí Đào cứ luôn cảm thấy thật nặng nề. Một chút ý muốn quay về nhen nhói trong đầu cô. Nhưng ngay lập tức nó bị dập tắt bởi những thù hận trong lòng. Không được, cô phải trả thù có như thế mới bù đắp được những mất mát của mình, bù đắp được mạng sống của con cô.
Những suy nghĩ cứ luẩn quẩn trong đầu khiến cô không hay biết mình đã đến nơi từ lúc nào. Cho đến khi người phụ nữ trung tuổi kia lên tiếng:
– Đến nơi rồi đấy.
Lúc này Đào mới nhận ra mình đang đứng trước một ngôi nhà sàn, bên trong lấp lóe ánh đèn điện sáng trưng. Người phụ nữ nhấc cánh cổng làm bằng tre đi vào trong, bà cũng không quên gọi Đào:
– Cô vào đi.
Đào hơi ngẩn người, tay cô nắm chặt lấy túi xách. Đi theo bà vào trong. Ngôi nhà sàn dựng cách đất tầm một mét, một mét rưỡi, muốn lên phải leo bằng thang. Đào bước được bước thứ hai thì bị con chó sủa làm cho thót tim. Nó phá vỡ sự ngẩn ngơ của cô buộc cô phải tập trung hơn.
– Bà về rồi đấy à?
Một người đàn ông đang huơ tay bên đống lửa hỏi người phụ nữ trung tuổi khiến Đào ngơ ngác. Cô nghĩ mình đã đến nhầm nhà thì phải, nhà cô tìm là nhà thầy Thìn cơ mà. Cô quay lại nhìn người phụ nữ, hỏi:
– Bác ơi, tôi muốn đến tìm thầy Thìn?
Bà bật cười, chỉ tay về phía người đàn ông đang huơ tay.
– Ông ấy là thầy Thìn mà cô cần gặp. Cũng là chồng tôi.
Người đàn ông trung niên nghe có người nhắc đến tên mình liền quay lại. Trông ông ta không có vẻ gì giống một thầy pháp cả, cũng chỉ giống như những người dân tộc bình thường. Điều đặc biệt nhất chắc là vết sẹo dài vắt ngang qua mũi ông ta nhưng nó cũng chẳng liên quan gì đến việc ông ta có là thầy pháp hay không.
– Tôi là Thìn đây.
Ánh mắt Đào vẫn chứa sự nghi hoặc:
– Tôi là…
– Cô là cô gái gọi cho tôi nói muốn luyện quỷ nhi?
– Đúng vậy.
Lúc này Đào mới niềm nở và tin tưởng ông ta hơn. Người đàn ông liếc nhìn sang vợ mình gật nhẹ đầu ra hiệu, người đàn bà nhanh chóng hiểu ý.
– Cô đi cả ngày chắc chưa ăn gì nhỉ? Để tôi dọn cơm rồi cô ngồi ăn cơm luôn với vợ chồng tôi.
Cô không giấu nổi sự nóng ruột:
– Không cần đâu, tôi không thấy đói. Nhờ thầy và bác giúp tôi đến đêm tôi còn bắt xe về xuôi.
Thầy Thìn lúc này vẻ mặt trầm ngâm, giọng ông lơ lớ đặc xịt chất dân tộc:
– Cô không về trong đêm được đâu. Trên này có nhiều ma lắm, cứ ngồi ăn cơm với chúng tôi. Chúng ta vẫn còn nhiều chuyện phải bàn.