Đợi cho bóng dáng của vợ khuất dần sau lối rẽ ở đình làng , ông Bảy đi lại cái lầu với hộp quẹt châm nhang mà cúi đầu nhẩm khấn trong miệng. Dù sao người đã khuất ở đây cũng đã không hù dọa có nghĩa họ đồng ý để cho ông nhận làm công việc này . Cùng lúc có tiếng của bà Thơm ở ngay sát bên cất lên :
– Đêm .. đêm qua thế nào rồi chú? Có .. có bị trêu phá gì không ?
Nhìn bà Thơm , người đàn ông tên Bảy lắc đầu :
– Không có gì ngoài thần hồn nát thần tính bà ạ. Lúc đầu vợ chồng cháu nghĩ đến những gì nghe kể lại cũng tự hù mình . Sau rồi ngủ tới sáng , dậy là cháu ra châm nhang liền ..
– Vậy thì tốt quá rồi ! Cả đêm qua tôi chỉ lo . Vậy là họ đã chịu tha thứ . Qua tới ngày mốt , tôi đã mời được sư thầy về tụng kinh cho gia đình họ được siêu thoát .
– Thật là khi không nghe bà và mẹ cháu kể lại thì không thể tin được chính nơi này năm xưa xảy ra chuyện như vậy .
Nghe tới đây , bà Thơm rớm nước mắt . Tự tay mình quẹt lửa rồi cầm cây nhang châm mà nghẹn ngào :
– Tưởng chừng chôn đi được quá khứ nhưng ai ngờ rằng mọi thứ lại liên kết với nhau . Về pháp lý thì không phải nhưng về tình thì chúng tôi là người một nhà ! Mong hai người họ hãy bỏ qua cho mọi tội lỗi của gia đình ấy và chiêu hồn về nơi mà mình đã sinh ra ..
– Chuyện này là sao hả bà ? Bà có thể nói cho cháu rõ hơn được không?
Bà Thơm hít thở thật sâu rồi đáp :
– Cảm ơn vợ chồng chú đã giúp tôi. Cũng không tốt đẹp gì để mà nói ra nhưng đã đến nước này thì ..thực ra ông Luci đó ..là người đã cưỡng bức tôi năm xưa..
– Bà nói sao .. ? Ổng là ..
– Đúng vậy chú Bảy ah . Ông trời như đùa giỡn lòng người . Vợ chồng em trai của Luci lại chính là hai người bị chôn sống ngay trên mảnh đất chúng ta đang đứng !
– Ôi trời đất ơi ..tại sao có thể như thế được?
– Vậy mà lại là sự thật đó chú ! Giờ thì chú biết tại sao tôi chỉ đưa thằng Nam về đây rồi phải không? Tôi cúng cô hồn giữa khuya cũng là chỉ mong cầu hồn được hai người họ nhưng không thành. Sau ấy tôi lên đình gặp chú Nghị và qua mẹ chú và bà Mùi mới biết được chính xác là bãi đất hoang này .
Ông Bảy im lặng đến muốn nghẹn thở. Điều mà không thể tưởng tượng lại là sự thật . Nhìn bà Thơm quay bước lầm lũi mà ông thấy tội quá !
Khoá cửa kho cẩn thận , ông Bảy men theo đường làng đi ra sông Du . Hôm nay cũng là chuyến tàu gạo đầu tiên mà ông đảm nhận nên hi vọng mọi thứ sẽ được thuận buồm xuôi gió ..
Khả mang cần câu từ sông ngược đường về , gặp người quen lớn tiếng chào :
– Chú Bảy đó hả chú Bảy ơi!
– Đi câu về đấy ah Khả ? Có câu được nhiều không để cho chú vài con !
– Nay chẳng được con nào chú ạ! Cả buổi chẳng được gì !
Khả đáp rồi bước tới gần giơ cái giỏ trống không lên . Ông Bảy dừng lại mà nửa đùa nửa thật :
– Cá giờ ít rồi không còn nhiều như trước nên khó bắt lắm . Hay mày về trông kho mới với chú ..
Nhắc tới cái kho mới , Khả ấp úng :
– Cháu nhát lắm .. đêm mà bị ma hù chắc chết chú ơi!
– Ma ở đâu ra mà hù ! Người ta đồn vậy thôi , đêm qua chú ngủ một mạch tới sáng giờ mới về đấy .
– Chú mới ở có một ngày sao biết hết . Đội thằng Tư trồng dưa chả sợ xanh mặt mà bỏ của chạy lấy người .
Ông Bảy lắc đầu :
– Đất có thổ công sông có hà bá . Mình tới làm ăn thì cũng nên tín ngưỡng một chút. Trước kho có cái lầu thờ nhang khói nên mày cứ tin chú , về suy nghĩ rồi cho chú hay! Chú cháu làm chung có hai người thì sợ gì nữa !
– Dạ .. có gì cháu qua gặp chú !
————-
Sau đấy vài bữa , anh Khả quyết định ra kho mới làm chung với ba tôi mặc dù còn dè chừng bởi lời kể của đám thằng Tư trong làng . Những chuyến tàu gạo vẫn đều đi đi về về nên ba tôi thường vắng mặt ở kho mới . Anh Khả từ khi nhận làm thì mập ra trông thấy, công việc bận bịu nên khiến nỗi đau mất con trong anh cũng nguôi ngoai đi phần nào . Người làng bảo anh hợp đất làm ăn nên phát tướng , nghĩ cũng đúng nên anh Khả thường mua bánh trái cúng khấn ở cái lầu ấy ! Bữa nào lãnh lương là anh còn làm cơm mặn cúng lên tấm lòng thành ..
Không lâu sau ngày vô làm được thuận lợi như vậy , anh Khả lên huyện xin cho vợ về làm chung và tất nhiên nhận được sự đồng ý . Ai ai cũng mừng cho vợ chồng anh duy chỉ có ông Tỉnh là phản đối , thấy con trai con dâu lo dọn đồ qua kho mới ở để tiện cho công việc là ông nghiến răng rin rít :
– Nhận việc thì ra ngoải làm thôi mắc mớ gì mà dọn đồ đến đấy ở !
Anh Khả lấy cuộn băng keo dính thùng caton rồi đáp lời :
– Cũng cách nhà mấy cây số với tối con còn trông chừng . Dọn ra ở cho tiện ! Con xin phép các chú ở trên huyện rồi ba !
– Chúng mày vẽ vời ! Nhà thì không ở đi ở cái bãi đất hoang ! Chỗ ấy chả lắm ma nhiều quỷ , đợi lúc nó phá có mà còn đường về .
– Người ta cứ đồn thế nhưng con ở đó đêm hôm không thấy có gì . Còn ngủ ngon đó ba ..
– Chưa tới lúc nó hù thôi . Đất mà yên ổn thì không tới lượt mày !
Bà Tỉnh nghe chồng nói thì khó chịu :
– Ông nói gì đâu ah ! Thằng Khả làm lâu nay đâu có làm sao! Con nó dọn đồ ra ở cho thuận tiện công việc của cả vợ lẫn chồng , chưa gì ông mong có ma quỷ phá ..
– Ơ cái bà này ! Bữa nay ăn gan hùm hay sao mà cự lời tôi ? Bãi đất hoang đó xưa kia có người chết bao nhiêu gia đình trong làng làm rồi có được đâu ? Chẳng bỏ của chạy lấy người ah . Ra đó hết lỡ có chuyện thì chớ có trách tôi không báo trước !
– Haiz cứ lần nào tôi nói là ông lại như thế? Con nó có cơ hội làm ăn thì mình cấm cản làm gì . Cứ coi con nó đi lên thành phố làm ..
– Bực bội với mẹ con bà quá ! Đấy ! thích làm sao thì làm , từ giờ nửa lời tôi không thèm nói nữa.
Ông Tỉnh đá sượt cái chổi đang dựng ở góc hiên bực dọc đi ra sau vườn . Khả nhìn theo ba mình mà thở dài , anh xếp đồ lên xe rồi cùng vợ chuyển đi .
Công việc của anh và ba tôi khá là thuận lợi và người làng bắt đầu thấy tiếc nuối khi không đảm nhận ngay từ đầu. Những lúc mọi người trêu đùa , anh Khả chỉ cười trừ mà thầm cảm ơn đất trời đã gia độ .
Tối nay mọi người trong làng được đổi vật dụng , mọi hàng hoá vật phẩm được tập kết ở kho mới . Vì ban ngày bận công việc đồng áng nên thời gian nhận những vật dụng đó là 7 giờ tối . Lần đầu được tham gia nên ai ai cũng háo hức rủ nhau cùng đi chung . Bà Cẩm cũng vậy , trước khi đi ra kho mới là bà ghé qua người bạn mà chia sẻ niềm vui này ! Ở sát bên bà vỗ về :
– Cô mau bình phục để lần tới chúng ta cùng đi ra kho nhận vật dụng . Tôi nghe nói có cả đèn cả quạt ..
Bà Mùi khàn khàn lạc giọng :
– Bao ngày tháng trông mong .. cuối cùng ngày này đã đến với chúng ta ..
– Cô phải mau khỏe lại nha cô Mùi !
– Chị đi ..đi tới đó kẻo trễ ! Có vật dụng gì mang ..mang về cho tôi coi với ..
Bà Mùi gượng hết sức mình nói ra được câu đó rồi nhắm chặt mắt thở mệt nhọc . Cảm nhận được tiếng dép của bà bạn bước đi xa dần xa dần , sau ấy chìm vào giấc ngủ nhanh chóng..
Sân kho đông đúc bà con tập trung kín tận ra chỗ cái lầu vẫn còn nhang cháy được phân nửa . Bên trong , vợ chồng anh Khả và ba mẹ tôi tất bật người đọc tên ,người kiểm vật dụng đến đổ mồ hôi .
Hai chị em tôi và nhỏ Hằng ríu rít nô đùa với đám thằng Đặng thì chợt có tiếng của ngoại ở sát bên :
– Bay lát có về thì đi chung với tụi nhỏ nghen . Ngoại thấy không được khỏe trong người ..
Nhìn ngoại tôi vội vã :
– Ngoại.. ngoại không sao chứ? Con ..con đưa ngoại về !
– Hai đứa bay với ở đây coi ba mẹ có cần gì còn phụ giúp . Ngoại về được mà ..
Ngoại nói rồi quay bước , vì không an tâm nên chị em tôi và Hằng liền đi sau . Đến bụi tre ở ngay đầu lối vào nhà thì ngoại hẩy tay kêu tụi tôi mau trở lại sân kho , nhưng không ai bảo ai mà tụi tôi đứng đấy đợi cho ngoại đi vô rồi mới chạy ngược lại . Khi gần tới cổng đình thì đột nhiên thằng Quân la om xòm :
– Sao ngang qua đây hôi quá mấy chị ơi! Hôi rình mùi trâu ah !
Tôi dừng lại hít hít :
– Đúng là mùi hôi của trâu thật! Nhà ai mà giờ này còn thả trâu vậy trời ?
– Giờ này không ai thả trâu đâu ! Là ma ma trâu đấy huhu mẹ ơi là ma trâu ! Huhu ..
Nói tới đó nó hét toáng khóc run lên vì sợ mà ôm chặt lấy tôi. Nhỏ Hằng thì hươ hoắng cái đèn pin xung quanh tìm kiếm nhưng tất cả chỉ là những bụi cây rậm rạp . Ba đứa vội nắm tay nhau bỏ chạy , càng chạy mùi hôi càng nặng mùi , chạy nhanh hơn thì mùi như lấy mũi mà chạm vào người con trâu vậy . Tụi tôi vẫn cắm đầu mà chạy, chạy hết sức mình cuối cùng cũng tới sân kho . Bấy giờ nhỏ Hằng hoảng hốt cúi tìm đồng tiền xu đeo trên tay bị rớt khi nào rồi , còn thằng Quân len vào đám đông ngồi rụp co ro . Mùi hôi cũng không còn nhưng tôi cảm nhận có bàn tay ai đó kéo lùi lại mỗi lúc một xa , xa lắm! Xa cho tới khi thấy lối đi nhỏ xíu ở ngay trước mắt thì bàn tay ấy mới buông ra . Lối đi này sao thấy quen quen quá ! Tôi nghĩ mãi nhưng không thể nhớ là đã đi qua lần nào hay chưa ? Thấp thoáng có bóng người ôm túi đồ nặng nề bước từng bước, trên đầu cuốn cái khăn màu trắng ngoái lại nhìn tôi cất giọng hỏi :
– Cháu đấy hả Hằng?
Tôi giật nảy khi nhận ra đó là bà Mùi :
– Ơ bà Mùi ạ ? Bà đi đâu mà mang nhiều đồ vậy?
– Nay bà có công chuyện phải sang sông nên mang theo ít đồ dùng . Cháu cũng đi sang sông ư?
– Dạ cháu cũng qua sông bà ạ !
Tôi đáp mà không suy nghĩ tại sao mình lại nói như thế . Tôi nhớ là bà Mùi bị bệnh nằm một chỗ cơ mà , nay đi lại được như ngày thường ? Bà khỏi bệnh từ khi nào mà tôi không hề hay biết chứ?
Mải đuổi theo suy nghĩ , trong giây lát cả tôi và bà Mùi đã tới bến sông . Trên sông con đò chở người dường như đã kín chỗ , khua mái chèo người lái đò khe khẽ :
– Không có tiền thì không được đi đò ! Không có tiền thì không được đi đò !