PHẦN 1 – CHUYẾN XE
Trấn Viên Long nằm sâu trong một thung lũng, xung quanh trập trùng đồi núi cao đến cả nghìn mét. Nơi đây khí hậu hiền hòa, đất đai trù phú, những vườn tược, đồng ruộng quanh năm xanh tốt, giúp bà con địa phương làm ăn phát đạt, ngày càng khấm khá.
Truyền thuyết kể lại rằng, từ ngàn năm trước, khi những người đầu tiên đặt chân lên vùng đất này để khai hoang. Đã nhận thấy nơi đây phong thủy hữu tình, núi non cao vợi. Trong một ngày trời quang mây tạnh, bỗng từ trên cao, bà con nhìn thấy có một con rồng khổng lồ, cuộn tròn tấm thân dài đến hàng trăm dặm rồi lao xuống thung lũng. Khi bay lên cao thì chân rồng đang ôm lấy một viên ngọc lớn. Cái tên Viên Long cũng từ đó mà ra.
Nhiều người già cả trong trấn lại nói rằng, Viên Long là một cái danh mà từ xa xưa, đồng bào nơi đây đặt theo địa thế. Viên Long nghĩa là con rồng cuộn tròn ý chỉ đến những dãy núi quanh năm mịt mù mây phủ, nằm đan xen chằng chịt, rồi ôm trọn lấy thung lũng này. Nhiều năm trôi qua, những người trẻ không còn nắm rõ ý nghĩa của nó nữa.
Tôi đặt chân đến Trấn Viên Long vào đúng giữa trưa một ngày hè tháng sáu. Từ con đường quốc lộ trải nhựa nóng như thiêu, bốn chục người chui rúc trong chiếc xe khách cà tàng, cũ kĩ liên tục lắc lư như những hạt lạc nằm trên chảo nóng. Điều hòa trong xe kêu lên những tiếng ù ù như cố hết sức để xua đi cái nóng nhưng không thể. Mùi mồ hôi, mùi người và mùi nôn ọe trộn lại với nhau khiến một cậu thanh niên trai tráng như tôi cũng phải méo mặt, than trời. Thế nhưng chiếc xe vừa rẽ xuống con đường dẫn vào thung lũng, khí hậu đã trở nên khác biệt rõ ràng. Đoạn đường gập ghềnh, phủ đầy bụi, lại chưa được tráng nhựa nhấp nhô đủ loại ổ gà ổ voi, khiến mấy chục hành khách trên xe lại một phen điêu đứng. Chỉ được một cái là thời tiết trong núi sâu không còn nóng bức, chú bé phụ lái ra hiệu cho những người ngồi sát thành xe mở cửa sổ lên cho thoáng. Tấm kính vừa được kéo sang, những khuôn mặt trong cabin đã giãn ra nhẹ nhõm. Gió núi thổi ào ào vào, mang theo sự mát mẻ bình yên, thoang thoảng mùi thơm của lúa non đang chín.
Chiếc xe lượn vòng vèo theo triền núi, rồi rẽ sang một con đèo nhỏ. Từ trong xe thò đầu qua cửa sổ, tôi thấy bạt ngàn một màu xanh của rừng cây, thảm cỏ. Những chú bé loắt choắt độ bảy tám tuổi đang đội mũ cói rộng vành, vừa tha thẩn chăn dê vừa vui đùa với nhau. Bọn trẻ mặc quần đùi, áo cộc nhưng làn da lại trắng ngần chứ không chai sạn như những đứa bé miền xuôi hay bêu nắng. Dường như dãy núi này đã chặn đứng cái nắng gay gắt từ trời, giúp cho người dân bản xứ trở nên xinh đẹp hơn những vùng quê khác.Thấy còi xe kêu lên bim bim inh ỏi, khiến lũ trẻ ngoái đầu lại nhìn. Ở nơi núi rừng hẻo lánh này, phương tiện đi lại chính của người dân vẫn là xe máy hoặc đôi khi là ngựa, lừa. Mỗi tháng chỉ có một chuyến xe khách duy nhất đến đây, để đón và đưa những người có công có việc. Bác tài xế cũng là một người trong trấn nhưng vì từ bé đã hay phải đi lại nhiều nên khi trưởng thành, bác vay tiền của một vài người quen, mua một chiếc xe rồi làm nghề chở khách. Thấy tôi là thanh niên trai tráng, có vẻ khỏe mạnh nên bác xếp tôi ngồi luôn một xó cạnh chú bé phụ xe là con trai bác. Chặng đường dài vừa đau lưng, vừa buồn ngủ nên tôi và thằng nhỏ cứ tỉ tê nói chuyện. Biết tôi là một nhà giáo, kiêm một anh thợ viết nghiệp dư, cu cậu khoái lắm! Nó nháy mắt, ra hiệu bảo tôi xách ba lô, đi xuống cuối xe. Tôi chẳng biết nó định làm gì nhưng cũng gật gù làm theo. Giúp tôi quẳng cái ba lô lên nóc xong, nó thì thầm nói nhỏ:
– Anh có viết truyện ma không? Em có chuyện này ghê rợn lắm! Xảy ra ngay trong xóm luôn anh ạ!
Như bị chọc đúng chỗ ngứa, tôi rút điện thoại ra, bật ghi âm, cắm míc rồi dúi vào tay cu cậu. Tôi ngồi bệt luôn xuống bậc cửa cuối xe, rồi giục thằng bé mau mau kể chuyện.