Trấn Viên Long nói lớn thì không lớn nhưng cũng chẳng hề nhỏ. Cả trấn có đến gần một ngàn hộ, người dân chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy, chăn thả gia súc. Một vài người giàu có hơn thì làm thương lái, chuyên thu nhập nông lâm sản của bà con rồi chuyển về miền xuôi để bán. Người dân ở đây không nghèo, họ đủ ăn đủ mặc. Thiên nhiên vừa trong lành, mát mẻ vừa hậu đãi con người, trao cho họ nhiều nguồn lợi từ rừng, từ núi. Biết bao đời đồng bào Trấn Viên Long đã an cư lạc nghiệp, đầm ấm yên vui, cho đến khi một biến cố xảy ra, cướp đi sự bình yên trong thung lũng.
Nằm cách biệt tít mãi cuối thị trấn, cách một con suối nhỏ là thôn Sơn Dương. Đây là vùng hẻo lánh, xa xôi nhất, dân số thưa thớt, các gia đình sống bằng nghề làm trang trại, nuôi dê, bò. Họ tận dụng các triền núi hoang, xây lên các căn nhà nhỏ, xung quanh đào hố, đóng cọc, dựng hàng rào. Sáng sáng người ta lũ lượt kéo dê, bò men theo đường núi rồi vào rừng chăn thả. Gia súc của nhà ai, sẽ được gắn bảng tên trên cổ, hoặc đóng một tấm thẻ màu vào tai cho dễ nhận biết. Nếu chúng có đi lạc sang đàn khác, mục đồng sẽ dắt về, trả lại cho gia chủ.
Sơn Dương đất rộng, người thưa, đường xá bất tiện lại khúc khuỷu, quanh co. Nên việc giao lưu với các thôn làng khác cũng không nhiều. Họ chỉ mang sản phẩm xuống núi bán lấy tiền ở chợ hoặc giao cho thương lái chứ hiếm khi tiếp xúc. Người dân địa phương cũng có một phong tục rất riêng mà cả trấn Viên Long không nơi đâu có. Đó là đào huyệt chôn người chết ngay sau nhà.
Câu chuyện diễn ra trong hai gia đình hàng xóm của thôn Sơn Dương. Gia đình ông Lam và gia đình ông Toán.
Hai người đàn ông vốn là bạn cố tri, chơi với nhau từ thuở nhỏ như anh em thân thiết. Họ dựng nhà cách nhau chừng gần trăm bước chân, tối lửa tắt đèn luôn cưu mang, hỗ trợ. Lâu dần tình cảm ngày càng keo sơn, gắn bó. Cả hai bên đều sinh con một bề, mỗi nhà hai đứa con trai. Bọn trẻ học theo cha mẹ, cũng chơi với nhau thân thiết từ tấm bé. Năm cậu Tuấn lên mười, thì nhà ông Toán gặp cơn gia biến bất thường mà không ai lường trước. Thảm kịch ấy diễn ra, xé nát tình nghĩa đôi bên đã từ lâu gây dựng, cướp đi hai mạng người và làm cho cả trấn Viên Long phải xôn xao, sợ hãi.
Năm ấy, khi đàn bò nhà ông Toán ngày một sinh sôi, phát triển. Tuổi ông cũng đã cao mà hai con lại đang lớn. Ông bèn bàn với vợ mình, rồi sai con cả tên là Tính sang mời ông Lam đến để giúp mai này cơi nới chuồng trại. Rồi dựng một căn nhà riêng cho anh Tính. Biết người láng giềng sắp mở rộng nông trang, ông Lam cũng vui lây trong bụng. Ông gọi luôn cả hai người con mình sang phụ giúp.
Bốn người con trai bắt đầu ở nhà quần quật phát cỏ, dọn cây. Để cha mẹ dẫn bò dê chăn thả trên núi. Tính năm đó đã hai mươi còn Sơn lớn hơn anh một tuổi. Họ phân công cho hai đứa em dùng liềm, hái để dọn cỏ, còn mình bắt đầu lấy rìu để chặt những cây lớn xung quanh nhằm mở rộng không gian, sau này làm chuồng trại. Đang lăm lăm dụng cụ trên tay, từ phía xa, Tính nghe thấy em mình hét toáng lên sợ hãi. Anh nhìn bạn mình hoảng hốt, rồi bỏ cả cây rìu, hai người kéo nhau tất cả chạy về. Thấy Tuấn đang ngồi bệt trên nền đất, mặt mũi tái mét, chân tay run lên cầm cập. Còn em trai của Sơn là Hoàng cũng đứng bần thần phía sau, mắt trợn trừng, nhìn chân chân vào đám cỏ. Hai cậu thanh niên lúc đó không hiểu chuyện gì, mới lay vai đứa bé rồi hỏi:
– Cái gì? Cái gì mà mày hét ầm lên thế?
Tuấn sợ hãi nhìn anh, mặt cắt không còn hột máu. Cậu chỉ tay ra phía trước rồi ấp úng nói:
– Anh… Anh ơi! Trong kia có người chết!
Rùng mình sửng sốt, anh liếc mắt nhìn Sơn rồi lại quay đầu, gặng hỏi em mình:
– Mày… mày có chắc không? Sao lại có người chết ở đây?
– Có bộ xương anh ạ!
Hoàng đã lấy lại bình tĩnh, cậu hổn hển lên tiếng trả lời thay.
Hai chàng thanh niên vừa tò mò vừa sợ sệt méo mặt nhìn nhau. Lùm cỏ đó là nơi đặt những nấm mộ của thân nhân gia đình ông Toán. Hàng năm người nhà vẫn ra đây phát cỏ, cúng bái mỗi dịp thanh minh, đâu có gì kì lạ? Thế tại sao giờ lại có bộ xương ở đó?
Nuốt nước bọt xuống cổ họng đã nghẹn đắng, Tính chầm chậm tiến lại, anh nén lòng để thôi không sợ hãi. Sơn nhìn bạn mình dấn bước, cũng cẩn thận đi sát sau lưng anh. Hai cậu thanh niên lấy tay, gạt bụi cỏ rạp xuống nền đất. Thì quả thật có một bộ hài cốt đang nằm đó. Màu xương đã chuyển sang trắng ởn ghê người, cái đầu lâu vẫn còn gắn liền với cổ, hàm răng nó nhe ra. Từ lỗ mũi và hai hốc mắt, một đống giun dế đang lổm ngổm, chui ra chui vào. Tính sợ hãi siết chặt lấy tay bạn mình. Nỗi kinh hoàng như dòng điện, truyền từ cẳng tay đi thẳng vào trí óc khiến Sơn thoáng tưởng tượng ra cảnh bộ xương kia đứng dậy, đuổi theo cả lũ