ÂM TÀ
#4
Sáng hôm sau, chiếc ghe đó cũng có thợ tới sửa. Tiếng đồn mà đồn tới, đồn lui thì ai ở gần đó cũng nghe được. Chị Dung mang đồ ăn rửa xong vào ướp, rồi đổ đồ ăn sáng ra mang lên phòng cho bà Hoa. Từ khi Thư mất, bà Hoa cũng như kẻ thất thần, không thiết tha ăn uống hay làm gì. Mỗi ngày đều ra ngoài vườn, thắp hương cho hai đứa con xấu số của mình. Chị Dung để tô bún lên bàn, rồi đỡ bà Hoa dậy:
— Má ơi… dậy ăn sáng nghe má… ăn cho nóng…
— Ờ…
Bà Hoa ngồi dậy, chị Dung kéo cái ghế để tô bún lại cho má chồng ăn. Nhìn má chồng ăn được vài đũa, chị Dung thấy cũng ấm lòng. Đợi má chồng ăn xong rồi, chị Dung kể:
— Lúc nãy con ở phía sau, thấy người ta tới sửa cái ghe ngay phía sau nhà mình nè má. Ông chủ ghe kia kể, hôm qua tới đây tự nhiên bị tắt máy, rồi ổng kể còn gặp ma nữa chớ, ma nữ, mà tối qua ổng cũng uống say rồi. Có khi nào say quá hoa mắt không má?
Bà Hoa lắp bắp:
— Có… có khi nào là con Thư không? Có khi nào là nó không?
— Nhà mình cũng mời thầy gọi hồn con Thư rồi mà má, có khi nào gọi mà không lên không? Nên hồn nó ở đó chọc ghẹo người ta…
— Sao ông kia nói hồn phách nó bị giữ rồi.
— Nếu bị giữ thì sao lại lên chọc ghẹo người ta được, có khi nào ông đó tào lao không má.
— Dung, kiếm ông thầy nào khác cúng gọi hồn con Thư về nhà đi con. Chứ để nó bơ vơ vậy, lang thang ngoài đó lạnh lắm.
— Dạ, mà má chịu khó ăn uống đủ bữa thì con mới đi kiếm thầy nghe.
— Má biết rồi.
— Má mới ăn, má ngồi chơi xíu, không thì má đi vòng vòng xíu mới được nằm nghe má.
— Biết rồi, bây tưởng tao con nít hả?
— Con đi ra nè.
— Ờ.
Chị Dung bưng cái tô không ra ngoài, rồi coi chuẩn bị nấu cơm nữa. Bà Hoa thương chị Dung lắm, thương từ lúc mới cưới về, bà thương chị Dung và đối xử với chị Dung không khác gì Thư hết. Mua gì, hay cho gì thì Thư có, chị Dung cũng có. Không biết có phải vì thế mà chị Dung cũng thương bà hay không nữa.
[…]
Thầy bà cũng đã mời rồi, cúng cũng đã cúng rồi mà không có tác dụng gì. Ai đi ngang qua khúc sông này ban đêm đều bị ghẹo hết, riết họ sợ không dám đi đêm nữa. Cứ trời gần tắt nắng thì không còn ai dám đi ngang khúc sông này, thậm chí mấy nhà gần đó, trời gần tắt nắng cũng không dám ra phía sau nhà. Vì có ma nữ hiện lên, nên hàng xóm cũng dần dần né gia đình nhà ông Tám không dám thân như xưa nữa.
Hôm đó, Hùng mới nói chuyện:
— Hôm bữa con lên trên huyện, có nghe được cách này, ông thầy đó nói chuyện với người ta. Con nghe rõ ràng lắm, mà ổng không trả lời con. Ông đó nhìn cách ăn mặc, với cách nói chuyện không giống người mình.
Ông Tám nói:
— Thì nói ổng bày cách rồi cho ổng tiền.
— Ổng kêu nhiều tiền lắm, rồi ổng nói con không có tiền đâu. Xong ổng đứng lên ổng đi mất tiêu.
Ông Tám bất lực, nhìn con thở dốc ra, thả chén buông đũa xuống mâm. Bất lực về mọi chuyện, bất lực đến nỗi không biết nói gì nữa. Ánh mắt đau đáu nhìn lên di ảnh con gái. Hùng lùa xong chén cơm rồi nói tiếp:
— Nhưng con nghe đại loại được là như thế này. Hốt một bịch đậu xanh, đến chỗ người đã mất rồi khấn, khấn tên khấn tuổi người đó rồi vừa đi vừa rải về nhà. Nam 7 hột, nữ 9 hột. Về đến nhà thì rải 1 ít hạt đậu xanh đó vào mâm đựng gạo để trên bàn thờ. Nhớ đậy nắp mâm, ngày hôm sau mà thấy dấu chân trên gạo là hồn về rồi.
Ông Tám có chút nghi ngại:
— Có chắc không con.
— Thì con nghe rõ vậy mà, mà nếu không được thì có sao đâu. Gạo với đậu xanh thôi cũng dễ mà, có cần bùa chú gì đâu.
Bà Tám nghe cũng có lý, nên giục:
— Hay làm thử đi ông, có kết quả cũng được, không có kết quả thì chúng ta lại tìm thầy khác.
Ông Tám hỏi Hùng:
— Khi nào làm được?
— Ban đêm, càng trễ càng tốt, nhưng không được qua 12 giờ.
— Được rồi, mai con Dung mua cho cha ký đậu xanh. Dư thì đem nấu chè.
— Dạ cha.
Cuối cùng cũng có tia hi vọng gì đó có thể đưa hồn Thư về nhà, về với ngôi nhà mới của mình nữa.
11 giờ đêm hôm sau, ông Tám mang lon đậu xong ra chỗ mé sông nơi Thư chết. Ông còn cẩn thận thắp hương vào chén gạo, rồi rải đậu xanh xuống sông. Đếm đủ chín hột, rải xuống đó rồi khấn:
— Phạm Ngọc Thư, sinh ngày 28 tháng dần năm thân,mất ngày 3 tháng tị năm hợi. Theo đậu mà về nhà.
Rải xuống sông xong, ông Tám bắt đầu rải từ ngoài đó vào đến trong nhà, vào đến bàn thờ thì rải vào trong mâm gạo 9 hột. Sau đó lấy cái nắp đậy mâm gạo lại, trước khi đi ngủ, ông Tám nhìn di ảnh con mà nói:
— Về với cha má nghe Thư, về với nhà mới của con nghe Thư.
Đêm càng lúc càng khuya, tiếng ếch nhái kêu càng to hơn nữa. Phía sau nhà ông Tám lúc này, chén gạo có sự dịch chuyển và còn bị ướt, cứ như có bàn tay ai đó chạm vào. Những bước chân mang đầy bùn đất, ẩm ướt cũng bắt đầu xuất hiện trên sàn gỗ sau nhà.
Sáng hôm sau, ai không có việc gì bận thì cũng loanh quanh trong nhà. Mục đích chỉ đợi xem x.á.c Thư đã quay về chưa thôi, bởi đây là lần đầu tiên họ thấy cách gọi hồn lạ như vậy. Ông Tám cũng hồi hộp dữ lắm, nên khi trời vừa sáng, ánh nắng bắt đầu chiếu đi thì ông Tám cũng lật đật ngồi dậy. Lúc ông ra trước chỗ bàn thờ của Thư cũng có mấy người ở đó rồi, ông hỏi đứa con trai thứ 2:
— Rồi thằng Hiếu ra đây làm gì? Chân tay vậy cũng lết ra là sao?
— Con cũng muốn xem em con về chưa thôi mà. Chứ băng bó kiểu này cũng hơn 2 tháng mới xong.
Mọi ánh mắt đều nhìn theo nhất cử nhất động của ông Tám không rời. Về phần ông Tám cũng hồi hộp ghê lắm, ông lấy hương thắp lên bàn thờ sau đó mới đưa tay mở cái nắp đậy mâm gạo. Mở xong mới giật mình kêu lên:
— Về… về rồi… hồn con Thư về rồi…
Vừa quay lưng lại thì giật mình khi thấy mọi người đứng sau lưng mình. Bà Hoa lại khóc rồi:
— Thư ơi… về nhà rồi con…hết lạnh lẽo rồi con ơi…
Trong cái mâm đựng gạo trắng có in hằn 1 đôi chân dính đầy bùn đất. Điều cứ tưởng không thể nhưng lại thành hiện thực. Mọi thứ người nhà làm được cho Thư thì họ đều làm hết, nhất định không để con họ c.h.ế.t thảm lại còn uất ức nữa.
Đêm hôm đó, bà Hoa cũng đã yên tâm hơn, giấc ngủ cũng đã tròn hơn. Cái cửa phòng ngủ của hai vợ chồng bà Tám đã đóng trước khi đi ngủ, tự nhiên bị mở ra. Tiếng cửa gỗ, cộng thêm mấy cái bản lề đã lâu đã rét nên khi mở tạo nên tiếng hơi khó chịu:
Két…két…
Rồi cái cửa sổ nữa nữa, đã đóng rồi nhưng không hiểu sao cũng bị mở. Gió từ bên ngoài lùa vào lạnh tê tê, gió khiến cánh cửa đập thiệt mạnh.
Rầm…
Vợ chồng ông Tám giật hết cả mình, sợ vợ bị lạnh, ông mới ngồi dậy đưa tay đóng cửa. Miệng lẩm bẩm:
— Trời gió có to đâu mà giật tung cả cửa sổ vậy không biết.
Đóng cửa xong, ông Tám cũng tranh thủ đi tè phát, khi leo xuống giường cũng nhìn luôn cả cánh cửa chính có chút nghi hoặc. Phía ngoài đường luồng trước khi đi ngủ luôn bật lấy 1 ngọn đèn nhỏ cho sáng. Lỡ đêm ai mắc tè, đau bụng cũng thấy đường đi mà không ảnh hưởng đến người khác. Ông Tám đi xuống cuối hành lang, đi ngang qua bếp mới quẹo vào nhà vệ sinh. Có mình ông đứng tè xíu rồi xong nên cũng không cần đóng cửa.
Rầm…
Cái cửa nhà vệ sinh đóng mạnh 1 cái khiến ông Tám giật mình đến muốn nín tè vậy đó. Tè xong ông Tám quay người đi ra, đưa tay đẩy cái cửa nhà vệ sinh nhưng mãi không được. Đẩy kiểu gì cũng không được, định bụng mai thay cái cửa khác chứ cái cửa này kẹt bản lề rồi.
Rầm…Rầm…
Tiếng ai đó đập cửa mạnh lắm. Ông Tám hỏi:
— Ai…ai đó?
Không ai trả lời hết, cửa vẫn bị đập mạnh, thậm chí còn bị rung lắc dữ dội cứ như có ai đó muốn kéo cái cửa ra vậy. Ông Tám bắt đầu sợ, ông Tám mới hỏi tiếp:
— Đứa nào đó, chơi mắc dạy tao biết được tao đánh gãy giò nghe…
Tưởng nói vậy mà ‘’người bên ngoài’’ ngừng đùa giỡn, nhưng không. Những hành động đó vẫn diễn ra kịch liệt hơn, kèm theo đó là tiếng cười lí nhí. Ông Tám bực rồi nha, ông cúi người xuống dưới chân xem thử là ai. Khi cúi xuống ông Tám giật mình, da gà da vịt nổi lên lớp lớp, bởi trước cửa nhà vệ sinh của ông không có ai hết. Ông Tám bắt đầu sợ, đôi mắt dáo dác nhìn xung quanh, ai ngờ bắt gặp khuôn mặt ngay trên mép cánh cửa đang nhìn mình chăm chăm. Mái tóc dài ướt sũng, dính bết cả vào đầu, ông Tám biết ai rồi, ông lắp bắp:
— Thư… Thư ơi… tha cho cha đi con… con muốn gì… cứ báo mộng cho cha… cha làm cho con…
Khuôn mặt đó cũng khuất dần xuống sau cánh cửa, nụ cười vui đùa lí nhí lúc nãy cũng biến mất. Cánh cửa phòng tắm tự nhiên lại được mở ra.
Cạch…cạch…
Khỏi phải nói, ông Tám phóng nhanh ra khỏi nhà vệ sinh, trước khi ra còn thấy rất nhiều dấu chân đầy bùn đất trước cửa nhà vệ sinh.