Ông em thuở nhỏ rất thích đọc sách, ngày đó biết chữ đã là rất hiếm, và ông em kể học sinh lớp 5 đã có thể đi dạy rồi.Ông em lúc này khoảng tám chín tuổi. Cách nhà ông em ba căn là nhà Bà Tư, thời ấy nhà cửa cách nhau rất xa, ông em muốn sang nhà bà Tư cũng phải đi bộ gần hai ba chục mét . Bà đã trải qua hơn 70 cái xuân xanh, bà không biết chữ, nhưng rất thích nghe đọc truyện, từ tam châu liệt quốc , 108 anh hùng lương sơn bạc, hay đến Ngưu Lang Chức Nữ bà đều thích nghe. Ông em thường được bà nhờ sang nhà đọc cho bà nghe.Ông em thích đọc sách nên rất thường hay sang nhà bà Tư chơi, ông em cứ đọc đến khi buồn ngủ thì bà đã ngủ trước từ lâu rồi. Bà Tư dăn cứ khép cửa lại rồi đi về, đến sáng hôm sau qua chơi bà lại cho cái bánh, khi thì mấy xu mua quà ăn.
Ông em kể nhà nông ngủ sớm lắm, mặt trời lặn là cả xóm tắt đèn chuẩn bị đi ngủ, mai còn dậy sớm để mần việc. Mà dù không muốn thì cũng có gì khác mà làm đâu. Ông em thì lại khác, tối tầm 6 7 giờ ăn cơm xong lại xin bà cố sang nhà bà Tư chơi và phải về trước 9h. Lúc đấy ông em đang đọc đều đều thì bỗng nghe xôn xao ngoài cửa, bà Tư cũng giật mình dậy đẩy cửa ra thì thấy nhốn nháo đằng xa. Ông em lon ton đứng sau lưng thì bà đẩy vào, chỉ kịp thấy bóng một người phụ nữ chạy từ xa đến hét lớn :
– Cứu chồng con với bà Tư ơi, cứu chồng con…
Người phụ nữ ấy thét lạc cả giọng, bà Tư vội vào nhà bưng một cái tráp đi ra, dặn ông em không được ra ngoài. Ông em tò mò nên đứng hé cửa nhìn ra, nhưng chỉ thấy đuốc sáng lấp ló xa xa, và thấy khi mọi người né ra cho bà Tư vào thì có một dáng người đang nằm giật giật trên đất. Ông em sợ quá đóng cửa lại, ngồi đợi một hồi thì sợ về trễ bị ông cố đánh đòn, nên liều mở cửa ra, nhưng còn nhỏ nên nhát, chạy thẳng qua và hét với theo : ” Thưa Bà Tư con về” rồi chạy biến về nhà, nhưng cũng kịp thấy bà đang đỡ ông Chín, mặt trắng bệch, mắt toàn lòng trắng không thấy con ngươi đâu, và lưỡi thì lè dài ra ngoài.
Hai hôm liền sau đó ông emkhông dám ra ngoài ban đêm. Đến sáng hôm thứ ba thì :
– V ơi V, bà Tư nhờ anh nhắn mày qua chơi – Một anh hàng xóm thấy ông em đang lủi thủi chơi trước nhà thì gọi với từ xa.
– Thôi, sợ lắm!
– Mày nói vụ ông Chín đó hả, ra đây tao kể cho nghe. ( Người xưa có thói quen dọa con nít hay sao ấy nh)
***
Ông chín là người bán hủ tíu dạo, ban đêm khoảng 7 8 giờ tối, có nhiều người đi đồng về mệt không muốn nấu ăn, hay có những người ăn khỏe thì đến tối họ lại trông tiếng “lóc cóc” của ông Chín. Khoác trên vai đòn gánh, một bên là hủ tíu, hành, gia vị, tô, muỗng đũa và lon tiền xu, một bên là bếp than đỏ và nồi nước lèo, ông Chín rảo vòng quanh các xóm để rao hủ tíu, ai nghe tiếng “lóc cóc” và muốn ăn thì cứ gọi “ông Chín” hay “hủ tíu ơi” là ông dừng lại bán, đợi khách ăn xong lại đứng dậy quảng gánh đi tiếp.
Hôm đó ông Chín đi ngang qua nghĩa trang, thường lúc này ông đi rất nhanh, phần vì không có khách, phần cũng vì yếu bóng vía. Đang cuồng chân bước lẹ, vừa khuất được tường rào nghĩa trang, vừa thở dài thì ông Chín bỗng giật mình …
– Chín
Một người phụ nữ trẻ, mặc áo bà ba, đội nón lá, tay ẵm một đứa bé quấn kín, vẫy vẫy tay và bước ra từ phía rặng tre. Ông Chín nghĩ không biết có nên bán không, dù gì cũng đã qua nghĩa trang rồi, và khách kêu không lẽ không bán. Thế là ông bắc ghế xuống, theo thói quen làm sẵn tô hủ tíu, vừa chan nước lèo xong đợi khách đến đưa thì đã thấy chân người trước mặt. Dù khoảng cách không xa, nhưng ẵm một đứa bé thì việc đi qua mấy mô đất để ra đến đường ông đang đi không thể nhanh đến vậy được. Ông đưa tô hủ tíu lên, cố ngước nhìn xem là ai để hỏi thăm nhưng không nhìn thấy mặt do nón lá che mất. Ông cúi xuống suy nghĩ xem giọng người này là ai, dù gì ông cũng lớn tuổi, sao lại gọi trỏng không như vậy? Đang suy nghĩ thì ông giật mình khi nghe “sột” một cái. Nhìn ngang, người đàn bà đã ngồi xuống ngang tầm ông, một tay bế đứa bé, một tay đưa trả lại cái tô và chỉ vào chồng tô đang úp ý muốn mua một tô nữa.
Ông Chín biết có biến, một người bồng con thì đáng lẽ phải nhờ ông ẵm giùm mới ăn được, đằng này làm sao một tay bế con mà cầm đũa ăn nhanh vậy được. Ông một tay làm, nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn đường chạy. Đưa tô cho người đàn bà xong, ông nhìn xem người đó ăn như thế nào thì ông chẳng biết trời trăng gì nữa, hất nguyên thùng nước lèo vào người đàn bà đó và bỏ chạy. Sau lưng vẫn nghe tiếng cười ha hả và tiếng chân người “phập phập” trên nền đất mềm.
—
Người đàn bà vẫn ngồi, tay vòng ẵm đứa con ngang ngực, đưa tô dần ngang mặt, và lè cái lưỡi đỏ lòm ra, nhúng vào tô rồi cuốn một vòng, rùng mình nhẹ một cái và “rột” một tiếng, cả hủ tíu lẫn nước dùng trôi tuột theo cái lưỡi đi mất.
***
– Cái đó là mả mẹ bồng con đó, Bà Tư dùng cành liễu quất ông Chín, càng quất càng ọc ra bùn, rồi người ta xoa dầu cả đêm, đến giờ ổng vẫn đang nằm bẹp ở nhà kìa. Mày nhớ qua chơi với bà Tư, con trai gì mà nhát – Nói rồi anh hàng xóm chạy ra sông chơi với lũ bạn, bỏ ông em ngồi đấy.
Thường sau mỗi câu chuyện ông em thường nói ma do mình nghĩ ra hết, không làm gì xấu thì sao phải sợ, và thường giải thích theo một cách khoa học về những chuyện đó, dù rằng một vài chuyện ông em nói cái đó con lớn lên tìm hiểu chứ ông cũng không giải thích được . Về chuyện này ông em nói hồi nhỏ bị dọa thôi, ông Chín chắc bị trúng gió, đến nhà thì lăn ra xỉu, bà Tư cũng biết mấy bài thuốc dân tộc nên ra chữa giúp thôi, còn không cho ông em ra là sợ lây bệnh. Còn vụ ói thì ói độc ra nên nó màu xám đen giống bùn vậy thôi, còn chuyện kia thì do ông hàng xóm khoái dọa con nít nên kể vậy.
***
– Thế ông Chín sau vụ đó có bán nữa không ông?
– Ông Chín bán đường khác, né đường đó ra, còn bà Chín thì cũng một lần trúng gió, sau thì 2 người bỏ nghề, chỉ bán tầm chiều.
Các bác nghĩ sao