Lúc này đã gần 2 giờ chiều, An An được trao vào tay bà vú đã ngủ say. Nãy giờ mải lo cho đứa cháu đích tôn của gia đình nên mọi người đã quên cả cơn đói và bàn đồ ăn kỳ lạ lúc trưa. Bây giờ bụng ai nấy đều sôi lên òng ọc. Bốn người nhà ông Chấn lại kéo nhau xuống bếp để ăn cơm mà không đợi quản gia đi báo nhà bếp chuẩn bị bàn ăn từ trước.
Thấy bốn người nhà ông Chấn xuống đến cửa, ông Tuất vội quay qua bảo cái Xíu:
“Xíu! Ra dọn lại bàn ăn một lần nữa đi. Cái nồi óc heo trần thì mang vào trong này để, đồ nấu từ trưa không còn tươi ngon nữa nên cậu Ba Thành không ăn đến đâu. Tý nữa xong việc mấy đứa hâm nóng lại mà ăn, sáng mai bà Tư đi chợ thì mua cái khác về nấu cho cậu chủ.”
Cái Xíu nghe vậy thì mừng lắm, nó dạ một cái rõ to rồi nhanh chóng chạy ra bê cái nồi vào để gọn trong một góc. Bốn người nhà ông Chấn ngồi vào bàn, Ba Thành lên tiếng dục:
“Nhà bếp đâu, nhanh mang đồ ăn lên đi tao đói lả cả người rồi đây này.”
Ở trong phủ của bá hộ Chấn mọi thứ được quản lý rất nghiêm ngặt, đặc biệt là phép tắc giữa chủ và tớ. Đồ ăn nấu cho chủ phải sử dụng bếp riêng với những kẻ gia nhân trong nhà, và đặc biệt là tuyệt đối không được thử đồ ăn trước chủ. Những người làm bếp chỉ được phép ăn lại đồ ăn của chủ còn dư lại. Ông Tuất làm ở đây đã hơn 10 năm, ông rất rõ quy tắc này. Tuy nhiên chuyện hồi trưa đã làm ông hết sức hoang mang, nên lần này để cho cẩn thận trước khi phụ bếp mang đồ ăn ra ông đều thử trước một lượt, đảm bảo đồ ăn vẫn còn bình thường rồi mới mời ông bà chủ. Không biết có phải vì vậy không mà lần này gia đình ông Chấn ăn ngon lành, không có gì bất thường xảy ra cả.
Sau khi ăn xong, người nhà ông Chấn lại kéo nhau lên nhà trên để nghỉ ngơi, có lẽ sự việc những vết bầm tím ở chân của bé An đã làm mọi người quên đi chuyện hồi trưa nên không thấy ai nhắc đến nữa. Đợi chủ đi hết, ông Tuất mới bảo những người làm bếp cùng mình:
“Ông bà chủ ăn xong rồi, mọi người cũng chuẩn bị mà ăn cơm thôi, trễ quá rồi. Nhanh rồi còn chuẩn bị nấu bữa tối.”
Bốn người phụ bếp lúc này ai nấy đều đã rất mệt mỏi, suốt từ sáng đến giờ còn chưa được ăn gì, lại phải quần quật chuẩn bị nấu liền một chập hai lần cơm cho chủ. Cái Xíu nhanh nhảu đi bới cơm cho từng người, nó còn không quên cái nồi óc heo trần trong góc bếp. Hí hửng xúc một thìa to bỏ lên miệng, nó bụm miệng rồi vội chạy vào trong mà nôn thốc nôn tháo. Bà Tư bếp thấy vậy cũng bỏ đũa mà theo nó vào trong.
“Cái con nhỏ này, mày ăn phải cái gì mà nôn hết ra vậy?”
Cái Xíu đưa tay áo quệt ngang miệng rồi nhăn nhó bảo:
“Bà Tư, cái nồi óc heo nó bị thiu thối cả ra rồi, mùi ghê quá.”
Bà Tư hỏi lại:
“Làm sao có thể, rõ ràng lúc nãy ông Tuất thử nó vẫn còn bình thường cơ mà, mới để từ đó đến giờ làm gì mà lại thiu ngay được?”
Cái Xíu lắc đầu nguầy nguậy:
“Con chịu thôi, bà Tư không tin thì thử mà xem.”
Nghe cuộc đối thoại của hai người nãy giờ, ông Tuất kéo cái nồi lại gần phía mình, múc một chút bỏ vào miệng. Đúng như lời cái Xíu nói, nồi óc heo mới ban nãy ông thử vẫn bình thường nay đã chuyển sang chua lòm không thể ăn được nữa. Mấy người trong bếp lại bắt đầu nhao nhao lên không hiểu có chuyện gì đang xảy ra. Đồ ăn buổi trưa nấu phần dọn ra bàn thì bị hỏng, chỗ thừa trong nồi thì không bị làm sao. Nồi óc heo buổi trưa hẵng còn bình thường mà mới để sang đầu giờ chiều đã bị thiu thối cả ra. Tầm này trời đã bắt đầu vào thu, tiết trời rất dễ chịu chứ không oi bức như mùa hè. Mà kể cả có là mùa hè, thì bao nhiêu năm nay đồ ăn vẫn để vậy chưa từng có chuyện kì lạ như này xảy ra. Bà Tư cất tiếng hỏi:
“Ông Tuất, chuyện này biết tính làm sao? Đồ ăn cứ lúc hỏng lúc không thế này thì biết đường nào mà ăn nói với ông bà chủ bây giờ?”
Ông Tuất đưa tay vò trán rồi bảo:
“Tôi cũng suy nghĩ mãi mà không biết vấn đề nằm ở đâu. Không thể đổ cho nguyên liệu hay gia vị được, vì như nồi canh chua, phần múc ra tô thì hỏng, phần thừa trong nồi thì không bị làm sao. Nếu mà hỏng thì phải hỏng cả mới đúng chứ? Bây giờ tôi sẽ chú ý quan sát để tìm ra nguyên nhân. Tạm thời bây giờ đừng bày đồ ăn ra bàn trước khi ông bà đến nữa, nhỡ may lại bị hỏng giống lúc trưa nữa thì có mà ốm đòn. Ban nãy ông bà đến rồi mới mang đồ ăn ra, tất cả còn nóng nên không có chuyện gì xảy ra cả. Bây giờ cứ tạm thế mà làm, rồi có gì từ từ tính tiếp.”
Thấy ông Tuất nói có lý nên ai nấy cũng đều gật đầu đồng ý. Buổi tối chờ khi ông bà Chấn xuống phòng ăn ngồi vào bàn rồi phụ bếp mới mang đồ ăn ra, mọi chuyện cũng diễn ra hoàn toàn bình thường. Lúc này ai nấy mới thở phào yên tâm.
Nửa đêm hôm đó, đang miên man ngủ thì ông Tuất giật mình tỉnh dậy bởi tiếng người thì thào nói chuyện. Ban đầu ông tưởng mình ngủ mơ, nhưng không phải. Định hình lại, ông chắc chắn rằng tiếng ngừoi nói chuyện đó phát ra từ phòng ăn bên cạnh phòng ngủ của ông và một tên phụ bếp khác. Quái lạ, bây giờ đã nửa đêm thì còn ai làm gì ở nhà bếp nữa. Ông ngồi dậy, ghé tai vào bức vách để nghe thử xem họ đang nói gì. Nhưng ông chỉ nghe được cái âm thanh xì xào, thều thào lúc xa lúc gần chứ không thể nghe rõ được từng chữ. Qua giọng điệu được phát ra, ông đoán phải có đến 3 hoặc bốn người đang ở phòng bên cạnh. Ông chột dạ nghĩ, chắc hẳn là mấy tên gia nhân lẻn vào bếp để ăn vụng đồ cũng nên. Nghĩ vậy nên ông Tuất bực lắm, cứ ăn vụng như vậy rồi đồ ăn bị hao hụt đi thì bà Chấn lại quy hết tội lên đầu mấy người làm bếp. Ông lại giường khẽ lay người phụ bếp dậy, anh ta vừa mở mắt ra chưa biết có chuyện gì liền đã bị ông Tuất một tay bịt miệng lại ngăn không cho phát ra tiếng động, một tay còn lại ông đưa lên miệng mình làm dấu ra hiệu im lặng. Hiểu ý ông, người phụ bếp khẽ gật đầu, ông bỏ tay ra khỏi miệng hắn rồi chỉ sang phòng bên cạnh. Lúc này tiếng thì thào đó vẫn đang liên tục cất lên, thêm vào đó là tiếng vung nồi bị mở ra kêu lẻng xẻng. Cái tiếng động rất khẽ, trong đêm vắng nhưng phải thật chú tâm vào thì mới nghe thấy được.
Hai người rón rén bước ra khỏi phòng, tiến về phía nhà bếp. Đêm nay ánh trăng bên ngoài chiếu sáng vằng vặc soi rõ mọi vật xung quanh. Đến trước cửa thì thấy then gỗ cài cánh cửa bếp vẫn đang được gài chặt từ bên ngoài, phía bên trong tiếng thì thào đã không còn nữa, mà thay vào đó là âm thanh nhai nhóp nhép phát ra đều đều, đều đều. Ông Tuất khẽ nhíu mày, cửa ngoài vẫn cài thế này thì những người bên trong vào bằng cách nào? Có trèo cửa sổ vào thì từng ấy người cũng phải phát ra tiếng động từ đầu rồi chứ. Ông Tuất ngủ rất tỉnh, chỉ cần một tiếng động nhẹ thôi cũng đủ làm ông tỉnh giấc rồi.
Ông Tuất nhẹ nhàng đưa tay bật cái then cài cửa ra, một âm thanh tạch khẽ vang lên trong đêm tối. Ngay sau đó, ông nhanh tay xô mạnh vào hai cánh cửa, làm chúng mở tách ra làm đôi, tiếng kẽo kẹt của cửa gỗ phát ra, cánh cửa được mở bung ra, liền sau đó ánh trăng từ bên ngoài tràn vào trong phòng. Ông Tuất bước vội vào trong phòng, la lớn:
“Là kẻ nào dám ăn vụng ở bên trong đó?”
Ông Tuất những tưởng sẽ bắt được tận tay những tên gia nhân đang ăn vụng, nhưng kết quả lại làm ông chưng hửng. Ánh trăng từ bên ngoài chiếu rõ mọi thứ trong phòng, bên trong mọi thứ vẫn nằm im lìm bất động, chỉ tấm khăn trải bàn trên bàn ăn là khẽ đung đưa theo gió. Trong phòng hoàn toàn không có người. Điều này là vô lý, rõ ràng ban nãy đứng ở ngoài cửa cả ông Tuất cả tên phụ bếp vẫn còn nghe thấy tiếng nhai nhóp nhép từ bên trong phát ra, nhanh như vậy sao có thể trốn ra ngoài được. Có lẽ chúng đang ẩn nấp đâu đó trong căn phòng này cũng nên. Ông Tuất hắng giọng rồi lại cất lên tiếng nói:
“Là ai đang ở bên trong thì nhanh bước ra đây, tôi đã nghe hết nãy giờ rồi đó.”
Bên trong vẫn hoàn toàn im lặng không có ai đáp trả.
“Nếu còn không ra làm chấn động đến ông bà và cậu mợ thì sẽ ăn no đòn đó.”
Vẫn không ai đáp lại. Bên trong im lìm hệt như thực sự không có ai vậy. Ông Tuất quay qua bảo với ngừoi phụ bếp:
“Cậu vào trong thắp đèn lên rồi tìm khắp phòng xem chúng trốn ở đâu. Chắc chỉ đâu đó trong phòng này thôi chứ nhanh như vậy không thể bỏ ra ngoài được. Lần này bắt được phải báo với ông bà chủ phạt cho chừa cái tội ăn vụng ăn trộm này đi.”
Đèn được thắp lên, hai ngừoi bước qua phòng ăn tiến sâu vào trong bếp. Bên trong vắng lặng như tờ, hoàn toàn không có người. Chỉ có mấy cái nồi đựng đồ ăn cũ còn thừa đều bị bật tung nắp, đồ ăn đã chuyển sang một mùi thiu khó chịu. Cả chỗ nguyên liệu để chuẩn bị cho bữa sáng cũng đã héo úa không thể dùng được nữa. Ông Tuất lầm bầm chửi thề trong miệng, không biết cái quái quỷ gì đang xảy ra ở đây nữa. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ đã hơn 50 tuổi, ông chưa từng gặp qua những chuyện kì lạ đến nhường này. Đồ ăn ban ngày để trên bàn thì hỏng, bỏ trong bếp thì không sao, buổi tối để trong bếp thì lại hỏng. Mà giữa đêm hôm tiếng ai nói chuyện ở trong bếp? Tại sao lại có thể đi nhanh đến như vậy được?
Tìm quanh quất một hồi khắp cả nhà bếp và phòng ăn, tất cả các ngăn tủ ông đều mở ra để kiểm tra lại, thậm chí còn soi cả đèn pin vào gầm bàn để tìm nhưng vẫn không phát hiện ra bóng dáng một ai, ông Tuất và người phụ bếp lại quay trở lại bên phòng ngủ của mình. Ông trằn trọc đến gần sáng vẫn không thể chìm sâu vào giấc ngủ được. Khi gà vừa gáy sáng lần đầu tiên ông đã trở dậy. Lúc này đất trời vẫn còn lờ mờ tối. Ông qua cửa phòng bà Tư bếp, gõ vào ba tiếng rồi chờ đợi. Tiếng bà Tư từ trong phòng phát ra.
“Ai có chuyện gì mà gọi sớm thế?”
“Là tôi Tuất đây bà Tư, bà dậy đi tôi có chuyện muốn nói.”
Với cái áo ngoài khoác vào ngừoi, bà Tư lật đật ra mở cửa. Vừa thấy bà, ồn Tuất đã vội nói:
“Bà nhanh dậy chuẩn bị đi chợ đi. Đêm qua tôi kiểm tra chỗ đồ ăn còn lại đều bị thiu hỏng hết cả rồi không dùng lại được nữa đâu. Bà sở đi sớm đặng về còn nấu bữa sáng cho ông bà và cậu mợ.”
Bà Tư ban nãy vẫn còn chưa tỉnh ngủ hẳn, đang đưa tay che miệng để ngáp dài một cái thì những gì ông Tuất nói làm bà khựng lại, há hốc miệng vì ngạc nhiên. Bà lắp bắp hỏi lại:
“Lại nữa hả ông Tuất? Mà sao trời còn chưa sáng rõ ông đã qua bếp làm gì mà lại phát hiện ra đồ ăn bị hỏng thế?”
Ông Tuất khoát tay:
“Thôi chuyện dài lắm, để nói sau đi. bà gọi cái Xỉu dậy rồi chuẩn bị đi chợ đi đã không trễ bữa sáng ông bà chủ lại quở cho. Nhớ mua thêm cái óc heo để hấp cho cậu Ba Thành nha. Chưa biết có chuyện gì xảy ra nên tạm thời chỉ mua đủ đồ ăn trong ngày đã, đừng mua dư của ngày hôm sau để qua đêm lại hỏng phí của đáng tội. Thôi đi sớm về sớm. À mà chuyện này còn chưa rõ nguyên nhân nên tạm thời đừng để ông bà chủ biết nha.”
Bà Tư gật đầu rồi lại quay trở vào trong phòng lay gọi cái Xíu dậy cùng mình đi chợ. Bữa trưa ngày hôm đó, đang ngồi ăn cơm bình thường thì bà Chấn cảm nhận được có cái gì đó khẽ chạm vào chân mình khiến bà cảm thấy rất nhột. Bà lên tiếng quát:
“Con Xíu đâu, mau xem có con gì trong gầm bàn cứ chạm vào chân bà khó chịu quá. Mà từ bao giờ cái nhà này cho phép thả chó mèo vào trong phòng ăn thế hả?”
Cái Xíu nghe gọi tên mình thì tất tả chạy ra lễ phép thưa:
“Dạ bẩm bà trong nhà mình làm gì có nuôi chó mèo đâu ạ.”
Bà Chấn quắc mắt lên rồi bảo:
“Không phải chó mèo chứ còn cái giống gì ở dưới gầm bàn mà tý tý nó lại đụng vào chân tao thế này?”
Cái Xíu lật tấm khăn trải bàn lên, chui hẳn đầu vào trong mà ngó nghiêng một hồi rồi lắc đầu bảo:
“Bẩm bà bên trong không có con gì cả ạ, chắc bà bị ê chân thôi. À , hay là tại khăn trải bàn gió thổi quệt vào chân nên bà có cảm giác đó.”
“Không, tao từng này tuổi rồi chả nhẽ lại không phân biệt được. Hồi nãy rõ ràng là có con gì nó bò ở…”
“Ôi trời đất ơi, cái quái quỷ gì vậy?”
Bà Chấn còn chưa nói hết câu thì đã giật mình khựng lại bởi tiếng la thất thanh của cậu Ba Thành. Tiếp theo sau tiếng la đó là cả cái bát cơm trên tay cậu được ném thẳng vào giữa mâm cơm, nơi có nồi óc heo trần còn đang nghi ngút khói. Lúc này trong mắt cậu Ba Thành, thứ ở trong cái nồi kia không phải là óc heo, mà đó là một bộ óc người. Cả cái nồi chính là cái đầu của một bà lão tóc trắng như cước xoã dài ra bàn. Phần trán của bà ta không còn nữa, chỉ lộ ra cái hộp sọ trắng hếu bên trong là bộ óc nhăn nhúm còn đang không ngừng rỉ máu. Hai con mắt của bà trợn ngược cả lên, cái miệng đang nhìn Ba Thành mà mỉm cười khùng khục:
“Nào, hãy ăn tao đi, hãy ăn tao đi…”
Đúng lúc đó thì ông Chấn đưa thìa vào sấn một phần bộ óc của bà ta, lúc này bà ta lại càng cười lên điên dại. Ba Thành không thể chịu được nữa mới ném cái bát về phía bà, rồi quay người ngồi bệt ra đất cứ thế mà nôn thốc nôn tháo. Những gì cậu ta ăn từ đầu bữa đến giờ đều đã được nôn ra bằng sạch. Bà Chấn vỗ vỗ vào vai con mà gặng hỏi:
“Ba Thành, có chuyện gì vậy con? Đồ ăn có gì không ổn sao?”
Ba Thành lắp bắp trong miệng, cơ thể vẫn không ngừng run rẩy:
“Thứ quái quỷ đó là cái gì vậy?”
Vừa nói cậu vừa đưa tay chỉ về phía bàn ăn. Mọi người vẫn không hiểu có chuyện gì mà
đang ăn tự nhiên Ba Thành lại trở nên như vậy. Ông Chấn lên tiếng quát:
“Mày không ăn thì để cho người khác ăn. Mọi ngày vẫn ăn óc heo có làm sao đâu mà sao nay lại phản ứng ghê như vậy hả? Hết mẹ đến con riết rồi ăn bữa cơm cũng không yên nữa.”
“Không phải, đó không phải là óc heo, mà… mà nó là óc người đó cha…”
Ông Chấn giằn mạnh cái bát trên tay xuống bàn rồi nói:
“Mày có im ngay đi không thì bảo? Không còn chút phép tắc nào nữa phải không? Mày bảo ai ăn óc người hả?”
Ba Thành đứng dậy nhìn thẳng vào mâm cơm nơi có cái nồi kinh dị hồi nãy toan cãi lại, nhưng cậu ta phải dụi mắt đi dụi mắt lại đến mấy lần. Cái nồi ở giữa bàn bây giờ, lại chính là nồi óc heo trần như mọi khi. Cái đầu lâu kinh dị hồi nãy đã hoàn toàn biến mất.
Đưa tay vỗ vỗ lên đầu như để tự trấn an lại bản thân, chính Ba Thành cũng không biết có chuyện gì. Chẳng có lẽ tất cả những gì diễn ra từ nãy đến giờ chỉ là do cậu tự tưởng tượng ra thôi sao? Chuyện vừa xảy ra khiến Ba Thành mất hứng, không còn muốn ăn thêm gì nữa. Bữa ăn cũng vì thế mà bị bỏ dở, cậu quay bước về phòng nằm vật ra giường một lúc rồi chìm vào giấc ngủ.
Buổi chiều tối ngày hôm đó, bà Chấn từ trong phòng tắm bước ra với vẻ mặt hớt ha hớt hải. Bà đi như chạy từ phòng tắm lên nhà chính nơi ông Chấn đang ngồi uống trà trên bộ tràng kỷ. Thấy chồng bà vội tru tréo lên:
“Ông ơi, ông mau lại đây mà xem cái này này.”
Vừa nói bà vừa kéo ống quần lên đến gối để lộ ra hai cái cẳng chân chằng chịt những vết tím bầm to tròn như quả trứng. Ông Chấn thấy vậy tròn mắt ngạc nhiên, ông lắp bắp hỏi:
“Ôi trời! Chân bà bị làm sao thế kia?”
Bà Chấn lắc đầu liên tục rồi bảo:
“Tôi không biết. Ban nãy đi tắm bỏ đồ ra tôi mới thấy bị vậy. Nó không đau gì cả, cứ tự dưng thâm tím lại vậy thôi.”
“Chẳng phải nó giống hệt với thằng An mấy hôm trước sao?” Ông Chấn nghi hoặc hỏi lại.
Bà Chấn lúc này mới nhớ ra, phải rồi, mấy hôm trước tự dưng An An cháu nội của bà cũng xuất hiện những vết thâm như vậy. Ông thầy lang bảo vết đó là do bị cấu véo mà thành, bà đã không tin. Và quả thực là không phải. Bởi hôm nay bà cũng bị giống hệt như vậy. Mà làm gì có ai dám cấu véo vào chân bà bao giờ? Bà cũng không hề va chạm vào đâu mạnh đến mức để thâm tím cả hai chân như vậy. Bà thừ người mất một lúc lâu để cố nhớ lại xem những vết thâm này xuất hiện ở đó từ bao giờ. Chiều tối qua lúc đi tắm vẫn chưa có. Ăn cơm tối xong bà chỉ ghé phòng con dâu để thăm bé An một chút rồi về thẳng phòng đi ngủ. Cả ngày hôm nay chỉ quanh quẩn trong nhà, đến lúc đi tắm bỏ đồ ra thì tá hoả khi thấy chân mình như vậy. Bà nói như khóc mếu ở trong lòng :
“Ông ơi, cớ sự này là làm sao hả ông? Sao mấy ngày nay ở trong nhà xảy ra nhiều chuyện lạ lùng như vậy. Ông có nhớ lời ông thầy lang hôm đó đã nói không, hay là trong nhà mình có tà ma thật hả ông.”
Ông Chấn ngồi yên lặng không nói gì. Ông đang cố xâu chuỗi mọi chuyện lại với nhau xem rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu. Từ trong nhà trong, mợ Nhài vợ Ba Thành bước ra hớt hải hỏi:
“Thưa cha mẹ, cha mẹ có thấy nhà con đâu không ạ?”
Bà Chấn đáp lại:
“Hồi trưa đang ăn cơm xong nó bỏ ngang về phòng đến giờ đã thấy ra ngoài đâu. Nó không có trong phòng hả?”
“Dạ nhà con ngủ được một lúc thì dậy kêu đói bảo đi xuống bếp kiếm cái gì ăn, rồi chưa thấy quay lại phòng nữa ạ.”
“Hay là nó lại bỏ đi ra ngoài nữa rồi. Cái thằng vừa về nhà được mấy hôm lại đi rồi đấy. Con với chả cái.” Ông Chấn chen vào.
“Nhưng mà nhà con chỉ mặc bộ quần áo ngủ trong nhà chưa có thay đồ thì làm sao đi đâu được. Với cả, hai tên gia nhân hay đi theo hầu anh ấy vẫn đang còn ở nhà, con có hỏi thì bảo từ trưa đến giờ cũng không thấy nhà con đâu. Cha mẹ biết đó, có bao giờ anh ấy ra ngoài mà không dẫn người hầu theo đâu.”
“Vậy chắc nó loanh quanh đâu trong nhà thôi, để mẹ sai gia nhân đi tìm nó về.”
Lúc này Nhài cũng mới để ý thấy những vết bầm trên chân bà Chấn, cô vội thốt lên:
“Ôi cha, cái chân của mẹ bị làm sao thế này ạ? Mẹ có đau lắm không? Để con kêu gia nhân đi đón thầy lang đến.”
Bà Chấn gạt tay đi:
“Thôi thôi không cần gọi thầy lang đâu. Cái này giống hệt với lại bé An hôm bữa, thằng bé lăn trứng hai hôm là hết sạch, để mẹ bảo nhà bếp luộc trứng là được. Mà thôi cũng đến giờ cơm rồi, đi ăn cơm đã rồi tính tiếp, biết đâu thằng Ba Thành lại đang ở dưới bếp rồi cũng nên.”
Ba người xuống dưới bếp thì không thấy Ba Thành đâu. Hỏi những người làm bếp thì ông Tuất bảo, đầu giờ chiều cậu ba có xuống hỏi đồ ăn, tuy nhiên không có sẵn gì nên ông vào bếp nấu tạm tô mì, cậu Ba Thành ngồi ở bàn ăn đợi. Đến khi ông Tuất nấu mì xong mang ra thì không thấy ba Thành đâu nữa. Mọi người còn đang thắc không biết Ba Thành đã đi đâu, thì tên gia nhân được sai đi kiếm chạy tới báo, hắn ta đã tìm khắp cả phủ nhưng không ai thấy cậu Ba ở đâu cả. Những người gác cửa cũng nói cả ngày hôm nay cậu Ba Thành chưa hề bước chân ra ngoài. Vậy rốt cuộc Ba Thành đã đi đâu?
Đúng lúc này thì vợ Ba Thành cảm giác như dưới chân mình đang dẫm lên một vật gì đó ở dưới gầm bàn. Cô cúi xuống nhặt lên thì phát hiện ra là cái quạt giấy Ba Thành luôn mang theo người. Cái quạt này trừ lúc ăn cơm thì lúc nào cũng ở trên tay cậu Ba, tại sao bây giờ cái quạt này lại nằm lăn lóc một mình ở dưới gầm bàn như vậy? Một cảm giác bất an bắt đầu dấy lên trong lòng những người nhà ông Chấn. Bữa cơm tối chỉ được ăn uống qua loa rồi ông bà huy động hết gia nhân trong nhà đi tìm cậu Ba. Cửa nhà ông Chấn lúc nào cũng đóng im ỉm, có người thay nhau gác cả ngày lẫn đêm nên nếu Ba Thành ra ngoài chắc chắn sẽ có người thấy. Bây giờ Ba Thành chỉ đang quanh quẩn trong phủ nhưng không ai biết cậu ta đã ở đâu. Những ngọn đuốc thi nhau đốt lên, người ta tìm khắp mọi ngõ ngách trong phủ, không có một góc nào được bỏ qua, nhưng Ba Thành thì vẫn bặt vô âm tín. Giống như Ba Thành đã thực sự bốc hơi ra khỏi phủ nhà rồi vậy.