Tiếng nhạc chát chúa ầm ầm vang lên trong căn phòng nhỏ . Ngọc Trâm đang ôm chặt chiếc điện thoại , chốc chốc lại lăn lộn rồi cười lên sung sướng , đoạn lại hôn gió và ghì chặt chiếc điện thoại vào lòng với vẻ mặt mãn nguyện .
– Sao con mở nhạc lớn vậy Trâm ? Làm phiền bà con hàng xóm rồi họ chửi nhà mình đấy !
Tiếng bà Năm Phước bị tiếng nhạc ầm ĩ át đi , Ngọc Trâm với tay vặn nhỏ loa rồi gắt lên :
– Cái gì ? Bà nói cái gì cơ ?
Bà Năm Phước thở dài nhìn đứa con gái mới mười sáu tuổi, đang tuổi ăn học rồi ôn tồn bảo :
– Con mở loa nhỏ thôi , đừng làm phiền hàng xóm nghỉ ngơi chứ !
Ngọc Trâm cắm chiếc điện thoại vào ổ sạc , rồi nhìn bà Trân rít lên đầy bực dọc :
– Bà không thấy tôi đang nghe nhạc à ? Hàng xóm nào bước qua cái nhà này xem ! Tôi đập chết mẹ nó chứ ở đấy mà ý kiến, phàn nàn ! Mà tôi có thấy đứa nào đâu ? Bà ý kiến đúng không ?
Bà Năm Phước nhìn con chau mày rồi vẫn bằng chất giọng nhẹ nhàng mà trách cứ :
– Con á ! Con gái mà hỗn hào , mở mồm ra là chửi tục , chửi thề ! Con gái người ta phải để ý lời ăn tiếng nói chứ !
Ngọc Trâm hất lọn tóc vàng ra sau lưng rồi liếc xéo mẹ mình :
– Mệt quá ! Bà im đi ! Nói mãi không chán à ?
Bà Năm Phước nhìn đống quần áo bày bừa trên giường , mỗi nơi một cái thì lên giọng nhắc nhở :
– Con gái mà quần áo bừa bộn , con xem lại cái nếp ăn ở của mình đi !
Với tay lấy chiếc áo mỏng khoác lên , đứa con gái ngỗ nghịch gầm lên :
– Bà im mồm đi ! Cả ngày chỉ biết lải nhải suốt vậy ?
Bà Năm Phước đang dọn đống bừa bộn , thấy con gái mặc chiếc áo mỏng tanh , hở cả rốn thì thốt lên :
– Con đi đâu giờ này ? Có biết đêm hôm ra đường mà ăn mặc thế này nguy hiểm lắm không ? Xã hội phức tạp lắm con ơi ! Nghe lời mẹ đi con !
Ngọc Trâm rút điện thoại rồi bước xuống giường nhìn bà Trân khiêu khích :
– Đi đâu thì kệ mẹ tôi ! Bà quản được à ? Ở nhà cũng không yên , ra ngoài thì cằn nhằn . Bà làm ơn im giùm tôi một lúc được không ?
Bà Năm Phước nhét đống quần áo đã được gấp gọn gàng và hộc tủ rồi hỏi :
– Thế con đã học bài chưa ? Cô giáo nói dạo này con học hành đi xuống lắm đấy ! Sắp thi đến nơi rồi …
Ngọc Trâm gào lên :
– Học ! Học cái mẹ gì mà suốt ngày học ? Nhắc đến là nhức đầu à !
Nói rồi , Ngọc Trâm giận giữ tính bỏ ra ngoài thì tiếng ông Kha gầm lên làm nó giật mình :
– Cái gì vậy ? Cái gì mà đêm hôm ầm ầm lên vậy ? Mày nha … con mất dạy … mày nói chuyện với mẹ mày vậy hả ? Bây giờ mày còn ăn mặc thế này đi đâu ?
Ngọc Trâm ngồi xuống giường nhìn hai ông bà như thách thức :
– Đi đâu thì kệ mẹ tôi ! Liên quan gì tới ông bà à ? Bố dượng mà ông làm như bố ruột tôi không bằng ! Bố tôi còn không bao giờ căn vặn tôi , ông là cái thá gì mà có quyền hỏi
Ông Kha hầm hầm sắc mặt chỉ tay vào mặt đứa con riêng của vợ mà quát :
– Mày mà bước chân ra khỏi nhà này , tao đánh mày gãy chân !
Ngọc Trân đứng phắt dậy , đưa mặt giễu cợt :
– Ông ngon nhỉ ? Ngon thì ông đánh tôi cái xem !
Ông Kha giận sôi máu , rít lên qua kẽ răng :
– Mày tưởng mẹ mày nuông chiều mày mà mày được thói hỗn láo à ? Hôm nay tao dạy cho mày biết phép tắc cái nhà này
Tiếng bà Năm Phước sụt sùi van vỉ :
– Thôi con ơi ! Mẹ xin con …
Mặc cho bà Năm Phước ôm ghì lấy mình và luôn miệng xin xỏ .Ngọc Trâm sấn sổ tới gần và ngước mặt lên :
– Ông đánh tôi hả ? Này … đánh đi … ông đánh đi lão già …
Bốp !!
Ông Kha không kìm được giơ tay tát một cái trời giáng vào mặt đứa con gái hỗn hào làm nó ngã lăn ra giường . Tiếng bà Năm Phước bàng hoàng thốt lên trách móc :
– Trời ơi … con ơi là con … sao ông lại đánh con hả ?
Ngọc Trâm cũng không vừa , giơ tay lên xoa mặt , miệng bù lu bù loa :
– Ông đánh tôi hả ! Ông là cái thá gì mà dám động vào tôi !
Con bé gạt tay mẹ mình ra rồi gào lên :
– Bà xéo ra kia cho tôi !
Ông Kha cú lắm , run giọng với vợ :
– Con hư tại mẹ , cháu hư tại bà . Bà nuông chiều nó quá để nó được đằng chân , nó lân đằng đầu . Nó có coi ai trong cái nhà này ra cái gì đâu ? Bà để tôi dạy nó ! Không thì nó theo cái thằng cô hồn kia chỉ có mà hỏng đời thôi !
Ngọc Trâm nhìn ông Kha đầy giễu cợt :
– Cô hồn ? Ông nghĩ ông là ai ? Thằng bán than nghèo nàn mà dám bảo người yêu tôi là cô hồn ? Ông nhìn lại bản thân ông chưa ? Bất quá có khác gì thằng ăn mày không ?
Mặc cho vợ đang ghì chặt mình , ông Kha vẫn gầm lên :
– Đồ mất dạy ! Mày lấy tiền ở cái nhà này rồi mày mang đi ăn chơi với nó . Mẹ mày không cho thì mày làm mặt nặng , mặt nhẹ … mày tưởng đồng tiền làm ra dễ dàng lắm à ?
Ngọc Trâm cong môi chửi tục :
– Ông im mẹ cái mồm ông đi !
Đoạn quay sang nhìn bà Năm Phước mà gằn hắt :
– Bà tránh ra cho tôi ! Bà là cái loại chưa đoạn tang chồng , rồi đem cái loại này về chung sống . Để hôm nay lão đánh đập tôi đấy ! Bà vừa lòng bà chưa ?
Bà Năm Phước khuỵ xuống ôm tay con gái mà khóc lóc :
– Trâm à ! Mẹ xin con mà … mẹ xin con !
Ngọc Trâm gạt mẹ mình ra rồi cầm điện thoại chạy luôn ra khỏi nhà . Ông Kha thở dài rồi tiến lại đỡ vợ mình dậy và quay mặt ra hướng cửa gầm lên :
– Nghịch tử ! Thứ con mất dạy mà !
Tiếng cãi nhau ầm ầm phát ra tại căn nhà gỗ ọp ẹp trong khu phố nghèo là ở nhà bà Năm Phước – một người đàn bà nghèo khổ năm nay đã ngoài bốn mươi . Dường như cái khu ổ chuột này đã quá quen với tiếng cãi nhau , chửi bới nên chẳng ai thèm quan tâm .
Bà Năm Phước cũng như bao người dân cùng khổ ở cái khu nghèo nàn , nằm xa nội thành Hà Nội này . Mấy trăm hộ quanh đây đều là dân tứ xứ đổ về , lấy công việc chân tay làm kế sinh nhai mà đắp đổi miếng ăn , miếng mặc qua ngày . Theo vòng xoáy của xã hội , bà Năm Phước chọn nghề ” đẩy phụ ” làm kế mưu sinh . Cái nghề nặng nhọc ấy thì chẳng cần chữ nghĩa gì , chỉ cần có sức khoẻ là được .
Mỗi khi có chuyến hàng nặng từ mấy chiếc thuyền buôn ở sông dỡ lên bờ , bà Năm Phước chỉ cần è cổ mà đẩy giúp chủ thuyền lên bờ là có tiền . Công việc nặng nhọc đó chỉ đem lại thu nhập hơn hai trăm ngàn một ngày , cùng với tiền công chở than của chồng mình là ông Kha , lại nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học nên có phần chật vật lắm .
Hai mươi năm về trước
Bà Năm Phước là một cô gái dịu dàng, mộc mạc nét đẹp của cô thôn nữ chân quê . Hai mươi hai tuổi , bà nên duyên với một người đàn ông nghèo . Ở với nhau có hai mặt con một trai, một gái .
Chồng bà cũng xuất xứ từ gia đình bần nông nên của ăn, của để trong nhà không bao giờ có . Cuộc sống nghèo túng với hai đứa con nheo nhóc làm ông đánh liều bảo bà cùng lên Hà Nội để thay thời đổi vận .
Cuộc sống của hai vợ chồng và hai đứa nhỏ cứ lầm lũi giữa Hà Nội hoa lệ . Dù miếng ăn , miếng mặc còn đói kém nhưng trong căn nhà ổ chuột chưa bao giờ ngớt tiếng cười .
Trách con tạo xoay vần , mà nghiệt ngã đã đến với chồng bà khi đang xây dựng cho một căn nhà ba tầng thì trượt chân té xuống đất . Chủ thầu chỉ đưa chồng bà đi thăm khám qua loa rồi thanh toán tiền công ông làm, và ném thêm cho bà ba triệu bạc để thang thuốc .
Sức khoẻ của ông cứ thế yếu dần , rồi ông ra đi trong một đêm Hà Nội ầm ầm giống tố . Trước khi trút hơi thở cuối cùng , ông đã cầm tay người bạn chí thân của mình đặt vào tay vợ mà thều thào :
– Kha ơi …. mày sống …. ráng lo cho vợ … cho con tao … tao nhờ mày …..
Ông Kha là người đàn ông thâm tình , nặng nghĩa . Nên hết lòng chuyển xác bạn mình về quê mà an táng cho trọn nghĩa tử . Nhớ lời bạn dặn , ông luôn ở bên chăm sóc cho mẹ con bà Năm Phước . Sau hai năm đoạn tang , ông thắp lên ba nén nhang rồi khấn vái trước tấm di ảnh trắng đen , trên chiếc bàn thờ bạn mình mà xin thực hiện lời hứa năm nào .
Sau khi bà Năm Phước chảy hai dòng nước mắt xúc động mà gật đầu đồng ý . Kể từ đó , ông Kha dọn hẳn vào sống cùng ba mẹ con và trở thành cha dượng của hai đứa nhỏ .
Không quản nắng mưa dãi dầu , ngày mưa cũng như ngày nắng . Người dân trong cái khu ổ chuột này bắt gặp ông làm việc luôn chân tay . Khi thì còng lưng chở mấy tạ than đi giao trong nội thành , khi thì đánh mớ cá tôm ở con sông ….
Có kẻ bảo ông gàn dở , đem cả thanh xuân mà cưới người đàn bà hai con . Bà Năm Phước cảm cái nghĩa tình ấy , nên tình cảm vợ chồng gắn bó lắm .
Nhưng thời cuộc cứ thay đổi theo năm tháng . Sau khi cha ruột mất , con gái út của bà là Ngọc Trâm lại sinh ra cái thói ương bướng hư hỏng . Bà Năm Phước vì thương con nên chẳng bao giờ mắng mỏ con bé bao giờ . Thành thử từ lúc nào nó giao du với đám bạn xấu , ông Kha cũng mấy lần khuyên nhủ :
– Bà mà làm thế là hại con bé đấy , các cụ đã bảo thương thì cho roi cho vọt , ghét thì cho ngọt cho bùi . Bà mà không nghiêm khắc có ngày nó hỏng to . Lúc ấy có hối cũng chẳng kịp đâu . Nó đang tuổi dở người , thấy hào nhoáng hư danh là lao theo ngay !
Bà Năm Phước cũng hiểu đạo lí đó , nhiều lần cũng thủ thỉ nhỏ to nhưng con gái bà luôn bỏ ngoài tai . Dần dà , nó quen với đám bụi đời mà trốn học . Lại còn trộm tiền nhà mà mang đi , lao đầu vào thói hư tật xấu . Đã vậy, về nhà nó còn hỗn hào với bà .
Tối nay , sau bao nhiêu uất ức dồn nén . Ông Kha đã thẳng tay tát cho con bé một cái vậy mà nó đùng đùng bỏ đi , cả một đêm không về làm ông bà đứng ngồi không yên !
Thằng con trai lớn của bà thì đang học đại học ở nội thành Hà Nội . Thành thử trong căn nhà gỗ ọp ẹp đó chỉ có ba người .
Bẵng đi ba ngày mà bóng dáng con Trâm vẫn bặt vô âm tín . Bà Năm Phước hoảng loạn lắm , thấy bóng ông Kha vừa phanh chiếc xích lô ngoài sân, bà đã lao ra cầm tay chồng khẩn khoản :
– Ông ơi ! Mấy ngày rồi mà con bé không về . Hay là ông chở tôi đi báo công an đi ! Tôi .. tôi bất an lắm !
Ông Kha kéo cái khăn mặt ướt sũng trên cổ , lau nhanh mồ hôi đang chảy dài trên mặt mà cáu bẳn gắt lên :
– Bà lo lắng làm gì cho cái ngữ mất dạy ấy ? Nó có chân đi thì có chân về ! Bà cứ chiều nó quá nên nó sinh hư , nó đi lần này thì sẽ có lần khác ! Vác cái mặt về đây thì tôi dạy cho nên người !