Bà Năm Phước run rẩy bước theo chồng vào trong nhà , rót nhanh cho ông li nước rồi rưng rưng nước mắt khẩn khoản :
– Thôi ông ơi ! Tôi xin ông ! Con dại cái mang , nó còn nhỏ dại lắm ! Từ từ ông dạy bảo nó cũng được . Ông chở tôi lên công an trình báo đi . Mấy ngày nay, ruột gan tôi cứ nóng như lửa đốt trong lòng !
Ông Kha ngửa cổ tu cạn li nước , nhìn vợ mình mấy hôm nay gầy rộc hẳn đi nên ông thương cảm lắm . Đoạn ngồi xuống chiếc ghế gỗ đã tróc hết nước sơn mà trầm giọng :
– Mắng thì mắng thế thôi chứ ruột gan tôi cũng đang rối bời lắm đây ! Khi nãy đi giao than cho mấy quán đồ nướng ven đường , tôi đã ghé vào trình báo rồi . Công an cũng nói sẽ bố trí tìm kiếm gấp ! Mình chỉ việc đợi kết quả của các đồng chí ấy thôi
Thấy bà Năm Phước sụt sùi , ông Kha lo lắm bèn quay ra bảo :
– Thế để tí nữa tôi ra chỗ thằng Xuân … thằng Xuân làm tiệm photo đó . Tôi bảo nó in cho ít tờ rơi mang đi dò hỏi bà con , xem có ai thấy nó đâu không ! Bà vào lấy cho tôi mấy tấm ảnh của nó ! Không có thì cứ đưa cái thẻ học sinh cũng được ! Tôi bảo thằng Xuân nó in ra, tìm cho nhanh bà ạ . Thấy bà suy sụp đi , tôi thực không yên lòng
Chương 3 : Hồn Về Báo Mộng
Bà Năm Phước sụt sùi nước mắt trở vào buồng , lát sau đi ra đưa tấm hình thẻ cho chồng rồi hướng đôi mắt buồn bã nhìn ra cửa bảo :
– Tôi thì tôi phải đi ngay ông ạ ! Tôi đi dò hỏi xem có ai thấy con bé không ? Chứ qua nay lòng dạ tôi nó cứ bồn chồn thế nào ấy ! Con bé còn nhỏ dại quá , xã hội người tốt thì ít, kẻ xấu thì nhiều . Tôi không yên tâm !
Ông Kha cũng gật đầu sốt sắng :
– Thế bà đi nhanh cho kịp , tôi cũng đi nhờ mấy người xem sao !
Rồi ông Kha bỏ luôn bữa cơm trưa , hai vợ chồng chia ra đi tìm mỗi người một hướng. Nhưng dường như công sức của hai vợ chồng là công dã tràng , bóng dáng con Trâm vẫn bặt vô âm tín .
Nhiều ngày sau đó . Hai ông bà bỏ hết công việc mà đi dò hỏi nhưng tuyệt nhiên đến đâu cũng chỉ nhận được cái lắc đầu thông cảm . Từ nhà hàng , quán xá , đến điểm xe bus, hay cả khu chợ , khúc sông hai vợ chồng cũng dò dẫm tìm hỏi .
Bà Năm Phước thương con , lại có cái tật cả nghĩ nên đổ bệnh nằm liệt giường . Đã mấy ngày liền bà nằm bẹp một chỗ , thằng Kiên con bà đã phải xin phép nghỉ mấy tuần để về chăm sóc mẹ mình . Ông Kha thì buổi sáng vẫn nai lưng ra chở mấy tạ than kiếm đồng ra đồng vào mà lo tiền thang thuốc cho vợ . Cứ tầm chiều là người ta lại thấy thân cò xộc hết hang cùng , ngõ hẻm trên tay là tờ giấy nhàu nát có in hình đứa con gái với dòng chữ ” tìm người thân ”
Tối hôm ấy , ông Kha trở về căn nhà ọp ẹp thì thằng Kiên đã đi ra ngoài . Dưới ánh đèn dầu leo lét , bà Năm Phước đang nằm bẹp trên giường cất tiếng ho sù sụ . Ông Kha máng vội cái khăn đã ướt đẫm mồ hôi vì chuyến hàng mới tải , đoạn nhanh tay rót ra một bát thuốc còn hâm hấp nóng . Tiến lại giường đỡ vợ dậy mà nhẹ giọng :
– Bà nó ơi ! Dậy mà uống ít thuốc cho mau lại sức !
Bà Năm Phước mệt mỏi trở dậy , làn da xanh bủng của người ốm bệnh lâu ngày , đôi môi khô ran , nứt nẻ và đôi mắt trũng sâu cố gắng ngồi dựa vào đầu giường . Ông Kha đưa nhanh bát thuốc rồi bảo :
– Bà cố uống đi cho nhanh khoẻ , còn có sức mà cùng tôi đi tìm con chứ ! Tôi thổi nguội rồi , bà gắng uống cho tôi an lòng nhé !
Bà Năm Phước nhìn bát thuốc rồi khẽ lắc đầu đẩy ra . Ông Kha đặt bát thuốc lên cái tủ gỗ cạnh đầu giường mà mệt mỏi nói :
– Bà không uống mấy ngày rồi thì làm sao mà khỏi cho được . Thấy bà thế này tôi xót lắm , còn đâu tâm trí mà đi làm !
Bà Năm Phước thều thào :
– Thế bao giờ con Trâm nó về hử ông ? Sao nó không về thăm thân già này chứ ?
Nói đoạn , bà Năm Phước rưng rừng nước mắt :
– Nó đi đâu rồi ? Không biết có an toàn không ? Ăn uống có đủ đầy không nữa …..
Hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má sạm gầy , bà Năm Phước đưa tay lên ngực hò sù sụ mấy tiếng . Ông Kha nhìn bà thảm não rồi bảo :
– Để tôi bán chiếc xích lô, rồi tôi đưa bà vào nội thành khám bệnh . Tiện thể mình dò la thăm hỏi tình hình con bé luôn ! Vào đó hỏi ai người ta cũng rành hơn ấy bà ạ !
Ông Kha dỗ mãi bà Năm Phước mới chịu uống bát thuốc và húp ít cháo loãng .
Nửa đêm hôm ấy !
Bà Năm Phước đang thiêm thiếp trong giấc ngủ mộng mị thì choàng tỉnh dậy , thảng thốt nhìn quay quắt trong căn nhà ọp ẹp , lúc này chỉ rặt một màu u tối và tĩnh mịch .
Bà đã kêu gào ú ớ rất lâu mới mở choàng mắt bừng tỉnh và ngồi bật dậy, nép chặt vào góc giường . Bà Năm Phước đưa bàn tay gầy ruộc lên trên ngực để nén tiếng thở dài, rồi từ từ bình tâm nhớ lại từng chi tiết trong cơn ác mộng vừa trải qua .
Bên cạnh bà trong cái màn tuyn đã ngả màu cháo lòng , ông Kha chồng bà vẫn cởi trần nằm ngủ , hai tay đặt trên ngực , mồm há ra lộ hàm răng đen sì vì khói thuốc , hệt như người chết chuẩn bị cho vào quan tài. Bà Năm Phước mệt mỏi với tay khêu sáng ngọn đèn dầu rồi trở vào giường gọi chồng mình dậy .
– Ông ơi ! Ông dậy tôi bảo cái này !
Ông Kha đang ngủ , nghe tiếng bà thì chau mày , lồm cồm ngồi bật dậy dụi mắt hỏi :
– Sao vậy bà ? Làm gì mà bà dậy sớm thế ? Ngủ thêm đi bà ơi !
Bà Năm Phước nét mặt lo âu, giật tay chồng mà rằng :
– Ông ơi ! Đi tìm con với tôi đi ông ơi . Đi tìm con Trâm về với tôi ông ơi !
Ông Kha ngớ người bảo :
– Bà ơi ! Để mai đi ! Giờ nửa đêm nửa hôm rồi , biết nó ở đâu mà tìm ? Sáng sớm tôi đưa bà đi khám bệnh rồi tôi nhờ người ta luôn !
Bà Năm Phước ngồi thừ mặt , thần trí đờ đẫn kể :
– Nó … con nó vừa về . Nó ngồi ngay ở cái giường của nó kia kìa ! Nó giơ tay vẫy và gọi tôi . Trời thì tối quá nên tôi không nom rõ mặt nó . Tôi mới tiến lại gần định ôm lấy nó , thì nó lùi lại vẻ mặt sợ sệt lắm .
Bà Năm Phước gạt dòng nước mắt mà tiếp tục run giọng :
– Nó thấy tôi tiến lại thì nó cứ chạy , tôi đuổi theo ra tận đầu hẻm , đến chỗ mả hoang thì nó dừng lại . Tôi tiến lại gần thì ối giời ơi , toàn thân nó lạnh cóng , lại ướt sũng nước mưa .
Ông Kha với tay lấy cây quạt giấy , khẽ phe phẩy xua cơn nóng cho vợ rồi hối hả hỏi :
– Thế rồi sao ? Bà kể nhanh xem nào !
Bà Năm Phước run giọng :
– Người nó ướt sũng ông ơi , quần áo tơi tả và da mặt nó trắng bệch ra . Nó nhìn tôi rồi bảo ” mẹ ơi ! Chúng nó giết con rồi ! Xác con chúng nó cho vào bao , quẳng ra sông ! Con mắc kẹt vào đám lục bình ở chân cầu , mẹ đem con về , con lạnh lắm ! ” . Tôi nghe nó nói thế mới hốt hoảng định hỏi , thì nó chạy biến vào khu mả hoang ông ơi !
Ông Kha nghe vợ kể thì suy tư một hồi , rồi lên giọng trấn an :
– Ôi bà ơi ! Nóng nực nên ngủ mê là chuyện thường tình . Tôi đây này ! Khoẻ mạnh như vâm mà ngủ còn mơ , cứ như có ai đè lên ngực mà không cử động được . Người ta cứ bảo là bóng đè , tôi thì nghĩ là mệt mỏi nên sinh ra vậy . Người khoẻ còn mộng mị , huống chi là bà đang ốm yếu cả nửa tháng nay !
Bà Năm Phước lo lắng tái mặt , giơ bàn chân gầy rộc trong cái quần vải lanh lên cho chồng nhìn . Dưới ánh đèn dầu hắt ra , ông Kha kinh hãi đánh rơi cái quạt trên tay . Rõ ràng trước lúc đi ngủ , ông đã kì cọ sạch sẽ tay chân cho vợ mình . Vậy mà đập vào mắt ông lúc này , hai bàn chân của bà Năm Phước đã đen sì , dính đầy bùn đất. Thứ đất nâu vàng chỉ có ờ khu nghĩa địa đầu xóm !
Ngay tối hôm đó , hai ông bà cùng thằng Kiên chong đèn thức trắng đêm . Sáng hôm sau , khi trời còn tờ mờ sáng . Mặt trời còn chưa nhú dạng thì tiếng chuông chiếc điện thoại đen trắng trên bàn của ông Kha chợt vang lên inh ỏi .
Ông Kha mệt mỏi nhấc máy :
– Alo … tôi Kha xin nghe ạ !
Đầu dây bên kia vọng lại tiếng của người chiến sĩ công an rắn rỏi :
– Chào ông! Tôi là trung tá Huỳnh Ngọc Hiểu , cán bộ công an quận Long Biên ! Xin thông báo với ông bà , đêm qua quần chúng nhân dân phát hiện một xác chết trôi sông là nữ , có đặc điểm nhận dạng hệt như miêu tả của gia đình về người con gái mất tích . Mời gia đình ra địa chỉ tôi sẽ đọc sau đây để tiến hành nhận dạng tử thi !
Sau khi cẩn thận ghi lại dòng địa chỉ mà chiến sĩ công an thông báo , ông Kha tái mét mặt mày kể lại sự việc cho cả nhà . Mau chóng thuê xe ôm ra địa chỉ ghi sẵn trên tờ giấy , ra đến bãi sông thì đã thấy người ta tụ tập đông lắm .
Nhanh chóng tiến hành làm thủ tục , hai vợ chồng run rẩy tiến về chỗ băng ca đặt cái xác chết trôi , lúc này đang phủ bằng tấm vải trắng toát . Bà Năm Phước run rẩy kéo nhẹ tấm vải xuống rồi đột ngột kêu rú lên , mắt lạc thần , xỉu ngay tại chỗ .
Hai cha con ông Kha cũng kinh hãi gập bụng ói mửa tại chỗ . Trên tấm băng ca lạnh lẽo ,xác con Trâm đang trương phình lên , làn da nhợt nhạt trắng bủng . Trên mặt một số mảng da đã rữa ra lộ cả lớp cơ , hai con ngươi đục trắng lồi hẳn ra ngoài . Cảm tưởng như chỉ cần chạm nhẹ vào là sẽ bắn tung cái chất dịch nhầy nhụa , hôi thối cực độ ấy lên người . Ở khoé miệng còn ướt đẫm nước sông , dăm ba cọng rác kẹt vào kẽ răng còn chưa lấy ra hết và dòi bọ nhung nhúc từng đàn
Trên cổ con Trâm có một vết cắt đã ngả màu nhờ nhợ , có lẽ con bé đã bị cắt cổ trước khi ném xuống lòng sông này . Sau khi làm thủ tục cho bên công an tiến hành khám nghiệm tử thi và nhận xác về nhà . Lễ an táng của con bé diễn ra chóng vánh lắm vì cái xác chết trôi đã lâu không thể quản được trong nhà thời gian dài .
Sau cái chết của con gái , bà Năm Phước gần như phát điên . Cứ ngủ thì thôi , tỉnh là bà điên cuồng lao ra khỏi nhà . Thằng Kiên đã tiếp tục trở về thành phố theo học tiếp chương trình , thành ra chỉ có mình ông Kha ở nhà chăm lo cho vợ .
Những khi bà Năm Phước phát cơn điên dại , ông Kha chỉ việc lao lại ôm ghì lấy bà mà vỗ về động viên :
– Thôi bà ơi ! Cho con nó yên lòng nhắm mắt ! Nó mất lâu rồi ! Nó ở trên kia chứng kiến thấy bà thế này làm sao nó an lòng mà siêu thoát
Nhưng những lúc ông Kha dở chuyến hàng , nhanh chóng trở về nhà , không thấy bóng dáng vợ mình đâu thì điên cuồng sục sạo hết bờ ngang , bụi dọc . Nhiều khi thấy bà Năm Phước đang vạc bờ vạch bụi , có khi lại ở triền sông xâm xấp hoặc có khi ông thấy vợ mình đang điên cuồng ôm lấy một cái mả hoang mà gào tên con gái ầm ĩ .
Ông Kha sống với vợ mình hết lòng đến thế , cứ hi sinh hết tất cả cho vợ , cho con và quả thực trời không phụ người có tâm .
Sau năm năm săn sóc , bệnh tình bà Năm Phước đã có chiều thuyên giảm. Nụ cười đã trở lại trên gương mặt người đàn bà với nửa đời bất hạnh , làm ông Kha hạnh phúc lắm .
Trưa hôm ấy
– Ông mua giùm con tờ vé số đi ông ! Vé số chiều sổ …..
Ông Kha đang lau vội đám mồ hôi túa ra đầy trên mặt , nghe tiếng người đàn bà bán vé số vọng ra thì giật mình quan sát hết lượt . Ở cái cảng này tầm giữa trưa người thưa thớt lắm , có ai lại mò xuống đây mà bán vé số bao giờ ?
Ông Kha quan sát hết lượt người đàn bà trước mặt . Người đó đội nón mê , tóc rối bù không nhìn rõ mặt, ông Kha thấy lạ vì giữa trời nắng như thế mà người đó lại đi chân trần , đã vậy trên cổ còn quàng tấm vải trắng đã ngả màu ố vàng , trên đó còn lấm tấm vết thâm đen như máu .
Người đàn bà tiếp tục cất giọng ỉ ôi van xin :
– Ông mua giùm con tờ vé số đi ông , nhanh lên con đi không trễ mất giờ ….
Ông Kha thương tình mới rút ra chín chục ngàn đưa vội cho người đàn bà đó rồi cười bảo :
– Đây ! Chị cầm lấy , hôm nay tôi vui nên ủng hộ chị tầm này . Khi nào cuộc sống khá giả tôi sẽ giúp chị nhiều hơn nha ! Này ! Chị cầm lấy đi !
Sau khi nhận xấp vé số còn mới cứng , ông Kha tò mò hỏi :
– Mà chị đi đâu mà hối hả vậy ? Bộ về nấu cơm cho mấy đứa nhỏ sao ?
Người đàn bà đang quay đầu lầm lũi tiến về nơi gốc cây Đa cổ thụ trên bến , nghe tiếng ông Kha hỏi thì chầm chậm quay lại . Ông Kha chau mày nhìn khi cái nón mê từ từ trễ xuống , một giây sau há hốc mồm vì nhận ra đó là Ngọc Trâm – đứa con gái đã mất nhiều năm về trước . Ngọc Trâm đứng đó im lìm mấy giây rồi cất giọng thoát tục :
– Bố ơi ! Con đã trả hết nghiệp kiếp này … sắp đến giờ con đi đầu thai chuyển kiếp rồi . Thôi ! Bố ở lại gắng chăm sóc cho mẹ nhé ! Con chào bố … con đi !
Ông Kha ú ớ rồi kêu thét lên choàng tỉnh . Nhìn quay quắt thì thấy mình đang nằm ngủ trên chiếc xích lô . Ông đưa tay lên trán mường tượng lại tất cả những gì đã qua vừa xảy ra trong giấc mộng rồi tự lẩm bẩm :
– Hình như con bé nó về , nó còn cười với mình mà !!!!
Ông Kha cho rằng bản thân gián tiếp gây ra cái chết cho con bé, nên bao năm nay trong lòng ông hối hận lắm. Đến lúc này , nút thắt trong lòng ông mới được cởi bỏ đôi ba phần . Ông ngửa cổ lên trời rồi thì thầm :
– Con ơi ! Thôi yên lòng an nghỉ con nhé !
Ông cười trong lòng rồi mau chóng ngồi lên chuẩn bị đạp chiếc xích lô về căn nhà ọp ẹp . Ông á khẩu suýt trượt chân khỏi bàn đạp , vì ngay lúc đó , vỏn vẹn trong thùng xe có một chiếc bọc gì còn mới được gói cẩn thận bằng giấy dầu to bản , vẫn còn dính ít đất bùn .
Ông Kha run rẩy mở ra thì thấy bên trong là chín tờ vé số chưa kịp sổ .
Ông Kha hoang mang lắm , nhưng biết con gái đã hiện về và trao tận tay nên cũng vui vẻ xếp lại cẩn trọng trong túi ngực rồi cặm cụi đạp xích lô về nhà .
Thấy chồng mình vui vê huýt sáo , lại thấy ông đặt cái bọc gì lên bàn thờ rồi sì sụp thắp nhang khấn vái thì bà Năm tò mò lắm :
– Ông làm cái gì mà cứ lén lén lút lút thế hử ? Bộ bắt được vàng hay sao ?
Ông Kha không dám kể vì sợ vợ mình xúc động nên chỉ hóm hỉnh cười lớn đáp :
– Bà cứ chờ xem , tôi thắp hương xin các cụ phù hộ cho gia đình mình trúng số đó . Ha ha . Nếu chẳng may trúng thật , tôi đưa bà về quê an dưỡng nhé ! Bộn bề bao nhiêu năm đủ rồi !
Bà Năm Phước giơ cặp mắt đã điểm dấu chân chim lên cười với chồng rồi đáp :
– Sao không xin các cụ cho ông có sức khoẻ đặng còn ở đời ở kiếp với mẹ con tôi !
Ông Kha cười lớn rồi bảo :
– Thì tôi có rời bà ngày nào đâu ? Chỉ sợ bà chê ông già này nghèo khổ mà bỏ đi thôi . Ha ha
Quả nhiên tối đó ông Kha trúng chín tờ độc đắc !
Ông Kha gọi cho thằng con trai lớn lúc này đang làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu có địa bàn tại nội thành Hà Nội . Sau khi hai cha con đi lãnh thưởng về , giữ đúng lời hứa với bà , ông đưa bà về quê an dưỡng . Lại mang một ít tiền cúng dường cho chùa để cứu vớt những mảnh đời bất hạnh , một phần ông cho thằng Kiên lấy vốn làm ăn . Phần còn lại ông để xây cho con Trâm một ngôi mộ đàng hoàng, một căn nhà mới cho bà Năm Phước có chỗ tránh mưa , trú nắng . Hai vợ chồng thay nhau hương lửa cho con bé , cuộc sống cũng gọi là yên ấm lúc về già