Lò bánh Cát Tường vốn chỉ là một cửa hàng nhỏ, lọt thỏm giữa con phố người Hoa này. Nhưng chẳng vì thế mà nó ít người qua lại. Xung quanh tuy còn nhiều cửa hàng bánh nữa nhưng tiệm bánh của ông Vương Lưu Hùng lại là nơi tấp nập người đến đông nhất. Ai cũng mong muốn thưởng thức món bánh bao nổi tiếng của ông, để được cắn ngập răng vào cái nhân đầy ắp thịt, mọng nước nhân hơi mặn mà ngọt hậu ấy.
Lại nói về Vương Lưu Hùng, ông khoảng hơn bốn mươi tuổi, nhưng thân hình săn chắc, vạm vỡ như đám cửu vạn, khác xa hình ảnh người thợ làm bánh mảnh mai, yếu ớt như thường thấy ở mấy tiệm kia.
Ông lại là người quy củ, cứ khoảng gà gáy ba canh là ông lại dậy, đi thẳng vào bếp mà chuẩn bị nhân bánh cho mẻ buổi sáng. Tiếng “cạch cạch” vang lên một lúc thì đến lượt K’Nơ dậy. Anh chuẩn bị nhào bột, rồi cán vỏ. Xong xuôi thì cứ để đấy mà di dọn dẹp hàng quán, còn ông chủ thì tự tay gói nhân và hấp bánh.
Buổi sáng, bao giờ cũng sực nức mùi bánh bao mới, thơm ngát cả vùng. Những chiếc bánh bày ra, một mâm xếp hình chữ bát, mâm còn lại xếp hình bậc thang. Chẳng hiểu ngụ ý là gì, nhưng ông Hùng đã nói vậy thì anh cứ làm theo, chẳng thắc mắc gì cả.
Thậm chí đến tên anh, ông chủ cũng bảo không hợp. Người ở đây vốn không mấy thiện cảm với người đồng bào, nên ông chủ cho anh cái tên Khương Dật. Anh thấy cũng hay nên đón nhận. Bây giờ, ai đến cũng gọi anh là Tiểu Khương, thằng Khương chẳng ai biết cái tên từ khi cha sinh mẹ đẻ là K’Nơ của anh nữa.
Mọi chuyện cứ thế ngày qua ngày, cho đến một hôm nọ…
Vốn lò bánh là nơi có nhiều vật ngon, lại dậy mùi gia vị nên cũng lắm chuột. Ban đầu ông Hùng cũng định nuôi mèo, nhưng lại nghĩ “chó treo, mèo đậy”là việc không nên với nhà làm việc buôn bán, nên lại thôi. Vì thế ông phải thường xuyên tìm cách đuổi lũ chuột đi, bây giờ có thêm K’Nơ nên việc ấy cũng đỡ phần nào. Nhưng lũ chuột nào có chịu tha, chúng hết phá trong gian bếp, lại liều lĩnh leo lên cả giường mà nằm, đôi lúc phân chuột hòa cùng lông tơ của chúng thành thứ bầy nhầy, bẩn thỉu không kể xiết.
Hôm ấy, K’Nơ đang ngủ say thì bỗng có tiếng động nào đó sột soạt. Ban đầu, anh nghĩ là lũ chuột lại phá phách, phần vì đang mệt nên để cho qua, đến khi tiếng động càng lớn thì anh bực bội bật dậy, tính tìm lũ chuột ấy tính sổ.
Quái lạ thay, tiếng động không ai nhắc mà ngưng, không gian lại trở nên yên tĩnh lạ lùng. Cảm thấy chột dạ, nhưng ở chốn rừng thiêng nước độc đã lâu, anh cũng gan mà nhẹ bước xuống giường. Anh suýt thét lên thành tiếng khi chân anh như dẫm phải vật gì đó, tựa hồ như da thịt người nhưng lạnh ngắt. Anh điếng hồn thụt chân lên rồi lén nhìn xuống.
Anh cảm thấy vừa buồn cười, vừa điên tiết. Hóa ra vật anh dẫm phải là con chuột to đùng nằm chết phía dưới tự bao giờ. Lấy cái bao giấy đặt cạnh đầu giường, anh định gói con chuột vứt đi thì bỗng anh cứng đờ cả người ra khi nhìn thấy phía dưới có gì đó chuyển động.
Con chuột đã chết dưới kia, từ từ co người lại rồi cựa quậy, càng lúc càng điên cuồng hơn. Nó lật mình, nhón dậy bằng bốn chân đầy lông lá, đôi mắt như có lửa, sáng rực trong đêm tối khuya khoắt. Nó cứ thế tiến dần lại anh, nhưng được một đoạn thì dừng lại. Miệng nó há to, lộ mấy cái răng nhọn hoắt. Từ trong đó, một thứ gì trắng nhờn chui ra.
Những ngón tay người!
Những ngón tay dài ngoẳng, bám vào miệng con chuột mà chui ra. Dần dần, cả một cánh tay chui ra khỏi miệng con chuột. Con chuột giờ như miếng giẻ nhùi rách nát, chỉ còn bộ da, còn cánh tay thì đến khúc khủy, phía dưới nham nhở thịt vụn chuyển động bò bò như con nhện tiến về gần anh.
Nó leo lên chân, rồi đến đầu gối. Khúc khủy tựa vào hạ bộ, cánh tay đưa lên trước mặt anh. Còn anh thì vẫn cứng đờ người, miệng cứng ngắc không cử động nổi. Cánh tay bỗng dừng lại, những ngón tay co lại chĩa một ngón ra như ra hiệu anh nhìn về phía cánh cửa sổ.
Ngoài ấy, một đầu người thò vào, trắng nhờ, đôi mắt chỉ còn là lòng đen…
Anh hét lên rồi bật dậy. Chợt nhận ra mình còn nằm trên giường, lưng ướt đẫm mồ hôi.
“Mẹ kiếp! Một giấc mơ quái dị!”. Anh thầm rủa trong miệng.
Nhưng ngoài kia, tại cánh cửa sổ ấy, rõ ràng cái đầu vẫn nhìn anh! Đó không còn là giấc mơ nữa! Từ khoảng trống từ chỗ lẽ ra là miệng bắt đầu nứt ra, rộng tận mang tai thành nụ cười quái đản. Lại có vẻ như có gì cử động phía trong ấy, nhìn kỹ thì là mấy cái đuôi chuột ngoe nguẫy ra ngoài, tựa hồ như ngậm một mớ tóc trong miệng.
Nuốt nước bọt nghẹn lại nơi cuống cổ, K’Nơ cố sức cử động thân mình. Có vẻ như có kết quả, tay anh dần nhịp được vài ngón, chân cũng không còn tê cứng như trước. Phía ngoài, cái đầu bỗng nhiên biến mất như cách nó xuất hiện.
Nhưng ngoài kia, chắc gì thứ đó đã đi mất?
Cố cử động đôi môi, K’Nơ thét lớn:
“Ông chủ!!! Cứu con!!!”
Lần này thì những tiếng “cạch cạch” giống như tiếng lúc ông Hùng thường làm nhân bánh vang lên, rõ mồn một. Bẵng đi một lúc, tiếng động ấy ngừng lại, một lúc sau lại nghe tiếng sột soạt mỗi lúc một gần.
K’Nơ gần như cảm thấy mình được sinh ra lần thứ hai khi cái đầu của ông Hùng ló vào, vẻ ngạc nhiên khi thấy anh ngồi cứng đờ trên giường, không chút động đậy.
Quả thật lúc ấy, dù có cố thì K’Nơ cũng không thể “vãi” ra quần được. Anh có còn cảm giác gì đâu!
***
Chuyện lần ấy, K’Nơ chẳng dám kể lại cho ông chủ nghe. Phần vì anh sợ ông không tin, phần khác thì lại sợ nói ra lại phạm oán, vong theo không dứt. Nhưng ấm ức mãi, sợ hãi mãi cũng không được, anh đành đến bà đồng cách đó vài căn, dằn túi ra vài đồng mà xin bà đến trừ ma. Nhận tiền của anh, bà đồng gật đầu, lại chọn ngày ông Hùng đi vắng một đêm mà tới.
Bà đồng bày biện đủ thứ lễ lên cái bàn tre trong phòng K’Nơ, lại thắp vài nén nhang, trùm khăn đỏ kín đầu mà bắt đầu khấn:
“Con lạy Ngọc Hoàng trên cao, sinh lạy tam tiên tả hữu.
Nay hộ gia có điều phiền nhiễu, ma quỷ trấn ương.
Vì lẽ dị thường, khẩn sinh môn hạ quyết.
Bích họa trương đã lưu hoàng biểu.
Xin quang dạ chiếu linh tỏ tường.”
Khấn xong, lại cầm gương bát quái mà soi xung quanh. Bỗng cái khăn trùm như bị ai đó nắm lấy, giật ra mà kéo tụt qua phía cửa chính đã mở sẵn trước đó. Bà đồng đặt cái gương ấy hướng ra cửa, đoạn quay lại nói với K’Nơ:
“Ma quỷ đã hiện. Nay nó nghĩ cậu còn thức nên không đến làm càn. Cậu lên giường, nhắm mắt lại giả vờ ngủ. Mọi chuyện có gì cũng không được mở ra mà phải chờ gà gáy đủ tứ canh mới được thức giấc!”
K’Nơ vội làm theo, anh nằm trên giường, tự dưng thấy lạnh sống lưng. Lại trùm chăn kín cả người, mắt nhắm nghiền như đang ngủ, chỉ nghe tiếng bà đồng cứ liên tục khấn bằng thứ tiếng gì đó mà anh chẳng hiểu. Chỉ được một lúc, K’Nơ tự thấy người rệu rã, tinh thần chẳng còn tỉnh táo. Bất giác anh ngủ lúc nào không hay.
Có lẽ đã ngủ được một lúc, K’Nơ quên mất bây giờ là khi nào. Lắng nghe thì thấy tiếng khấn đã dứt, mùi hương cũng đã phai. Nghĩ là đã sáng, bà đồng đã làm xong việc mà về nên anh ngồi dậy, mở cái chăn nóng bức ra mà nhìn ngó. Lần này, anh thấy như có gì đó chạy dọc từ mang tai đến tận xương cụt. Đó là vì ngoài kia, phía cửa sổ đang mở là tiếng chim cú từ đâu vọng tới, lại thấy rõ con cú đang đậu trước bậu cửa, có nghĩa là vẫn chưa quá nửa đêm. Tuy vậy, anh cố nhìn quanh, chợt nhận ra chẳng có ai. Cái bàn lễ kia cứ như ai đó vô ý đi qua, dẫm nát cả bánh trái trên dĩa. Anh cất tiếng gọi cho đỡ sợ.
“Bà đồng!! Còn ở đây không!! Đừng dọa tôi!!”
Nhưng chẳng có ai trả lời.
Nuốt nước bọt, anh nằm xuống, tính trùm chăn lại cho bớt hãi hùng. Nhưng anh đã nhầm, khi chỉ vừa nằm xuống chưa kịp trùm chăn lên, anh đã gần như bật ra khỏi giường, bò lê trên sàn mà ú ớ trong họng.
“M….ma… c.. cứu…”
Cái anh nhìn thấy khi đặt lưng xuống giường là bà đồng đang quắp cả tứ chi nghều ngào một cách kì dị như con nhện, đong đưa ngay ở trần nhà phía trên giường anh. Mái tóc xõa dài, mắt lồi cả hai con ngươi, nhưng khiếp đảm hơn là cái lưỡi dài như của thằn lằn, đỏ lòm lè xuống ngay trước mũi anh.
Nhưng bà đồng, hay đúng hơn là thứ quái đản trông giống như bà đồng ấy chẳng đuổi theo. Nó bò từ từ trên trần nhà, bò xuống vách tường rồi leo thẳng ra cửa sổ. Khi ra đến vườn, thứ đó vừa bò ngửa, vừa bẻ từng đoạn tứ chi của mình mà nhai rau ráu rồi đi ra đường lộ.
Chẳng ai rõ đó là thứ gì, chỉ biết vài ngày sau, người xung quanh kháo nhau bà đồng duy nhất ở khu này, đi đứng thế nào mà bị xe tải tông phải, thân thể dập bẹp chẳng toàn thây. Nhưng điều lạ nhất là chẳng ai rõ chân tay bà này bị thứ gì cuốn đi hay súc vật tha mất mà tìm mãi không thấy.
***
Cực chẳng đã, K’Nơ đành kể lại câu chuyện trên cho ông Hùng nghe, tất nhiên là trừ chuyện anh mời bà đồng đến để rồi chết thảm. Ông chủ nghe xong câu chuyện chỉ mắng hai tiếng “Hàm hồ!” rồi quay đi, chẳng chịu nghe K’Nơ giải thích. Nhưng từ sau lần ấy, ông có vẻ là lạ. Mỗi buổi sáng, ông dành ra chút thời gian, đến cái giếng trong vườn mà thắp vài nén hương, vẻ thành tâm xen chút đau khổ.
Tất nhiên việc ấy chẳng qua mắt K’Nơ được. Đôi lúc anh cũng lén ra nhưng bị ông chủ phát hiện và mắng té tát, cấm anh không được bén mảng đến nơi ấy. Vậy là ngoài gian bếp nơi ông chủ làm nhân, anh lại bị cấm đến cái giếng trong vườn.
Nói về cái gian bếp ấy, khi lần đầu làm ở đây, ông chủ cấm anh không được đến gian bếp khi ông đang làm việc. Hỏi ra thì ông bảo đó là truyền thống gia đình, không thể để người ngoài vào được. Cho là phải, chẳng bao giờ K’Nơ đến nơi ấy. Anh thật thà như cái chất đồng bào của mình.
Nhưng mọi chuyện chẳng đơn giản đến thế…
Tháng 7 đến, là ngày quỷ môn quan khai mở, cho cô hồn oán linh được lên nhân gian đặng mà thăm lại thân nhân. Ngày ấy, đến cái lá khô rơi dọc đường cũng mang vẻ ảm đạm, chưa nói đến cái vườn như đã lâu không ai đến, càng cô tịch, kinh hãi đến ớn lạnh người. Ai ai cũng chuẩn bị lễ để xá tội vong nhân, người đi nườm nượp hàng đêm, có vẻ dương khí cao hơn thường lệ. Nhưng xen lẫn trong đó, ai cũng cảm nhận thấy âm khí nặng nề, nhất là người già khi họ than tiết trời có vẻ như lạnh lẽo hơn thường nhật.
Ấy vậy mà chẳng hiểu sao, ông chủ lại bắt K’Nơ kê cái giường của anh lại gần cửa sổ hướng ra vườn. Ông nói rằng ngày này, cô hồn “âm” thì không sợ, chỉ sợ lũ cô hồn “dương” nhân cơ hội mà lẻn vào làm chuyện thị phi. Thân người ở, K’Nơ phải canh cái lò bánh xập xệ này cũng là phải đạo.
Chẳng chối từ được, K’Nơ đành phải nghe theo. Cố nhiên đến đêm thì anh chẳng tài nào ngủ nổi. Lâu lâu lại nghe tiếng pháo tiểu đì đùng lại giúp anh bớt sợ đi đôi chút, cơ mà sao lại có tiếng pháo?