Mấy đêm liền Tâm đều mơ thấy thế nên trong bữa cơm chung, cô mang ra làm đề tài bàn tán:
— Mẹ ạ, mấy hôm nay con cứ mơ có đứa bé trai chui vào lòng con nằm. Con đẩy nó đi nhưng nhìn mặt nó sợ lắm.
Mẹ chồng cô vỗ đùi đen đét:
— Điềm may rồi, sinh nữa thì lại là con trai.
— Mà sao mẹ biết ạ, tại nhìn mặt nó kiểu hờn dỗi sợ lắm.
— Ngày xưa mẹ cũng mơ thế rồi sinh ra thằng Dương này. Tiếc hai đứa không sinh được nữa.
Nhắc đến việc sinh nở, Tâm lại im lặng ăn cơm. Dương gắp cho hai đứa con miếng thịt vào chén rồi phân trần:
— Mơ thì là mơ thế thôi, ai lại không gặp ác mộng. Chắc vài hôm không sao đâu.
— Vâng, em cũng mong như thế.
[…]
Dạo này thời tiết không chuyển mùa, thằng cún cũng không ốm nhưng cứ đúng 12 giờ đêm là nó lại phá lên khóc. Khóc nức nở giống như ai đánh, ai nhéo, khóc đến tím tái hết thịt da. Tâm xót con lắm nên cứ ẵm bồng trên tay vỗ về:
— Cún ngoan… ngoan mẹ thương, mẹ yêu…
Mẹ chồng cô cũng xót thằng cháu đích tôn, mang cả tỏi cả dao để trên đầu giường mong xua đuổi những điều xấu xa. Nhưng thằng cún khóc là vẫn cứ khóc, khóc đến hơn cả tiếng thì tự nhiên im bặt không khóc nữa. Ngoan ngoãn nằm trong vòng tay mẹ ngủ ngon lành, con cứ khóc đêm nên nhà ai cũng mệt mỏi hẳn.
Thấy cháu cứ khóc nên mẹ chồng cô nghe ai chỉ đi chùa xin bùa đeo trong người cháu. Nên sáng ra bà đã theo mấy bà bạn đi chùa, đến trưa về thì cầm theo sợi dây ngũ sắc, trong dây có một đồng xu. Mẹ chồng cô đeo vội lên cổ cho thằng cháu đích tôn, rồi nói:
— Cái chùa này linh lắm, mẹ xin lúc lâu mới cho đấy.
— Vâng, con cũng mong thế. Sợ lúc mình ẵm đi đường họ quở mẹ ạ.
— Chắc cũng mấy bà Lan, bà Nga chứ ai. Cứ thấy nó là nói bụ bẫm, nói dễ thương. Phủi phui cái mồm của bà ấy đi.
— Mẹ trông thằng cún hộ con, con đi chợ mua đồ làm mai bán mẹ ạ.
— Ừ để đấy mẹ, lo việc của con đi.
— Vâng ạ.
Tâm lấy đồ mang vào rồi lấy chìa khoá xe để ra chợ, để hai bà cháu thằng cún ở trong phòng mình chơi. Khi ra ngoài, ánh mắt Tâm vô tình liếc qua chỗ giỏ đựng đồ chơi trong góc, Tâm thấy có đứa bé đang ngồi đấy đẩy chiếc xe đồ chơi qua lại. Cô đưa tay dụi mắt rồi nhìn kỹ lại, khẽ thở dài rồi lẩm bẩm:
— Chắc do mấy hôm nay mình mệt quá nên chóng mặt nhìn loạn linh tinh.
Không nghĩ nữa, Tâm chỉ tập trung vào việc lấy xe đi chợ. Nhưng thật sự lúc này trong giỏ đồ chơi vong nhi ngồi đó đẩy xe qua lại chơi thật, vừa chơi vừa cười:
— he..he… ù ù…
Chơi chán một lúc sau vong nhi mới đi vào phòng, leo lên giường thấy bà nội đang ẵm em cún ngủ. Vừa hát vừa vỗ mông em cún, vong nhi nhìn thích lắm, nó cũng muốn được bà nội thương. Nó cũng muốn được như em cún, ai cũng ẵm bồng, tự dưng trong lòng nó trỗi lên sự ganh ghét. Mẹ nó từng nói với nó, bà nội không thương nó nên mẹ nó mới bỏ nó đi. Nó ghét bà nội lắm, nọ hận bà nội lắm, khuôn mặt trẻ thơ non nớt của nó hiện lên sự giận dữ, đôi mắt nó long lên những tia giận thật đáng sợ. Nó đi lại phía đầu giường bà nội nằm, lấy tay đánh vào đầu bà lấy chân đá vào đầu bà. Vừa đánh, miệng vừa đay nghiến căm hờn:
— Ghét… bà… ghét…bà… này…
Trẻ con dù là còn sống hay là vong nhi thì nó cũng như tờ giấy trắng. Nếu được nghe những điều tốt điều hay thì nó cũng ngoan ngoãn lắm, nhưng nếu nghe thấy những điều tệ hại thì tâm nó cũng đen tối đi. Mà đằng này, trong một thời gian dài như thế vong nhi đã nghe được biết bao nhiêu lời đen tối từ đám bạn đám anh chị như nó. Nó không hề nghe được một lời yêu thương nuông chiều nào từ ông bà ngoại hay gia đình nó. Nó còn bé lắm, nên nó cũng biết ganh ghét, biết giỗi hờn. Khi oán hận trong thời gian dài kết tụ lại sẽ thành năng lượng lớn cho nó thực hiện những điều nó muốn.
Bà nội của nó tự nhiên thấy đầu đau quá, cố gắng cho thằng cún ngủ xong thì ra ngoài lấy thuốc đau đầu uống. Khi thằng cún ngủ ngon, bà nội nó nhẹ nhàng đứng lên đi ra.
Rầm…
Bà nội nó té sóng soài trên nền, chân va vào nền đau buốt dữ dội. Bà cố gắng ngồi dậy xem đã vướn phải cái gì, nhưng không có. Khuôn mặt nhăn nhó vì vừa đau đầu, lại bị đụng đau nên bà nội nó cố gắng vịn vào tường ngồi dậy. Đi vào phòng riêng lấy thuốc uống, lấy cả dầu xoa cho bớt đau. Bà nội nó vào phòng rồi, vong nhi đứng đó nhảy nhót cười đùa:
— Ha..ha… đáng… đời….
[…]
Nay thấy mẹ cứ mệt mệt nên Dương lo lắng hỏi:
— Mẹ dạo này sao con thấy mẹ có vẻ không được khoẻ vậy ạ?
— Mẹ cũng không rõ, tự dưng thấy đau đầu, đau vai kinh khủng luôn. Uống thuốc mà nó không hết.
— Vậy để chiều con xin nghĩ đưa mẹ đi khám xem sao?
— Ừ, vậy cũng được.
Đến chiều lại Dương đưa mẹ anh đến viện khám, sau khi làm những xét nghiệm cần thiết thì kết quả bác sĩ đưa ra là:
— Bà khoẻ lắm, không có bệnh gì hết. Để tôi cho ít thuốc bổ về nhà mà uống.
Mẹ Dương cãi lại:
— Không là không thế nào được, tôi cứ đau đầu suốt, cứ đến chiều tối là đau như ai đánh ấy.
Bác sĩ liền đưa tờ giấy có các kết quả xét nghiệm ra cho mẹ con Dương xem:
— Thì bà xem đây. Với tuổi của bà thì kết quả này là cực kỳ tốt luôn ấy.
Dương cũng lo lắng cho mẹ nên nói với mẹ:
— Hay mẹ nhập viện ít hôm cho khoẻ rồi hẳn về. Chứ cứ đau thế này thì không tốt đâu mẹ. Mình có bảo hiểm y tế nên mẹ không phải lo nhé.
— Ừ, chắc thế. Mà mẹ ở viện thế này ai lo cho thằng cún, rồi làm sao con Tâm nó buôn bán gì được.
— Không sao đâu mẹ, nghĩ ít hôm không chết. Dương chăm thằng cún được, hai đứa lớn con tự đưa đi học tự đón được mà.
Lưỡng lự thêm một chút mẹ anh mới chịu nhập viện, cái bà lo là lo cho thằng cún yêu mà thôi:
— Ừ, vậy cũng được.
Dương liền xin bác sĩ:
— Bác cho mẹ em được nhập viện điều trị, chứ cứ đau thế mà không có bệnh gì thì lạ quá ạ. Em thấy mẹ em ốm hẳn.
— Vậy tuỳ người nhà nhé, để tôi làm thủ tục cho bà nhập viện.
— Vâng, cảm ơn bác sĩ.
Khi được nhập viện, Dương liền báo cho các em biết mà thay nhau chăm sóc mẹ. Bởi ai cũng có gia đình nên không thể phó thác cho ai một mình được hết.
[…]
Mẹ chồng đi viện Dương cũng chỉ chăm mỗi thằng cún, nhưng chăm con nít thì không thể nhàn được. Giờ thì thời gian Tâm dành cho thằng cún nhiều hơn, nhưng cô đâu có thấy được vong nhi đứng gần đó. Nó cứ đứng nhìn với ánh mắt đầy ganh tỵ, đôi lúc nó tức lắm nó bu lại kéo tay mẹ nó khỏi em nó:
— Mẹ ẵm con này… mẹ thương con này… mẹ đừng thương em nữa… con ghét em… ghét em lắm….huhu…
Làm sao mà nó không ganh tỵ cho được, trong khi nó rách rưới lạnh lẽo. Thậm chí đói nó phải đi bới rác ăn, hoặc đi dành giật đồ ăn với các vong khác, nhưng nó bé lắm làm sao giật lại được. Nó là vong nhi nhưng nó cũng thèm được mẹ ẵm bồng chăm bẵm lắm. Một đứa được thương yêu hôn hít, một đứa thì còn không biết đến sự tồn tại của nó. Vậy biểu sao mà nó không ganh ghét, không ghen tỵ cho được.
Mẹ chồng cô ở viện hai hôm lại thấy người khoẻ hẳn ra, không còn đau bệnh gì nữa nên lật đật xin bác sĩ về. Vừa về đến nhà không kịp nghĩ ngơi liền lao vào ôm ấp thằng cún ngay:
— Ôi thằng chó con của bà, bà nhớ nó quá đi thôi. Bà thơm cái nào…
Nói rồi mẹ chồng cô hôn lấy hôn để thằng cún, thấy mẹ chồng khoẻ Tâm cũng mừng lắm. Cô trêu bà:
— Gớm, bà nội đi đâu cũng nhớ mỗi thằng chó con này thôi.
— Chứ còn phải nói nữa.
Nhưng về được vài hôm mẹ chồng cô lại bệnh cũ tái phát, chồng cô lại cho bà đi viện lần nữa. Không biết năm nay phải năm hạn của bà không mà bà cứ đau ốm mãi thôi.
Tối hôm ấy, Dương cho đứa con gái thứ và thằng cún ra công viên gần nhà chơi. Bé lớn không đi vì chỉ thích ở nhà xem tivi, bé thứ hai tên Quỳnh, tên của một loài hoa nở muộn. Vừa ra đến nơi thì con bé chạy tót lại chỗ bập bênh mà chơi, ở đó cũng có vài bạn nữa. Nhưng Quỳnh lại chơi bập bênh một mình thôi, còn vợ chồng Dương thì ở gần đó cho thằng cún chạy nhảy, nhưng mắt vẫn để ý đến bé Quỳnh. Chơi đâu được lúc lâu Tâm gọi lớn:
— Quỳnh ơi, về thôi con.
— Vâng ạ.
Quỳnh ngưng bập bênh lại nói với ai đó ở phía bập bênh bên kia:
— Mình về thôi em….
Sau đó Quỳnh vui vẻ chạy lại chỗ bố mẹ và em cún. Tâm vuốt ve đầu con rồi ngạc nhiên hỏi:
— Sao con không chơi với mấy bạn, nãy giờ mẹ chỉ thấy con chơi có một mình.
— Đâu có, con chơi với em mà.
— Em nào? Từ đầu đến cuối mẹ chỉ thấy con chơi có một mình mà.
Nói rồi Quỳnh nhìn ngó xung quanh như tìm kiếm gì đấy, mà không thấy nên mới trả lời mẹ:
— Ơ, nãy em còn đứng đây, chắc em chạy về nhà trước rồi.
Vợ chồng Tâm mới hoang mang cực độ, cô ngồi quỳ xuống cho ngang bằng con rồi nhíu mày hỏi:
— Ai vậy con, nó là con nhà ai, sao mẹ không biết?
— Em ấy nói là em của con, em ấy là con trai và tên em ấy là Bé Đỏ.
Vợ chồng Tâm điếng người, sống lưng lạnh toát, da gà da vịt dựng lên lớp lớp, ớn lạnh. Nghĩ con mình chắc bị quở mất rồi, Tâm liền nắm tay con gái rồi cả nhà bọn họ cùng đi về. Quỳnh cứ quay lưng kiểm tra xem em ấy về chưa rồi đưa tay chào tạm biệt, vì thấy em ấy còn chơi ở đó:
— Chị về trước nhé.
Biểu hiện đó lại càng làm cho vợ chồng Dương sợ hơn nữa. Những bước đi cũng trở nên vội vã hơn nhiều. Bọn họ đi rồi, bập bênh không có người nhưng lại khẽ chuyển động.
Đêm hôm đó, Tâm cứ thấy lo lắng nên không thể nào mà ngủ được. Cứ trằn trọc mãi không yên, thấy vợ như đang lo lắng điều gì nên Dương quan tâm:
— Sao vậy em, ngủ không được à?
— Em lo cho con Quỳnh nhà mình quá anh ạ. Tự dưng nó lại nói những điều kỳ lạ quá.
— Chắc con nít nó xem tivi nhiều nên tưởng tượng ra chứ gì. Không sao đâu em, đừng lo lắng ngủ đi.
— Em cũng mong là vậy.
Xong họ lại phần ai nấy ngủ vì ngày mai họ phải làm công việc của mình. Bọn họ sống trong chăn ấm nêm êm nhưng đâu hề hay biết. Ngoài đường kia có vong nhi nhỏ bé, ăn mặc rách rưới đang đi bới bãi rác để kiếm đồ ăn. Bởi hôm nay không ai cúng gì nên nó không có được đồ ăn mới. Vong nhi ấy nhặt được một cái bánh cũ rồi ngồi xuống bênh cạnh bãi rác để ăn. Nhìn nó xanh xao, lem luốc đến tội nghiệp, vừa ăn vừa khóc ai oán:
— Mẹ.. ơi… con… đói… con… lạnh… quá… mẹ ơi… huhu…
Nó giờ chỉ về nhà ‘’mẹ’’, chứ không về ‘’nhà’’ nó ở ông bà ngoại nữa. ‘’Nhà’’ ở đó cũng lạnh lẽo u tối lắm, nó không thích đâu.