Đó là cuối mùa ôn thi năm lớp chín. Tôi nhìn như con ma. Tay chân tôi tong teo, bụng lép xẹp, hai mắt thâm quần nên nhìn tưởng chừng nó bị hốc sâu vào trong như cái sọ người đã chết lâu năm. Tôi có kết quả như vậy là do những ngày học hành triền miên cực lực. Sáng tôi thức dậy từ lúc trời còn tờ mờ, tối thì ngủ gục trên bàn học cho tới khi mẹ tôi phát hiện phải lay gọi tôi vào giường ngủ. Mỗi lần như vậy, mẹ lại nhìn tôi bằng đôi mắt lo lắng, bà thở dài nói:
-Mẹ biết là kỳ thi này nó quan trọng, nhưng có cần con phải bán mạng học như vậy không hả ? Mọi lần mẹ nhớ bây đâu có chăm chỉ dữ vậy đâu Tùng?
Tôi nghe rõ từng câu mẹ mình nói, nhưng vì quá mệt mỏi mà lờ ngủ đi như không nghe thấy gì.
Mẹ tôi nói đúng, tôi cũng chẳng phải là người giỏi giang chăm chỉ học hành gì, nhưng nói thế không có nghĩa là tôi đứng thứ hạng kém ở trong lớp. Lớp có bốn mươi ba đứa thì tôi xếp hạng thứ 12 từ trên đếm xuống. Thằng Bình ‘’Xoăn’’ đứng thứ 11, nói thật trước giờ tôi không quan tâm mấy tới chuyện thằng Bình ‘’Xoăn’’ nó trên tôi một bậc trong lớp, cho tới khi cách đây gần tháng, tôi vô tình nghe được cuộc trò của nó và thằng bạn ngồi cùng bàn. Tôi không rõ đoạn đầu của cuộc trò truyện kia là gì, nhưng khi vô tình đi từ sau tới thì đã nghe được đoạn mấu chốt mà thằng Bình Xoăn nói bằng cái giọng hồ hởi. ‘’Đợt thi này tao sẽ cố leo lên nằm trong top 10 của lớp mình, lúc đó Diễm Phương sẽ đồng ý hẹn hò với tao’’. Nghe thằng Bình Xoăn nói mà tai tôi muốn ù lại. Đúng thật là nó và Diễm Phương gần đây khá thân với nhau, nhưng tới độ Diễm Phương ra kèo‘’Hẹn Hò’’ với nó qua kỳ thi cuối kỳ này thì quả thật là điều tôi không ngờ thể nào ngờ tới. Tôi vẫn nhớ lúc mà nghe thằng Bình Xoăn nói vậy, tôi cảm tưởng trái tim mình như vừa bị ai đó vun dao chém cho một nhát đứt ra làm đôi.
Diễm Phương không chỉ là bạn học từ nhỏ, mà còn là hàng xóm của tôi suốt nhiều năm qua trong khu phố. Ba nó mất sớm, nó ở cùng với mẹ trong một căn nhà khá cũ ở ngay gần đầu hẻm cách nhà tôi không quá trăm mét. Mẹ của nó lấy nghề bán hủ tiếu làm kế sinh nhai trang trãi cuộc sống cũng như nuôi nó ăn học. Ngay từ khi còn chút xíu, tôi đã hay được ba mình dẫn ra quán nó ăn sáng rồi. Nói thật hồi đó tôi ghét Diễm Phương dữ lắm, tại nó lanh lợi hơn tôi mặc dù tôi và nó bằng tuổi và học cùng tiểu học. Mà chuyện nó lanh lợi hơn tôi cũng không ghét mấy bằng cái chuyện mỗi khi tôi cùng ba mình tới quán nó ăn, tới đoạn tôi ăn chậm bị ma mắng thì nó đứng ở chỗ xe bán hủ tiếu cười châm chọc, rồi khi tới lớp nó lại lôi chuyện đó ra nói lớn cho mấy đứa khác nghe ‘’Lêu lêu, bạn Tùng lớn rồi còn bị ba mắng vì ăn chậm’’. Mỗi lần như vậy, tôi tức đến đỏ cả tai, nhưng cũng chẳng biết làm gì nó. Rồi đành hậm hực chạy một mạch tìm cô giáo… Để méc cô chuyện nó chọc tôi.
~~~
Nhưng tôi chỉ ghét Diễm Phương lúc còn nhỏ thôi, lớn thì khác. Càng lớn thì Diễm Phương nó càng ra dáng con gái, thùy mị nhưng không thiếu phần cần cù giỏi dắn. Đương nhiên là nó cũng chẳng còn trêu ghẹo tôi như lúc nhỏ, chắc là vì nó không còn thấy tôi bị ba mắng vì ăn sáng chậm làm trễ giờ làm của ông.
Nó ít trêu tôi, khiến cho tôi và nó ở trường cũng ngày càng thân thiết hơn.
Đều như vách tranh, sáng nào tôi cũng tới quán nó ăn sáng rồi mới đi học. Mỗi lúc như vậy, tôi ngồi ở cái bàn cuối góc tường, nhìn Diễm Phương loay hoay phụ mẹ nó dọn dẹp bưng bê mà không hiểu sao tôi chẳng thể nào rời mắt khỏi nó được. Diễm Phương nó có khuôn mặt giống mẹ nó, sắc nét và phúc hậu. Kèm theo đó là mái tóc dài qua vai cùng nụ cười tỏa sáng khiến tôi luôn liên tưởng tới những cô tiên trong phim cổ trang mà mình đã từng xem trên vô tuyến. Có mấy hôm tôi mãi mê nhìn ‘’cô tiên’’ của mình mà quên cả phần hủ tiếu đã dần nguội lạnh, đến khi đã gần tới giờ học, Diễm Phương mới đi tới chỗ tôi rồi nói bằng giọng thúc giục.
-Trời đất ơi, gần bảy giờ rồi mà tô hủ tiếu còn y nguyên vậy Tùng ? Ông tính không đi học à ?
~~
Đương nhiên tôi không chỉ tới chỗ Diễm Phương đơn thuần là ăn sáng. Mà còn là tiện chở nó đi học luôn, tụi tôi học chung trường từ bé tới giờ mà. Ngày qua ngày cứ thế trôi đi, Diễm Phương nó ngồi sau chiếc martin của tôi qua nẻo đường quen thuộc đến trường, khoảng thời gian đó thật đẹp biết mấy. Có lắm lúc tôi ước cho thời gian cứ mãi lập lại như vậy luôn cũng được. Mọi chuyện đáng lẽ đã rất êm đềm, cho tới khi thằng Bình ‘’Xoăn’’ chuyển vào học cùng bọn tôi vào đầu năm lớp chín.
Thằng Bình ‘’Xoăn’’ này từ tóc tai cho tới lối ăn bận đều bắt chước theo mấy ông ca sĩ Hàn Quốc, cộng vẻ mặt sáng láng và trình độ học tập ổn khiến cho tụi con gái trong lớp đứa nào cũng không giấu được sự ngưỡng mộ thích thú. Và đương nhiên Diễm Phương cũng không phải là ngoại lệ.
Từ lúc thằng Bình ‘’Xoăn’’ nó chuyển vào lớp chúng tôi, Diễm Phương cũng bắt đầu dần xa cách tôi rồi qua chơi với thằng Bình ấy nhiều hơn. Điều này khiến cho tôi thấy cả năm lớp chín là một năm tồi tệ, đương nhiên là với tâm trạng của tôi. Và đỉnh điểm của chuyện này đó chính là hôm tôi vô tình nghe được cuộc đối thoại của thằng Bình ‘’Xoăn’’ và bạn nó.
Vậy nên tôi cũng muốn lọt vào trong top 10 học sinh giỏi của lớp. Tôi không biết là điều này có khiến cho Diễm Phương để ý lại tôi hay không. Nhưng chí ít ra tôi cũng không cảm thấy thua kém thằng Bình ‘’Xoăn’’ về mặt nào đó. Và quan trọng hơn là khi tôi vào được top 10 rồi, thì con đường vào top của thằng Bình cũng sẽ trở nên hẹp hơn, dẫu chỉ là một chút.
~~~
Nhưng đấy là do tôi tính thôi, kiểu gì thì cũng không có bằng trời tính.
Kỳ thi cuối kỳ kết thúc, công bố kết quả thì thằng Bình ‘’Xoăn’’ lọt hẳn vào top 4 của lớp. Còn tôi tôi thì cũng lên, mà lên vỏn vẹn đúng có một bậc. Cay đắng hơn là tôi đang đứng cái vị trí của thằng Bình đã bỏ lại, hạng thứ 11. Tôi vẫn nhớ cái ngày công bố kết quả, khi nghe bản thân lọt vào top 4. Thằng quỷ Bình ‘’Xoăn’’ thay vì đứng lên vui mừng, thì nó lại ngay lập tức quay sang Diễm Phương nhìn rồi mỉm cười vui sướng.
Phải chi lúc đó Diễm Phương nó làm lơ thằng Bình ‘’Xoăn’’ thì hay biết mấy. Nhưng không, trái tim tôi như co thắc lại khi thấy Diễm Phương cũng cười với nó, một nụ cười thẹn thùng mà tôi chẳng dám nhìn lâu.
Vậy là xong, cơ thể tong teo của tôi lại càng còm nhom hơn thêm những ngày sau đó. Tôi ăn gì cũng không thấy ngon, nên chẳng buồn ăn nữa. Chỉ biết ngủ li bì trên giường mặc kệ thời gian bên ngoài đang trôi qua lửng lờ theo những tia nắng ôi bức của đầu hè ôi ả. Có hôm tôi đi tắm cởi trần rồi nhìn vào gương. Thấy hình ảnh phản chiếu trong gương mà chốc nữa đã không còn nhận ra mình rồi. Tôi nghĩ, nếu bây giờ mà tôi đi cạo đầu để tóc lỏm chỏm, bận chiếc áo thun 3 lỗ của ba mình, ngồi ở cây cột điện đầu hẻm ngáp dài ngáp dắn, thì ngay lập tức trên phường sẻ xuống bế tôi đi vì nghĩ tôi là một con nghiện ở tuổi vị thành niên.
Thấy tôi như vậy thì ba mẹ tôi cũng hoảng hồn thốt vía, tức tốc đưa tôi đi khám. Nhưng bác dù sĩ có giỏi đến đâu đi nữa cũng không thể nào khám ra được ‘’bệnh tương tư’’ trong lòng tôi. Người ta chỉ nói đơn giản là tôi bị thiếu chất, nên phải bồi bổ và nghĩ ngơi thư giản nhiều hơn.
Ba tôi thì nghĩ do tôi học nhiều quá nên mới thành ra như vậy. Thế nên vài hôm sau ngày tôi đi khám, ông mới bàn với mẹ thế này.
-Tôi thấy cho thằng Tùng nó về nội nghỉ ngơi một thời gian đi. Về dưới quê không khí thoáng đãng trong lành, không có ngột ngạt như trên này. Chỉ có vậy mới khiến nó nhanh khỏe hơn được thôi.
Ba mẹ hỏi ý tôi và tôi cũng đồng ý về ngoại nghỉ ngơi một thời gian. Bởi tôi cũng không muốn ở đây. Tôi sợ hôm nào đó phải vô tình chứng kiến cảnh thằng Bình ‘’Xoăn’’ chở ‘’cô tiên’’ của tôi đi ngoài đường, trên con xe đạp thể thao đời mới dạo phố vui cười. Chúng nó sẽ lướt qua tôi như trăm vạn con người xa lạ ngoài kia, để tôi phải đứng ngóng nhìn với cái thở dài theo gió. Chắc lúc đó tôi buồn đến thối ruột luôn mất.
Vậy là ngay sáng hôm sau, ba tôi đã bắt cho tôi một chuyến xe khách chạy thẳng về Miền Tây.
Nhà nội tôi ở một vùng quê hẻo lành nằm trong khu vực Hậu Giang. Mà khi xuống xe rồi còn phải đi thêm một chuyến tàu trên sông nữa thì mới tới nơi. Cũng đã hơn 3 năm rồi tôi chưa về lại quê nội. Hồi trước khi ông bà nội còn sống, gia đình tôi cũng hay về thăm nội lắm, nhưng kể từ khi ông bà mất thì những chuyên đi ấy cũng không còn nữa. Ba tôi nói ‘’Nội bây mất rồi, về mất công nhìn di ảnh bà, đi qua bộ ngựa ông hay nằm nghỉ, xuống sau bếp nơi bà nhúm lửa nấu những bữa cơm đậm mùi dân dã, hay ra cái sàn nước nơi bà thường xuyên rửa chén gì cũng khiến ba buồn hiu, làm nhớ nội bây hết biết’’, thế đó, nên ba tôi ‘’làm biếng’’ về. Nhà nội tôi bây giờ thì có cậu Út với mợ ở trông non, lo nhang khói cho ông bà. Cậu mợ cũng thương tôi dữ lắm, nghe tin tôi về, cậu mợ mừng rơn, còn làm thịt sẵn con gà mái dầu nấu cháo để sẵng chờ tôi về ăn nữa.
~~
Đó là lúc tôi về tới nhà nội rồi, còn bây giờ thì tôi vẫn còn đang trên chiếc võ lãi dài sáu thước chở gần chục người khách đi đò chạy băng băng trên sông, sóng nước rờn rợn. Cuối cùng thì cũng dừng lại ở ngã 3 sông lớn, ngay đầu vàm dẫn vào một con sông nhỏ để thả tôi lên bến đò. Người ta gọi đây là Xóm Thưa. Thì cũng như bao cái xóm quê khác ở đồng bằng Nam Bộ, Xóm Thưa có con đường mòn ghập ghền chạy dài theo mé sông nhỏ. Ở hai bên mé sông là lưa thưa những cây bần to lớn, cùng những bụi lục bình trôi dạt ở giữa sông.
Cũng chẳng biết sao người ta gọi xóm quê nội tôi là Xóm Thưa nữa, chắc vì nhà cửa thưa thớt quá nên người ta mới gọi vậy. Tôi đoán thế chứ cũng chưa nghe ai nói gì về cái tên này, vì từ đầu vàm sông lớn tới nhà nội tôi cũng phải đi bộ thêm gần hai mươi phút, xa lắc như vậy mà cũng chỉ thấy có vài căn nhà lá nằm neo đơn bên con đường đất, lạc lõng giữa những rừng cây ăn trái bao la và tươi tốt.
3 Năm rồi tôi chưa về lại đây, vậy mà cảnh vật cũng y chang như trước chứ chẳng khác gì mấy, nếu có khác thì đó là những bụi chuối ở ven bờ sông đã không còn nữa. Tôi nhớ hồi trước từ đầu vàm tới nhà nội tôi người ta trồng chuối nhiều dữ lắm, dài đặt tới độ mà từ trên bờ muốn nhìn xuống sông thôi cũng khó nữa là. Nhưng nay những bụi chuối đó đã được đốn dọn rồi, làm cho cảnh sông bấy giờ có thể nhìn rõ hơn bao giờ hết.
Tôi lếch thếch bước đi trên con đường mòn quê heo lánh. Trên vai là cái balo nhỏ gọn. Hành trang tôi chẳng có gì nhiều ngoài vài bộ đồ, mấy quyển sách cùng với nỗi buồn canh cánh trong lòng vì chuyện của Diễm Phương hẹn hò với thằng quỷ Bình ‘’Xoăn’’.
Nhưng hình như đắm chìm trong cảnh quê bình yên này khiến cho chuyện buồn ‘’thất tình’’ của tôi cũng vơi đi được một chút. Tâm trí tôi bị đánh lạc hướng bởi tiếng của mấy con chim sâu, mấy con sẻ và đám chao chảo đang cãi nhau chít chóe trên những đọt cây trứng cá cao chót vót. Tôi có cảm tưởng như mấy chú chim bé nhỏ kia đang bay theo tôi thì phải, chúng cứ líu lo trên đầu tôi, như thể nói với nhau rằng ‘’ thằng nhóc còm nhom kia là ai mà nhìn như thằng nghiện hết tiền thế ?‘’.
Mãi thờ thẩn bước đi và nghe tiếng chim hót một lúc mà đã tới nhà nội tôi khi nào tôi cũng chẳng hay. Nếu như thằng Sâm không đứng từ sân trước nhà réo rầm lên thì có lẽ tôi đã bước ‘’huốt’’ qua nhà nội.
-Anh Tùng! Anh Tùng, Anh Tùng về tới rồi kìa mẹ ơi!
Thằng Sâm lớn hơn tôi một tuổi. Nhưng tính theo vai vế thì nó vẫn phải gọi tôi bằng anh vì ba tôi là anh của cậu Út. Ngoài thằng Sâm thì cậu Út còn một thằng con nữa, đó là thằng Sứa. Thằng Sứa thì nhỏ hơn tôi và Sâm, nó mới học có lớp bảy, nhưng nó cũng là thằng nghịch ngợm và gan lì nhất trong đám trẻ con ở Xóm Thưa này.
Hai anh em nhà nó cũng mến tôi giống như cậu mợ Út. Riêng thằng Sâm vừa thấy tôi đi chầm chậm bước vào nhà là đã liền chạy phăn ra kéo tay tôi như rất hồ hởi. Nghe giọng thằng Sâm réo rầm lên thì mợ Út cũng từ sau bếp bước ra, vừa thấy mợ thì tôi cũng liền thưa hỏi:
-Thưa mợ Út con mới về.
Mợ Út thấy tôi thì niềm nở thân thiện đáp bằng cái giọng rặc của người Miền Tây Nam Bộ:
-Ừ, con mới dìa. Đi đường mệt dữ hông con ? Vô sau lu nước rửa mặt đi rồi mợ dọn cháo gà lên cho ăn, nghe bây về mợ mới bắt con gà nấu cháo tẩm bổ cho bây đó. … -Mà mèn đét ơi, sao tướng tá bây gì nhìn như cây sậy vậy Tùng ? Mợ nghe cậu Út nói bây học nhiều nên mất sức, ốm tong teo, mà tới mức này là dữ lắm rồi con ơi!
Tôi biết kiểu gì thì cậu với mợ cũng sẽ ‘’tra khảo’’ về cái chuyện tướng tá của tôi bằng que tăm. Cá nhân tôi cũng không muốn ai bàn về chuyện tôi gày mò như con ma. Tôi gãi đầu rồi cười gượng cho qua chuyện, sợ mợ Út lại nói thêm nên tôi mới chống chế hỏi lách sang chuyện khác:
-Ủa mà cậu Út đâu rồi mợ ?
-Cậu bây tưới cây ở sau vườn á! Đi sáng tới giờ rồi, chắc chút cũng về tới bây giờ!
Tôi tính hỏi thêm mợ Út vài ba câu nữa rồi ra sau rửa mặt. Ấy vậy mà chưa kịp thì thằng Sâm đã nhanh tay tháo cái balo trên vai tôi vứt sang bộ ngựa trước nhà. Nó giục tôi như chạy giặc:
-Anh Tùng đi theo em, em cho anh coi cái này hay dữ lắm!
Tôi còn chưa kịp phản ứng gì thì đã bị thằng Sâm kéo phăn người đi. Thiệt tình thằng này nó thường xuyên phụ cậu Út làm vườn làm đất nên mạnh dễ sợ, cộng thêm tướng tôi mỏng như lá lúa, thế nên nó kéo tôi đi mà tôi chẳng thể chống cự lại dù chỉ là một chút. Vụt một cái thì tôi đã bị nó kéo tay ra khỏi nhà, lúc này ở trong nhà giọng của mợ Út mới vọng ra mắng thằng Sâm:
-Anh bây nó mới có dìa, hông cho nó rửa mặt nghỉ ngơi mà bây kéo nó đi đâu đó hả ? Cái thằng quỷ này!
Sâm nó vẫn kéo tay tôi chạy băng băng chẳng chịu buông ra rồi đáp gọn:
-Con dẫn anh Tùng ra bến lục bình cái rồi dìa liền má ơi!
Bến lục bình, tôi biết chỗ này. Nhớ hồi đó tôi về đây, được Sâm với Sứa dẫn đi khắp xóm chơi mấy trò dân dã mà tụi nó giới thiệu. Đương nhiên là cũng nhiều lần đi qua bến lục bình mà thằng Sâm vừa nói. Đó là bến sông gần bãi đất trống cách đây không quá xa, đi bộ khoảng chừng không quá mười phút là tới. Đương nhiên chỉ cần nghe tên gọi thôi thì ai cũng đoán được cái bến đó có nhiều lục bình trôi dạt tới. Nhưng nếu chỉ có lục bình thôi thì không đủ để thu hút bọn trẻ trong xóm kéo tới đó chơi, mà nơi đó còn nhiều thứ thú vị khác. Điển hình là 3 cây còng to lớn mọc cạnh bến lục bình. Cây nào cây nấy cũng to lớn và cao chót vót, không thua gì nhưng ngôi nhà 2 – 3 lầu ở đất thành phố nơi tôi sống. 3 cây còng đó chẳng khác gì những người bạn thân thuộc không thể thiếu của đám trẻ nơi đây, bởi cây mát rượi, thân thì vào những tháng nắng thế này khô khốc, nham nhám, rất dễ leo trèo để chơi mấy trò nghịch nghợm. Tôi vẫn nhớ hồi đó vào lần đầu tiên được Sâm và Sứa dẫn tới đó chơi, chứng kiến bọn trẻ trong xóm thay phiên nhau leo tút trên đọt còng, bò ra những nhánh to lớn đâm về phía sông, rồi chẳng chần chờ mà nhảy thẳng xuống sông, xuống đám lục bình rậm rạp với độ cao hàng chục mét khiến tôi sợ xanh cả mặt.
Vào những buổi trưa ôi bức, dưới 3 thân còng to lớn là một bóng râm mát rượi, là điểm câu cá lý tưởng của đám trẻ quê Xóm Thưa. Tôi nhớ có lần thằng Sứa rủ tôi vác câu ra bến lục bình kiếm cá. Nó dùng mồi câu là trùng đất, tôi cũng thế, ấy vậy mà chẳng hiểu thế nào buổi trưa hôm đó thằng sứa câu được 4 con cá trạch lấu to tổ chảng, còn tôi thì… Vác câu không về trong tay trắng, từ đó tôi cũng chẳng bao giờ buồn theo thằng Sứa câu cá nữa.
Trên bến lục bình cách đó chục mét là một bãi đất trống thoáng đãng. Chiều mát tới là đám trẻ trong xóm lại tụ tập chia phe ra đá bóng, và trong hết tất cả các trò ở cạnh bến lục bình, thì tôi thích nhất là cái trò đá bóng này, bởi môn đó thì tôi chơi được và cảm thấy không tẻ nhạt như câu cá hay nguy hiểm như nhảy từ đọt còng xuống sông.
Thằng Sâm đúng là khỏe như trâu, nó kéo tay tôi chạy từ nãy tới giờ mà mặt không biến sắc. Chỉ có tôi là muốn đứt hơi vì mệt. Không chịu nổi nữa, tôi mới cố ghịch tay nó nói:
-Mày từ từ. Tao mệt qua, chạy nữa té gãy răng luôn bây giờ, buông tay tao ra!
Thằng Sâm nghe tôi nói thì mới chịu đứng lại. Mặt nó tươi rối đáp:
-Trời ơi. Anh Tùng yếu vậy, mới chạy có chút xíu mà đã xanh mặt mày hết rồi!
Đúng là tôi yếu thật. Nhưng nghe thằng em nói thẳng ra thế thì cũng có chút nhột nhột. Tôi chống chế:
-Ờ… Ờ thì tao mới đi xa về. Nên hơi mệt thôi, chứ bình thường thì cỡ mày tao chấp chạy trước một đoạn.
Thằng Sâm như tin hẳn vào lời biện hộ của tôi. Nó cười xòe gãy đầu:
-Vậy hả ? Hê hê, vậy mình đi từ từ tới bến lục bình vậy.
Thật sự mà nói lúc này tôi chỉ muốn nằm vật ra đất vì mệt. Thế nhưng vì sĩ diện trước thằng em trâu bò, tôi vẫn cố kìm hơi thở lại. Mãi một lúc khi đã bớt mệt rồi, tôi mới hỏi Sâm:
-Ủa ngoài đó có gì mà mày rủ tao đi vội vậy Sâm ?
Thằng Sâm đáp gọn:
-Tụi em mới nghĩ ra trò mới. Vui lắm, anh đi tới đó là biết chứ gì, nói trước mất hay.