Trời mưa nặng hạt, mới đầu tháng tám mà những trận bão đầu tiên đã ập vào thành phố, giũ những hạt nước ầm ầm đập vào mái tôn, cửa kính. Làm cho cảnh vật nhuốm một sắc màu xám xì ảm đạm. Hưng đang cắm cúi trên bàn viết, những trang giấy A4 bên cạnh gã chất cao thành một đống. Công việc của gã là một nhân viên thủ thư, chuyên kiểm kê phân loại tài liệu, sổ sách trước khi giao cho người bưu tá.
Hưng làm trong bưu điện này đã được một thời gian, người ta phân cho gã một góc nhỏ trong phòng. Cái góc ấy được ngăn lại bằng những tấm ván gỗ ép màu trắng đục, đã bong sơn, tróc mép. Cái xó nhà ấy may mắn còn hé một chút phía cửa sổ để nhìn ra ngoài con đường chính ngày thường vẫn tấp nập người xe qua lại. Nhưng hôm nay trời lại mưa to, vì thế bên ngoài và cũng cả bên trong đều xác xơ, ảm đạm.
Hưng nhìn xuống vỉa hè, ở một miệng cống ngay sát đường, những bọt nước trắng phau đang nổi lên ùng ục trước khi chui qua mấy song sắt rồi tràn vào trong hệ thống thoát lũ của thành phố. Hắn chuyển lên đây chưa được lâu, ngay sau khi tốt nghiệp một trường đại học rẻ tiền tọa lạc ở ngoại ô. Nhìn mưa rơi, Hưng chợt nhớ về những ngày tháng còn thơ ấu.
Làng hắn thuở ấy rất nghèo lại là vùng chiêm chũng, quanh năm nước ngập bì bõm đến mắt cá chân. Nên người dân địa phương chẳng làm ăn được gì ngoài một vụ lúa cho cả năm và những tháng còn lại thì chịu đói. Cha mẹ hắn cũng như hàng ngàn người khác đều sống trong cảnh khốn cùng ấy, nên cũng dắt díu nhau theo chân lên thành phố làm thuê làm mướn. Để lại lũ trẻ cho ông già bà cả thay phiên chăm sóc. Bố Hưng là thợ xây, còn mẹ gã là phụ hồ, hai người oằn lưng kiếm tiền để Hưng có cơ may học tập thành tài, rồi từng bước đổi đời. Cả năm, có khi bố mẹ gã về thăm con được dăm bảy bận, mỗi lần chỉ chừng vài ba tuần rồi họ lại đi công trình chứ không ở lại mà chăm sóc gã.
Hưng lúc nhỏ thì thường buồn tủi mà quấy khóc, nhưng lớn lên, gã dần hiểu ra mọi chuyện rồi cũng nguôi ngoai. Vừa bởi đã nhiều lần phải ăn những trận đòn đau quắn đít vì nhõng nhẽo. Nhưng một lí do khác dễ hiểu hơn, là do trẻ con ở dưới quê thường lắm trò nghịch ngợm, nên chúng rất mau quên. Và việc bố mẹ không ở gần lại là một cái cớ để lũ trẻ tha hồ lêu lổng. Hưng cũng như những đứa trẻ con trong xóm, luôn có mặt trong những trò trốn tìm, ô ăn quan hay đánh giải ranh. Thế nhưng, vào mỗi mùa mưa hay những lần trời âm u sắp bão, Hưng lại có một trò chơi khác mà hắn yêu thích nhất. Trò chơi ấy chỉ mình Hưng tham gia vì lũ trẻ không ai muốn dính. Đó là trò bắt cóc!
Nói vậy thì chẳng ai hiểu! Bắt cóc ở đây không phải là giả làm tội phạm, bắt cóc tống tiền. Mà là lựa lúc trời âm u mưa gió, Hưng sẽ ra vườn sau, hoặc lang thang trên những bãi cỏ ven đường, để bắt lấy những con cóc, con nhái rồi tha về một góc bí mật để chơi. Cách chơi của thằng bé ấy cũng vô cùng quái đản, không biết từ bao giờ, trong huyết quản của Hưng đã rần rật chảy một dòng máu tàn bạo và đôi phần bệnh hoạn. Gã chỉ nhớ rằng vào một lần mưa to, nước tràn vào trong nhà, ngập ngang mắt cá. Trời tối nhá nhem, quờ tay chỉ thấy mờ mờ, nên khi thằng Hưng đang mò mẫm ra ngoài đi giải, thì bất chợt nó dẫm phải một vật gì đang ẩn mình dưới nước. Vật đó mềm mềm như một khối cao su, nhưng lúc chân nó đạp lên thì thứ đó kêu lên răng rắc. Cảm giác thật là lạ! Âm thanh ấy sao mà kích thích thế!
Hưng nghĩ vậy và lại di chân ấn xuống thêm tí nữa. Vật đó lại khùng khục lạo xạo rồi hình như bị sức nặng đè vào nên nó bẹp đi, không kêu thêm nữa. Hưng tò mò cúi người xuống kiểm tra, rồi hắn vục tay vào làn nước đục ngầu, lờ nhờ toàn cỏ rác. Mò mẫm chỉ đôi ba giây, Hưng đã tìm ra vật đó, nó tóm chặt lấy, rồi nhấc lên xem. Hưng từ từ mở lòng bàn tay ra ngắm nghía, ẩn sau năm ngón tay be bé của một thằng nhãi lên mười là một thân thể nát bét, da dẻ nâu vàng, sần sùi ghê tởm. Mắt mũi lòng thòng và gan ruột phòi ra từ khoang miệng. Đó là một con cóc con, to chừng ngón tay cái nếu như còn sống. Nhưng con vật lại vừa bị Hưng dẫm chết. Thằng bé quên cả cơn buồn đái, cứ đứng lặng hồi lâu, ngắm nghía con vật đã nát bét trên tay và dớt dãi, máu mủ đang từ những nốt sần sùi trên da ồng ộc chảy ra ngoài. Hưng đưa con cóc gần lên một chút, sát vào cánh mũi. Con vật có mùi tanh tanh, khăn khẳn, lòng ruột lại xổ ra ngoài, lẫn vào mùi thịt là một mùi hôi thối của cứt đái và nội tạng trong bụng cóc. Hưng hít vào thật sâu, tâm hồn nó như bị một thứ bùa mê trói chặt, còn thứ mùi kinh tởm kia bỗng trở nên đầy đắm đuối.
Hưng dõi mắt vào trong nhà, bà nội nó đang ngồi gật gù trong một xó buồng, chẳng biết là đang làm gì nhưng tuyệt nhiên không hề để ý đến đứa cháu vừa tìm thấy một niềm vui ghê rợn. Hưng nhét con cóc chết vào túi quần, rồi nó cứ lần mò ở sân, dưới làn nước bẩn và cơn mưa đã bắt đầu dần ngớt. Hưng dò dò từng bước, nó cố đi thật chậm, là là bàn chân gần sát đất. Đang di chuyển, bỗng nhiên nó khựng lại, khóe miệng nhếch lên cười, rồi dí chân thật mạnh.
Những tiếng răng rắc, khùng khục lại vang lên giữa lúc trời nhá nhem xẩm tối. Thằng bé cười lên khanh khách đầy phấn khích, rồi nó lại cúi người, nhặt con vật khốn khổ bằng đôi bàn tay và đưa lên ngắm nghía, hít hít ngửi ngửi. Hưng nhét xác con cóc vào trong túi rồi tiếp tục dò dẫm quanh sân. Đến khi hai túi quần nó đã căng phồng, thấm nước và máu mủ ra lớp vải thì Hưng mới dừng lại. Nó chạy ra một góc vườn, rồi đút tay vào đống thịt bầy nhầy của đàn cóc chết để moi ra từng con một. Tối hôm đó, Hưng thu hoạch được gần hai chục con cả to lẫn nhỏ, cái niềm sung sướng đến đê mê cả người làm nó đái ra quần lúc nào không biết. Mùi khai, mùi tanh, mùi máu thịt và mùi mủ cóc bốc lên, quyện lại với nhau giữa tiếng cười khanh khách đầy bệnh hoạn của một thằng cu con mười tuổi. Và từ đó, mỗi dịp trời mưa, Hưng lại đi bắt cóc!