1- Tìm người – Ông họa sỹ xuất hiện
Lại nói chuyện bà Mừng, kể từ ngày ngày nhận nhiệm vụ đó của Đào cách nay đã gần 2 năm, bà phải lặn lội xuống tận trung tâm thị trấn huyện Kiên Thành, nơi đó đông đúc nhà cửa và dân cư sống hơn, buôn bán và giao dịch cũng vì lẽ đó mà tấp nập. Khu vực nhà bà và nhà cô Đào, tuy gọi là thị trấn nhưng về vị trí đã đi sâu vào trong khu vực triền núi, từ đường Quốc lộ 14 đi ngang qua huyện Kiên Thành, đến gần trung tâm thị trấn rẽ vào đường Lương Thế Học đi đến Khu dân cư 3, từ đường này lại tỏa ra nhiều ngõ nhỏ đi vào khu dân cư, nhà cửa xây thưa thớt, đi gần hết đường mới đến khu vực có núi đá, là đến nhà bà Mừng và nhà cô Đào ngay dưới chân dãy núi.
Vì thế bà thường đón xe lai, chạy ra tận trung tâm thị trấn, ban đầu bà hỏi những nhà người quen trước đây bà gặp tại chợ huyện, để nhờ họ giới thiệu xem có ai cần thuê nhà hay không. Trước một yêu cầu như vậy, lại nói với những người quen, nhiều lần bà cũng mắc ngượng, vì sự hiểu lầm; có khi họ chỉ nghe yêu cầu của bà rồi để đấy mà cũng không có dịp gặp ai cần thuê nhà để giới thiệu lại cho bà Mừng. Đứng trước nhiệm vụ cần phải hoàn thành, bà Mừng cũng động tâm mà tìm hướng giải quyết, thế là bà bắt đầu chú ý các trung tâm giới thiệu tổng hợp, tại đây có giới thiệu việc làm lặt vặt, việc làm trong ngày kiểu như chợ người, và giới thiệu các dịch vụ khác như nhà cho thuê, người cần thuê nhà vv. Các trung tâm này chủ yếu nằm loanh quanh tập trung ở trung tâm thị trấn gần khu chợ lao động. Ngay trung tâm nếu lấy tháp hồ nước tại đường bùng binh các đường Tăng Bảo Khánh, Trần Văn Đàn, Nguyễn Trung Chánh, Lê Viết Hoàng, Lý Quốc Nam làm tâm điểm, đi sang phía phải là khu chợ huyện Kiên Thành nằm trên đường đường Lý Quốc Nam, rồi đi thêm một ngã tư nữa tại ngã tư Lý Quốc Nam – Tôn Đế là khu chợ lao động, xung quanh khu vực chợ có một số trung tâm giới thiệu tổng hợp như vậy.
Sáng nay, bà lại đánh xe lai lên thẳng khu chợ lao động để tìm gấp một người nào đó thuê nhà, vì tối hôm qua Đào có ghé lại thúc giục bà, ngồi xe cả một đoạn đường dài, bà đưa tay nhẩm tính thời gian qua bà đã kêu gọi được bao nhiêu người. Công việc quanh quẩn, thời gian trôi đi thấm thoát hai năm, bà đếm mãi mà còn sợ nhầm con số người này, vì đây là con số tử, nó ứng với ngần ấy mạng người đã chết do một phần tội gián tiếp của bà. Nhưng ở hoàn cảnh há miệng mắc quai, ở thế buộc phải làm để bảo toàn sự yên ổn cho những người thân của mình và cả chính bản thân, bà đành phải thực hiện việc này, cứ theo ngày tháng con số đó mỗi lúc một lớn lên. Ngồi xe, đếm đi đếm lại hai lần bà mới cộng được là 15 người. Bà thoáng giật mình kinh sợ, vậy là chính bà đã đưa 15 con người xấu số ấy vào chỗ chết. Mặc cảm tội lỗi, lương tâm cắn rứt, bà buột miệng chép lưỡi “Tcha! Lạy trời, cứ thế này mãi chỉ có tôi chết đi mới hết cái thảm cảnh này!”. Bà còn nhớ như in trong đầu hình ảnh nạn nhân đầu tiên bà giới thiệu được là một người đàn ông trạc 37 tuổi làm nghề buôn hàng nông sản liên tỉnh cần thuê chỗ trọ để trú tại huyện này, rồi cứ thế thêm vài người nữa, có khi bà cũng lẫn lộn người này với người kia, còn người cuối cùng cách đây chỉ non hai tháng là một thanh niên lịch thiệp phong nhã, làm nghề ký giả, hình như cậu ta có dịp đến cái huyện này để tham dự hội thảo ngắn ngày gì đó, chỉ lưu trú khoảng 2-3 tuần, không ngờ số mệnh hẩm hiu của cậu ta lại kết thúc tại cái huyện hẻo lánh này. Ngày hôm nay, ngày mai hoặc hai ba hôm nữa, bà phải tìm tiếp người thứ 16 để nạp mạng. Bà lại chép miệng, nhìn lên trời cao mà than thở “Tscha! Lạy trời, con ăn ở bạc phước mà phải rơi vào cảnh này, tội ác con gây ra giờ chất cao thành núi, bọn ma quỷ kia chúng biết gì đến tội lỗi, cũng chỉ vì bảo vệ hai cháu nhỏ được an toàn, mà con đành làm việc xấu xa này, chỉ mong sao khi chúng lớn thêm chút có thể tự làm tự kiếm ăn, dù con có chết đi mà chấm dứt được cảnh này, con cũng an lòng!”. Số tiền bà Mừng kiếm được từ những lần Đào biến hóa bỏ vào túi mình ngày một tăng lên theo thời gian và số người. Thoạt đầu, bà chỉ nhận được 300 đồng như để thử việc, khi người thứ nhất đã trót lọt, bà lại tìm thấy trong túi vào sáng hôm sau là 500 đồng, rồi cứ từ từ, thêm một mạng người số tiền đó cũng tăng theo mức độ hài lòng của Đào, đến 700, 800 rồi 1000 đồng, và sau gần hai năm thỉnh thoảng trong tháng bà lại nhặt được trong túi áo mình vào sáng sớm những 5.000 đồng, một con số đến gấp 10 lần số tiền lời hàng tháng mà bà phải tần tảo sớm hôm bán hàng nước; đồng tiền nhận được dẫu có giúp bà trang trải và mua sắm thêm chút cho gia đình nhưng nó đi đôi với tội lỗi mà bà mang trong lương tâm, nên bà cũng chẳng mấy vui khi có thêm chút tiền.
Lời sám hối kia không biết có thấu đến trời cao hay không? Ngồi xe thơ thẩn ưu tư một lát vậy mà xe đã đến gần chợ huyện. Bà bảo chú lái xe lai cho dừng gần chợ. Rồi bà thất thểu đi bộ sang khu chợ lao động. Từ xa bà đã trông thoáng thấy cái chợ người này, thực chất nó chỉ là một góc phố có vỉa hè rộng nằm trước một khuôn viên của Bảo tàng văn hóa và Thư viện của huyện, bên ngoài là dãy tường xây cao bao bọc khuôn viên. Đối diện nó là khuôn viên này là một trụ sở Viện nghiên cứu, cũng có kiểu xây dựng gần giống Khu bảo tàng và thư viện.
Tại đoạn đường này, từ hai bên vỉa hè, người đứng người ngồi, tụ tập thành từng tốp, họ đứng một mình hay đi qua đi lại tụm thành từng nhóm, hoặc ngồi tụ tập thành góc nhỏ đánh bài, đánh cờ tướng, ca rô vv… trên tường hoặc các gốc cây, họ đóng những móc đinh hay buộc dây và treo tạm các biển thông báo ngắn gọn nhất về công việc mình có thể làm, thử dừng chân xem kỹ một góc tại gốc cây me lớn là hai ba chiếc biển treo sát nhau, từ gốc cho đến tận gần nhánh trên, đại loại như “Minh – thợ hồ, trộn vữa, sơn tường, xây trát sửa chữa căn bản, điện thoại —“, và trên tấm này là một tấm “Tuấn – bắt điện nhà, sửa điện đi dây …”, “Hải và Thành, nhận sửa nước, máy bơm, đi ống nước, điện cơ máy bơm”, “Nhóm thợ – nhận chở hàng, dọn nhà, tạp vụ” vv. Cả trên tường cũng chi chít các biển treo ngang dọc, trên dưới; bên những tốp thợ là những dãy xe đạp, xe máy đã xếp thành một hàng thẳng lối, người ngồi trên xe chờ việc, người nằm vắt vẻo trên xe tranh thủ ngủ mũ che ngang mặt, kể cả tại phương tiện đi lại của họ, cũng là một nơi tốt nhất cho tầm quan sát của người tìm lao động, xe đạp thì treo ngang sườn, xe máy thì cắm biển tạm tại đầu, tại kính chiếu hậu, hoặc có khi chỉ là một cây tre hay cây gỗ thô thiển có buộc tấm bảng trên đầu và cắm ngang thân xe. Túi đồ nghề, cà-mèn, chai nước vv. thường cũng vắt ngay tại xe, đằng sau trên vỉa hè, những ghế gỗ đơn sơ xếp ngang tường, có chỗ người ta còn trải bạt ra nằm nghỉ tạm dưới cái nắng oi ả. Đếm cũng đến trên trăm thanh niên, trung niên ngồi túm tụm, đứng, nằm nghỉ, đi qua đi lại tạo thành một cảnh tượng bát nháo cả góc phố. Vào những ngày mưa, chợ người có vẻ vắng hơn, tuy vậy nó vẫn không dừng hoạt động, người ta khiêng các cây dù đứng từ bên nhà đoạn phố trên, hay thuê những cây dù đứng từ các quán ăn này, và tập trung lại quanh dưới chân cây dù đứng tránh mưa.
Người tìm lao động đi rà rà trên xe hay đi bộ lại quan sát các biển rồi vào hỏi thợ đó, hoặc có khi chẳng cần bận tâm tìm kiếm cứ đi qua lại 1-2 vòng là sẽ có vài tốp thợ ùa ra nắm tay chặn đầu để hỏi cần tìm thợ gì. Và tiếp theo là công đoạn ngã giá, mô tả công việc… Rồi tùy công việc nhiều ít, các thợ sẽ chia nhau đi đến tận nhà khách để làm việc.
Đi khỏi góc phố này, đến đoạn thứ hai là một vài trung tâm giới thiệu tổng hợp. Không biết giữa cái chợ người này và việc kinh doanh kiểu trung tâm kia, cái nào xuất hiện trước, cái nào có sau; không ai muốn bận tâm điều đó, chỉ thấy rằng, hai thứ này hỗ trợ cho nhau và tạo thành một kiểu tập thể cùng đứng chung tồn tại.
Bà đi ngang qua khu chợ lao động, rồi qua góc phố đến một trung tâm giới thiệu tổng hợp quen thuộc số 145 đường Tôn Đế, bà ghé vào. Trong lòng cảm thấy áy náy như người mắc tội, bà cứ chậm chạp tiến đến, ngập ngừng rồi lại bước đến cửa. Tại cửa có treo biển Trung tâm giới thiệu Minh Tú, chuyên giới thiệu việc làm, việc làm nhanh trong ngày, nhà-phòng cho thuê vv. Cô chủ trung tâm đang ngồi bên bàn, nói chuyện với hai nhân viên của mình, chợt thấy bà Mừng, cô nhanh nhẩu đon đả kêu:
– Kìa cô, vào đây cô ơi, sao tháng này ghé đến sớm thế!
– Vâng chào cô, tôi ghé đến có chút việc! – Bà Mừng đáp lại
Chỉ những trung tâm như vầy, bà cảm thấy an tâm hơn và không sợ tai tiếng, vì dù gì họ cũng làm dịch vụ, tâm lý chỉ muốn giới thiệu càng nhiều người càng tốt, không mấy bận tâm tìm hiểu nhiều chuyện đằng sau các yêu cầu này, vả lại, với cô Minh Tú – cũng là chủ trung tâm giới thiệu Minh Tú cũng có con mắt tinh đời, dù đã biết yêu cầu của bà cần tìm người nam đến thuê nhà, nhưng chẳng bao giờ nghĩ chuyện gì hơn vì cô thừa biết bà Mừng không phải dạng phụ nữ còn trẻ, có nhan sắc, hơn nữa qua điệu bộ và tác phong của bà, cô ta biết bà không phải thuộc tốp phụ nữ hay ưa chuyện mờ ám, gian díu; có lẽ chẳng qua bà đi làm hộ cho ai đó và hưởng thù lao vậy thôi; chung quy lại, bà Mừng là một khách quen và dễ tính.
– Sao hả cô, tìm người thuê nhà, àh mà là nam giới phải không? – Cô Minh Tú hỏi lại
– Vâng được thôi, cô ngồi đi, để cháu xem?
– Ah, mà hôm nọ cháu giới thiệu cái anh gì đó, hình như là ký giả, đến thuê chỗ nhà cô có ưng ý không, anh còn ở đấy không?
Bà Mừng nói lảng đi:
– Ừ, cậu ấy ở cũng không có gì, mà cậu ấy đi rồi, nghe đâu cậu ấy chỉ ở khoảng 2-3 tuần tham dự hội thảo gì đấy ở trung tâm huyện. Thế mà một tháng nay nhà lại trống?
Tú quay sang nhân viên nói:
– Thảo em rót nước mời cô uống!
– Vâng
Thảo đi lấy tách rót một ly trà nóng, đặt lên đĩa, chỉ lát sau, Thảo đã bưng khay nước lại phía bà Mừng:
– Mời cô uống trà!
– Vâng, cảm ơn cô! – Bà Mừng nói
Rồi chần chừ một lát, bà nói thẳng:
– Thế cô có tìm được người nam nào không, mà tôi cần gấp một người đến thuê nhà, vì cũng gần một tháng rồi không có ai thuê.
– Cô giúp cho, tôi cần gấp hôm nay, không được ngày mai cũng vậy, cô cứ gọi cho tôi biết.
Cô Tú trả lời nhanh:
-Vâng, để cháu xem.
Rồi bất thình *** h, cô Tú nói:
– Ah, hay quá, sáng nay vừa có ông khách trung niên vào đây hỏi nhà cho thuê.
Tú quay sang cô nhân viên của mình hỏi:
– Thảo, sáng nay, có ông khách gì vào hỏi thuê nhà ra sao?
– Dạ, ông tìm nhà rộng gần trung tâm chợ, để tiện công việc, hình như ông nói ông đi buôn nông sản liên tỉnh.
– Thế không biết có được không, vì chỗ cô cách đây cũng khá xa – Tú nói
Rồi Tú quay sang bà Mừng hỏi:
– Nhà cô cách trung tâm xa không, ở Khu dân cư 3 phải không
– Vâng, tôi giới thiệu giúp cho một nhà hàng xóm ở khu dân cư 3, gần khu vực núi đá. – Bà Mừng nói
– Cũng phải hết 20 phút đi xe máy từ đấy ra trung tâm. – Bà Mừng nói tiếp
Tú hơi sịu mặt nói:
– Vậy hơi xa, ông này ông muốn nhà nào gần trung tâm, có lẽ không được.
– Thảo, em xem lại hai ba hôm trước có ai tìm nhà thuê không?
– Vâng – Thảo trả lời.
Lúc này Ngân, nhân viên chợt nói xen vào:
– Chị Tú, hình như cách đây một tuần có ông khách gì muốn tìm nhà yên tĩnh, hơi xa trung tâm cũng được, vì ông chỉ ở tạm đây một tháng để tham gia cái gì ah.. cái Triển lãm trưng bày tranh ảnh mai kia tổ chức bên Viện bảo tàng.
Bà Mừng thầm mừng rỡ:
– Ờ, một tháng cũng được, cô xem cho, hỏi ông ấy còn muốn thuê không?
Tú nói vào:
– Ngân, vậy em giúp cô xem!
– Vâng!
Rồi Ngân mở cuốn sổ ra, lật lại vài trang xem tuần trước, thấy điện thoại và tên người đó cô gọi điện nói.
Được một lát, Ngân nói trên điện thoại:
– Alô, có phải anh Thanh không ạ, hôm nọ anh có tìm nhà thuê ở trung tâm phải không ạ?
Từ đầu kia máy điện thoại trả lời. Rồi Ngân nói:
– Em ở Trung tâm giới thiệu Minh Tú, bọn em có một nhà cần thuê ở Khu dân cư 3 – Kiên Thành.
– Nó cách trung tâm thị trấn khoảng 15 phút đi xe máy.
Bên kia lại nói, được một lát Ngân lại nói:
– Vâng Triển lãm tranh tại Viện Bảo tàng, ngày kia mới khai mạc, vậy còn kịp, anh có thuê vẫn kịp; nếu được anh ghé lại trung tâm đi.
– Hiện giờ anh ở đâu?
– Hả, huyện Tân Phúc, Thẩm Xuyến à?
– Ôi thế thì cũng gần chẳng xa, anh qua bên em nhanh thôi!
…
Rồi Ngân trả lời:
– Sao anh có đồng ý thuê ngay không ạ?
– Có chủ nhà đang ở đây cần người thuê, thuê tạm một tháng họ cũng đồng ý.
– Ở nhà đây rộng rãi, biệt lập, mà giá thuê khá rẻ, anh có đến thuê ngay không ạ.
– Anh lưu lại ít ngày để tham gia triển lãm thì rất tiện, đâu có cần phải nhà ngay trung tâm. Thời điểm này trung tâm đang hết nhà cho thuê, nên hơi khó kiếm.
…
– Ah, anh đi xe hơi ah, ôi sao sang thế, vậy thì tiện lắm, nhà chỗ em rộng rãi, biệt lập, lại có sân nhỏ để xe hơi, tuy là hơi xa trung tâm một chút, nhưng anh đi xe hơi chạy một tý là đến trung tâm, nhanh lắm. Mà chỗ này thuê không có chủ nhà ở chung nên anh thoải mái, đưa khách khứa bạn bè đến thăm.
Từ đầu bên kia lại có tiếng cười ồ ồ, một lát lại nghe Ngân nói:
– anh Thanh ơi, anh gởi tranh dự thi triển lãm, nếu trúng giải nhớ mời bọn em nhá!
– Vâng, vậy anh đồng ý, phải không?
– Anh ghé lại Trung tâm Minh Tú sớm, lấy địa chỉ nhà anh nhé!
– Số nhà 145 đường Tôn Đế
– Dạ chào anh!
Rồi Ngân quay sang nói với Tú và bà Mừng:
– Thưa cô, vậy ông đồng ý rồi, ông nói chiều hoặc sáng mai ông ghé sang đây trú luôn, vì ngày kia Triển lãm tranh khai mạc rồi.
– Ông này là họa sỹ, cũng có ít tranh ảnh đem dự thi, ông nói ông gởi tranh dự thi rồi, ngày mai ngày kia mới đến ở tại đây để tham gia.
Tú nói:
– Họa sỹ nghiệp dư bây giờ còn có xe hơi chạy, ghê nhỉ?
Ngân nói:
– Chị lầm rồi, ông này, nghe nói, ngoài thú sáng tác tranh, ông còn buôn tranh giả cổ, bây giờ người ta chuyển sang thú trang trí nhà cửa nhiều lắm, buôn tranh cũng chẳng mấy chốc giàu có!
Thảo nãy giờ ngồi nghe cũng nói:
-Vâng, đúng đấy, em thấy mấy tay họa sỹ biết đi buôn cũng khá lắm, mấy bức tranh vẽ nguệch ngoặc, nhìn vào chỉ thấy hoa lá với bùn đất, ở ta chẳng ai ưa mấy, thế mà dân Tây nó lại rất thích, một bức tranh vậy bán cũng cả hai ba trăm Đôla, mà với bọn nó hai trăm Đô (Dollar) để mua một bức tranh đẹp trưng trong phòng được cả chục năm đâu có đắt, bọn nó bảo là nhìn rất mộc mạc nhưng ấm cúng, treo trong phòng khách, phòng ăn đẹp tuyệt vời; còn dân giàu ở ta lại thích đặt tranh vẽ mua từ nước ngoài, mà phải có tên tuổi của mấy danh họa nổi tiếng hoặc chí ít cũng phải là gọi là trường phái cận đương đại, nhiều khi giá đến hơn năm bảy ngàn đồng tức là đến cả gần hai ba ngàn Đô (Dollar), mang về treo, thế mới cho là sang trọng.
– Thế à? – Tú ngạc nhiên nói – Thiên hạ bao giờ cũng chơi cái ngược đời! Tức cười thật.
Bà Mừng nãy giờ chẳng mấy chú ý đến câu chuyện kia, bà chỉ lo đến chiều không biết người khách kia có ghé lại liên hệ thuê nhà không; tâm trạng bà lúc này đang lo âu rối bời, trong lòng phiền não; bà cứ chực trờ tay đưa vào túi áo định lấy túi tiền mang theo để trả tiền.
Tú lại nói với bà Mừng:
– Vậy được rồi, cô ơi, chiều ông ghé lại cháu điện thoại cô ngay!
– Vâng, chị giúp cho – Bà Mừng trả lời.
– Thế dạo này cô buôn bán ra sao? Mấy đứa trẻ ra sao rồi, chắc nhà bên cạnh cô bận đi đâu hết nên nhờ cô tìm người cho thuê phải không?
– Vâng cảm ơn chị! Tôi bán quán cũng đều đều, cũng rảnh nên người nhà bên hay nhờ đi tìm người thuê giúp.
– Thôi để tôi gởi phí giới thiệu cho cô – Nói đoạn bà Mừng mở bọc trong áo, lấy ra xấp tiền.
Tú nhìn liếc vào ví tiền, thấy rất nhiều tờ mệnh giá lớn, Tú thầm biết, bà Mừng dạo này cũng kiếm được khoản nào đó. Chợt Tú nhớ lại, cách đây rất lâu, khi bà ta vừa đến đây có vẻ cũng khổ khổ túng thiếu, vậy mà gần hai năm qua nay thấy bà khác nhiều, mập hơn chút, ăn bận cũng khá lên, càng ngày bà càng hào phóng trong việc chi tiền lệ phí thuê nhà.
Tú nói nhanh:
– Dạ thôi, để cháu tìm xong mới dám nhận … mà lệ phí hết có 75 Đồng thôi.
– Tôi đưa cả cho cô 100 Đồng, thôi cô giúp sớm tôi bận việc ít lên đây được, vì còn phải trông quán và chăm mấy đứa nhỏ đi học. – Bà Mừng nói rồi lấy ngay ra tờ 100 Đồng để lên bàn.
Tú mừng, nói luôn:
– Vâng cảm ơn, cô cho nhiều quá, thôi cô cứ để đấy, cháu sẽ tìm được người sớm thôi.
– Điện thoại nhà cô cháu vẫn còn giữ, cháu điện cô ngay.
– Vâng, chào cô, cô nhớ giúp tôi – Bà Mừng nói
Cuộc trao đổi kết thúc, bà Mừng lại lật đật thu dọn túi xách, nón rồi bước ra cửa. Bà lại bắt chiếc xe lai. Khi đi ngang qua khu chợ lao động, quay sang bên cổng Viện Bảo tàng, bà thấy hôm nay rất vắng người, bên ngoài treo biển “Triển lãm tranh sơn dầu dự thi, ngày khai mạc: …”, có lẽ mai kia tổ chức nên bên trong Viện bảo tàng vắng người, họ đóng cửa một hai hôm nay mất rồi. Thở phào nhẹ nhõm, bà cảm thấy chút an lòng vì vừa thực hiện xong yêu cầu của Đào, bà mong sao ông khách xấu số kia hãy nhanh nhanh đến khu vực nhà bà, niềm vui xen lẫn dày vò tâm can, thế thì gia đình bà lại tiếp tục được bình an.
Con đường huyện hôm nay nắng cháy, cuối trời những đám mây đen đang quần tụ, có lẽ chiều nay hay mai kia sẽ có mưa dầm; chợt bà cảm nhận, ở nơi xa xôi đó nếu có thần linh trên cao, có lẽ trời đất cũng hiểu được tình cảnh đáng thương của bà, họ sẽ trị tội bà nay kia thôi, bà đã gián tiếp dấn sâu vào tội lỗi rồi, con đường sao thấy quen thuộc, vì bà đã hai năm qua thường đi tuyến này, nó còn gắn bó với bà đến bao lâu nữa?