CHƯƠNG 1:
Dạo gần đây bà Hường cứ thấy trong người không được khỏe, cả người cứ mệt mỏi ăn không ngon. Hơn nữa mỗi đêm thường hay mơ tới những chuyện máu me, chết chóc. Có lần bà còn nằm mơ thấy chính mình bị cả một đàn rết ở đâu chui ra xâu xé, chúng nó gặm nhấm bà cho đến khi chỉ còn bộ xương trắng.
Cái Nhung, con gái bà năm lần bảy lượt đem mẹ tới bệnh viện mà không khám ra bệnh gì, nó lo lắng nói:
– Chẳng lẽ mẹ tới thời kỳ tiền mãn kinh nên tâm sinh lý không được ổn định, ảnh hưởng tới sức khỏe à?
Bà Hường năm nay mới sang tuổi 45, đúng là đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Bà gật đầu:
– Hay là thế nhở? Chứ bác sĩ cũng chỉ kê thuốc bổ thôi chứ có nói được bệnh gì đâu.
Cái Nhung thở dài:
– Để cuối tháng này nếu mà bệnh của mẹ cứ không có chuyển biến tốt thì để con đưa mẹ lên bệnh viện lớn trên Hà Nội khám. Rồi đi tầm soát xem có bị ung thư hay gì không. Mấy cái bệnh này giai đoạn đầu khám khó ra lắm.
Bà Hường nghe con gái nhắc tới bệnh ung thư thì có chút lo lắng. Bấy lâu nay bệnh gì bà cũng không sợ, chỉ sợ ung thư. Cũng may gia đình có điều kiện nên bà đã mua bảo hiểm từ lâu, giờ có bệnh gì thì cũng bớt lo chi phí được một chút.
Hai mẹ con ngồi nói chuyện với nhau cả một buổi chiều, nói qua nói lại, nghi ngờ lên nghi ngờ xuống, cuối cùng kết luận bà bị tiền mãn kinh nên mới mệt mỏi như thế.
Bà Hường là vợ thầy Quyết, cả hai lấy nhau hơn 20 năm rồi, có với nhau hai mặt con. Đứa con đầu là cái Nhung, năm nay 22 tuổi, đang mở một quán trà sữa ở gần trường học, công việc làm ăn cũng thuận lợi, cũng có thuê được hai người làm cho nên thỉnh thoảng vẫn có thời gian chạy lui chạy tới.
Đứa thứ hai là thằng Thành, năm nay mới học năm nhất ở trên Hà Nội, một năm nó chỉ về thăm nhà 2, 3 lần.
Nói chung gia đình thầy Quyết bà Hường ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ vì họ có nhà cao cửa rộng, con cái lại giỏi giang ngoan ngoãn.
Sau giờ cơm tối, vợ chồng ông Toàn, bà Hợp mang theo một rổ bắp nếp qua. Ông Toàn là em trai thầy Quyết, bà Hợp là em dâu.
Hai chị em dâu bà Hường và bà Hợp vừa ăn bắp nếp vừa nói chuyện heo gà trong chuồng. Hai anh em thầy Quyết ngồi nói chuyện với nhau về mùa vụ năm nay. Năm nay người nông dân được mùa cho nên số học sinh bị buộc nghỉ học giảm xuống. Ở quê có những gia đình không quan tâm đến việc học hành của con cái, thường hay ép con cái phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống. Không ai cho họ tiền cho nên chuyện bắt con cái nghỉ học. Thầy Quyết nhớ có lần trong lớp mình có một em học sinh cũng thuộc vào loại giỏi, bất ngờ nghỉ học ngang. Ông luyến tiếc lắm bèn đi đến nhà học sinh vận động phụ huynh cho em đó đi học lại. Không ngờ chưa nói được mấy cây thì người mẹ đã sấn sổ đứng lên nói:
– Nhà trường mấy người cho tôi tiền đi rồi tôi sẽ cho con tôi đi học tiếp.
Lúc đó thầy Quyết cũng á khẩu không biết phải nói gì tiếp theo. Nhà em học sinh này rất nghèo, đến cái mái nhà cũng lợp không đàng hoàng, vách nhà thì thủng lỗ chỗ, trong nhà không có gì đáng giá. Gia cảnh như thế này mà nuôi một đứa con học hết cấp ba, sau đó lại tiếp tục học đại học e rằng họ kham không nổi. Cho nên quyết định bình thường của họ là cho con cái nghỉ học sớm đi làm kiếm tiền.
Không những không mất tiền học phí mà còn dư ra nữa.
Một năm thầy Quyết cũng phải làm hai, ba cuộc vận động như vậy nhưng thường thất bại nhiều hơn thành công. May mắn năm nay mùa màng bội thu nên chưa thấy học sinh nào trong lớp có ý định nghỉ học.
Nhắc đến chuyện này, thầy Quyết lại nhớ đến hoàn cảnh ngày xưa của mình. Lúc nhỏ ông học giỏi hơn nên được gia đình đầu tư cho học hết cấp ba rồi lên thành phố học đại học, ai cũng hy vọng tương lai thầy sẽ sáng sủa hơn, rồi thì một người làm quan, cả họ được nhờ.
Mà ông suôn sẻ được làm giáo viên cũng nhờ bà Hường. Năm đó nhà ông chỉ đủ ăn đủ mặc, còn nhà bà Hường thì gần như giàu nhất vùng. Bố mẹ bà Hường nói với bố mẹ thầy Quyết là nếu con trai ông bà chịu làm rể nhà họ thì họ sẽ chi tiền rồi móc nối các mối quan hệ để xin việc cho.
Năm đó mặc dù giáo viên thiếu chứ không thừa như bây giờ, nhưng sau khi ra trường bị điều đi nơi nào thì chưa biết, còn nếu muốn về địa phương của mình dạy học thì phải tốn hơn hai cây vàng. Nhà thầy Quyết làm sao có nổi số tiền đó, cho nên sau một hồi cân nhắc bàn bạc, họ đồng ý cưới bà Hường về.
Vì thế sau khi ra trường, thầy Quyết xin được một chân thầy giáo ở ngôi trường cấp 3 gần nhà. Ông phấn đấu bao nhiêu năm, hiện tại cũng có chỗ đứng trong trường học.
Còn ông Toàn thì không được may mắn như anh trai. Bởi vì hồi nhỏ học dốt nên nghỉ học ở nhà đi làm phụ nuôi anh. Sau này thầy Quyết lấy được vợ giàu thì ông Toàn mới được thảnh thơi. Nhưng vì không có kiến thức cho nên không tìm được việc gì an nhàn, việc ở quê ngày càng khó kiếm sống cho nên ông từ bỏ quê nhà, lên Hà Nội làm công nhân. Cho đến năm ngoái tình hình dịch bệnh phức tạp mới đem theo vợ con trở về quê.
Hai vợ chồng ông Toàn bà Hợp ngồi chơi đến 9 giờ mới về. Thầy Quyết trước khi đi ngủ lướt sơ qua tập giáo án để chuẩn bị cho buổi dạy sáng mai.
Lúc ông quay lại giường thì bà Hường đã ngủ rồi. Bà thường có thói quen không tắt đèn khi ngủ để chờ chồng, có điều chẳng bao giờ chờ được. Dưới ánh đèn sáng trưng, thầy Quyết quan sát vợ mình từ đầu đến chân.
Bà Hường có nước da trắng ngần bởi vì từ nhỏ đến lớn không phải lao động vất vả. Người có gia cảnh tốt như vậy đúng là khiến người ta ngưỡng mộ. Năm nay bà vừa qua 45 tuổi, cơ thể có những chỗ phì ra, cũng có chỗ chảy xệ, nhưng không đến mức xấu xí. Trên trán bà có một vết sẹo dài do hồi nhỏ bị ngã xe. Lúc còn trẻ bà thường dùng tóc mái che vết sẹo xấu xí ấy đi, nhưng giờ có tuổi rồi, để tóc mái không còn phù hợp nữa nên cứ vén hết tóc lên, thầy Quyết nhìn vết sẹo ấy lâu ngày cũng quen mắt, không còn thấy nó dữ tợn nữa.
Bây giờ cẩn thận nhìn vết sẹo ấy thầy lại nhớ về chuyện ngày xưa.
Năm đó thầy Quyết là người có học thức cao nhất làng, thêm vẻ ngoài điển trai, nho nhã, đi đâu cũng quần tây áo sơ mi lịch lãm khiến ai gặp cũng có cảm tình. Có lẽ các cô gái chưa chồng ở làng này phải có đến hơn một nửa mê mẩn thầy. Nhưng các cô ấy đều ý thức bản thân kém xa nên không dám tiếp cận hay trèo cao.
Duy chỉ có bà Hường là không ngại ngùng gì mà theo đuổi ông. Mặc dù vẻ ngoài của bà không xấu, nhưng cái sẹo kia chính là điểm trừ của bà. Đừng nói người đào hoa như thầy Quyết, mà mấy anh trai làng bình thường cũng không thích vẻ ngoài của bà. Có điều bà Hường được lợi thế là gia đình giàu có, bà cũng hiểu sinh viên sư phạm ra trường muốn được vào biên chế thì cần phải có tiền chạy việc. Mấy sào ruộng nhà thầy Quyết chỉ đủ sống thôi chứ làm sao đủ mà chạy việc được. Bán hết ruộng đất thì may ra, nhưng bán đi rồi thì lấy gì mà ăn, lương giáo viên bèo bọt ai mà chẳng biết, khi nào mới lấy lại được vốn.
Vì thế bà về nhà bàn với bố mẹ là ra điều kiện để chạy việc cho thầy Quyết dạy ở trường gần nhà. Cuối cùng ông dù không có tình cảm với bà Hường nhưng bởi vì công việc mà gật đầu đồng ý cưới bà.
Hai vợ chồng bọn họ kết hôn hơn hai mươi năm. Vợ chồng sống với nhau lâu ngày không bắt đầu bằng tình yêu thì cũng sinh ra tình thương. Mấy ngày gần đây bà Hường cứ than trong người không khoẻ khiến ông cũng sốt ruột.
Ông tắt đèn lên giường nằm, tay còn đang gác lên trán thì điện thoại chợt rung lên. Ông quờ tay ra bên cạnh xem ai nhắn tin cho mình, mắt chợt nheo lại khi thấy tên người gửi.
Người gửi là bà Hợp, em dâu ông.
“Anh ngủ chưa?” – Bà ta nhắn.
Thầy Quyết vốn không định trả lời, nhưng con người ông làm nhà giáo lâu năm, phép lịch sự đã ăn sâu vào máu nên trong vô thức, mấy ngón tay lại gõ ra hàng chữ: “Chuẩn bị.”
Bên kia bà Hợp trả lời: “Anh xem ngủ sớm đi, thức khuya không tốt cho sức khỏe”.
Thầy Quyết không trả lời nữa, nhanh chóng xóa những tin nhắn đó đi.
Chuyện giữa ông và bà Hợp cũng thật nực cười.