#1
“Suốt ngày mày cứ nhậu nhẹt chè chén như thế thì bảo sao con Hiền không bỏ lên Sài Gòn cho được. Không biết chừng giờ này nó đã kiếm được thằng khác tốt hơn mày gấp mấy lần rồi ấy.”
Nói đoạn, mụ Linh bán quán liền nhanh nhẹn bưng đĩa lạc rang ra đặt lên bàn cho gã Thoại. Sau đó mụ ta lại trở về chỗ ngồi, tay cầm quạt phất mạnh, miệng không ngừng phát ra những lời châm chọc.
“Cái Hà năm nay cũng bảy tuổi rồi nhở? Lần sau vợ mày về chắc là sẽ dẫn theo một đứa em cho nó đấy…”
“Rồi nó lại kêu mày là bố thì chết… Haha”
Bất chợt, tiếng cười của mụ Linh vang lên khiến cho cái quán nhỏ vốn dĩ yên tĩnh lại càng thêm ngột ngạt khó chịu. Lúc này, người đàn ông ôm chai rượu ngồi trong góc tối mới ngẩng đầu lên, đôi mắt hằn đầy tia máu đỏ nhìn chằm chằm vào mụ ta hận thù. Nhưng cái hận này không phải dành cho mụ ta, mà lại dành cho người vợ ác độc bỏ chồng bỏ con đi Sài Gòn kia.
Gã Thoại cuối cùng cũng không nhịn nổi được nữa, gã ta đập mạnh chai rượu lên bàn, quát lớn:
“Chuyện nhà tôi thì liên quan gì đến mụ? Mụ đừng có mà ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, tôi mà còn nghe thấy mụ bép xép cái gì thì liệu hồn tôi đấy.”
Vừa chửi, gã vừa đưa bàn tay nổi đầy gân lên dọa dẫm muốn đánh. Lúc bấy giờ, mụ Linh sợ tái mặt, ấp úng không dám thở mạnh, nấp trong góc không ngừng gật đầu. Gã Thoại thấy thế liền nở nụ cười cay nghiệt, gã cũng không thèm trả tiền mà cứ thế quay lưng loạng choạng đi ra khỏi quán.
Làng Hạ tháng bảy, cái nắng gay gắt như muốn khiến con người tiếp xúc cháy da cháy thịt. Tuy đã ba bốn giờ chiều thế nhưng cái sự oi bức vẫn không giảm, mà lúc lại càng tăng thêm. Lúc này, gã Thoại người ngợm nhễ nhại mồ hôi lại đang cố lê cái xác say xỉn về căn nhà cũ nát của mình. Trên đường, ai trông thấy gã cũng tránh như né tà, ánh mắt họ mang theo sự khinh thường và chế giễu khiến Thoại khó chịu vô cùng. Chuyện gã bỏ đi nơi khác e là đã bị đồn đại khắp làng trên xóm dưới rồi.
Thoại và Hiền quen nhau từ thuở tấm bé rồi thầm mến nhau lúc nào chẳng hay. Năm 18 tuổi, bởi vì không muốn khuất phục trước cái nghèo nên gã đã xúi bố mẹ mình bán đất đai để kiếm vốn đến thành phố làm ăn. Trước khi lên đường gã mang theo bao nhiêu hoài bão, thế nhưng thực tế lại khiến cho giấc mộng của gã tan nát. Sau mấy tháng đi làm ăn, Thoại mang cái xác gầy guộc trở về quê, bấy giờ ai ai cũng chỉ trỏ chê bai, cười nhạo gã. Thế nhưng Hiền lại không, cô liên tục động viên an ủi khiến Thoại càng yêu cô nhiều thêm. Sau bao nhiêu ngày ở bên nhau, cuối cùng Thoại cũng cưới được Hiền về tay. Nợ nần chồng chất, nay lại vay mượn để làm đám cưới, bố mẹ Thoại tóc ngày càng thêm bạc, lao lực kiếm tiền trả nợ khiến họ sinh bệnh rồi qua đời. Gia đình Hiền cũng không khá khẩm là bao nhiêu, ba mất sớm, mẹ ruột lại điên điên dại dại nên cũng không giúp đỡ được gì. Miếng đất cuối cùng kia cũng bị gã Thoại bán đi, gã mang đi đầu tư để kiếm lời. Thế nhưng lời không thấy mà còn bị mất trắng, trở thành kẻ ở nhờ nhà vợ. Gã Thoại chán nản nhậu nhẹt suốt ngày, mặc cho Hiền có nói thế nào cũng không chịu nghe. Thế là Hiền mang bầu tám tháng vẫn phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Ngày lại ngày trôi qua, cái Hà được sinh ra và lớn lên. Sự u ám và ngột ngạt trong căn nhà ấy lúc lại càng tăng thêm. Rồi gã Thoại còn học đâu cái thói đánh đập vợ con. Bao nhiêu bất mãn và dồn nén khiến Hiền không nhịn được nữa, thế là vào một đêm mưa cô đã xách túi với mấy bộ quần áo cũ bỏ đi. Lúc ấy, có người ở làng Hà lên Sài Gòn nhìn thấy Hiền đi làm công về kể lại. Thế nhưng Thoại nhất quyết không đi tìm, trong suy nghĩ của hắn, chỉ cần cái Hà ở đây thì Hiền nhất định phải về. Quả nhiên, tháng nào cô cũng gửi tiền về nhà để nuôi con. Nhưng cô nào biết được, số tiền ấy gã Thoại chỉ để dành uống rượu.
Nhớ lại những chuyện ấy, máu nóng của gã lại càng tăng thêm. Gã moi mấy tờ tiền trong túi quần ra, sau đó tính nhẩm ngày Hiền gửi tiền về. Rồi lẩm bẩm chửi rủa.
” Mẹ kiếp, con đàn bà khốn nạn. Nếu mày không gửi về kịp thì tao đánh chết con mày…”
Khi nói ra những lời, gã dường như đã quên mất chuyện cái Hà cũng là ruột thịt của mình.
Loạng choạng bước vào con đường, ở đầu ngõ gã Thoại đã nghe thấy tiếng xích sắt “leng keng” vang lên. Vừa đến trước sân, gã đã nhìn thấy cảnh một đứa trẻ đang đút từng muỗi cơm nguội cho bà già đang bị xích lại. Nhưng bà ấy không ăn, đôi mắt vô hồn cứ nhìn chằm chằm lên bầu trời,thỉnh thoảng lại nở một nụ cười ngu ngơ. Cái Hà ngồi bên cạnh, liên tục non nớt dụ dỗ.
“Ngoại ơi, ngoại ngoan nè! Ngoại ăn cơm Hà nấu nè…”
Thế nhưng bà ấy vẫn không ăn, lúc cười lúc lại nhăn mặt. Sau đó lại hét lên:
“Không ăn, không ăn. Hiền, Hiền…con xem. Có chim trên trời kìa. Có chim bay kìa, Hiền ơi. Có thấy không.”
Nghe thấy bà ngoại nhắc đến mẹ mình, hai mắt của cái Hà liền đỏ lên nhưng không dám khóc. Nó chỉ dám thút thít nhỏ giọng, bởi vì nó sợ bố mình thấy rồi lại đánh nó.
Nhưng mà, gã Thoại bên này lại không chịu nổi. Chỉ cần nhìn bà già này là gã lại nhớ đến chuyện Hiền bỏ đi, hắn giận dữ bước vào, không nói không rằng hất mạnh cái chén trong tay của cái Hà. Một tiếng “choang” vang lên, chút ít cơm trong chén lên văng vương vãi ra ngoài đất. Cái Hà tiếc đứt ruột, nó muốn hốt nhưng không nhúc nhích nổi. Hai chân cứ như bị chôn tại chỗ.
Gã Thoại kéo bừa cái Hà dậy, rồi chỉ tay vào mặt bà Tám. Quát lớn:
“Không ăn thì nhịn. Cái thứ vô dụng như bà nuôi chỉ tốn cơm tốn gạo chứ chẳng được tích sự gì. Từ giờ tới mai nhịn cho tôi.”
Rồi gã lại quay sang dí mạnh vào trán cái Hà.
“Tao mà thấy mày cho bà già này ăn thì mày chết với tao!”
Nói xong, gã kéo cái Hà vào nhà. Đóng thật mạnh cửa. Trước khi cửa đóng lại, nó nhìn thấy bà Tám đang run rẩy hốt từng hạt cơm bỏ vào miệng, đôi mắt lại không ngừng sợ hãi nhìn vào hướng này. Như thể, bố của nó chính là một quái vật.
Đêm dần buông xuống, khác với sự oi bức của ban ngày, giờ đây ở bên ngoài lại nổi tiếng từng cơn gió lạnh lẽo.
“Ầm ầm…”
Bỗng nhiên, sấm chớp rạch ngang bầu trời giữa bầu trời yên tĩnh. Lúc ấy là khoảng hơn mười một giờ đêm, khi cả làng Hạ đang chìm trong giấc ngủ mộng mị thì cơn mưa bất chợt ập đến một cách vội vàng. Không khí bên ngoài dịu lại, nhưng cái sự ngột ngạt trong căn nhà của gã Thoại vẫn không giảm bớt một chút nào. Lúc này, cái bóng bé nhỏ của cái Hà đang lén lút vụt ra ngoài cửa, trên tay nó là chén cơm lúc chiều để dành được. Nó muốn đem ra cho bà ngoại mình ăn.
Khi ra đến cửa, cái Hà nhìn thấy bà Tám nằm co ro trên cái chõng tre, hình như là bị lạnh nên cả người liên tục run lên. Hà nhẹ nhàng bước đến gọi bà, chỉ vài ba cái lay nhẹ bà ấy đã tỉnh giấc. Nhìn thấy bà Tám liền ngồi dậy, trên miệng nhoẻn một nụ cười như đứa trẻ. Ấy nhưng một giây sau lại sợ hãi nhìn vào cửa.
Cái Hà biết bà ấy lo chuyện gì nên nhỏ giọng đáp:
“Ngoại yên tâm, bố con ngủ rồi!”
Lúc đi qua phòng của gã, cái Hà đã kiểm tra kĩ lắm rồi. Với lại, ban ngày gã nhậu say như thế thì tối đến không tỉnh dậy được đâu.
Thế nhưng, người tính lại không bằng trời tính, ngay lúc cái Hà định đút cơm cho bà ngoại thì cánh cửa bất chợt mở ra. Một bóng dáng cao lớn ập đến, cái người đáng lẽ phải ngủ vì say lúc bấy giờ lại đang âm trầm nhìn hai bà cháu. Gã Thoại giận điếng người, đưa tay tát một cái thật mạnh vào mặt cái Hà rồi gằn lên:
“Hết mẹ rồi đến con. Bọn mày muốn chọc tao tức chết mới vừa lòng phải không? Ban chiều tao đã nói sao, không được cho cái mụ già này ăn! Giờ mày đang làm gì thế, mày muốn học theo cái thói chống đối của mẹ mày à?”