Như chúng ta đã biết khi con người chết đi, hiện tại thời đại phát triển thì có 3 cách xử lý, thứ nhất đó là chôn cất sau đó lấp đất lại, đợi vài năm sau thì cải táng, cách thứ 2 là xây mộ vĩnh viễn, chôn xong lấp đất và xây mộ mãi mãi không cần cải táng, và cách thứ ba đó là hỏa thiêu. Tuy nhiên thời xưa cái thời mà điện vừa mới có, cả xã Hà Sơn khi đó điện lưới vừa về, bà con người dân nơi đây rất là vui mừng, tuy nhiên điện ngày xưa chỉ là đường điện 110kv cho nên nhà ai cũng tiết kiệm thắp chỉ mỗi một bóng đèn nhỏ đủ chiếu sáng, mà cái thời đấy thì cũng chưa có những thiết bị hiện đại như bây giờ.
Lại nói đến chuyện chôn cất người chết, người dân xã Hà Sơn từ xưa đến nay thường chôn cất tập trung tại 1 bãi ruộng to, và nơi đó thường gọi với tên là bãi tha ma ( miền nam gọi là nghĩa địa, hoặc là nghĩa trang nhân dân). Cả 1 bãi tha ma rộng lớn nhưng mà mộ nhiều vô kể, có cả mộ to, mộ nhỏ, mộ mới và mộ cũ lẫn lộn. Thường thường thì dân ở Hà Sơn sẽ cải táng mộ vào tháng 11 âm lịch, đại loại đây là phong tục chung rồi. Cứ hễ năm nào đến tháng 11 âm lịch là cũng có vài nhà tất bật để cải táng mộ trước khi tết đến xuân về.
Nhà chú Đạt năm nay cũng có ý định cải táng lại mộ cho ông cụ thân sinh ra chú, mà ngặt nỗi nhà chú thuộc cái diện nghèo nhất nhì làng, lấy đâu ra tiền để làm vài mâm mời hàng xóm láng giềng, hai vợ chú suy đi tính lại rốt cuộc cũng cắn răng làm thịt mấy con gà mái đang độ đẻ trứng, vợ chú cứ tiếc hùi hụi, định đề giành mấy con gà đó lại khi nào đứa con trai vào học thì bán mua cho nó bộ đồ và mấy cuốn vở viết. Nay có việc nên đành thôi vậy.
Hôm bữa chú nhờ người coi giúp ngày lành tháng đẹp nên đúng ngày 10 này là được ngày, tiền bán gần chục con gà với hai vợ chồng tích cóp cũng được kha khá, chú Đạt mua một chiếc tiểu sành về chuẩn bị sẵn, bên nhà chú có nhiều anh em nhưng đều chết trẻ, chưa có gia đình nên tính ra, bây giờ chú còn một bà chị gái nữa mà thôi, thế nên mọi chuyện đều dồn lên đầu hai vợ chồng nhà chú Đạt hết. Chú vào trong làng nhờ mấy người có kinh nghiệm đi bốc mộ giúp, sơ sơ thì tính ra cũng được 20 người đi. Đúng 12h đêm ngày mùng 10, cả nhóm 20 người tay xách nách mang, nào là khiêng tiểu, nào là vác can nước sạch, nào là nước để rửa xương, rồng rắn nối đuôi nhau cả trai cả gái ra bãi tha ma của làng.
Đi bộ mất 20p thì đến đầu con đường rẽ vào bãi tha ma, xung quanh bãi tha ma được bao bọc bởi cánh đồng lúa rộng bao la bát ngát, nếu ai nói ở đâu ban đêm yên bình nhất có lẽ sẽ có một phần là chốn này, khung cảnh ban đêm khá là đìu hiu, toát lên một chút gì đó rùng rợn, lâu lâu lại có vài tiếng chim lợn kêu lên, nếu ai yếu tim thì cứ giật mình thon thót. Cả đoàn đi vào đến khuôn viên bãi tha ma thì gặp 1 đoàn người đi ngược ra, cả hai đoàn người rọi đèn pin và nhận ra nhau.
– A chào chú Đạt, nay nhà chú cũng bốc mộ cho ông cụ à.
Tiếng một người đối diện vang lên đó là tiếng bác Khoát, hàng xóm cách nhà chú Đạt vài căn nhà, chú Đạt vội lên tiếng.
– Dạ em chào a Khoát, nay em bốc mộ cho cụ nhà em, a bốc mộ cho bà nhà ạ.
Nhà bác Khoát nghe nói năm nay bốc bộ cho mẹ của bác nên Chú Đạt hỏi lại, bác Khoát gật đầu trả lời.
– Ừ nay a bốc mộ cho bà cụ nhà a, xong xuôi rồi, mà năm nay đi xem họ kêu bốc được nên a mới bốc sớm, chứ mới chôn có 4 năm thôi, khi nãy đào lên còn nhiều thịt lắm, tội quá chú ạ, thôi a xin phép về trước làm lễ cho cụ, có gì a qua nhà chú sau nha.
Nói rồi bác Khoát và đoàn bốc mộ nhà bác rồng rắn đi về, nhà bác ấy đông người cho nên là đông người đi, đoàn bốc mộ nhà chú Đạt lại tiến vào, cũng ngẫu nhiên là phần mộ nhà chú Đạt lạu nằm gần ngay phần mộ nhà bác Khoát, vừa vào đến phần mộ nhà mình, chú Đạt và mọi người thấy nằm la liệt nào là nhang, nến, quần áo liệm rách tả tơi vứt bừa bãi ở đó, quan tài nằm chỏng trơ lên, có cả 1 mớ tóc đen thui đang nằm vắt vẻo ở trên miệng quan tài nữa. Nếu giờ này có ai một mình vào đây nhìn thấy cảnh này chỉ có mà chạy tụt quần. Và phong tục ở đây sau khi bốc mộ là vứt tại chỗ, đợi khi trời nắng sẽ ra đi gom lại và đốt, vì thế ngày xưa thường có những người thợ mộc bất nhân tính, thường ra đây đi ăn trộm ván quan tài về đóng giường tủ bán cho người dân, ai mà không biết mua về thì chỉ có mà đau bệnh cả năm trời.
Quay lại chỗ mộ nhà chú Đạt, năm nay mưa nhiều cho nên đi vào đây chân có cảm giác sệt sệt ướt chân, đất dưới chân khá là ướt, mọi người chia nhau ra đốt hai bó hương to, thắp cho mộ ông cụ nhà chú Đạt và các ngôi mộ xung quanh, xong xuôi một bác khá lớn tuổi đi ra, là bác họ của chú Đạt cũng biết cúng kiếng nên đi theo để làm lễ cúng cho cụ và xin rước cụ về. Công việc cúng bái cũng đơn giản thôi, mọi lễ cúng đều được chuẩn vị sẵn nên nhanh gọn, đúng 1h sáng thì nhát cuốc đầu tiên được khơi ra, chú Đạt là người bổ đầu tiền và còn lại là để cho 4 người bốc mộ đào, chú đang đứng nhìn thì vợ chú lại khẽ lay tay chú, lôi chú ra xa chỗ mọi người 1 chút và nói.
– Mình này, chỗ kia có một ổ cá trê to lắm, bắt mấy con về kho ăn.
Chú Đạt nghe xong thì nói.
– Vớ vẫn, ngày xưa nghe các cụ nói cá trê trong mộ xui lắm, nó còn ăn thịt người đấy, vớ vẩn họ về họ vả cho gẫy răng.
Chị vợ cau có nói lại.
– Ơ cái ông này, tôi có nói cá trê ở dưới mộ đâu nó đang quần ngay bụi cỏ đây này.
Nói xong chị vợ dẫn chú lại chỗ một bụi cỏ khá rậm, cách chỗ bốc mộ một đoạn, phía dưới bụi cỏ đang có một vũng nước đọng, và có những con cá trê đen thui đang quẫy nước để đục ra chiếc hang mà chạy trốn, chú Đạt thấy thế thì cũng không xem xét xung quanh xem cá này từ đâu ra, chú giật giật tay vợ nói.
– Tốt quá, đang sợ thiếu thức ăn lại có đồ ăn dâng đến miệng, chắc mấy con cá này nó lên theo nước từ dưới ruộng lên rồi bị kẹt lại.
Nói rồi hai vợ chồng chú đi lại chỗ đoàn bốc mộ, giả vờ ngó xem tình hình rồi chú thò tay lấy một cái túi bóng đen đựng đồ vứt ở đó, đi nhanh lại chỗ vũng nước lúc nãy, chú Đạt thò tay xuống mò lên, chao ôi con cá trê nó to như cái cổ tay của chú vậy, chú mò từng con bỏ vào túi bóng đen, những con cá trê này tuy to nhưng nó không cựa quậy gì hết khi bỏ vào túi bóng thì nằm im luôn, chú bắt một lúc thì đâu được tầm hơn chục con, còn những con bé chú không bắt, hai vợ chồng hí hửng, chú đưa cho cô vợ túi cá rồi dặn.
– Bà nó đem ra chỗ đầu cổng bãi tha ma mà giấu, tí về rồi sách về, giờ sách vào họ sợ sáng nấu lên họ không ăn đây.
Chị vợ nghe lời chú đem đi giấu, và cái điều này làm nên ác mộng cho nhà chú, khi bắt cá chú cứ nghĩ cá từ dưới ruộng lên, nhưng không phải, những con cá trê này nó chính là từ mộ của bà cụ nhà bác Khoát chui ra, không ai nhìn kỹ cái quan tài nhà bác Khoát bỏ đó, vẫn còn những cái lỗ to nhỏ ở bên hông và dưới đáy quan tài. Và nhìn kỹ thì có một đường bùn do cá trườn tạo nên từ chỗ quan tài ra chỗ cái vũng cá chú Đạt bắt.
Chú Đạt dặn vợ xong thì đi lại chỗ đào mộ, đúng là đất ướt thật, đài đến đâu thì nước thấm ra đến đó, chảy xuống cái huyệt ướt sũng nước, bốn người đào mộ khá vất vả hất từng nhát xẻng đất lên trên, bùn đất văng tứ tung. Đào một lúc thì đụng vào nắp quan tài rồi, họ vét sạch đắt hai bên và trên nắp quan tài, sáu năm rồi lớp sơn đỏ đã bay hết, giờ chỉ còn loang lỗ chỗ có chỗ không trông khá ghê rợn, vì nước ướt quá nên bốn người đào thuê có ý kiến kéo quan tài lên trên cho dễ, thế là họ lại vét sạch bùn hai bên cho rộng ra, luồn hai sợi dây thừng xuống dưới đáy quan tài, cột đầu lại, ở trên mọi người đã có sẵn một cây gỗ dài làm đòn gánh, chú Đạt cho vai vào rồi hô.
– Một hai ba lên nào, một hai ba lên nào.
Sau tiếng hô của chú là mọi người oằn mình, cong lưng nhấc chiếc quan tài lên, có người thì đứng kéo quan tài vào xát miệng huyệt rồi lôi vào. Xong xuôi ai cũng nhẹ nhõm cả người, quan tài ngấm nước cộng thêm bùn nên khá là nặng, quan tài nằm ngay miệng huyệt, chú Đạt dùng một cây xà beng có đầu cong dùng sức cạy nắp quan tài ra, mất một hồi vật lộn thì nắp quan tài cũng bật ra, rơi xuống miệng huyệt, tiểu sành và nước rửa đã chuẩn bị sẵn, nhìn vào quan tài, áo liệm đã rách tả tơi, nước ngấm vào chưa thoát ra nên nổi lềnh bềnh trên mặt, bộ xương thì nữa chìm nữa nổi, phải thò tay vào trong mà mò nhặt từng cái xương ra, cũng may là bốn người bốc mộ có kinh nghiệm và khá quen chuyện này nên họ làm rất là nhanh, khoảng 1 tiếng sau thì bộ xương hoàn chỉnh được xếp trên tấm vải đỏ bỏ gọn vào trong tiểu sành rồi, nhà chú Đạt có mấy bác họ hàng thì cứ khóc huhu, công việc đã xong, mọi người dọn dẹp đồ đạc, hai người khiêng tiểu đi trước, mọi người nối đuôi nhau đi sau, vợ chú Đạt cũng không quên bọc cá nặng trịch đang giấu ngoài cổng bãi tha ma. Một món cá trê kho đang chờ đón mọi người.