Những gì thằng Ninh nói Hoàng đều nhớ hết trong đầu, nhưng muốn thực hiện được liền thì đâu phải điều dễ dàng. Bởi việc đi lại của Hoàng còn gặp nhiều khó khăn, muốn làm việc đại sự thì phải làm việc bản thân trước. Mỗi ngày Hoàng đều chăm chỉ tập đi bằng nạn gỗ, những bước đầu tiên thật sự rất khó khăn. Cứ đi là ngã, cứ đứng là ngã làm anh tốn biết bao nhiêu công sức và mồ hôi. Đâu được mấy hôm thì có vẻ anh đã thành thục hơn. Bởi mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản nếu con người quyết tâm cao độ.
Tối đó, anh lại không ngủ sớm, đợi vợ đi làm về. Nga đi làm về thấy anh còn thức, cô cũng không hỏi gì, định bụng đi xuống thay đồ rồi ngủ. Anh lên tiếng:
— Em đừng đi làm nghề này nữa. Ráng một thời gian nữa anh sẽ làm có tiền trả nợ.
— Không làm cái này có mà ôm nhau chết đói à, tiền lãi cắt cổ mỗi tháng sắp đến rồi đấy.
— Anh nói anh lo được, mai anh bán con xe máy để em trả bớt tụi nó.
Nga nghe thế cũng không nói gì nữa, lại định quay lưng vào trong. Hoàng đắn đo, tay cứ nắm chặt rồi lên tiếng:
— Anh xin lỗi…
Câu nói ấy nói lay động đến tâm can bị tổn thương của cô. Tự nhiên cô thấy sóng mũi mình cay cay, khoé mắt chực trào, cô nuốt nghẹn một cái rồi đi xuống dưới nhà.
[…]
Ngày hôm sau, Hoàng bán con xe được hơn 3 triệu, cất tiền rồi anh bắt xe ôm đi đến nghĩa trang lớn nhất ở đây. Trời thì nắng, cái mũ bèo xanh cũng không che chắn được cho anh bao nhiêu. Người bình thường lội lên đây cũng đã thấy vất vả, chứ đừng nói gì đến người tật nguyền như anh. Chân run run, từng bước trên đôi nạn gỗ, anh cố gắng đi một lượt để tìm xem ai có cải táng không. Nguyên một ngày anh lượn lờ ở đây mà không có kết quả gì lại về không.
Tối đó Nga ở nhà, cô ấy không đi làm cái việc kia nữa. Thấy chồng về cô cứ kiểu ngại ngần:
— Anh về rồi, vào ăn cơm luôn.
— Ừ.
Nga lại đỡ lấy tay chồng, giúp anh dễ di chuyển hơn. Anh rửa mặt thay đồ xong thì ngồi vào bàn ăn cùng cả nhà. Anh không biết đã bao lâu rồi anh mới ngồi ăn như này, hia đứa con cũng còn nét sợ anh nên cứ im ỉm. Anh khẽ cười:
— Hai đứa ăn cơm đi con.
— Vâng ạ.
Xong quay sang Hoàng nói với vợ, tay lấy tiền từ trong túi ra đưa cho vợ:
— Em cầm số tiền này trả bớt cho người ta đi. Anh là chồng em, nhất định em sẽ lo được cho mẹ con em.
— Vâng.
Nga cũng không hỏi chồng sẽ làm gì để có tiền, bởi vì cô tôn trọng anh. Nghèo cũng đã nghèo rồi, nghèo thêm chút nữa cũng không sao. Miễn sao vợ chồng con cái vui vẻ hạnh phúc là được.
[…]
Sự nổ lực của Hoàng hơn mười ngày cũng không có kết quả gì, quá nôn nóng anh không đợi được nữa đành liều. Đêm hôm đó anh liều mình mang dụng cụ lên nghĩa trang, tay cầm xẻng nhỏ, cái cưa và xà beng lên đó, ánh đèn pin rọi quanh tìm khu mộ anh đã chọn. Khi tìm được anh vứt dụng cụ xuống đó, sự lo lắng hồi hộp khiến anh toát hết cả mồ hôi. Đêm hiu quạnh, xung quanh chỉ văng vẳng tiếng ếch nhái, tiếng gió lâu lâu cứ rít khẽ bên tai như ai đang thì thầm. Ngó kỹ lại lần nữa anh mới dám vung tay múc từng múc đất xuống nắm mộ không có bia, biết chắc đây là nắm mộ bỏ hoang nên mới dám làm việc này. Chân thì tật nguyền, một mình anh làm việc này cũng không dễ dàng gì, chật vật hơn cả tiếng mới tới được nắp hòm, thấy được nắp hòm thì anh mừng lắm. Vứt cái xẻng đi, liền lấy chai rượu nhỏ mang theo uống lấy một ngụm lớn lấy can đảm, còn không quên quấn lớp áo dày che đi nữa mặt. Thay vì gỡ nắp hòm thì Hoàng dùng xà beng móc thẳng vào giữa hòm, ván gỗ có vẻ lâu ngày nên vỡ nhanh. Anh lại tiếp tục làm như thế cho đến khi miếng ván anh cần lọt thỏm xuống, lúc này tim anh đập nhanh dữ dội, mồ hôi túa ra nãy giờ ướt đẫm hết cái áo anh mang. Mùi hôi thối nồng nặc xộc từ trong hòm bay ra, anh phải quay đi nôn ói nhiều lần, mặc dù đã bịt nữa mặt nhưng vẫn không thể ngăn được cái mùi hôi thối đó. Giờ làm sao đây? Không ai giúp anh được mà anh cũng không thể nhờ ai, đã làm được đến đây anh cũng không thể về tay không được. Hoàng bắt đầu lết sát lại, chống tay rồi leo từ từ xuống nắp hòm.
Bụp…
Nắp hòm đã cũ nên cái chạm chân của anh liền sụp ngay lập tức, anh thất thế xém ngã nhào xuống cái xác bên dưới. Bên dưới chân anh bị ướt và không biết nó là nước gì, cái mùi nó hôi kinh khủng, hôi muốn ngất luôn tại chỗ. Anh cố gắng đứng tránh qua một bên, không dẫm lên xác, nhưng hòm chật có tránh cũng khó. Bây giờ anh chỉ còn cách cúi người nhặt miếng ván gỗ, sau đó vất miếng ván lên trên, anh lại cố gắng trèo lên. Lên được đến nơi anh thở gấp, cứ như vừa mất đi lượng oxy khá lớn, đôi mắt lại dáo dác nhìn xung quanh, cái đèn pin cũng lia ánh sáng đi mọi nơi xem sao. Anh làm như thế để chứng minh là do anh sợ nên đã nghe lầm, nghe lầm tiếng ai đó đang xì xào nãy giờ. Không lẽ trong lúc Hoàng đang vật vã dưới kia thì có ai đó trên này đang nói gì? Hay là có ai đó cũng đang làm cái việc ” mất lương tâm” như anh? Không nghĩ ngơi nữa, anh nhanh chóng cho chiến lợi phẩm vào túi đen rồi lại chật vật đi xuống dưới. Đến quán nước trước nghĩa trang rửa ráy và theo cách cũ mà về, lúc về đến nhà, vợ con anh dường như đã ngủ. Anh lén lén bỏ chiến lợi phẩm xuống gầm giường, sau đó thay đồ rồi thản nhiên lên giường nằm, trong lòng vui sướng khôn nguôi.
TRUYỆN ĐĂNG ĐỘC QUYỀN FACEBOOK Khánh Vi.
Hoàng cứ đợi vợ con đi hết mới mang tấm ván đó ra đục đẽo như lời thằng Ninh nói. Nhưng cái vấn đề nan giải là ai chở anh vào nghĩa trang lúc đêm muộn đây? Cánh xe ôm giờ đó họ cũng đã nghĩ hết.
Nghĩ nát nước, cuối cùng Hoàng chọn cách ‘’ mua chuộc’’ xe ôm. Hôm đó anh nói với anh xe ôm rằng:
— Tối anh chở tôi vào nghĩa trang, tầm 1 tiếng tôi trả ông 300 ngàn.
Nghe có vẻ là mối hời nên chú xe ôm cũng thích lắm, nhưng cũng thắc mắc:
— Mấy giờ, mà tối muộn chú mày vào đấy làm gì?
— Có việc tí, anh cứ chở, tôi trả tiền trước cho anh. 11h30 anh qua đón tôi là được.
— Ừ, có số điện thoại anh rồi, chú mày cứ gọi trước cho anh là được. Lên đấy xin số hả?
Hoàng ra vẻ lấp liếm:
— Không, không có đâu?
— Có gì mà giấu, tụi nó tối nào cũng mò lên đấy đầy. Mà có đứa xin được, đưa lại không.
Thì ra đâu chỉ mình anh mang ước mơ đổi đời, ngoài kia biết bao nhiêu con người cũng giống như anh. Hoàng khẽ cừoi ngại ngần:
— Vâng anh ạ, anh nhìn em như này thì hiểu. Không liều thì tiền đâu lo cho vợ con hả anh.
Anh xe ôm cũng xót xa cho Hoàng, tuổi cũng còn đang trẻ mà mất đi một chân thì việc lao động lại khó khăn ra bội phần:
— Thôi, anh giúp chú mày, coi như làm phước, nhưng tiền thì anh vẫn lấy đấy nhé.
— Vâng, em có nói gì đâu.
— Chú mày thông cảm, tại anh cũng dân lao động cực khổ, anh cũng cần tiền.
— Vâng, chỗ anh em mình em hiểu mà.
— Ừ, thế nhé. Có gì gọi anh chạy qua.
— Vâng.
Nói rồi Hoàng quay lưng chống nạn đi ngược vào con hẻm.
Tối hôm ấy, đúng 11h30 anh xe ôm đã có mặt trước cổng nhà Hoàng. Thấy chồng đêm hôm rồi không ngủ lại mang cái gì đi đâu, Nga mới ngoái cổ xuống hỏi:
— Đi đâu muộn vậy anh?
— Anh đi công việc tí, mấy mẹ con ngủ đi, đừng đợi anh.
Vì cả ngày làm việc mệt mỏi nên Nga cũng nhanh chóng quay lại giấc ngủ. Hoàng leo lên xe và cả hai phóng ra nghĩa trang. Ra đến nơi anh xe ôm thiện chí:
— Cần anh đi theo chú mày không?
— Không cần đâu anh.
— Vậy anh ở quán nước kia đợi chú mày.
— Vâng.
Anh xe ôm lái xe qua quán nước phía ngoài cổng nghĩa trang. Bên dứoi cũng có nhiều xe lắm, đây là lần đầu tiên anh vào nghĩa trang đêm muộn như này. Chỉ có điều anh không ngờ là ở đây giờ này cũng đông đúc ghê. Lúc anh đi tìm ván gỗ anh cũng đã tìm ngôi mộ lâu đời sẵn. Giờ này lên nghĩa trang đúng là lạnh sóng lưng mà, gió hiu hiu lạnh thêm mùi nhang ai đó vừa thắp cứ sộc vào mũi anh. Xa xa có những ánh đèn pin nhập nhoè phản lại, anh đeo tấm bảng cầu cơ trên lưng, tay cầm đèn pin rọi đường. Những đám cỏ cao cao, những ngôi mộ lạnh lẽo nằm san sát nhau. Tay anh run run rọi tới rọi lui, lỡ nhầm rọi ra ai đó mang áo trắng tóc xoã dài ngồi vắt vẻo trên mộ chắc anh bỏ của chạy lấy người luôn quá.
Tiếng ếch nhái kêu đêm, lại thêm tiếng chim lợn kêu xa nó cứ khiến anh rợn hết cả người. Bao nhiêu gai óc nổi lên cuồn cuộn, tay vẫn vã mồ hôi vì lo lắng và sợ hãi. Ánh đèn pin có lúc rọi anh vào ảnh người trên mộ, anh cứ cảm tưởng như họ đang trợn mắt nhìn theo anh. Thật sự lúc này anh muốn bỏ hết mà về thôi, vì cảm giác nó quá sức ghê rợn đi, không khác gì mấy cảnh trên phim anh hay xem. Nhưng cái quyết tâm nó cũng lấn được cái sự sợ hãi cực độ của anh, mặc dù lâu lâu anh cứ rùng mình lên vì sợ bởi gió lạnh ở đâu vù vù thổi ngang qua anh. Cuối cùng anh cũng đã đến được nơi anh cần.
Hoàng thả nạn từ từ ngồi xuống trước ngôi mộ khá cũ, để đèn pin lên mộ. Cỏ mọc um tùm, thậm chí bia mộ cũng vỡ nát nhiều chỗ. Ảnh người trên mộ chỉ còn thấy được lờ mờ, nhưng năm sinh năm mất vẫn còn thấy được. Anh mới lấy cái bảng ra để trước mộ, để đồng xu lên tấm bảng. Sau đó lấy ba cây hương ra đốt lên và khấn:
— Mời ma mời quỷ dưới mộ nhập bàn cầu cơ, xin cho tôi số, tôi xin tạ.
Nói rồi Hoàng cắm ba cây hương trước mộ, rồi để ngón tay trỏ lên đồng xu miệng lẩm bẩm:
— Xin cho tôi số, xin cho tôi số…
Hoàng kiên nhẫn đọc nhưng mãi không thấy gì, Hoàng có vẻ thất vọng và nghĩ đây đúng là trò đùa điên rồ. Anh điên tiếc thở dài định vứt luôn bàn cầu cơ rồi về, nhưng không ngờ ngón tay anh di chuyển. Đôi mắt mở to hết cở, anh vội vàng lấy đèn chiếu vào xem số gì, ngón tay anh tự di chuyển từ số 2 rồi nó chạy đến số 7 và dừng lại.
Tâm trạng anh lúc này nó khó tả vô cùng, vừa thấy sợ lại vừa vui. Chưa bao giờ anh nghĩ lại có điều kỳ diệu như vậy. Anh cố gắng làm nốt bước cuối cùng:
— Mời ma mời quỷ rời bàn cầu cơ. Tạm biệt.
Hoàng vội vội vàng vàng lạy lại ba lạy sau đó cất đồ rồi chống nạn rời khỏi vị trí. Trong miệng cứ lẩm bẩm:
— 27…27…
Anh cứ thế chống nạn đi thẳng mà không quay đầu nhìn lại. Hương anh thắp trước mộ như có ai đó đang hưởng, những đốm lửa đầu hương đỏ rực tàn nhanh. Khói của hương bay về phía ngôi mộ.
[…]
Ngày hôm sau, lần quần suy nghĩ lúc lâu Hoàng mới đi lại cuối hẻm đánh số đề. Nơi này chơi nhỏ lại gần nên anh lại đây cho tiện. Đi đến nơi Hoàng chống cái nạn lại rồi nói với bà chủ đề:
— Cho tôi gói thuốc, với ghi tôi 20 ngàn số 27.
Bà chủ đề liếc Hoàng, rồi mở cái tủ nhỏ lấy thuốc, nói chuyện kiểu khinh khinh:
— Lần đầu chơi đề à?
— Vâng.
— Hèn gì mà không biết cái gì hết. Con 27 tuần này ra 2 lần rồi, nay nó không về nữa đâu.
Hoàng cũng không tỏ thái độ gì mấy, châm lửa đốt thuốc rồi trả lời:
— Bác ghi cho tôi đi, tại tôi thích.
Bà chủ đề lấy quyển sổ nhỏ cỡ bàn tay, sau đó nhìn trước ngó sau rồi mới ghi số rồi đưa cho anh:
— Đây, số của chú đây. Gớm, cùng xóm mà nay mới mua cho tôi gói thuốc.
— Tại tôi ít hút, nay thèm nên hút thôi.
Xong Hoàng quay người, chống nạn bỏ đi. Tuy anh cùng xóm với bà ấy lâu nay, nhưng anh cũng ít xuống dưới cuối hẻm. Bởi dưới đấy anh biết không những họ chơi banh, chơi đề lại còn hút hít nên anh không muốn tiếp xúc nhiều.
Ghi số xong từ sáng đến chiều anh đều hồi hộp chờ đợi kết quả, trong lòng nóng như thiêu như đốt. Khi cầm tờ vé dò trên tay anh không tin nổi vào mắt mình, 27 chính là con 27 anh liền bật cười mãn nguyện. Từ nay anh đã có cách kiếm tiền hiệu quả mà không phải vất vả nhiều nữa rồi.
[…]
Chiều hôm qua có kết quả là y như rằng sáng hôm sau Hoàng đi nhận tiền. Thấy dáng vẻ khập khiễng chống nạn của anh lại gần, bà chủ đề có vẻ bực bội:
— Chú là may mắn lắm nhé, đánh lần đầu mà trúng ngay. Hay thật đấy.
Hoàng cười xởi lởi:
— Chắc ông bà phù hộ, bác cho tôi lấy tiền.
— Đợi lát.
Bà chủ đề mới lấy cái ví ra rồi đếm tiền đưa anh, anh cũng cẩn thận đếm lại rồi đưa cho bà chủ đề 100k:
— Tán lộc cho bác.
— Gớm, tôi xin. Đánh lại nữa không, lấy vía may đánh con nữa đi.
Cất tiền vào túi rồi Hoàng xua tay:
— Thôi, lâu lâu đánh vui thôi, tôi không ham đâu. Tôi về.
Trên đường về thì Hoàng lấy điện thoại ra gọi cho anh xe ôm:
— Anh sang đón em đi công việc nhé.
— Ơ, chứ không phải tối à?
— Vâng, việc khác anh ạ.
Sau đó anh xe ôm chở Hoàng đi mua chợ, rồi chở anh lại chỗ nghĩa trang. Anh xách con gà vào chỗ mộ rồi nắm cổ nó bẻ ngược, con gà tội nghiệp cũng không thể kêu lên tiếng cuối cùng. Sau đó anh lấy con dao thái lan cắt tiết con gà vào cái chén nhỏ rồi khấn tạ:
— Lạy người dưới mộ, tôi xin dâng lễ tạ.
Thắp hương xong, Hoàng cũng rời đi. Hoàng người trần mắt thịt mà, đâu thể nhìn thấy xung quanh có gì. Tuy là ban ngày, nhưng nghe mùi hương nên ma quỷ cũng hiện lên kiếm ăn. Nhưng lễ dâng cho ai thì người đó hưởng, từ trong mộ lúc này có một hồn ma bò ra nhìn rất đáng sợ, mái tóc dài bết dính vào khuôn mặt. Bộ đồ trắng cũng rách rưới cũ kỹ, vừa bò ra khỏi mộ đã chụp lấy ngay con gà chết mà ăn ngấu nghiến. Đôi mắt đen ngòm sâu hoắn, những cái răng nhọn hoắc nhìn gớm ghiếc. Vừa ăn cổ họng vừa tạo ra những tiếng gầm gừ ma mị:
— Ta đói.. ta đói…