HỒI 1: “XÁC CHẾT ĐÊM TRĂNG”
Vào khoảng những năm cuối 1956 tại một xã có tên là Hiếu Tử ngày nay, một trong 7 xã của huyện Tiểu Cần thuộc tỉnh Trà Vinh lúc bấy giờ.
Dân cư thời đó đa phần là thuần nông trồng lúa, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Song, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng còn lạc hậu và rất chậm. Ngoài làm nông ra một số gia đình còn nuôi trồng thủy sản dự trên nguồn lợi từ sông Hậu. Xen lẫn các cánh đồng ruộng bạt ngàn, cò bay thẳng cánh là những ngôi nhà lá đơn sơ nằm cách nhau một đoạn đường rất dài được ngăn bởi hàng cây rộng lớn xung quanh với vẻ ngoài xanh mướt. Các con kênh lớn nhỏ nối đuôi nhau có phần hoang sơ và yên bình.
Nếu nói về khu vực đông đúc và có phần náo nhiệt nhất ở xã Hiếu Tử từ người dân bản địa sống lâu đời ra thì còn có dân tứ xứ kéo đến khai hoang, lập ấp nữa nhưng phần đất mà họ có được lại đủ để che nắng che mưa không rộng rãi như dân bản địa vốn đất đai của họ được thụ hưởng từ đời tổ tiên để lại rồi.
Năm ấy, cuộc sống phải nói là rất khó khăn, không làm bằng chân tay, bằng đầu óc cũng phải cố tìm một việc gì đó để mà có cái ăn. Đúng với quan điểm từ xưa đến nay ở đời không ai không làm mà có ăn cả. Và rồi ở trong ấp Tân Đại có đôi vợ chồng già hơn 50 tuổi được bà con gọi bằng cái tên thân thương là chú thím Hiền.
Hai vợ chồng ông sống ở đây từ cái thời ông cha mở rộng đất đai, lập ấp khi ấy tỉnh luỵ Trà Vinh còn thuộc quyền cai quản của thực dân Pháp. Công việc chính của gia đình ông chủ yếu là nghề chăn nuôi gia súc và nuôi tôm cá ở trong chính ao nước tự nhiên sau những khu vườn rộng lớn trên đất nhà mình.
Người đến xin làm việc, thuê đất của ông trồng trọt cũng rất nhiều nhưng xưa nay không một ai dám giựt tiền thuê của ông cả bởi họ hiểu được gia đình mình có ăn có mặc như ngày hôm nay đều là nhờ ơn của gia đình ông đây. Nhớ có năm mùa vụ thất bác, vợ chồng ông Hiền trực tiếp đến thăm hỏi bà con và giúp cho mỗi nhà một ít gạo lúa, lương thực để gồng gánh qua mùa hạn hán. Ai nấy đều hết sức cảm phục và kính trọng vợ chồng ông lắm nên chẳng một ai nề nà chậm trễ cả.
Ngoài vợ chồng ông ra thì hai người có với nhau 1 người con trai và 1 người con gái. Anh con trai cả tên là Vĩnh hơn 20 tuổi chưa lập gia đình. Riêng cô con gái thì đã lấy chồng ở tỉnh luỵ Sa Đéc, mỗi năm vào dịp Tết mới về thăm hai ông bà một lần thôi.
Mặc dù sở hữu khá nhiều đất đai của ông cha để lại nhưng căn nhà thì tương đối nhỏ, vẻ ngoài bằng gỗ, mộc mạc, đơn sơ không uy nga, tráng lệ như biệt phủ của những ông bá hộ ngày xưa. Có người khi được vợ chồng mời vào nhà ăn bánh trò chuyện, thấy được cuộc sống bình dị của ông bà thì kinh ngạc, lòng đầy thắc mắc lắm nhưng ông Hiền vẫn mỉm cười vui vẻ uống trà rồi tằng hắng nói với họ.
—- “Tui thì hổng có quan trọng phải ở cái nơi nhà cao cửa rộng đâu. Mấy người thấy đó, nhà có vợ chồng già với hai đứa con à, tụi nó thì tính khí giống như tui với bả đây, hổng đặt nặng vấn đề nhà cửa thế nào đâu nghe. Sống mà thoải mái, không lo âu nhiều đối với tui như vậy là quá đủ rồi.”
Nói xong, ông cầm miếng bánh lên cắn một cái khoan khoái, một chân gác lên ghế cười tươi, đôi mắt hạnh phúc nhìn ngắm cảnh quan trong căn nhà ấm cúng của mình.
Dù vậy, tuy không phải nói là mỗi thời mỗi khác, ở đời lúc nào cũng có kẻ này người nọ đòi hỏi bản thân mình phải có một cuộc sống sung sướng. Nếu như ai cũng có suy nghĩ như vợ chồng ông Hiền đây, luôn coi việc giúp đỡ bà con là một ý niệm tốt đẹp, không sân si với đời thì khó phải biết lắm.
Một buổi sáng ở trong bờ ao, ánh sáng chan hoà chiếu những tia nắng ấm áp xuống dòng nước xanh thăm thẳm, bắt đầu cho một mùa thu hoạch sau những tháng ngày chăm sóc khổ cực. Đứng trên cái ao tôm cá rộng lớn có 4,5 người đang loay hoay thả lưới xuống nước để chuẩn bị mọi thứ nay mai chở ra chợ bán.
Nắng lúc này mỗi lúc một gay gắt, ông Hiền cũng có mặt để theo dõi bà con thu hoạch, bà Ba Ánh đứng bên cạnh kéo chiếc khăn bạc màu khỏi đầu lau những giọt mồ hôi lấm tấm đọng lại trên gương mặt khắc khổ. Ông Hiền thấy vậy thì dìu bà đến cái chòi được lợp bằng tre ngồi xuống bên ghế gỗ rồi nói.
—- “Chị Ánh hổng sao chứ? Trời bữa nay nắng dữ hen, sao chị hông ở nhà đi mà lại ra đây chi để nắng noi vậy?”
—- “Cảm ơn anh Hiền nhiều nghen nhưng tui phải ra để coi cái thằng Năm có làm biếng hông đó mà. Nó mà hổng có tui đứng canh chừng thì cũng kiếm cớ trốn về thôi anh à.”
Ông Hiền nghe xong thì cười thân thiện, mắt hướng nhìn người thanh niên tên Năm đang cố sức kéo cần gạc dây lưới lên. Đoạn ông quay sang hài lòng nói với bà Ánh.
—- “Chị yên tâm đi, cứ để cho nó tự giác mà làm, chứ chị lúc nào cũng canh chừng nó như con nít á, coi sao được. Bữa nay tui thấy nó siêng mần hơn rồi đó. Có mấy anh mấy chú ở đây phụ nó rồi hổng sao đâu chị à.”
Nói xong, ông chợt đưa mắt nhìn về phía người đàn ông mình trần, có nước da rám nắng, đầu quấn chiếc khăn tuổi ngoài 30. Nghe tiếng ông gọi tên mình, người đàn ông nhanh nhẹn chạy tới kính cẩn chờ đợi.
—- “Nè Bảy à, cái đàn vịt của bây sao rồi? Hổng nhà giữ tụi nó đi còn chạy ra đây nữa. Ở đây có tụi thằng Nghiêm giúp được rồi.”
—- “Có sao đâu chú Hiền, đàn vịt có thằng con con nó trông chừng được rồi, nó cũng lớn rồi phải tập cho nó mần ăn chứ chú, để nó ngồi không quài coi sao được.”
Ông Hiền nghe xong thì mỉm cười không nói thêm gì nữa. Bất chợt có tiếng một phụ nữ vang lên ngay bên cạnh, đó là Mơ, cô gái hiền lành, đẹp người đẹp nết, tính tình lương thiện nức tiếng ở trong xóm.
—- “Chú Hiền, con mang cháo trắng hột vịt muối đến rồi nè. Chú ăn liền đi cho nóng.”
—- “Trời đất ơi, bây tới hồi nào mà tao hổng thấy vậy? Làm giật mình hà. Thím Hiền đâu sao để bây xách đồ ăn ra đây cực vậy?”
Mơ lấy cái cà-mên từ trong giỏ tre ra để ngay bàn gỗ, bên cạnh là một mâm cơm đã được đậy kín rồi mỉm cười đáp.
—- “Dạ, nãy con ghé qua nhà đặng biếu mấy trái lê của má con mua cho chú thím ăn lấy thảo, tiện đường con giúp thím đem ra đây cho chú lun mà.”
—- “Chèng ơi, má bây có dư dả gì đâu mà quà với cáp chứ. Ừm, vậy cho tao gửi lời cảm ơn với má bây nghen.”
Nói xong, ông Hiền gọi mọi người ngừng tay để nghỉ ngơi, ngồi ăn uống với mình. Mơ bấy giờ định quay về nhưng kịp lúc ông Hiền gọi cô ở lại để hỏi một số chuyện. Ngồi bên cạnh, ánh mắt ông nhạt nhoà cứ nhìn cô gái như ẩn chứa một điều gì đó muốn nói từ rất lâu. Mơ khi này cũng ngẫm nghĩ không biết ông sẽ nói gì với mình. Bất chợt, ông mỉm cười hiền từ rồi nói.
—- “Mơ nè. Chuyện của bây với thằng Vĩnh sao rồi?”
—- “Dạ, chú nói sao ạ? Con với anh Vĩnh có chuyện gì đâu chú?”
Ông Hiền phút chốc thay đổi nét mặt, xem ra có chút không hài lòng.
—- “Ừm, con nhỏ này. Tao sống ngần này tuổi rồi chẳng lẽ hổng biết 2 đứa có ý gì với nhau hay sao? Mấy lần tao vô tình trông thấy 2 đứa bây hẹn nhau ăn chè ở quán bà Chính đó. Còn nói là hổng có gì hả con. Hềhề.”
Mọi người đang dùng bữa cũng nghe được thì hồ hởi thuận nước đẩy thuyền cho cô với anh Vĩnh. Hai, ba đứa thanh niên thích thú hùa nhau trêu ghẹo Mơ khiến cho cô ngượng ngùng đỏ cả mặt, bà Ánh một chân gác lên ghế, tay cầm đôi đũa gỏ lên đầu cái đứa đang cười lớn bên cạnh mình rồi gắt nhẹ.
—- “Tổ cha tụi bây, có thôi đi không? Tụi bây chọc con nhỏ đỏ mặt hết rồi kia kìa. Hai đứa nó thì có làm sao? Còn đỡ hơn tụi bây, thằng nào thằng nấy ăn nói vô duyên, lưng dài vai rộng mừ làm biếng, có ma mới quen tụi bây đó.”
Chốc chốc, bầu không khí xung quanh dần trở nên huyên náo, vui vẻ xua tan đi cái nóng oi bức giữa ban trưa.
Chuyện ông Hiền ra sức tác hợp Mơ với con trai mình thì chẳng có gì làm lạ. Nếu như không có ông giúp đỡ thì chắc giờ này hai mẹ cô phải tiếp tục tha phương cầu thực nơi khác chứ không có bình yên mà sống tiếp ở trong cái ấp này đâu. Bởi lẽ cha của cô mất sớm do bệnh nặng, còn mẹ cô, bà Tư Mến thì bị tật ở chân hồi còn nhỏ, mỗi khi trái gió trở trời thì đau nhức lắm nên đi đứng không như người bình thường, sức khỏe thì lúc mạnh lúc yếu. Hầu hết công việc lớn nhỏ đều đặt nặng trên vai của Mơ kể từ khi cô lên 15, trong khi những đứa trẻ khác đồng trang lứa thì tuổi ăn tuổi học nhưng riêng cô phải buôn ba ngoài đường kiếm sống, phụ giúp cho mẹ..
Biết được ông Hiền quan tâm đến mình, xem cô như là người thân trong nhà, nước mắt cô ròng rã thành hàng, vội vàng xoay đầu ra sau đưa tay gạt nước mắt rồi nói.
—- “Dạ, con cảm ơn chú Hiền, gia cảnh má con con như vậy mà được chú giúp đỡ hết lần này đến lần khác, lại được chú chấp nhận cho tụi con quen nhau nữa. Con mang ơn chú nhiều lắm, hổng biết nói lời nào cho phải nữa. Con…”
—- “Ơ, con nhỏ này, tao thương má con bây hiền lành, chịu khó cho nên mới giúp. Chứ gặp mấy cái bà sồn sồn, tào lao hổng có để tâm đến đâu. À, nói mới nhớ chứ hôm trước tao đưa mấy thang thuốc bổ, bây có nhớ sắc cho bả uống chưa? Thuốc đó trị đau nhức cái chân tốt lắm à.”
Nói xong, ông Hiền húp vội chén cháo rồi giục Mơ quay về nhà để chăm sóc bà Tư Mến. Ban đầu cô có ý định ngồi lại chờ cho ông ăn uống xong rồi mới dọn dẹp đi về nhưng ông khăng khăng bảo cô rời đi. Biết được tính ông cứng rắn, cô không thể nào làm trái ý nên đành đứng lên từ biệt mọi người trở về nhà.
Ngồi tại chỗ, ông Hiền nhìn theo bóng lưng cô mà lòng thầm cảm thương, ông chỉ mong rằng cô với anh Vĩnh sớm ngày được kết duyên vợ chồng, sinh cho hai ông bà một đứa cháu kháu khỉnh để vui đùa, an nhàn ở tuổi xế chiều. Dù rằng cô xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó, có ra sao đi nữa thì cô vẫn xứng đáng có được một gia đình hạnh phúc.
Bên cạnh những con người hiền lành, chất phác, luôn giúp đỡ nhau những lúc khó khăn trong thời buổi loạn lạc này thì song song đó còn có những thành phần vô công rỗi nghề, thích sống bám dựa vào người khác để che lấp đi cái sự biếng nhác của mình. Ngày ngày đều tụ tập ở cái quán cờ bạc cuối xóm của ông Hai Sẹo, nằm trong những lùm bụi tre um tùm gần khu nghĩa địa hoang.
Ngoài việc lén tổ chức đánh bạc phi pháp ra thì vợ ông là bà Bảy Kim có mở thêm một cái quán nước ở ngay bên cạnh để phụ chồng. Ở trong xóm, bà nổi tiếng hung dữ, mỗi khi tức giận một chuyện gì đó bà đều gân cổ lên chửi sảng khiến cho ai cũng đều khiếp sợ và ngao ngán với cái giọng chanh chua của bà lắm.
Mặc dù đã nhiều lần bị bà con chỉ điểm cho chính quyền nhưng chẳng hiểu sao mà cái sòng bạc của vợ chồng ông Hai Sẹo vẫn cứ tiếp tục hoạt động hết ngày này tháng nọ. Có người cho rằng hai vợ chồng ông ta đã đút lót cho tụi bảo an rất nhiều nên mới ngang nhiên tổ chức công khai như vậy.
Bất kể là mùa mưa hay nắng, sòng bạc và quán nước của hai vợ chồng lúc nào cũng có người ra kẻ vào như một thông lệ không thể thiếu, tiếng hô hào, cười nói bát nháo cả lên. Bên cạnh đó, phía sau quán nước của nhà vợ chồng ông Hai Sẹo là một vườn cây ăn trái tươi tốt rợp bóng mát, mỗi khi có làn gió thổi qua tạo nên một không gian lý tưởng không thể nào thoải mái hơn ở cái làng quê cằn cỗi này.
Ở trong nhà, có những tốp người tụm 5 tụm 7 đủ mọi lứa tuổi, la cà chụm đầu lại với nhau, ngồi giữa trung tâm cả bọn từ đàn ông đến đàn bà đôi tay lắc cái chén được úp lên dĩa, dưới chân là hình những con vật để moi người chọn lựa cược những đồng tiền chính tay họ làm ra.
Còn ngoài quán nước, tiếng trò chuyện, cười nói rôm rả của đám người vô công rỗi nghề không ngừng vang lên với rất nhiều những nội dung khác nhau và đáng chú ý hơn là có một tốp chừng 3,4 người nam, nữ chụm đầu vào nhau bên bàn cạnh một gốc cây xoài khá lớn. Chốc chốc, trời đã ngã về chiều mà nhóm người ấy không chịu giải tán và cụ thể nội dung lần này có liên quan đến chuyện tình của hai người: “Mơ và Vĩnh”. Một gã thanh niên tầm 30 tuổi tên Tép, tay cầm miếng khô mực đưa lên miệng, vừa nhai gã vừa mỉa mai.
—- “Xời, con nhỏ đó đẹp thì có đẹp thiệt đó nhưng nhà nó nghèo thấy mồ luôn à, có xứng với thằng Vĩnh đâu chớ. Tao nói có đúng hông hả mậy? Sao im ru vậy cha nội?”
Người ngồi bên cạnh gã lúc này mới chịu lên tiếng.
—- “Ờ, ông nói cũng có lý đó. Còn tui nghĩ chắc nó thấy ông Vĩnh nhà giàu nên mới giả nai đặng lấy điểm trước mặt ông bà Hiền đó mà. Tao lạ gì mấy cái con đó chớ, toàn ỏng a ỏng ẹo để dụ trai hông à. Tao cá với mày, ông Vĩnh mà lấy nó thiệt đó nghen, hai má con nó lật mặt hết trội cho coi.”
—- “Ủa? Chớ hổng phải lúc trước mày tỏ tình con nhỏ bị nó từ chối trước mặt hả? Mày cũng khoái thấy mồ làm bộ nói xấu nó quài.”
Nghe đứa con gái nói như vậy, gã thanh niên liếc xéo qua một cái rồi chống chế.
—- “Hừ, ai kể với mày là tao thích con nhỏ đó? Nhà nó nghèo kiết xác nhất cái xóm luôn, lấy nó về cạp đất ăn à?”
Nghe xong, cả đám khoái chí cười ồ lên như chế giễu mà bản thân họ không nghĩ lại gia cảnh mình chẳng hơn Mơ là mấy. Trong lúc nhóm người vẫn đang trò chuyện luyên thuyên thì thằng Tép và gã thanh niên ngồi cạnh bỗng khựng lại, cử chỉ và ánh mắt có chút e ngại và kỳ lạ. Hai người còn lại tò mò xoay đầu lại nhìn ra đường thì lập tức nhận ra cái người đang dắt chiếc xe đạp đi vào, cả đám lặng thinh chuyển sang đề tài mới.
Người đó ăn mặc giản dị, đầu đội mũ Be-ret kiểu Anh cổ điển thường được rất nhiều đàn ông có tiền, quan chức thời ấy ưa chuộng. Đó là Vĩnh, anh thân thiện gật đầu chào mọi người rồi tìm cho mình một chỗ ngồi thoáng mát để ngồi nghỉ uống nước. Chẳng biết lúc ở bên ngoài anh có nghe thấy nhóm thằng Tép châm biếm chuyện giữa anh và Mơ hay không? Nhưng thỉnh thoảng gã quay đầu lại nhìn thì ngạc nhiên khi trông thấy Vĩnh cũng hướng đôi mắt về hướng bàn của gã tựa như đang dò xét…