Nhớ hồi đó tôi được điều động đến làm việc ở một nơi xa nhà hơn năm mươi cây số.Lần đầu tiên phải nhận công tác ở miền sơn cước xa xôi,hẻo lánh,vùng mà trước đây được xem như vùng rừng thiêng nước độc,tôi thật bị động vô cùng.Cho dù cấp trên chưa đúng trong việc phân công,nhưng trước mắt phải nhận sự phân công cái đã,còn chuyện đúng sai tính sau.
Trước ngày chính thức nhận công tác,tôi đã tới nơi này quan sát,làm quen với đường đi nước bước ở một nơi mà mình chưa hề đặt chân đến;mà cũng là để tìm hiểu nhân tình ở đây và tìm cho mình một nơi trọ tương đối tin tưởng.
Trong lúc chạy xe dạo vòng quanh cách chỗ tôi sẽ công tác chừng hai cây số, tôi bỗng phát hiện một ngôi chùa.Lòng mừng khấp khởi, vì nghĩ chỉ có chùa là chốn an toàn và lý tưởng nhất để cho con người lần đầu tiên đến một nơi xa lạ không một người quen biết như tôi chọn làm chỗ dung thân.Nghĩ thế,nên tôi đánh bạo vào chùa xá sư trụ trì,kể rõ tình cảnh của mình,và xin được tá túc.Với tâm từ bi nhà Phật luôn thương xót ,mong muốn cứu vớt chúng sinh,sư trụ trì đã hoan hỷ cho tôi trọ tại chùa.Lòng vui mừng khôn xiết,tôi đảnh lễ sư tỏ lòng tri ân.
Ngôi chùa được xây dựng đơn sơ trên khu đất tương đối rộng với nhiều cây cối sầm uất,hơi cách xa khu dân cư.Nhìn ngôi chùa ẩn hiện sau những tán cây cổ thụ thấy toát lên vẻ thanh thoát, u trầm,tĩnh mịch,trang nghiêm,cổ kính làm cho ta có cảm giác bình yên,tạm quên đi bao nỗi muộn phiền,những vất vả, lo toan của cuộc sống thường ngày cứ luôn đè nặng tâm trí.
Trừ những ngày lễ,kỵ còn ngày thường,ban ngày chùa vắng lắm vì bà con bận đi làm,buổi tối thì có các cụ,các cô lớn tuổi đến tụng kinh một chút rồi về. Chùa chỉ còn lại một mình sư trụ trì thui thủi!
Tôi được sư cho trọ ở gác trống sấm.Cơm nước ăn chung với sư.Sau mỗi buổi làm về tôi nhận công việc quét dọn chùa,xách nước tưới mấy cây cảnh xung quanh.Còn sư thì kinh kệ công phu hai buổi sớm chiều.
Sau buổi cơm chiều hai thầy trò ngồi ở bàn nước bên hiên chùa hủ hỷ tâm sự chuyện đời,chuyện đạo,cùng ngắm cảnh núi rừng chìm dần trong tối.Trong đó có những câu chuyện thầy kể về lịch sử,địa lý, con người của vùng đất nơi đây.Mỗi câu chuyện đều gắn liền với bao điều linh thiêng bí ẩn,nhưng nó là sự thật đối với người dân nơi đây,nhất là bậc tiền nhân một thời có công “mở đất”.
Khi có công tác Phật sự ở xa,thầy thường vắng chùa cả mươi ngày nửa tháng.Mỗi lần như vậy,thầy có nhờ một bác Phật tử đến ngủ và công phu vào ban đêm.Còn tôi sau mỗi buổi đi làm về cũng một mình thui thủi! Trong những ngày thầy đi vắng còn lại một mình thơ thẩn vào ra,tôi thật sự thấy lòng cô đơn,trống vắng dành cho bao nỗi buồn,vui,giận,hờn,thương,nhớ cứ liên tục tràn về đầy,vơi.
Có những buổi chiều sau những cơn mưa dông,một mình ngồi nhìn dãy núi xa xa phía trước đã chuyển sang một màu xanh thẳm làm hiện rõ những luồng khí đang tung tăng uốn lượn bốc lên từ chân núi,những sợi khí bốc lên khi nhặt,khi khoan,khi mờ khi tỏ,khi tụ,khi tán tạo thành những hình thù mông lung,kỳ quái…,rồi cuối cùng kết thành một dải trắng đục bồng bềnh nơi lưng chừng núi.Người ta nói ở miền sơn cước nhiều khí núi,các hồn ma bóng quế thường hay nương tựa vào những dòng khí này mà hiện hình nên thường có nhiều ma quỷ lắm.Cách lý giải như thế nghĩ cũng có phần hữu lý.Vì hồn ma bóng quế suy cho cùng cũng là một dạng khí mà thôi.Nhớ có lần nhà văn Tchya cũng đã thấy nương theo luồng hơi đất sau một buổi chiều mưa là vong hồn hai anh em cụt đầu đang luyện võ với nhau trên đồi nương vắng.Thì bây giờ cũng biết đâu nương theo những luồng khí kia là những vong hồn,oan hồn của tiền nhân một thời đi “mở đất” phải đối mặt,chống chọi với bao gian lao nguy hiểm, đến nỗi phải bỏ mạng làm mồi cho hùm,beo, thú dữ,hay bởi độc tà sơn lâm chướng khí nơi nước độc,rừng thiêng. Để rồi vì lý do gì đó,họ không siêu thoát được mà cứ mãi vấn vương với núi rừng.
Chuyện cây ráy hấp thụ quái khí của núi rừng mà thành tinh giết chết không biết bao nhiêu người là một trong nhiều chuyện gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất này, mà ngày nay thế hệ con cháu đều được nghe ông bà kể lại như là một điển hình cho muôn vàn sự kỳ bí nơi đây.
Mãi miên man với những dòng suy nghĩ mông lung mà màn đêm buông xuống lúc nào không hay cho đến khi mấy cụ đến tụng kinh thời Tịnh Độ mới chợt nhớ trời đã tối thui rồi.
Tụng kinh xong,các cụ,các bác ra ngoài uống nước chuyện trò.Tôi nhân thuận tiện nhắc lại câu chuyện cây ráy thành tinh mà sư trụ trì kể hôm trước.Trong đó có cụ bà trên 80 tuổi xác nhận về sự thực của câu chuyện này vì cụ là nhân chứng chứng kiến trong một quá trình dài lúc cây ráy còn gây chết chóc cho cư dân nơi đây cho đến lúc người Pháp điều động cả trung đội lính tới đây dùng đại bác triệt hạ mà nhưng không thành công…
Tôi xin bà vui lòng kể lại câu chuyện.Bà vui vẻ nhận lời.Bà chậm rãi têm miếng trầu cho vào miệng nhai móm mém,rồi dõi mắt về một nơi xa xăm phía trước một hồi lâu dường như bà đang làm sống lại cái ký ức của một thời ở cái tuổi thanh xuân.Nhìn mái tóc bạc phơ, đôi mắt hơi mờ đục,những nếp thời gian chất chồng hằn sâu trên da mặt nhăn nheo khắc khổ cho ta cảm giác bà cụ là hình ảnh đại diện cho thế hệ tiền bối từng song pha,tranh đấu mưu cầu cuộc sống ở vùng đất này,là lớp người nhân chứng của bao biến thiên thời cuộc ở nơi đây.
Bà nhổ miếng trầu,lấy khăn lau vệt nước trầu hai khoé mép,rồi bà thong thả kể câu chuyện,vừa kể vừa dõi mắt xa xăm như để ký ức lần lượt hiện về,hiện về tiếp thêm câu chuyện.Mọi người ngồi chung quanh đều lặng yên chăm chú lắng nghe câu chuyện của bà,mặc dù ai cũng đã ít nhất một lần được nghe hoặc biết câu chuyện.Nhưng câu chuyện bà kể có sức lôi cuốn kỳ lạ, được sắp xếp có lớp lang,mạch lạc;vì như thế cũng có thể là những tình tiết trong câu chuyện có gắn liền với những thực tế mà bà đã tận chứng kiến.Trong cái không khí rờn rợn của câu chuyện kể,bỗng đâu một luồng gió núi lạnh ngắt thổi tới,cùng với tiếng éc,éc của con chim heo ma quái đang bay trên bầu trời đêm vắng lặng làm cho mọi người đều có cảm giác chung quanh toàn bao phủ bởi thế giới vô hình mà trong đó là những oan hồn,cô hồn là nạn nhân nơi nước độc rừng thiêng đang sinh hoạt theo cách riêng của họ,hay là đang lang thang, vất vưởng,hoặc hoà quyện với tà khí núi rừng thành một thứ ma chướng trở lại tác hoạ cho người còn sống .
Câu chuyện bà kể dài lắm,trong đó có xen lẫn những kỹ niệm riêng tư một thời của bà.Bây giờ tôi xin lược lại vắn tắc mong được hầu quý vị cùng các bạn.
Câu chuyện kể rằng: Ngày xưa vùng đất này là rừng hoang vắng lắm mọc phần lớn là cây dầu và toàn là dã thú.Rãi rác đó đây vài buôn Thượng,chứ chưa có người Kinh.Tới thời Pháp thuộc,người Pháp mở đường xe lửa đi qua vùng này,họ mới khai phá,xây dựng một nhà ga để làm nơi tiếp thêm nhiên liệu,cũng là để kiểm tra lại tàu trước khi leo đèo.Nên họ mới mộ nhân công người Việt tới đây làm cu li làm đường sắt hay làm phu chặt củi thước để chạy máy xe lửa.Biết nơi đây là nơi nước độc rừng thiêng,song vì phải mưu sinh nên người phải chấp nhận đến đây sinh cơ lập nghiệp.Khí hậu và nguồn nước độc địa lắm,ai vốn sức khoẻ yếu mà tới đây thì chẳng bao lâu cũng ngã gục vì bệnh chói nước,hay sốt rét rừng.Tuy vậy,song thiên nhiên vẫn có luật bù trừ của nó.Hễ có thế đánh,tất phải có thế giải.Chẳng hạn như lỡ bị phải rắn độc cắn ở một nơi nào đó,tất cây cỏ xung quanh đó có khả năng giải được nọc rắn. Ở đây cũng vậy,sơn lâm chướng khí gây ra cái bệnh sốt rét rừng nguy hiểm chết người, thì cây ráy tía mọc vô số theo hai bên mé nước nơi đây chính là liều linh dược cứu không biết bao nhiêu sinh mạng.Ngoài khả năng chữa bệnh sốt rét,thương hàn đại tài,cây ráy còn được dùng trong nhiều vấn đề trừ tà,sát quỷ nữa.Còn phép phòng bệnh chói nước:người ta chỉ đơn giản chọn một nơi đất sạch,đào lấy một cục đất bỏ vào lửa nung đỏ rồi nhúng vào một gáo nước,xong uống hết gáo nước đó thì sau này có thể tránh được bệnh chói nước.