Bà phó lý là bác dâu của nó. Khác xa với hoàn cảnh gia đình nó, vợ chồng bà phó lý giàu nứt đố đổ vách, tiền bạc trong nhà ba đời tiêu chẳng hết.
Lúc sinh thời, ông bà hội đồng có hai người con. Ông phó lý là con trưởng, ông Thản là con thứ. Gia đình danh gia vọng tộc, có tiếng khắp xứ Đoài này. Ông hội đồng đã nhắm cho người con thứ cô Xuân, con gái ông bá Kha ở làng bên. Ngặt nỗi ông Thản không ưa gì cô ả này, một mực ra mặt từ chối.
Vì lẽ ông Thản cãi lời ông cụ thân sinh, đem lòng yêu và cưới chị Sáu con gái bà chăn vịt nên bị ông cụ từ mặt. Trước lúc lâm chung, ông cụ vẫn nhất định không nhìn mặt dâu, mặt cháu. Với ông, việc thông gia với một gia đình bần nông làm ông xấu mặt. Quan trên nhìn xuống, xóm dưới nhìn lên, xóm trên nhìn vào làm ông nhục nhã lắm.
Sau khi ông cụ mất, hai năm sau đến lượt bà cụ cũng theo ông về chầu ông bà. Thương con, bà cụ chia cho gia đình người con thứ mảnh đất này, lại cho ba mươi đồng bạc trắng để vợ chồng ông Thản xây căn nhà có chỗ trú nắng trú mưa. Biết việc ấy, vợ chồng ông phó lý căm lắm, nhưng ý bà cụ đã quyết chẳng thể thay đổi.
Dù mang tiếng là khúc ruột trên, khúc ruột dưới nhưng bản tính của ông phó lý khác xa em ruột mình. Nếu như lúc sinh thời, ông Thản luôn giang tay giúp đỡ bất cứ ai khó khăn. Có tiền ông giúp tiền, có sức ông không quản khó. Vì lẽ đó nên ông được lòng bà con lắm. Nhưng ông phó lý lại là người cực kì độc ác. Là người có quyền thế trong tay, ông phó lý mặc sức hà hiếp dân làng. Nghề cho vay lãi giúp ông đã giàu còn giàu có hơn. Bất cứ kẻ thấp cổ bé họng nào cũng sợ ông một phép.
Người ta thường bảo nồi nào úp vung nấy cũng chẳng sai. Hệt như chồng mình, bà phó lý cũng là một kẻ đặt nặng chữ tiền lên hàng đầu. Hà hiếp dân làng đã thành thói quen khó bỏ. Chẳng những thế, bà phó lý còn cắt xén tiền công, thậm chí sẵn sàng vu vạ để quỵt tiền người ta. Bà sẵn sàng thẳng tay giáng đòn roi xuống đầu kẻ nào làm bà trái tai gai mắt. Với người tâm cơ như bà, thời buổi này nếu không muốn bị người ta ăn xương uống máu, thì dẫu cho có là người thân thì bà cũng phải tróc nợ bằng được, một cắc cũng đừng hòng ăn được của bà.
Với bà, tình cảm ruột thịt máu mủ chẳng bằng chén cơm đầy hay con cá rô béo ngậy. Mình thương tình nó thì mình cũng chết, giúp nó không khác gì đem máu thịt của mình ra mà chiêu đãi. Sống bữa nay bữa mai, biết thế nào mà làm phúc cho thiên hạ. Với bà, việc cho không tiền bạc chỉ làm cho kẻ biếng nhác được dịp hưởng thụ, lũ sâu mọt thì mục kiếp vẫn là sâu mọt không thể tồn tại trên đời. Nếu đã được hưởng phước thì cố mà giữ lấy, chớ vì phút mủi lòng mà tự rước họa vào thân… bà vẫn tâm niệm như vậy. Đám gia nhân trong nhà sợ bà một phép, cung cúc làm việc chẳng dám trái lời dù đôi lúc có những việc ác nhân thất đức lắm.
Nói đâu xa, dạo cô Sáu- em dâu bà đến vay bà hai đồng để về làm đám ma chồng. Thân thích ruột thịt đấy vậy mà bà vẫn tính lãi như thường. Việc xấu của vợ chồng bà kể ra có mà mấy ngày không hết, người ta hiểu hết đấy nhưng chẳng ai dám bàn ra tán vào. Xui rủi vạ miệng chỉ có thiệt thân.
Nửa canh giờ sau, chị Sáu lật đật trở về nhà. Gác lại cái cuốc nơi chái bếp, chị vừa vục cái gáo dừa vào bể nước mưa, vừa gọi lớn:
– Mùi ơi, Dần ơi. Bu về rồi hai đứa ơi.
Con bé Mùi vội vã từ trong buồng đi ra. Giọng buồn bã hỏi:
– Bu về rồi đấy ạ. Bu có mệt không?
Nghe giọng con gái, chị Sáu thấy lạ bèn quay mặt lại xem. Thấy con bé đầu bù tóc rối, mặt sị ra một đống thì vội hỏi:
— Sao thế? Có chuyện gì vậy con? Em đâu?