Nhàn và Luân là một cặp thanh mai trúc mã của cái làng nhỏ ven sông này. Nhàn nhân hậu, xinh đẹp và chăm chỉ chịu thương chịu khó nên ai cũng yêu mến cô. Luân cũng nổi tiếng vì vẻ ngoài đẹp trai thư sinh, tính tình hoà đồng và học giỏi. Họ gắn bó với nhau từ khi cả hai còn mặc quần thủng đũng lê la khắp nơi cho đến khi trưởng thành và biết rung động trước những người bạn khác giới. Họ yêu nhau với một tình yêu trong sáng vì cả hai người đều nghèo nhưng luôn đồng cảm với nhau trong mọi khó khăn. Bố Nhàn mất sớm, mẹ cô lại đau bệnh liên miên nên cô phải bươn chải để kiếm sống và lo cho mẹ cũng như người em trai, nhưng không vì thế mà Luân xa lánh hay chê bai gì cô. Bố Luân cũng rất yêu quý Nhàn, chỉ hiềm mỗi mẹ Luân thì không thích cô vì cô mồ côi. Bà luôn tự tin rằng Luân giỏi giang thì sau này sẽ lấy được một người vợ xinh đẹp, con nhà gia giáo giàu có chứ không phải là Nhàn. Bà tỏ ý ghét cô ra mặt, xua đuổi cô mỗi lần cô đến tìm Luân. Thấy thái độ của mẹ Luân như vậy thì Nhàn rất buồn, dần dần cô cũng không qua nhà Luân nữa và cũng không muốn gặp anh. Luân hiểu ý, khuyên nhủ người yêu:
– Em đừng buồn, mẹ anh chưa hiểu em nên bà mới vậy thôi. Mẹ là người tốt, sau này em về làm vợ anh thì mẹ sẽ thương em.
– Mẹ anh có ác cảm với em, có lẽ em không nên quen với anh nữa.
– Em đừng nói vậy anh buồn lắm. Bố anh rất thương em mà, mẹ anh nghiêm khắc nên vậy thôi. Em chơi với anh từ nhỏ, em hiểu tính mẹ anh rồi còn gì? Bà chỉ nghiêm khắc ngoài mặt thôi, chứ thật ra bà rất tốt.
Nghe Luân nói, Nhàn chỉ im lặng không nói gì. Từ xưa bà Mỹ (mẹ Luân) đã không ưa cô rồi, nhưng khi ấy chỉ là trẻ con vô tư nên cô không để ý nhiều, nhưng càng lớn thành kiến bà dành cho cô càng rõ rệt khiến cô rất ái ngại và không muốn sang nhà bà để tìm Luân. Nhàn nghĩ, thôi thì cô cứ ngoan ngoãn cư xử tốt với bà thì sau này bà sẽ chấp nhận cô.
Một ngày nọ, Nhàn và Luân gặp nhau tại ngôi nhà bỏ hoang ở cuối làng. Họ tâm tình với nhau mọi chuyện, rồi trao nhau những cử chỉ yêu thương nhưng chỉ dừng lại ở nắm tay, ôm hôn mà thôi. Đang lúc tình cảm cao trào, Luân bỗng thở dài nói với Nhàn:
– Anh nhận được kết quả thi đại học rồi em ạ.
– Kết quả không tốt hay sao mà anh lại thở dài thế? Anh đừng buồn, nếu năm nay không đỗ sang năm có thể thi lại mà, em luôn ở bên anh.
– Không, anh đỗ em ạ. Nhưng…
– Nếu thế thì phải vui sao anh lại buồn?
– Haiz… anh…
– Anh có chuyện gì sao không chia sẻ với em mà cứ buồn một mình vậy? Chúng ta đã gắn bó với nhau lâu rồi mà, chẳng lẽ anh không tin tưởng em?
– Chuyện này có nói ra em cũng không giúp được đâu, anh không muốn em suy nghĩ.
– Anh chưa nói sao biết em không giúp được? Anh cứ nói đi.
Luân nhìn Nhàn bằng ánh mắt ái ngại, sau mấy giây anh đành thổ lộ hết tâm tư:
– Anh không có tiền để lên thành phố học đại học em ạ.
Nói xong, Luân gục đầu xuống chán nản, còn Nhàn thì tỏ rõ sự thất vọng và tiếc nuối trên gương mặt. Cô biết gia cảnh nhà Luân không khá hơn nhà cô, bố Luân thì không còn khả năng lao động, cả gia đình chỉ trông vào cái tiệm may bé xíu của bà Mỹ. Gọi là tiệm cho sang, thực chất chỉ là một cái máy may cũ kĩ hoen rỉ bà Mỹ mua từ rất lâu để nhận may hoặc sửa quần áo cho những người trong làng. Nhàn nhìn Luân ủ rũ mà không biết nói gì, cô cũng đâu có giàu có gì để giúp anh. Mẹ cô thì quanh năm suốt tháng đau bệnh, em trai cô cũng cần phải đi học, một thân một mình cô ngày ngày đi cày thuê chỉ đủ mua thuốc cho mẹ, lo cho em ăn học, cô còn không dám tiêu cho mình bất cứ cái gì. Thấy Nhàn ngồi lặng người, Luân hiểu người yêu cũng không thể giúp gì được cho anh. Anh tự trách bản thân mình đã làm cho Nhàn lo lắng, anh dịu dàng:
– Anh xin lỗi đã làm cho em lo, thôi chúng ta về đi.
– Em không giúp gì được cho anh, em xin lỗi… Bao giờ nhập học anh?
– Em có lỗi gì đâu, coi như anh không có duyên với con đường học vấn. Tháng sau sẽ nhập học nhưng hạn cuối làm thủ tục là ngày kia. Thôi kệ em ạ, anh sẽ lên thành phố học nghề.
– Anh định học nghề gì? Để hai bác ở đây có ổn không?
– Anh sẽ thường xuyên về thăm bố mẹ và thăm em mà, anh đi để tìm kiếm cơ hội và tích luỹ tiền bạc để sau này cưới em.
Nghe lời nói tràn đầy quyết tâm của Luân, Nhàn cảm động lắm, cô càng thương anh hơn. Hai người nắm tay nhau đi về, chào tạm biệt bằng một nụ hôn nồng cháy sau thân cây cổ thụ trước nhà Nhàn. Nhàn đứng nhìn theo bóng Luân cho đến khi anh đi khuất rồi mới vào nhà.
Tối hôm đó, khi Nhàn đang ở nhà, Huệ- cô bạn thân của Nhàn chạy sang thông báo cho cô một tin vui. Chưa bước đến cửa, Huệ đã gọi lớn:
– Nhàn ơi, mày có nhà không?
– Tao đang xúc cháo cho mẹ, mày vào đi.
– Tao có tin vui muốn báo cho mày đây.
– Tin gì thế?
– Chị tao, sang tháng chị ấy lấy chồng trên tỉnh nên chị ấy không đưa đò nữa, tao lại ở nhà bán hàng rồi nên không ai tiếp quản công việc của chị ấy. Tao nhớ đến mày nên tao sang báo tin, mày có làm thì tao bảo chị tao để lại cho. Mỗi tháng chỉ cần nộp lại cho làng 200.000 tiền thuế là được.
– Vậy à? Tao nhận, mày bảo chị mày để lại cho tao nhé.
– Ừ ông bác tao là chủ tịch nên mới giữ được công việc này bao lâu chứ, chứ thật ra nhiều người nhòm ngó lắm.
– Cảm ơn mày, tao sẽ mua quà sang cảm ơn bác và chị mày.
Hai người nói chuyện thêm vài câu rồi Huệ đi về. Nhàn vui lắm, cô biết công việc đưa đò có thể kiếm ra số tiền ổn định hơn so với việc đi cày thuê rất nhiều. Hơn nữa, cô còn có thể kết hợp buôn bán mấy thứ hàng ăn vặt cho khách đi đò. Vậy là cô có tiền giúp đỡ Luân ăn học rồi. Ngày mai cô sẽ sang báo tin vui cho anh biết.
Sáng hôm sau, vừa sang đến cổng, Nhàn đã bị bà Mỹ đuổi khéo. Cô lễ phép nói:
– Dạ bác cho con nhắn với anh Luân là con có việc quan trọng muốn nói với anh ấy ạ. Việc gấp lắm nên khi nào anh ấy về thì bác bảo anh ấy sang nhà con ạ.
– Cô cứ nói cho tôi nghe xem nào, nếu thật sự gấp thì tôi sẽ nói với nó ngay khi nó về.
– Dạ, chẳng là anh Luân nói với con là anh ấy thi đỗ đại học nhưng không có điều kiện lên thành phố học, con mới xin được công việc nên có thể lo cho anh ấy ăn học được ạ.
– Thế à? Nó thi đỗ mà không nói cho tôi biết. Cái thằng này thật là…
– Chắc anh ấy sợ bác lo vì gia cảnh nhà không đủ khả năng cho anh ấy lên thành phố học nên không nói cho bác biết đấy ạ.
Nghe Nhàn nói, bà Mỹ cau mày vì cho rằng cô đang coi thường nhà bà. Nhưng ngẫm thất cô nói cũng đúng nên bà lại thôi. Bà nhìn Nhàn từ đầu đến chân, xem ra cô có thể đem lại lợi ích cho con trai bà, vậy thì tội gì không lợi dụng nó? Nghĩ vậy, bà Mỹ đổi giọng:
– Cháu nói cháu có thể giúp Luân nhà bác à?
– Dạ, cháu nói thật đấy bác ạ.
– Ừ bác tin cháu mà. Cháu có khát không để bác vào rót nước cho cháu nhé.
Nhàn thấy ngạc nhiên trước sự thay đổi của bà Mỹ, nhưng cô không cho rằng bà ta đang muốn lợi dụng cô. Nhàn vui vẻ ngồi trò chuyện với bà Mỹ và giúp bà nhặt rau trong lúc chờ Luân về. Ông Lý- bố của Luân từ ngoài đi vào, nhìn thấy Nhàn, vui vẻ nói chuyện với cô:
– Cháu sang đây tìm Luân à?
– Dạ, cháu chào bác ạ. Bác vừa đi đâu thế ạ?
– À bác ra ngoài có chút việc thôi. Bà này, tôi báo cho bà một tin vui.
– Tin gì thế ông?
– Tôi mới được Hội thủ công mỹ nghệ của tỉnh nhận vào dạy nghề đan rổ giá đấy. Họ nói sản phẩm nếu đẹp có thể bán được giá cao.
– Vậy à? Ôi hôm nay nhà mình đón nhận nhiều tin vui quá. Bà Mỹ reo lên. Ông biết gì chưa, Luân nó đỗ đại học đấy.
– Thế mà nó không nói gì cho tôi với bà biết nhỉ? Cái thằng…
– Thì nó sợ tôi với ông lo lắng vì không có tiền cho nó đi học nên không dám nói đấy mà. Nhưng Nhàn nó nói sẽ lo cho thằng Luân ăn học đấy.
– Ôi làm phiền cháu quá, nhưng nhà bác lo được mà. Ông Lý từ chối khéo với Nhàn.
– Ơ hay cái ông này, dù ông có bán được mấy cái rổ giá một tháng thì cũng chỉ được mấy trăm nghìn, làm sao mà lo cho con được? Nhàn nó đã có lòng muốn lo cho con trai mình mà mình từ chối thì nó buồn. Sớm muộn gì Nhàn cũng là con dâu của tôi và ông đấy. Bà Mỹ âm hiểm nói ra điều trước đây bà chưa bao giờ đồng ý.
– Dạ bác Mỹ nói đúng đấy ạ, cháu muốn lo cho anh Luân thật mà. Nhàn thành thật.
– Nhưng cháu còn phải lo cho mẹ và em trai mà, đâu có dư giả mà lo cho Luân nhà bác? Bác cảm ơn tấm lòng của cháu, nhưng… ông Lý vẫn từ chối.
Bà Mỹ không hài lòng trước sự ngờ nghệch của chồng, bà đành đuổi khéo Nhàn rồi kéo chồng vào buồng căn vặn mấy câu. Ông Lý vốn là một người hiền lành, bao năm đau bệnh phải phụ thuộc vào vợ nên không dám cãi lại lời bà ta, nhưng vẫn nói:
– Thôi được, nhưng nếu con bé lo cho Luân thì sau này dù thế nào tôi vẫn sẽ nhận nó là con dâu. Tôi hi vọng lúc đó bà cũng sẽ giữ lời hứa.
– Được ông yên tâm. Bà Mỹ nói liến thoắng. Trong đầu bà ta âm mưu: tội gì mà không đồng ý. Nhàn nó tự nguyện nuôi thằng Luân ăn học thì tội gì mà không đón nhận? Sau này nếu thằng Luân có thể lấy được vợ trên thành phố thì coi như con bé kia không có duyên.