Dù sống giữa xã hội hiện đại, song những câu chuyện tâm linh ở cái làng Mạc, ngôi làng còn nặng tư tưởng phong kiến này thì có một sức ảnh hưởng lớn lắm. Vài tháng trở lại đây, dòng họ Trần liên tiếp gặp những cơn gia biến, mưa máu gió tanh làm ai nấy đều thất kinh. Những câu chuyện về những cái chết liên tiếp ập đến khởi nguồn từ việc trùng tang liên táng. Liền sau đó là những tin đồn ác ý về một nàng dâu mang mệnh quỷ dữ. Số phận của nàng dâu út đó sẽ ra sao trong con mắt đề phòng, khinh khi của đám anh em họ tộc?
Ngược dòng thời gian về những ngày tháng cũ. Gia tộc Trần Văn là một gia tộc khá có tiếng tăm.
Trong dòng họ có gia đình ông Lãm làm nghề buôn bán muối. Ông Lãm là một tay thông minh cơ trí nên cũng xếp vào dạng giàu sang trong làng.
Ngặt nỗi hai vợ chồng ông chỉ có duy nhất một đứa con năm đó chừng mười hai tuổi tên là Khánh. Một buổi chiều nắng nực, thằng bé cùng đám trẻ con trong làng hò nhau ra bãi lau cuối làng chơi đánh trận giả rồi rủ nhau ra bãi bồi ngoài sông tắm. Bãi bồi đó là một vùng nước trũng, hàng năm dân làng vẫn vớt được mấy thi thể chết trôi dạt vào. Toàn tứ cố vô thân nên người ta hò nhau chôn vội ở ngay cạnh bãi bồi rồi đặt tên là bãi Độc Linh.
Dân làng đồn nhau rằng nơi đó tích tụ quá nhiều âm hồn còn vướng bận hồng trần, nên mỗi năm ma da thường bắt một người xuống để thế mạng. Ba năm liền chết những bẩy mạng làm dân làng lo lắng lắm, nên bãi Độc Linh hầu như chẳng còn ai lai vãng. Người lớn trong làng thường cấm trẻ con lại gần đó thả trâu hay tắm dù chỗ đó cỏ mọc xanh rờn tươi tốt và nước thì quanh năm sạch sẽ khác hẳn những đoạn khác lúc nào cũng đục ngầu cuồn cuộn phù sa.
Lũ trẻ trong số đó có thằng Khánh hùa nhau ra đó tắm sau khi chơi đánh trận giả dưới tiết trời nắng tháng năm mà quên béng lời căn dặn. Chục đứa bì bõm dưới làn nước xanh trong nhưng sâu không thấy đáy thì lúc về chỉ còn chín đứa. Cu Tuần là đại ka trong đám đó, sau khi điểm danh quân số thì buột miệng hỏi :
– Thằng Khánh đâu chúng mày?
Bọn trẻ gầy gò với da thịt đen nhẻm trố mắt nhìn nhau rồi theo lời cu Tuần toả ra tìm. Tuyệt nhiên thằng Khánh bóng chim tăm cá
– Hay là ma da bắt rồi chúng mày?
Một thằng trong đám lên tiếng làm cả bọn rùng mình, co lại một góc rồi không ai bảo ai ù té chạy. Mãi đến tận xế chiều không thấy con trai về, ông bà Lãm mới tá hoả đi tìm nhưng hỏi ai cũng chẳng biết tăm hơi thằng Khánh đâu. Vì đám trẻ chăn trâu dại gì mà kể ra việc chúng nó ra bãi Độc Linh tắm. Sau khi doạ nạt một hồi vì không chịu nổi đòn roi một thằng trong bọn dàn dụa nước mắt mà rằng :
– Trưa nay chúng con tắm ở bãi Độc Linh, lúc lên thì không thấy nó đâu ạ !
Bà Lãm chỉ kịp trợn mắt rồi lăn ra bất tỉnh nhân sự, đánh gió mãi bà mới tỉnh rồi điên cuồng gào khóc lao ra phía bãi bồi nơi chồng bà đã cùng đám dân làng và con cháu dòng họ Trần có mặt sẵn. Ông Lãm nhờ mười mấy người thanh niên ngụp liên hồi ở cái bãi bồi nhỏ nhưng sâu không thấy đáy đó mà mãi không thấy gì . Đám bô lão trong họ còn cho dùng lưới cào xới tung lòng nước bãi Độc Linh mà tuyệt nhiên không thấy xác.
– Hay là ma giấu?
Tiếng cụ Hùng thốt lên. Điều đó làm ông bà Lãm có một tia hy vọng
Vốn dĩ ở cái làng này sông hồ nhiều vô kể, lại thêm việc làng có nhiều rặng tre già quanh năm rũ xuống, tàn lá che hết ánh sáng mặt trời nên việc ma giấu cũng là bình thường. Có những người đi làm đồng sớm bị ma giấu mà cứ loay hoay đi một hồi lại trở về chỗ cũ, hay nhiều vụ trẻ con đi chơi bị ma giấu ngồi im ở gốc tre mà cả nhà đổ xô đi tìm qua cái bụi tre ấy hàng chục lần vẫn không thấy.
– Cũng gần nửa đêm rồi, hay là ông bà cư về nhà nghỉ ngơi. Trời tối quá có tìm cũng khó thấy , vả lại biết đâu thằng cu nó đi chơi giờ đã về rồi thì sao?
– Vâng. Thế chúng tôi xin nghe lời cụ trưởng!