Mặc cho những lời nói khuyên nhủ của bà Lâm bên tai, ông Mậu vẫn cứ ôm khư khư cái cố chấp ở trong đầu của mình. Bây giờ ông Mậu chỉ muốn bắt tay vào làm rối chứ không muốn nghe vợ của ông lảm nhảm bên tai nữa. Ông Mậu nhìn bà Lâm, sau đó nghiêm túc nói, giọng của ông ấy đầy sự kích động.
— Bà nó, bà phải tin tôi. Bà phải tin vào con rối gia truyền này. Nó có linh tính đấy, nó sẽ giúp dòng họ Văn của chúng ta làm ra những con rối đẹp nhất làng Đại Mậu đấy. Bà phải tin vào nó. Nếu bà không tin thì tùy, nhưng không được giấu tôi đem đi vứt.
Ông Mậu nói đến đây thì đột nhiên trở nên hung dữ, ông ấy nghiếng răng dữ tợn với bà Lâm.
— Nếu bà dám đem con rối đi vứt, vậy thì cuốn gói về nhà mẹ đẻ của bà luôn đi.
Nói xong, ông Mậu cầm con rối bị vứt trên mặt đất vào buồng thờ.
Bà Lâm ngồi trên đất lạnh mà cả người sững sờ, ông Mậu chỉ vì một con rối mà muốn bỏ bà sao? Bà Lâm run người, bà hét lên.
— Ông bị điên thật rồi. Tôi không thể nói ông được nữa rồi…
Thằng Út thấy mẹ của nó hét thì nó khóc toáng lên. Thằng anh Cả nãy giờ nấp trong buồng giờ mới dám chạy ra. Nó tiến lại gần bà Lâm rồi sợ hãi hỏi.
— Mẹ, mẹ…cha bị làm sao thế mẹ?
Nãy giờ thằng Cả nấp trong buồng nên mọi cảnh tượng ngoài này nó đều thấy rõ. Nó không biết vì sao thế nhưng cha của nó lại rất khác với ngày thường. Nó thấy cặp mắt của cha thật đáng sợ, mà lúc cha nhìn con rối kia lại càng làm cho nó kinh hãi hơn. Ở trong kí ức từ bé đến lớn của thằng Cả, nó chưa bao giờ thấy cha mình như vậy. Thế nên cả buổi nhìn cha mẹ cãi vả nó chỉ có thể nấp phía trong, nó thật sự không dám ra ngoài, bởi vì nó sợ cha sẽ đánh chết bản thân mình.
Bà Lâm nhìn mặt của hai đứa con trai, trái tim bà đau đớn. Không được, bà không thể để cho chồng của bà bị cái con rối kia làm cho điên cuồng đầu óc được. Bà Lâm nhanh nhẹn chùi nước mắt, đầu óc bắt buột phải tỉnh táo. Bà Lâm vỗ vai thằng con trai Cả rồi dặn dò.
— Cả ơi, con dẫn theo thằng Út sang nhà của bà ngoại ở mấy ngày đi. Con nói với bà ngoại là mẹ lên thị xã có việc bận. Với lại, con phải nhớ kỹ chuyện này, khi mẹ chưa về thì con không được về nhà.
Bà Lâm cân nhắc kỹ càng, bà phải lên thị xã nhờ một thầy pháp về trừ cái con rối kia đi, mà con đường từ làng Đại Mậu lên thị xã đi về cũng hơn hai ngày. Bà sợ hai ngày này nếu để con trai ở nhà thì sẽ xảy ra chuyện nên bà nhất định phải dẫn bọn nó sang nhà của mẹ đẻ để gửi giùm. Bà Lâm lại nhìn bóng dáng mơ hồ ở trong cái buồng, trong lòng của bà lại thêm dự cảm không lành. Cả người nơm nớp lo sợ, bà càng phải lên thị xã càng sớm để diệt cái thứ kia thì tốt hơn.
Nghĩ sao là làm vậy, buổi sáng hôm đó bà Lâm cũng không gánh hàng ra bán mà dẫn hai thằng con trai sang nhà mẹ đẻ rồi đi một mạch lên thị xã. Cái làng Đại Mậu vốn dĩ xa xôi thị xã, nếu như bà đi bộ thì ít nhất một ngày mới đến nơi. Bà còn phải tìm thầy pháp, theo như bà Lâm suy nghĩ thì chuyến đi này của mình phải hơn hai ngày, tức là sáng mốt mới về lại được làng này. Bà Lâm xăm xăm bước đi trên con đường vẳng lặng, ngôi làng Đại Mậu dần dần khuất sau những tán lá theo bước chân của bà.
Bà Lâm nhìn về phía sau rồi lẩm bẩm miệng.
— Ông nó, ông phải chờ tôi.
Nói xong, bà Lâm liền đi mất.
Cả ngày hôm ấy, ông Mậu không thấy vợ con nhưng ông cũng không đi tìm họ. Ông Mậu ôm lấy con rối kia, tự tay đi tìm những khúc gỗ tốt nhất còn lại trong nhà để đục đẽo những con rối. Hai mắt ông Mậu không còn linh hoạt như ngày thường, tay chân cứng đờ như bị điều khiển, miệng của ông thì liên tục nói chuyện bậy bạ.
— Làm rối. Mau chỉ tôi cách làm con rối đẹp nhất…
— Cách làm con rối đẹp nhất. Ngài mau chỉ tôi cách làm ra con rối đẹp đẽ như Ngài…
Trong căn nhà vắng vẻ, giọng nói của ông Mậu lại càng lớn hơn. Mắt của ông Mậu lộ ra những tia máu đỏ tươi, hốc mắt trũng sâu, cả gương mặt gầy gò đi hẳn, không có một chút sức sống nào. Mà con rối vốn dĩ nên nằm im lại đang động đậy, cái miệng của nó nở ra một nụ cười lạnh lẽo.
Nó thì thầm bên tai ông Mậu.
— Lấy máu làm rối, mau lấy máu làm rối. Rồi ông sẽ làm ra được con rối đẹp nhất.
— Mau lấy máu tô lên con rối…
Giọng nói kia cứ vang vảng bên tai của ông. Ông Mậu như bị thôi miên, ông ngồi im đục những con rối kia cho thành hình. Suốt nguyên một ngày, ông Mậu cũng làm ra được ba bốn con. Đến công đoạn tô màu, ông Mậu lại không đi lấy màu mà lại đi cầm con dao đến cứa vào ngón tay của mình. Máu từ tay ông chảy xuống những con rối bằng gỗ, một màu đỏ tươi bao trùm lên con rối, một khung cảnh kinh hoàng ấy vậy mà ông Mậu lại mỉm cười, ông cầm con dao cắt lung tung lên cánh tay của mình.
Sau đó ngẩng đầu lên trời cười lớn đầy thích thú.
— Sắp rồi, haha…sắp rồi. Con rối đẹp nhất sắp làm xong rồi.
— Haha…
Không biết từ lúc nào mà ngoài trời đã tối hẳn, giọng cười của ông Mậu vang lên ở cuối làng sau đó biến mất hẳn. Những người sống ở xung quanh cũng nghe thấy nhưng không dám qua nhìn, bởi vì nghe đâu đó lời đồn rằng là trong nhà ông Mậu có ma.
…
Hai ngày sau, bà Lâm mang theo tâm trạng vội vàng trở về làng Đại Mậu. Ở phía sau lưng của bà còn có một người đàn ông, gương mặt của người đàn ông ấy cương nghị, bộ dạng cũng gấp gáp không kém bà Lâm. Người đó chính là thầy pháp ở trên thị xã — Thầy Năm.
Mấy hôm trước thầy Năm cũng đã nhận được tin truyền từ nhà của phú hộ Lý, nhưng vì bận việc nên chưa thể về làng Đại Mậu được. Sau khi làm xong xuôi việc của mình thì ông ấy mới chạy thẳng đến làng này, ai ngờ đi giữa đường lại gặp phải người phụ nữ này, bà ấy bảo bà ấy là vợ của con trai nhà họ Văn, bà ấy muốn nhờ ông trở về thu phục con rối kia. Biết là có chuyện không lành nên Thầy Năm mới nhanh chóng cùng bà Lâm lên đường. Dọc đường đi bà Lâm đã kể mọi việc, khi nghe những chuyện này, trong lòng ông chỉ mong sự việc không tồi tệ đến mức chết người.
Bước chân của hai người dần đạp lên con đường làng Đại Mậu. Bà Lâm chỉ tay về ngôi nhà cuối làng, mở miệng hối thúc.
— Thầy ơi, thầy nhanh lên. Nhà của con ở cuối làng thôi.
Thầy Năm nhìn theo hướng của bà Lâm chỉ, trong mắt ông chỉ thấy một màu đen mù mịt. Trong lòng ông càng không yên tâm nổi, ông chỉ sợ có chuyện xảy ra thật. Thế là thầy Năm nhanh nhẹn chạy thẳng về phía trước, bà Lâm thấy vậy cũng không quản mệt mỏi mà chạy theo.
Ngôi nhà càng tới gần thì tim của hai người càng đập mạnh. Cửa nhà lúc này đã đóng kín mít. Khi hai người đến nơi thì ở bên trong cũng không có một tiếng động nào. Thầy Năm đưa tay mở cửa, không biết từ đâu một luồng gió lạnh ập đến, mùi hôi tanh của máu xộc vào mũi làm hai người ngửi thấy mà buồn nôn.
Bà Lâm bấm bụng. Bà chạy thẳng vào trong nhà kiếm chồng. Dưới cái ánh sáng lờ mờ, bà nhìn thấy chồng của mình nằm úp mặt trên mặt đất, cả người bất động. Bà Lâm có khiếp sợ, nhanh tay nhanh chân muốn chạy đến đỡ ông Mậu lên, thế nhưng khi bà đụng đến ông Mậu thì có một thứ gì đó ướt mèm dính trên tay. Bởi vì trong buồng tối nên bà không thể thấy rõ được thứ đó.
Thầy Năm lúc này cũng theo bà Lâm đi vào, trên tay của ông ấy còn cầm theo cái đèn dầu. Khi ánh sáng đủ chiếu vào trong buồng thì cảnh tượng khủng khiếp ở bên trong hiện ra. Ông Mậu nằm im trong vũng máu đã khô, còn con rối mà chồng bà xem như vật báu lại nằm xen lẫn với những con rối dính máu loang lỗ.
Bà Lâm hoảng sợ lay lay người chồng, giọng gào lên.
— Ông Mậu, ông Mậu…
— Ông mau mở mắt ra nhìn mẹ con của tôi đi…
— Ông Mậu ơi, ông mau mở mắt ra đi…
Tiếng khóc của bà Lâm vang lên. Thầy Năm thấy một tràng cảnh này thì nhanh nhẹn tới đỡ lấy ông Mậu, thế nhưng khi tay của ông ấy vừa đụng vào cả người của ông Mậu thì gương mặt bỗng nhiên tái xanh.
Thầy Năm lắp bắp.
— Bà Lâm, chồng của bà…chồng của bà…chết rồi.
Dứt lời, bà Lâm gần như không thể tin được. Mấy hôm trước chồng bà còn đang khỏe mạnh thì sao giờ lại chết như thế được, bà Lâm không tin mà càng đập mạnh lên xác của ông Mậu. Giọng nói run rẩy.
— Ông Mậu, ông không chết đúng không? Ông, ông mau mở mắt nhìn mẹ con của tôi đi…
— Huhu… Ông Mậu, ông mau mở mắt nhìn mẹ con tôi đi…
Nhưng đáp lại bà Lâm chỉ là cái xác đã bắt đầu lạnh lẽo.
Thầy Năm nhìn bà Lâm mà cũng không ngăn cản được. Lúc này ánh mắt của ông đột nhiên nhìn về con rối mang hình dáng của thiếu nữ kia, ông trừng mắt, từ trong túi lôi ra một lá bùa dán lên trên nó.
Khi lá bùa dán vào, con rối vốn dĩ bất động lại run lên bần bật và có phản ứng dữ dội. Thế nhưng chỉ qua một chút thời gian liền ngừng lại hẳn như con rối bình thường.
Thầy Năm cầm con rối trên tay, ở trong lòng tự trách. Nếu như ông ấy không chủ quan thì đã không xảy ra chuyện này rồi. Nhưng mà tóm lại, năm xưa nếu nhà họ Văn không làm chuyện ác độc bởi vì lòng tham lam thì đã không có chuyện như hôm nay rồi.
Thầy Năm nắm chặt con rối, miệng liên tục lẩm bẩm.
— Oan nghiệt, oan nghiệt a. Ý trời, ý trời không thể thoát. Năm xưa nhà họ Văn giết người ra sao thì bây giờ đều phải nhận hậu quả.
Năm ấy, nạn đói ập xuống ngôi làng Đại Mậu khiến bao nhiêu người phải phơi thây ngoài đồng. Thậm chí người chết nhiều đến nỗi không có chỗ chôn, mùi thối của xác chết bay thoang thoảng khắp nơi trong làng. Lúc ấy, khi cái đề nghị làm con rối được mấy phú hộ đề nghị ra thì ai ai cũng đồng ý làm theo. Nhưng mọi chuyện đâu giống với mơ ước của bọn họ, những con rối họ làm ra đều không có ai mua. Mấy đoàn xiếc trên thị xã cũng không thèm ngó ngàng lấy một cái. Lúc ấy, có một vị thầy pháp từ bên Tàu về, đi ngang qua nơi này thấy cảnh tượng ấy nên đã đề xuất nhà họ Văn lấy máu bôi lên con rối để tạo thêm linh hồn. Máu chính là căn nguyên, chỉ cần thêm một ít thôi cũng đủ làm cho con rối trở nên sinh động. Phương pháp này vị thầy pháp ấy cũng là học được từ một gia đình có truyền thống làm rối ở bên Tàu. Lúc đầu, vị thầy pháp kia chỉ nghĩ nhà họ Văn có tiếng là tốt bụng thì sẽ giải quyết tốt chuyện này. Đâu ngờ, họ lại tàn nhẫn bắt một cô gái, sau đó lấy máu của cô gái kia làm màu sắc tô lên con rối. Sau khi biết được chuyện này, vị thầy pháp kia liền nổi giận muốn đem con rối kia đi. Ấy vậy mà nhà họ Văn lại cố chấp không chịu đem con rối kia cho thầy pháp. Thế là ông ấy tức giận bỏ đi. Trước khi đi ông ấy còn đưa cho nhà họ Văn một lá bùa và dặn dò phải đốt con rối kia đi. Cô gái kia vốn dĩ đang sống yên lành, vậy mà lại bị bắt và giết chết nên oán khi rất nặng. Oan hồn của cô gái kia sẽ không tha cho cả nhà họ Văn đâu. Như ứng nghiệm những lời của vị thầy pháp kia nói, nhà họ Văn dần dần bị suy sụp. Những người thừa kế nghề làm rối chỉ duy trì được một đoạn thời gian rồi chết đi. Sau khi cha và ông nội của ông Mậu chết, vị thầy pháp kia có cho bạn bè về thu mua lại con rối nhưng tuyệt nhiên nhà họ Văn không chịu bán đi. Vị thầy pháp kia giận dữ, sau đó mặc kệ họ. Đến tận sau này, khi cái chết ập tới thì vị thầy pháp kia mới nhắc đến chuyện của con rối này cho thầy Năm nghe. Ba đời họ Văn cũng đã bị oan hồn kia trừng trị rồi nên thầy pháp ấy muốn thầy Năm trở về làng Đại Mậu để lấy con rối kia mà phá hủy. Thầy Năm sau khi chôn cất vị thầy pháp kia thì liền từ bên Tàu trở về nơi này để thực hiện di nguyện của sư phụ mình. Nhưng bởi vì thời gian gấp gáp nên ông ấy chưa có thời gian đi kịp, nào ngờ lúc về đến nơi lại phải chứng kiến một cảnh tượng như thế này.
Bà Lâm vẫn đang gào thét. Hàng xóm lúc này nghe thấy tiếng kia thì mới chạy sang nhìn. Đập vào mắt của bọn họ chính là cái xác đã lạnh của ông Mậu.
Bà Lâm run rẩy cả bàn tay, gương mặt nhợt nhạt, hai mắt đỏ ngầu. Bà luôn miệng gọi chồng mình.
— Ông Mậu ơi là ông Mậu. Sao ông lại ra nông nỗi này, nếu như ngay từ đầu ông nghe tôi thì sao lại bị thứ kia hại được chứ… Huhu, chồng ơi là chồng… Giờ ông chết rồi, mẹ con tôi phải tính sao đây?
Tiếng khóc của bà Lâm như thấu tận tâm can.
Thầy Năm thấy cảnh này, gương mặt trở nên chán nản. Ông ấy khẽ cau mày, nhìn con rối khuyên nhủ.
— Kẻ giết cô là cụ Văn và người ấy cũng đã bị trừng trị rồi. Cô đừng hại thêm người vô tội nữa.
Lời của thầy Năm vừa dứt, con rối kia liền run lên bần bật. Tuy không nhìn thấy rõ biểu cảm của nó nhưng thầy Năm cũng cảm nhận được nó đang tức giận như thế nào. Tuy rằng vào cái thời đói ăn đó, sống không bằng chết, thế nhưng bỗng nhiên bị người khác giết chết, rồi lấy hết máu để làm ra con rối thì sao không tức giận cho được. Con rối kia run lên có lẽ là bởi vì nó không can tâm, nó thật sự muốn giết chết hết nhà họ Văn. Bởi vì nhà họ Văn quá tham lam mà đã đi vào con đường tội lỗi.
Thầy Năm cứ nghĩ mình phải dùng rất nhiều thời gian mới có thể thuyết phục được oan hồn ở trong con rối nghe lời, nhưng không ngờ chỉ vài phút sau con rối đang run mạnh bỗng nhiên dừng lại hẳn. Oán khi từ con rối cũng ít đi rất nhiều. Lá bùa vốn dĩ đang dán trên con rối cũng bốc cháy một cách lạ thường. Khi con rối trong tay thầy Năm trở về bình thường hẳn thì thầy mới lấy ra một cái hộp bỏ nó vào.
Sau đó thầy Năm nhìn bà Lâm bằng ánh mắt đồng cảm. Thầy khẽ lên tiếng.
— Bà đừng buồn. Người chết cũng không thể sống lại. Nhà họ Văn năm xưa làm chuyện ác nên bây giờ phải trả lại cái nghiệp ấy thôi.
Thầy Năm nói đến đây liền thở dài.
— Bà Lâm, tôi biết bà là người lương thiện. Tôi mong là sau khi làm hậu sự cho chồng bà xong xuôi thì ngày ngày đọc kinh cầu nguyện để an ủi linh hồn của kẻ đã khuất. Cũng như chuộc lỗi cho dòng họ Văn và cầu bình an cho con cái của bà.
Thầy Năm nói xong, đôi mắt khẽ lướt qua xác chết của ông Mậu rồi bỏ đi ra ngoài. Bà con hàng xóm xung quanh tuy rằng không hiểu nhưng vẫn giúp bà Lâm đưa xác của ông Mậu lên giường nằm.
Bà Lâm từ đầu đến cuối đều trong vẻ mệt mỏi. Những người khác không hiểu ý của thầy Năm, nhưng bà làm sao lại không hiểu được chứ. Chuyện lấy máu để làm rối càng khiến cho bà sợ hãi hơn. Ai mà ngờ nhà họ Văn nổi tiếng là lương thiện mà lại làm ra một việc ác độc như thế này. Chung qui là cũng bởi vì lòng tham lam của nhà họ Văn nên mới có kết quả như ngày hôm nay.
Ở bên ngoài bầu trời, ánh nắng hiếm hoi nhú lên sau những ngày mưa gió. Bà Lâm mệt mỏi dựa lưng vào, ánh mắt nhìn ra ngoài cửa chính. Dọc con đường làng, có hai đứa bé chạy thẳng về ngôi nhà, trên môi nở ra nụ cười thật tươi tắn. Bà Lâm thấy một cảnh này, nước mắt đã cạn lại trào ra. Bà mấp máy môi.
— Tôi đã nói rồi. Sao ông không nghe tôi nói chứ. Nếu ban đầu ông chịu nghe tôi thì đã không có nông nỗi như thế này…
Lời than thở của bà Lâm day dứt tận sâu trong lòng.
Sau đó, đám tang của ông Mậu diễn ra trong sự bình lặng. Trong đám tang chỉ có bà con hàng xóm và một ít họ hàng. Sau khi đưa ông Mậu trở về nơi an nghĩ, bà Lâm và hai đứa con trai bỏ làng ra đi mà không một ai biết tung tích của họ. Và sau đó, không biết cái chuyện nhà họ Văn giết người lấy máu làm rối bị ai đồn thổi ra khắp làng Đại Mậu. Mọi người biết được đều sững sờ, nhưng ngẫm lại kết cục ba đời của nhà họ Văn thì không ai dám nói gì nữa. Và cứ thế, ngôi làng Đại Mậu vốn dĩ nổi tiếng về nghề làm rối đã không còn nữa. Thứ sót lại duy nhất chính là ngôi nhà cũ nát của dòng họ Văn, cái dòng họ mà đã bị nghiệp báo ba đời.