Ông Mậu ngồi đục đẽo khúc gỗ tới tận khi tiếng gà gáy đầu tiên ở cuối làng vang lên mới dừng lại. Dưới ánh sáng mờ nhạt của đèn dầu, khúc gỗ thẳng đuột đã dần dần có hình dáng của một thiếu nữ, tuy rằng chân tay còn chưa làm hoàn chỉnh nhưng nhìn qua lại rất đẹp. Nếu như là một người khác, khi nhìn thấy kết quả này thì sẽ vui mừng khôn xiết, thế nhưng lúc này tâm trạng của ông Mậu là thêm nặng nề. Thứ này lại y chang những cái trước kia ông làm, ban đầu khi tạo ra hình dạng thì nó rất đẹp, nhưng đến khi tô sơn lên liền trở nên xấu xí. Vốn dĩ là một con rối vui tươi, ấy vậy mà trong phút chốc lại biến thành một con rối với gương mặt hoảng hốt và kinh hoàng.
Tiếng gà gáy lại vang lên từ phía xa xa, những cánh đồng bát ngat bị bóng đêm che phủ, thỉnh thoảng những con chó sủa lên ầm ĩ khiến người nghe run rẩy. Màn đêm càng thêm lạnh lẽo, ông Mậu đứng dậy khỏi góc làm việc của mình rồi đi ra ngoài cửa chính. Đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ của ông Mậu như càng thêm tăm tối.
Ông Mậu chăm chú nhìn ra ngoài con đường làng, cứ chốc chốc lại thở dài, miệng lẩm bẩm than thở.
– Chẳng lẽ tôi không hợp với cái nghề này hay sao?
Nói xong, ông Mậu thơ thẩn muốn đi trở về phòng của mình. Lúc đi ngang phòng của mấy đứa nhỏ, trong bụng lại thầm nghĩ vào nhìn chúng nó một chút rồi đi ngủ. Nghĩ sao làm vậy, ông Mậu đưa tay dở bức màn đang che ở trước cửa buồng của hai thằng con trai. Nhìn bọn nó đang say giấc nồng mà ông Mậu lại càng cảm thấy bản thân mình vô dụng và chưa bao giờ làm tròn trách nhiệm của một người cha.
Ông và bà Lâm lấy nhau cũng gần hai chục năm và cũng đã có được hai thằng con trai, thằng lớn năm 12 tuổi, còn thằng út thì qua tháng mới được tám tuổi. Trước kia, khi bà Lâm được gả cho ông thì cha ông vẫn còn sống. Khi ấy, suốt ngày ông cứ đục mặt trong cái chỗ làm rối học nghề với cha, cuộc sống lúc đó tuy có chút khổ sở nhưng lại vui vẻ hòa thuận. Nhưng sau khi cha mất đi, ông bắt tay vào làm rối thì mọi thứ liền thay đổi nhanh chóng. Ông cả ngày cứ ủ rủ, những con rối làm ra con bán được, con thì vứt vào lò cho nó cháy. Dù cho vợ nhiều lần khuyên nhủ nhưng ông vẫn làm theo ý của mình. Sau này, tiền bạc giành dụm trong nhà ngày càng ít hơn. Bà Lâm thấy vậy liền xin chồng làm cái gánh, rồi đi ra chợ ngồi bán kiếm thêm chút rau dưa. Còn hai đứa con trai này, ngoại trừ dạy bọn nó làm rối thì ông cũng không làm được gì cả, tất cả mọi việc đều do bà Lâm làm tất tần tật.
Ông Mậu thấy thương vợ và con, mấy chục năm tảo tần nhưng ông lại cứ bị cái lòng hiếu thắng nhấn chìm trong sự ích kỷ của mình. Ấy vậy mà bà Tâm vẫn không rầy la ông, cũng không khuyên bảo ông bỏ nghề, đã thế bà ấy còn luôn động viên an ủi ông mỗi khi thấy ông suy sụp và chán đời. Nghĩ đến đây, khóe mắt của ông Mậu lại cay cay. Nhiều đêm ông vắt tay lên trán suy nghĩ nhiều điều, thế nhưng khi thức dậy ông lại không bỏ được những thứ mà mình đang cố chấp làm.
Giờ phút này, nhìn hai đứa con nằm yên trên cái giường gỗ cũ kỹ, mặc dù bên ngoài rất lạnh nhưng cả hai đứa con trai của ông phải đắp tấm mềm mỏng, dưới lưng là cái chiếu cũ đã sờn màu. Lại nhớ đến cái giường mà hai vợ chồng ông đã gắn bó hơn chục năm, giờ có lẽ nó cũng đã quá tàn tạ rồi.
Ông Mậu đắm chìm trong suy nghĩ của mình mà không thể dứt ra được. Đến khi thằng con trai lớn vì lạnh quá mà trở mình thì ông mới đứng dậy bước ra khỏi buồng của hai thằng nhỏ. Ông Mậu buồn bã trở về buồng của mình, ấy thế nhưng lúc này lại nghe thấy có tiếng động lạ vang lên.
“Cạch, cạch, cạch…”
Cả gia đình ông giờ đã ngủ hết vậy thì tiếng động này từ đâu ra chứ? Ông Mậu suy nghĩ một chút, ông cảm thấy là do mấy con chuột đang phá phách. Ở nhà ông ban đêm không có cơm thừa canh cặn gì nên ông cũng mặc kệ. Ông đi về buồng của mình, khi bàn tay nhăn nheo của ông đụng vào bức màn treo ở trước cửa thì bỗng nhiên có một tiếng khóc thất thanh của một cô gái vang lên. Thanh âm kia lúc gần lúc xa, tiếng khóc ngặt nghèo và mang đầy sự đau đớn.
Ông Mậu lắng tai nghe, mặc dù nó vang lên rất nhỏ nhưng ông vẫn cảm thấy tiếng khóc kia phát ra từ cái buồng đặt bàn thờ tổ tiên của gia đình mình.
Trong ấn tượng của ông Mậu, đây là lần đầu tiên ông nghe thấy một tiếng khóc đáng sợ như vậy. Ông và cả gia đình ở cái mảnh đất này từ rất lâu, nếu như có chuyện ma quỷ quấy phá thì nó đã xảy ra khi xưa rồi, vậy cái tiếng khóc này là bắt nguồn từ đâu? Ông Mậu rùng mình, trong đầu ông thì bảo ông mặc kệ đừng quan tâm, thế nhưng lại có một thứ gì đó thôi thúc ông phải đi xem thứ đó.
Quả nhiên, sự tò mò trong lòng của ông Mậu càng thêm nhiều. Ông nhìn vợ của mình đang ngủ ngon trong buồng, rồi khẽ thả bức màn cũ xuống. Bước chân nhẹ nhàng về phía có tiếng khóc vang lên. Cả ngôi nhà của ông chỉ có bốn cái buồng, một là của hai thằng con trai, một là của hai vợ chồng, cái khác là để đặt những con rối ông làm ra, cái còn lại và gần phòng khách nhất chính là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi hương hỏa của nhà họ Văn.
Chẳng mấy chốc ông Mậu đã đứng trước cửa buồng, nơi phát ra cái tiếng khóc ấy. Đứng ở bên ngoài, trong lòng ông vẫn còn một chút do dự, thế nhưng ông vẫn mở để đi vào.
Khi ông Mậu vừa bước vào, bỗng nhiên từ đâu một luồng gió lạnh lẽo thổi đến làm cả người ông không nhịn được mà run lên bần bật, xương lưng cứng đờ. Không biết qua bao lâu, cái cảm giác kia dần dần biến mất. Ông Mậu dụi mắt, sau đó nhìn chằm chằm lên bàn thờ của tổ tiên. Nhưng dù ông có nhìn thế nào đi nữa thì vẫn thấy nó không có gì khác biệt. Cái tiếng khóc kia cũng không biết từ lúc nào đã biến mất không chút giấu vết. Ông Mậu nhìn quanh một vòng, sau khi không thấy gì nữa thì thở phào nhẹ nhõm.
Ông ấy thẳng lưng đi đến trước bàn thờ lấy ba cây nhanh đốt lên rồi cắm lên. Ông Mậu vái ba lạy, sau đó nhỏ giọng thành kính.
– Ông nội. Cha, hai người có linh có thiêng xin hãy giúp con hoàn thành tốt tâm nguyện của mọi người. Con không muốn cái nghề làm rối đến phiên con liền bị thất bại…
Ở sâu trong tìm thức của ông Mậu, hai người chính là những người thầy đầu tiên đã dạy ông cách làm con rối. Từ những đường đục đẽo để tạo nên con rối cho đến cách sơn màu. Ông Mậu luôn ỷ lại vào họ, cho đến khi cả hai mất đi và để lại cái truyền thống này. Khi cha của ông còn sống thì còn đỡ, sau khi cha mất đi thì ông Mậu lại càng thêm chán nản hơn. Vốn dĩ nổi tiếng nhất làng Đại Mậu là nhà họ Văn làm rối, ấy vậy mà đến bây giờ lại ít ai biết đến cái chỗ tồi tàn này.
Thắp hương cho tổ tiên xong, ông Mậu ngẫm thời gian cũng đã trễ nên muốn về buồng nghĩ ngơi. Thế nhưng lúc ông vừa xoay lưng thì tiếng động lại vang lên.
“Cạch…”
Dưới ánh sáng mờ mờ, ông Mậu nhìn thấy một thứ gì đó từ trên bàn thờ rớt xuống đất lạnh. Ông ta nhanh chân quay lại nhìn thì phát hiện ở trên đất chính là một con rối. Mà con rối này chính là con rối mà vị thầy pháp kia đã dạy cho nhà họ Văn làm ra. Năm đó, ông nội Văn dạy dỗ con cháu rằng con rối này chính là thứ mang lại may mắn cho dòng họ nên không thể bán đi. Thế là cho đến đời của ông, con rối vẫn được đặt một góc ở trên bàn thờ, được hưởng nhang khói của con cháu nhà họ Văn.
Con rối này mang hình dáng của một thiếu nữ, những chi tiết ở trên người được khắc đẽo kĩ càng. Trên người con rối mặc một bộ áo dài màu đỏ, mái tóc đen nháy che phủ hai bờ vai. Bởi vì kiểu dáng này ở thời đó rất nổi tiếng nên nhiều đoàn xiếc đã ra giá rất cao để mua lại nó, ấy vậy mà ông nội Văn nhất quyết không bán đi. Thế là nó trở thành con rối gia truyền của nhà họ Văn.
Ông Mậu cầm con rối trên tay, cảm giác lạnh lẽo từ con rối truyền đến tay khiến ông ấy nhịn không được mà cau mày thật chặt. Ông cũng không hiểu vì sao, khi cầm con rối này đầu óc ông lại trở nên mụ mị, những hình dáng của các con rối cứ hiện ra ở trong đầu ông, thế nhưng những hình dáng ấy rất đáng sợ, tựa như đang đau đớn hay hận thù gì đó. Ông Mậu cảm thấy mình bị công việc làm cho thần trí không bình thường rồi. Cầm một thứ đơn giản cũng có thể tưởng tượng ra những điều kinh khủng như vậy.
Ông Mậu mệt mỏi đặt con rối về lại một góc trên bàn thờ, sau đó đi về buồng của mình. Bởi vì trải qua một ngày mệt nhọc nên khi vừa đặt lưng xuống giường thì ông Mậu đã mơ màng chìm vào giấc ngủ. Căn nhà mấy gian đã trở về sự yên tĩnh và lạnh lẽo, mọi thứ ở trong nhà dường như đều bị bóng tối nuốt chửng. Ở bên ngoài cơn mưa phùn vẫn tiếp tục rơi xuống trên mái gạch đã cũ. Thỉnh thoảng lại có một vào cơn gió chui qua khe hở làm người ở trên giường nhịn không được mà run lên vì lạnh.
Trong giấc ngủ mơ màng, ông Mậu lại nghe thấy tiếng khóc kia vang vảng bên tai của mình. Thanh âm kia phát ra càng rõ hơn, ông Mậu chỉ có thể nghe nhưng không thể mở mắt ra để nhìn được. Tiếng khóc tru tréo như mang theo nổi niềm u uất, với lại bởi vì căn nhà này quá chật nên nó vang vọng khắp nơi. Ông Mậu bị tiếng khóc kia làm phiền, thế nhưng chỉ có thể nhắm mắt mặc cho nó cứ lẩn quẩn bên tai. Cũng không biết qua bao lâu, khi tiếng gà gáy canh năm vang lên thì tiếng khóc kia mới ngừng hẳn. Lúc này ông Mậu mới có thể an tâm chìm vào giấc ngủ thật sự của mình.