Bà Lâm nghe thấy tiếng động kia liền chạy lên, lo lắng nhìn chồng.
— Ông Mậu, ông làm sao thế? Ông lại nhìn thấy cái gì rồi à?
Bà Lâm vừa nói vừa dọn dẹp chỗ chồng vừa hất xuống. Khi bà đụng tới con rối đang to sơn dang dở kia thì giật mình khiếp sợ. Bởi vì bà ấy thấy con rối này rất giống với con rối mà nhà chồng bà đang thờ ở trong buồng. Càng nhìn thì bà lại càng thấy giống, nhưng con rối ở trong buồng sinh động hơn, nó thật sự giống một thiếu nữ gần mười tám tuổi xuân thì, còn con rối này lại đem đến cảm giác đáng sợ cho người nhìn. Bà Lâm dù sợ nhưng vẫn nhặt lên, bà để hết mấy thứ kia lên bàn.
Bà Lâm thấy chồng còn đang bực bội thì chỉ biết lắc đầu. Năm ấy bà chịu gả cho ông ấy vì cái tính hiền lành và chăm chỉ, ấy vậy mà kể từ khi cha mất thì ông Mậu thay đổi tính cách hẳn, ngày càng sĩ diện và cái lòng tự trọng càng cao hơn. Thanh niên vốn dĩ luôn cắm cụi đầu óc bỏ qua dư luận, giờ lại đi soi mói từng câu nói của mọi người xung quanh. Bà cũng hay nghe mấy mụ hàng xóm truyền tai nhau chuyện nghề làm rối sắp bị chấm dứt vì ông Mậu. Nhưng mà bà không muốn chửi lộn, thế nên cứ bỏ ngoài tai, bà tin vào chồng của mình sẽ làm tốt.
Thế mà giờ ông Mậu lại nản chí, ở trong mắt của ông ấy chỉ có những lời dị nghị, bàn tán kia. Mỗi khi ông làm ra con rối nào, dù bà có khen đẹp bao nhiêu nhưng có người chê bai thì ông ấy liền vứt vào lò lửa. Bà còn nhớ có một năm, có một đoàn xiếc về đặt mười mấy con rối để biểu diễn, ấy vậy mà sau khi làm xong, bọn họ chỉ chê con rối không có linh hồn mà ông Mậu đã trực tiếp vứt vào trong lò lửa cho cháy rụi. Bà Lâm giờ nhìn chồng như vậy, trong lòng có chút khó chịu nhưng vẫn an ủi chồng.
— Ông đừng buồn. Tôi thấy con rối này ông làm đẹp lắm rồi. Ông cứ xem nhà của lão Tẹo đi, con rối ông ấy làm ra sao có thể sinh động bằng ông được chứ.
Bà Lâm vốn dĩ muốn khuyên nhủ, thế nhưng những lời này lại không lọt tai ông Mậu. Ông trừng mắt, bỗng nhiên quát lên.
— Đẹp cái gì mà đẹp. Hồi xưa, ông nội tôi làm đẹp bao nhiêu. Theo tôi thấy mình e là sắp không giữ nổi cái nghề này rồi. Với lại, bà đừng có mà nhắc lão Tẹo với tôi.
Bà Lâm bị chồng quát thì ngạc nhiên, nhưng cũng không nói thêm gì mà im lặng, bà lủi thủi xuống chòi làm việc tiếp. Ông Mậu nhìn theo bóng lưng, ấy vậy mà không cảm thấy có lỗi chút nào. Từ bao giờ mà vợ của ông lại nhiều lời như vậy chứ, cái thứ kia kinh khủng bao nhiêu mà bà ấy lại khen như vậy. Ông Mậu càng nghĩ càng bực, ông nhìn con rối ở trên lại thấy rõ nó giống với con rối ở trong buồng thế nào.
Ông Mậu đứng dậy, sau đó đi vào buồng có bàn thờ, nhang khói vẫn còn trên bát mang theo mùi hương xộc vào mũi của ông Mậu. Ông Mậu đến trước con rối, sau đó đưa tay bắt nó xuống xem thử. Giờ phút này ông thật muốn tháo hết con rối này ra xem thử nó được làm ra bằng cách nào. Lúc còn bé ông không nhìn kỹ, nhưng giờ đứng gần vậy ông lại thấy nó sinh động hơn, đặc biệt là cái nụ cười tươi rói kia, vậy mà con rối ông làm ra lại khác xa, nó không cười mà thẩn thờ hoặc sợ hãi, đã vậy còn không sinh động bằng thứ này.
Ông Mậu vuốt ve lên con rối, sau đó lẩm bẩm một mình.
— Ông bà linh thiêng, xin hãy giúp con làm con rối đẹp như vậy. Dù có dùng bất cứ giá nào con cũng chấp nhận…
Ông Mậu không thể chịu nỗi cảnh bà con hàng xóm mỗi lần chỉ tay vào mặt ông dị nghị cách kiểu.
— Cái nghề làm rối này sắp bị lão Mậu khiến cho chấm dứt rồi.
Hoặc là nói.
— Ba đời họ Văn làm rối. Giờ đến tay ông Mậu lại bị rớt tay nghề. Tôi thấy mấy con rối ông Mậu làm, sợ là nó còn xấu hơn mấy thứ ở trên xưởng thị xã làm nữa ấy.
Cứ mỗi lần bị nói vậy, ông Mậu đều nằm vắt tay lên trán suy nghĩ cả đêm. Đến tận khi hai mắt nhịn không được buồn ngủ thì mới đi ngủ, nhưng mà ngay cả trong mơ ông vẫn nhớ những lời đó. Cái cơ ngơi của nhà họ Văn, qua hai đời mà giờ chỉ còn căn nhà tồi tàn, e là sắp chống đỡ không nổi. Ông Mậu hít một hơi, bàn tay ông vuốt con rối bỗng nhiên có chút lạnh. Ông đưa mắt nhìn chằm chằm con rối ấy, cũng chẳng hiểu sao mà ông nhớ lại cảnh tượng cô gái đáng sợ kia xuất hiện trong giấc mơ.
Cô gái mặc áo dài đỏ, gương mặt kia đúng là kinh khủng…oán hận và thù hằn, bao nhiêu cảm xúc hiện rõ trên đó khi nhắc đến nhà họ Văn. Nếu không phải ông từng thấy ông nội và cha sống hiền hậu như thế nào thì ông cũng đã tin nhà mình sống thất đức lắm.
Ông Mậu nhìn con rối, sau đó cất nó lại lên bàn thờ. Sau bao nhiêu việc kì quái xảy ra, ông Mậu chỉ có thể an ủi bản thân với suy nghĩ rằng mình đã mệt quá nhiều nên suy ra ảo giác như vậy. Cô gái áo đỏ, con rối màu đỏ, thứ ông làm ra… Ông Mậu nín thở, cố bình ổn lại tâm trạng của mình. Ông Mậu bỗng nhiên mỉm cười một cái.
— Chắc là do thân già này nghĩ nhiều mà thôi. Già rồi, tôi già rồi.
Tiếng than thở của ông Mậu vang lên trong cái buồng nhỏ. Ông Mậu lại nhìn con rối thêm một chút rồi bỏ đi ngoài. Con rối mà do tay ông làm giờ này đang nằm im trên bàn ghế, ông Mậu cau mày đi đến cầm nó lên. Không hiểu sao, khi nhìn con rối gia truyền kia, ông lại có cảm giác thứ mình làm ra chưa đúng. Màu sắc được tô phủ lên con rối không sinh động và đẹp đẽ như thứ ông nội làm ra. Nhưng mà ông nghĩ mãi cũng không ra, cái thời ấy màu tô lên con rối chỉ được làm bằng cỏ cây, còn bây giờ đã có người chế sẵng, thế nhưng nó khác nhau hoàn toàn. Cũng có lúc ông ấy tự đi tìm cây cỏ để phối màu, nhưng kết quả làm ra vẫn như vậy. Không có chút sinh động nào, con rối xấu xí vô cùng.
Ông Mậu cầm dụng cụ lên tính phá con rối, nhưng không may làm cho tay của mình chảy máu. Dòng máu tươi từ bàn tay chảy ra dính lên con rối, màu đỏ từ máu cứ chảy chậm chạp rồi trượt một đường dài trên nó. Cặp mắt của ông Mậu sáng lên, con rối này tại sao lại thay đổi…
Nó, con rối này…
— Cha mẹ, bọn con về rồi đây.
Đúng lúc ông Mậu đang ngẩn ngơ thì bên ngoài cửa vang lên giọng nói của hai thằng con trai. Ông Mậu giật mình, ông nhanh tay cất con rối vào trong hộc sau đó giả vờ thong thả ra ngoài nhìn bọn nó rồi nghiêm mặt nói.
— Vào rửa tay chân rồi đi xuống ăn trưa. Tụi bây chơi ở đâu mà giờ mới chịu mò mặt về thế hả?
Hai thằng nhóc tỏ ra hối lỗi. Chỉ là bọn nó ham chơi mãi nên mới quên mất giờ giấc. Thằng Cả mở miệng đầu tiên.
— Cha, con và thằng Út đi xem bọn kia chơi chọi dế nên quên cả giờ giấc. Cha, cho bọn con xin lỗi.
– Bọn con xin lỗi cha.
Thằng Út cũng nhanh nhảu phụ họa anh trai của mình.
Ông Mậu thấy vậy thì hài lòng, ông bảo hai thằng nhóc xuống chòi đi. Đợi hai thằng nhóc kia đi mất thì ông liền đưa mắt nhìn sang chỗ con rối bị giấu. Ông Mậu mở hộc tủ ra nhìn, vết máu kia không biết đã khô từ lúc nào. Một màu đỏ tươi phủ lên màu sắc được tô trên con rối, không hiểu sao nhìn chỗ dính máu này ông lại cảm thấy nó giống với con rối ở trên bàn thờ. Ông Mậu bị ý nghĩ này dọa cho kinh hãi, chẳng lẽ con rối kia được tô bằng máu hay sao? Ông Mậu càng nghĩ càng sợ, thế nhưng nghĩ đến ông nội của mình thì ông cảm thấy chuyện này là không thể. Ông nội là người nhân hậu, sao có thể làm ra cái chuyện đáng sợ này được chứ. Ông Mậu vội vội vàng bỏ suy nghĩ kia đi, ông tự an ủi bản thân.
— Nghĩ nhiều. Mậu, mày nghĩ nhiều quá rồi.
Làm sao có thể có chuyện đó được chứ?
Ông Mậu thở dài một hơi. Cùng lúc đó giọng nói của bà Lâm từ dưới chòi vang lên.
— Ông nó ơi, xuống ăn cơm.
Ông Mậu nghe vậy thì liền trả lời.
— Tôi biết rồi. Tôi xuống liền.