Ông Mậu trả lời xong thì kiểm tra lại nơi giấu con rối, ông không thích con trai của mình nhìn thấy những thứ này. Hiện tại những con rối này đang rất xấu xí, ông ấy không muốn thấy vẻ thất vọng ở trong ánh mắt của tụi nó. Điều khiến ông tự hào từ trước đến nay chính là vẻ mặt hâm mộ của tụi nó mỗi khi nhìn ông. Ông Mậu cất kỹ con rối xong thì mới cất cái thân gầy khọm của mình xuống cái chòi ăn trưa.
Dưới chòi, hai thằng con trai đang phụ bà Lâm bày dọn chén bát ra mâm. Bà Lâm bưng nồi cơm nóng hổi lên rồi xới lên từng bát, trông thấy ông Mậu xuống thì bà liền nói.
— Ông nó ngồi xuống ăn luôn cho nóng.
Hai thằng con trai nhoẻn miệng cười.
— Bọn con mời cha, mời mẹ ăn cơm.
Dứt lời, ông Mậu chỉ gật đầu sau đó bưng chén cơm lên ăn.
Buổi trưa của nhà ông Mậu trôi qua một cách bình yên và lặng lẽ. Cơm nước xong xuôi, hai thằng con trai của ông trở về buồng để ngủ trưa, còn bà Lâm thì tất bật dọn dẹp chén bát đi rửa. Ông Mậu muốn phụ giúp nhưng bà Lâm lại bảo ông ấy lên nhà. Thấy vậy, ông Mậu cũng trở lại phòng khách để uống trà, có lẽ là bà Lâm có nấu nước nóng đổ vào nên vẫn còn ấm. Ông Mậu ngồi nhấm nháp ly trà, cặp mắt lại thẩn thờ nhìn ra ngoài cánh đồng. Trong đầu óc của ông Mậu lúc này rất hỗn loạn, bao nhiêu ý nghĩ không đúng hiện ra, cũng không hiểu sao mà kể từ khi thấy máu của mình dính trên con rối thì luôn có một giọng nói thôi thúc ông lấy máu để tô phủ lên con rối mà mình làm.
Ông Mậu xoa xoa thái dương, dạo này ông mệt mỏi đến mức sinh ra ảo giác rồi hay sao? Đặc biệt là khi nhìn thấy cô gái mặc bộ áo dài màu đỏ kia, cái suy nghĩ điên cuồng kia càng thêm nặng hơn ở trong đầu óc của ông. Luôn có một giọng nói gào thét bên tai của ông rằng.
— Lấy máu làm con rối.
— Lấy máu làm con rối.
— Lấy máu làm con rối…
Ông Mậu cũng kinh hãi, ông thật sự bị điên rồi. Trong phút chốc, ông Mậu bỗng nhớ đến câu nói của ông nội Văn năm đó :” Đừng vì tham vọng của bản thân mà đi vào con đường tội lỗi.” Câu nói ấy và cái giọng nói gào thét kia xen lẫn làm ông Mậu hoảng sợ. Ông Mậu run rẩy bàn tay nâng ly trà lên miệng uống một hớp, vị trà đắng nghét khiến tâm trí của ông có chút tỉnh táo hơn.
Bà Lâm dọn dẹp xong liền lên lại phòng khách, bà thấy ông ngồi im thì mới đến gần. Nhỏ giọng nói chuyện với chồng.
— Ông nó, ông có thấy dạo này cái nhà của mình mù mịt lắm không?
Ông Mậu ngạc nhiên.
— Sao bà lại nói thế?
Bà Lâm trầm trọng ngồi xuống cái ghế, gương mặt đầy nếp nhăn.
— Tôi cũng không biết. Sáng nay tôi dọn dẹp cho ông, tôi thấy con rối ông làm ra rất giống với thứ mà ông cụ để lại. Rồi ông còn nói mơ thấy cô gái mặc áo dài đỏ. Tôi thấy, tôi thấy thứ mà ông nằm mơ thấy giống với con rối mà ông cụ để lại…
Chưa chờ bà Lâm nói xong, ông Mậu đã dữ tợn quát lên.
— Bà đừng có mà nói bậy. Năm xưa vị thầy pháp kia giúp nhà của chúng ta làm ra con rối này vốn dĩ là muốn mang lại bình an. Sao có thể là thứ không sạch sẽ và hại nhà mình mù mịt chứ?
Ông Mậu nhấp nhám ly trà, sau đó cau mày nói tiếp.
— Với lại, con rối kia hưởng nhang khói của nhà họ Văn mấy chục năm. Nếu như nó có linh tính thì phải giúp nhà chúng ta chứ.
Ông Mậu thẳng thừng gạt bỏ. Mặc dù không thể hiểu mấy chuyện kì lạ xảy ra mấy năm nay nhưng mà ông vẫn không muốn nghi ngờ cái con rối được xem là niềm tự hào của nhà họ Văn. Ông Mậu chính là một kẻ cố chấp như vậy, dù có chuyện gì xảy ra ông vẫn giữ cái sự tôn trọng với ông nội Văn. Ông không muốn vợ con mình nói xấu thứ mà ông bà của mình.
Bà Lâm khuyên chồng không được thì thở dài. Bà ấy lắc đầu ngao ngán, âm thanh trầm thấp.
— Ông đừng cố chấp như vậy. Theo tôi thấy, con rối trên bàn thờ nhà mình mới chướng khí mù mịt như này. Ông lo mà xem đi, chứ tôi là tôi không biết đâu.
Bà Lâm nói xong liền quay người trở về buồng. Ông Mậu vẫn ngồi im tại chỗ. Con rối trong nhà ông vốn dĩ là mang lại bình an và thịnh vượng sao có thể mang lại chướng khí mù mịt. Ông Mậu càng nghĩ càng thấy vợ mình nói bậy bạ, ông nhanh tay uống hết ly trà sau đó bỏ ra ngoài sân lựa gỗ để làm mấy con rối khác.
Một ngày cứ thế trôi qua, chẳng mấy chốc cả làng Đại Mậu đã bị một màu đen của màn đêm bao trùm. Khắp các ngõ ngách trong làng đều lạnh rét, thời tiết cuối tháng mười một, gió lạnh tạt thẳng vào mặt như dao cắt. Dọc con đường đi vào làng không biết từ lúc nào đã không còn một bóng người nào qua lại. Cơn mưa phùn lất phất hạ xuống khắp nơi ở trong làng. Ở trên con đường vắng vẻ ấy lại xuất hiện năm sáu người hùng hổ đi về phía cuối làng Đại Mậu, mà hướng đi của mấy cái bóng đó chính là nhà của ông Mậu.
Kẻ dẫn đầu đám người là một bá hộ ở trong làng, lão ta thường được người dân gọi là lão Lý. Còn đám đi theo phía sau lưng của lão chính là gia đinh. Gần tám giờ tối mà lão Lý còn hùng hổ đi trên con đường vắng khiến người trong nhà nhịn không được tò mò.
Còn lúc này, cả nhà ông Mậu đang quay quần bên mâm cơm. Lúc ông Mậu định ăn thì bên ngoài lại vang lên tiếng bước chân dồn dập và ồn ào. Ông Mậu còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì lão Lý đã dẫn người xông vào nhà của ông.
Lão Lý vừa bước vào nhà thì đã tự nhiên ngồi xuống ghế gỗ, gương mặt ngập đầy vẻ chán ghét.
— Ông Mậu, hôm nay tôi đến vì cái gì thì ông cũng biết rồi đấy. Tiền nợ tháng này, hai vợ chồng anh còn chưa trả cho tôi đây.
Giọng nói của lão Lý ồm ồm lại thêm đám gia đinh hung thần phía sau lưng làm cho ông Mậu sợ hãi theo. Ông và bà Lâm đứng dậy từ mâm cơm, hai thằng nhóc kia thì chạy vào buồng chỉ để ló cái đầu ra nhìn. Ở trong cái làng Đại Mậu này ai mà lại không biết tiếng xấu của lão Lý chứ. Năm nào cũng như năm nào, trong khi người dân nghèo phải loay hoay kiếm ăn từng ngày thì lão lại sung sướng biết bao nhiêu. Mặc kệ ai đói ai chết, trong nhà của lão Lý luôn dư đầy của cải, người hầu kẻ hạ ra vào tấp nập.
Ông Mậu mấy hôm nay vì chuyện của con rối mà quên béng việc mình phải trả nợ cho lão Lý. Năm đó, khi ông nội Văn bị bệnh thì cả gia đình đã bán hết đất đai dành giùm, ngay cả cái xưởng làm rối nhỏ cũng đem đi cầm cố, thế nhưng bệnh tình của ông ấy ngày lại càng nặng hơn, thuốc thang lại càng sử dụng nhiều. Đến đường cùng nên cha và cụ quyết định đi vay tiền của lão Lý. Lúc đi vay là vay của cha lão, thế mà trả đến bây giờ là đời con vẫn chưa xong.
Ông Mậu lại nhìn cái khí thế của lão Lý, trong bụng ghét cay ghét đắng nhưng ngoài mặt vẫn bày ra vẻ kính trọng.
— Thưa ông, chuyện là tiền nợ tháng này không phải con quên. Nhưng mà tháng này tụi con không bán được con rối nào. Cả nhà chỉ có thể nhờ vào ít bạc mà vợ con bán rau ngoài chợ để trang trải qua ngày.
— Thưa ông, ông xem tháng này có thể cho con khất lại tháng sau được không ạ? Con hứa con sẽ trả đầy đủ tiền nợ cho ông.
Lão Lý nghe ông Mậu nói mà con mắt còn không thèm liếc qua một cái. Lão nhìn cái bộ dạng khúm rúm của ông Mậu thì cười lạnh.
— Khất lại? Nhà của ông nợ tôi bao nhiêu tiền mà khất lại chứ. Tôi cũng phải ăn, tôi cũng phải nuôi cái nhà của tôi, rồi còn bao nhiêu tiền bạc phải chi ra để trả cho đám người hầu. Ai mà cũng khất nợ như ông thì tôi biết sống bằng cái gì chứ?
Bộ dạng hung dữ của lão Lý làm ông Mậu câm nín, đến cả buổi vẫn không nói được gì. Tháng này ông không bán được con rối nào cả, mấy thứ ông làm ra không phải bị chê thì cũng là đem đi đốt. Giờ lão Lý đến đòi nợ đột ngột như vậy thì ông biết lấy đâu ra tiền để trả cho lão chứ?
Bà Lâm nãy giờ đứng bên cạnh ông Mậu lúc này mới lên tiếng.
— Thưa ông, con vừa mới tính lại một chút tiền nợ. Tiền nợ tháng này của nhà bọn con chưa đến ngày thu mà ông, còn phải năm sáu ngày nữa mới đến hạn.
Bà Lâm tính toán một lúc rồi mới nói tiếp.
— Hay là ông cho bọn con năm ngày nữa, sau năm ngày bọn con sẽ vay mượn để trả cho ông ạ.