Lão Lý đang vểnh râu đắc ý, nghe bà Lâm nói vậy thì hai mắt trừng lên hung tợn. Hôm nay lão đưa cả gia đinh đến đây là có dự tính hết, chẳng là lão không ngờ con mụ vợ của ông Mậu tính toán kỹ càng như vậy. Chuyện là số nợ của nhà ông Mậu cũng phải hơn năm sáu ngày nữa mới đến hạn nhưng mà lão muốn đòi bây giờ, ai bảo bọn chúng đã nghèo rồi mà còn dám đi vay nợ tiền nhà lão chứ? Lão Lý nghĩ bụng vậy thì khề khà rặn ra nụ cười, giọng nói ngang ngược vang lên.
— Bọn mày nợ tiền của ông mà còn nhiều lời thế à? Hôm nay ông muốn lấy tiền nợ, bọn mày không trả thì khôn hồn với ông. Sao lúc bọn mày cầm tiền hứa hẹn lắm cơ mà giờ lại hèn nhát thế?
Bị lão Lý chửi một trận. Gương mặt của ông Mậu càng thêm khó coi, tuy rằng lão Lý cho vay tiền thế nhưng làm gì có quyền mắng chửi nhà ông chứ. Hơn nữa, không phải còn tận mấy ngày nữa mới đến hẹn trả nợ hay sao? Lão ta hùng hổ đến đây làm gì, ông Mậu càng nghĩ càng tức cái bụng. Ông Mậu không vui, ngoài mặt nở ra một nụ cười giả tạo.
— Lão Lý, chuyện nhà tôi vay mượn tiền của ông có giấy tờ rõ ràng. Năm ngày nữa mới đến hạn, tôi có cái tính hay quên nên lãng mất chuyện này. Ông là người có tiền, nhưng cũng không thể lật lọng như vậy.
Ông Mậu còn tưởng hôm nay đến hạn nên mới khom người xin khất đến tháng sau, nhưng ngờ đâu còn lâu mới đến hạn nộp tiền. Trong thời gian năm sáu ngày chẳng lẽ ông Mậu này không chạy vạy nổi tiền để trả hay sao? Mà nhìn bộ dáng của lão Lý, trong bụng ông Mậu dâng lên dự cảm không lành. Ông luôn có cảm giác lão Lý đang đào bẫy cho mình nhảy vào.
Quả nhiên, lão Lý nghe ông Mậu nói thì nhảy bật khỏi ghế. Lão chỉ tay vào mặt của đám người nhà ông Mậu rồi bô bô cái mồm chửi toáng lên.
— Á à, bọn mày vay tiền của ông mà còn muốn quỵt nợ sao? Trả sau hay trả trước gì không phải trả, bọn mày trả bây giờ thì năm sáu ngày nữa khỏi trả. Hay là bây giờ không có tiền trả nên lấy lý do lý trấu với ông đây. Khi bọn mày vay tiền thì ăn nói thế nào, giờ lại bày nhiều trò để trốn nợ.
Lão Lý vuốt vuốt bộ râu của mình sau đó chỉ huy đám gia đinh.
— Tụi bây đâu, đập hết đồ đạc của nhà lão già này cho tao. Đập đến khi nào bọn nó chịu trả tiền cho ông thì thôi.
Dứt lời, đám gia đinh lao đến nắm lấy bộ ấm trà trên bàn đập ầm ầm xuống đất. Bọn chúng độc ác đưa chân đạp lên bộ bàn ghế cũ kỹ của nhà ông Mậu. Chỉ trong phút chốc mà cả nhà của ông Mậu vang lên tiếng động ầm ầm của đồ bị đập vỡ, ngay cả mâm cơm cũng bị đá văng. Bà Lâm và ông Mậu sợ hãi, cả hai người vội vội vàng vàng chạy lại ngăn cản bọn họ nhưng mà sức của người lớn tuổi thì làm sao có thể ngăn được bọn chúng.
Ông Mậu lúc này mới nhìn lão Lý, cất cái giọng khàn khàn:
— Lão Lý, rốt cuộc ông muốn như thế nào mới tha cho nhà của tôi.
Tiếng trẻ con khóc càng làm cho ông Mậu đang đầu hơn, chưa bao giờ mà ông lại hận cái đám phú hộ ăn trên nước mắt và mồ hôi của người dân như vậy. Nhưng mà ông lại càng trách bản thân của mình hơn, nếu như ông có tay nghề làm ra những con rối tốt và được nhiều người mua lại thì lão Lý cũng không dám ngông nghênh đến đây phá nhà.
Lão Lý vểnh cái bụng mập bự của mình lên nhìn đám gia đinh đập phá đồ nhà ông Mậu. Sau khi nghe ông ấy hỏi vậy thì nhướng mày, gian xảo mở miệng.
— Muốn được khất nợ sao? Vậy thì cũng được, nhưng mà bọn mày phải có vật thế chấp cho tao. Nếu bọn mày chạy nợ thì tao còn có cái thứ để bán bù lại.
Ông Mậu cau mày.
— Lão Lý, ông nhìn cái nhà hoang tàn này còn có thứ gì để thế chấp cho ông sao?
Ông Mậu nhìn kỹ nhà mình, đồ đạc ở nơi đây đều là thứ cũ nát, ngay cả đồ vứt đi của nhà lão Lý cũng không bằng thì lấy cái gì để mà thế chấp chứ.
Lão Lý lúc này đã ngồi lại trên ghế được gia định dựng lên , lão vuốt vuốt chòm râu của mình rồi chậm chạp lên tiếng.
— Ôi, ông Mậu quên mất nhà của mình còn thứ đáng giá rồi sao?
Ông Mậu khó hiểu.
— Ông nói vậy nghĩa là sao?
Lão Lý hừ lạnh, cánh tay đập mạnh lên mặt bàn.
“Rầm…”
— Ông quên mất con rối gỗ mà cụ Văn nhà ông làm sao? Năm đó, con rối này rất được nhiều người ra giá cao nhưng không bán. Giờ anh lấy nó ra thế chấp đi, đợi nhà anh trả nợ đủ rồi tôi đưa lại.
Ông Mậu nghe đến đây thì giật mình, đến nước này mà ông còn không hiểu ý của lão Lý thì sống trên đời này uổng phí rồi. Thì ra, thì ra ngay ban đầu lão tới đây là vì con rối gia truyền kia. Ông Mậu sao có thể chấp nhận, ông ấy thở hồng hộc, ngón tay chỉ vào mặt lão Lý.
— Lão Lý, ông lại muốn lấy đồ gia truyền của nhà tôi sao? Ông không sợ cụ nhà tôi có linh thiêng vật chết ông sao?
Lão Lý nghe thấy vậy thì nhảy dựng lên, bô bô cái mồm chửi lên.
— Á à, mày còn dám trù ẻo ông à? Ma cỏ nào mà dám vật chết ông, cụ nhà mày chết bao nhiêu năm rồi cũng không trả hết nợ cho nhà tao. Giờ tao lấy đồ của lão ta để thế chấp nợ thì sao? Tao không biết, hôm nay mà bọn mày không trả nợ thì biết tay tao.
Ông Mậu tất nhiên là không muốn đưa con rối kia cho lão Lý. Con rối kia quý giá bao nhiêu ông không biết, nhưng đó là vật gia truyền của nhà ông, mang lại bình an cho nhà của ông thì sao có thể đưa cho lão Lý được.
Bà Lâm nãy giờ đang sững hồn ở dưới đất, thấy vẻ mặt cố chấp của chồng thì nước mắt giàn dụa, bà ấy lồm cồm bò dậy khuyên chồng.
–Ông Mậu ơi là ông Mậu. Lão muốn con rối kia thì ông cứ đưa cho lão đi. Cứ để cho mọi chuyện ổn định cái đã, rồi trong vòng năm ngày vợ chồng mình sắp xếp vay mượn trả nợ cho lão ta.
Bà Lâm thút thít.
— Đợi trả nợ xong, mình lấy lại con rối kia cũng không muộn. Chứ bây giờ ông còn chần chờ thì nhà cửa của mình sẽ bị đập hết. Ông quên mất thứ cụ nhà để lại chỉ có ngôi nhà này sao? Nếu bị phá đi rồi thì con cái chúng ta ở đâu được chứ?
Ông Mậu nghe vợ nói bên tai, đầu óc điên cuồng phân vân. Ông nhìn lại căn nhà vương vãi mảnh vụn và đồ đạc thì nhắm mắt.
— Bà, bà nó vào lấy con rối cho lão Lý đi.
Nói đoạn, ông Mậu quay mặt sang nhìn lão Lý.
— Tôi đưa con rối gia truyền cho ông, đợi bọn tôi đưa tiền trả nợ xong thì lấy lại. Nếu ông dám làm cái gì thì tôi dù có liều cái mạng già này cũng đòi lại cho được.
Lão Lý hừ lạnh.
— Tao thèm vào. Cái con rối rách nát ấy thì tao lấy làm gì chứ.
Thấy ông Mậu còn muốn nói nữa thì bà Lâm đã vội vàng ngăn lại. Bà ấy nhanh chóng chạy vào buồng để lấy con rối ra đưa cho lão Lý.
Lão Lý cầm con rối trên tay, hai mắt sáng quắc như nhặt được vàng. Lão Lý lườm nguýt ông Mậu một cái sau đó quay lưng đi mất.
Ông Mậu nhìn đám người hung hăng đi trên đường đất bùn, nhịn không được chửi lên.
— Mả cha cái thằng Lý ác ôn. Mày sống không được yên đâu.
Bà Lâm chạy lại che miệng của chồng rồi khuyên nhủ.
— Ông đừng nói nữa, lão mà nghe được thì nhà mình tiêu. Ông và tôi dọn cái nhà lại rồi chạy đi tìm bà con hàng xóm mượn tiền nộp cho lão…
Ông Mậu nghe vợ nói thì mới tỉnh táo lại. Ông nhìn vợ, nhìn những nếp nhăn trên trán của vợ mình thì trong lòng dâng lên đau lòng.
— Bà yên tâm. Tôi nhất định sẽ không làm bà và con thất vọng. Tôi sẽ cố gắng làm rối bán cho đoàn xiếc, không để ý lời dị nghị của người ta nữa.
Bà Lâm thấy chồng thay đổi thì vui mừng, bà lau nước mắt rồi nói.
— Tôi yên tâm rồi. Ông gọi hai thằng nhóc kia ra dọn nhà, tôi đi nấu chút gì lót dạ đã.
Nói xong, bà Lâm vội vàng chạy xuống chòi.
Ở trong ngôi nhà ngỗng ngang đồ vật, ông Mậu nhịn không được căm tức. Dù có dùng bất cứ giá nào, ông cũng sẽ trở thành thợ làm rối giỏi nhất cái làng Đại Mậu này cho xem. Để coi đến lúc đó còn có ai dám khinh thường ông ta hay không?
Lão Mậu lẩm bẩm.
— Giá như mình biết được cách cụ tạo ra con rối kia thì hay biết mấy.
Nhưng than thở cũng chỉ là than thở, bởi vì không ai trả lời lại ông ấy.