6 giờ sáng ngày 13 tháng 10 năm 1999.
Một người đàn bà già nua ngồi ở trước cổng trường tiểu học, tay đang cặm cụi nặn những cục bột đủ màu sắc nhìn rất điệu nghệ, bà ta tên là Chi, tuổi ngoài 50, gia đình bà di cư từ ngoài Bắc vào Nam để làm ăn sinh sống, đến nay cũng ngót hơn 9 năm rồi. Vừa nặn bà vừa phóng tầm mắt hướng bên kia đường thì thấy lác đác vài đứa học sinh tiểu học được cha mẹ đưa đến trường, có đứa thì đi bộ một mình với vẻ mặt hớn hở như thể tụi nó được cha mẹ hứa mua cho đồ chơi vậy. Bà thấy vậy thì mỉm cười tiếp tục nặn thêm vài con tò he mới khác sau đó cắm chúng lên một tấm mút, nhìn từ phía xa trông bắt mắt lắm với nhiều màu sắc sặc sỡ. Một lúc sau những đứa học sinh đến trường mỗi lúc một đông hơn vì ngôi trường này khá có tiếng trong thành phố mà, đa phần đều là con em gia đình khá giả trở lên, với lại bà buôn bán ở ngay trường này cũng được vài năm rồi nên biết được bọn trẻ thích mua hàng lắm.
Bà Chi vẫn ngồi đó nhớ lại những ngày tháng khổ cực của gia đình khi vào Nam lập nghiệp, cuộc đời này vốn dĩ ngắn ngủi, em trai theo bà vào đây làm ăn không bao lâu thì bị tai nạn ở công trường xây dựng chết ngay tại chỗ, chỉ còn bà và ông Đăng tiếp tục bươn trải lo cơm áo gạo tiền nhưng cũng chẳng thấy khá hơn, nếu lo tiền ăn uống, tiền trọ thôi thì cũng đỡ đi, còn đằng này lão Đăng lại nghiện thuốc lào, rượu chè. Tiền dư được bao nhiêu lão ta đều bắt vợ đưa hết cho lão nắm giữ, vậy nên những lúc trái gió trở trời bà Chi bị tê nhức tay chân mà không có một đồng mua thuốc uống hoặc chữa trị, bà phải cắn răng chịu đựng để cơn đau qua đi rồi lại tiếp tục tháng ngày mưu sinh cực nhọc.
—- “Bà ơi, bà ơi..”
Có tiếng đứa bé bất ngờ gọi bà, quay đầu sang thì ở ngay trước mặt, có 3,4 đứa học sinh vây quanh lấy sạp hàng, ánh mắt cả đám thích thú nhìn những con tò he rực rỡ sắc màu, có đứa còn đưa mũi lại gần hít hít mấy cái.
—- “Bà ơi, con này bao nhiêu vậy?”
—- “À, con rồng này 4 ngàn nha con, bà mới nặn xong luôn đó. Cứng lắm không có rớt được đâu”
—- “Dạ, vậy bà lấy cho con con rồng này đi”
Vừa nói nó vừa đứng lên thò tay vào túi quần lấy ra một tờ 10 ngàn màu đỏ còn mới cóng, đám còn lại thấy vậy thì cũng nhoi nhoi chọn cho mình một con rồi thích thú đưa lên thổi một hơi phát ra tiếng “tò te” nghe bắt tai lắm rồi cả đám cười đùa khoác cái cặp chạy nhanh vào trường. Một lúc sau cũng có vài đứa học sinh chạy tới sạp hàng của bà ngắm nghía, có đứa thấy lạ nên cũng mua chơi thử cho biết, có đứa chỉ nhìn lướt qua rồi quay đầu chạy vào trường. Cho đến khi tiếng trống trường vang lên thì không khí náo nhiệt xung quanh cũng dần dần thu hẹp lại, trả lại sự vắng lặng cho những nhà xung quanh, một số người buôn gánh bán bưng thì vội vã thu dọn hàng của mình để vào khu chợ gần đó tiếp tục buôn bán, bà cũng không ngoại lệ. Đến quá trưa thì bà quay về nhà trọ của mình nằm trong một con hẻm lao động không gian ẩm thấp và tăm tối, hai vợ chồng bà sống trong căn nhà 15m2 thật chật chội và nóng bức. Mới vừa bước vào nhà chưa kịp nghỉ ngơi thì bà đã thấy lão Đăng ngồi thù lù ngay bàn nhâm nhi con khô và một chai rượu đế, bà chán chường định lên căn gác ngủ một giấc cho đỡ mệt thì khi này, tiếng lão chợt cất lên cái giọng nhè nhè nhắc nhở.
—- “Ê, đứng lại, tiền bán hàng hôm nay đâu? Đưa tao một ít đi mua rượu coi”
Nghe tiếng lão gọi, theo quán tính bà thò túi áo khác lấy một ít tiền đưa cho lão rồi nhíu mày nói.
—- “Nè, hôm nay tui bán không có được nhiều, ông cầm mua đỡ đi. Mà tui nói nè, ông nhậu ít ít thôi, ông đang có bệnh trong người, lỡ có gì thì khổ lắm ông biết chưa?”
—- “Bệnh gì, ý mày muốn nói tao yếu đuối hả?”
Bà nghe vậy thì không nói gì thêm, mệt mỏi lấy khăn ra khu tập thể vệ định rửa mặt rồi lủi thủi lên gác nằm nghỉ để lấy sức tối bày quán cà phê bán ở ngoài đầu hẻm nữa. Đến chiều như thường lệ, vợ chồng bà kéo xe đẩy bộ bàn ghế đi ra trước con hẻm bày ra bán nước, nhưng phải nói tuy có biết bao nhiêu quán cà phê bán khắp các ngã đường nhưng cà phê chính tay bà pha, công nhận thơm và ngon thật, uống vào là thấy tinh thần sảng khoái hẳn ra cho nên quán cà phê lề đường của bà được nhiều người trong xóm và khách vãng lai ủng hộ nhiều lắm. Đến gần 10 giờ thì ngoài đường những người khách bộ hành và xe cộ đã thưa dần, nhà cửa xung quanh đã đóng im lìm rồi, chỉ có lác đác 2,3 hộ dân bán tạp hoá còn mở chào khách mà thôi, ở bên này vợ chồng bà đang dọn hàng thì bất ngờ bà Chi cảm thấy đau bụng, vội vàng nhờ lão dọn thay còn bà thì chạy nhanh về nhà trọ để giải quyết. Lão Đăng thấy vậy thì nhăn mặt khó chịu lắm nhưng rồi cũng gật đầu để cho bà chạy về. Dọn dẹp được một lúc, chất bàn ghế lên xe cả rồi, trong khi chờ vợ quay ra phụ mình đẩy xe vào thì lão lấy ghế kê sát bức tường gạch cũ kỹ cạnh một khu đất bỏ hoang từ bao giờ rồi lấy ra một điếu thuốc châm lên hút. Rít được vài hơi bỗng từ đâu những cơn gió lạnh liên tục thổi đến khiến cho lão cảm thấy rùng minh, sống lưng lạnh toát, gai óc nổi cục cục, dưới cái ánh đèn vàng lờ mờ bên kia đường hắt qua, lão đảo mắt nhìn xung quanh vì cảm nghĩ như có ai đó đang theo dõi mình, thế nhưng cái mà lão ta thấy chỉ là những căn nhà tối thui không có ánh đèn, con đường thì vắng tanh không một tiếng động, lão thấy vậy thì ung dung ngồi hút tiếp, khi điếu thuốc gần tàn, bất giác lão để ý thấy từ trong con hẻm nhỏ tăm tối bên kia đường có một bóng người đội nón lá mờ ảo đi ra duờng như tiến đến chỗ của mình, cảm thấy lạ, lão tự hỏi chắc cái người đó tưởng giờ này mình còn bán cà phê nên đi ra mua uống mà thôi.
Lão Đăng không nghi ngờ gì, cứ ngồi đó chờ đợi cái người kia đi qua rồi nói cũng không muộn, ngay cái lúc lão hút xong điếu thuốc vứt xuống đất thì cái người lạ mặt kia đã đứng trước mắt lão từ bao giờ rồi, chưa kịp phản ứng gì thì đột nhiên cái người kia cất tiếng hỏi, giọng một người thanh niên.
—- “Ông ơi, nãy giờ ngồi đây ông có thấy đồ của tui rớt xuống đất hông? Tui tìm hoài mà hông thấy?”
Lão sững sờ một lúc vì cái giọng nói trầm bổng của người đó, tuy nhiên lão cũng tò mò nhìn kỹ cái người đó xem là ai thì bất ngờ người đó cúi gầm mặt xuống đất rồi nói lại.
—- “Ông có thấy hông vậy?”
Lần này lão mới đinh ninh rằng cái người này chắc là tên bụi đời đến để kiếm chuyện xin đểu mình, từ sững sờ lão nhanh chóng thay đổi thái độ khó chịu, lập tức xua tay đuổi cái người đó đi.
—- “Thôi, đi chỗ khác dùm tao cái, ở đây tao không có thấy gì hết đó. Biến lẹ”
Cái người kia nghe vậy thì tỏ vẻ tức giận nhưng không lộ mặt ra cho lão thấy và rồi người đó đe dọa.
—- “Mày mà không tìm đồ cho tao thì đừng mong ở yên chỗ này”
Nghe lời nói đe dọa ấy lão không lấy làm sợ hãi lắm mà ngược lại, lão càng tức giận hơn, với bản tính bẩm sinh nóng như lửa đốt, tuy tuổi tác không còn như thời trai trẻ nữa nhưng lão vẫn cho là mình còn mạnh lắm. Phần vì khi xưa lão ta cũng từng đánh nhau không ít với tụi du côn ở ngoài Bắc, nguyên nhân cũng vì lời qua tiếng lại mà thôi, nhưng phải nói bản tính hung hăng của lão cũng làm không ít người phải e ngại, nhún nhường vài bước, phần vì lão không muốn là mình đã lớn tuổi, sức lực yếu ớt nên có đôi lúc, lão cũng hay có chút xích mích với đám ông bạn nhậu của mình, rượu vào thì lời ra, rượu tan rồi thì tình bạn lại thắt chặt. Khi này dựa theo lời đe dọa đó, lão Đăng liền hùng hổ đứng lên, tay chụp lấy cái ghế nhựa giơ lên cao rồi gằng giọng đáp trả.
—- “Tiên sư cái thằng này, mày biết bố mày là ai không mà lên giọng hù tao hả? Cút đi cho tao, mày mà còn vớ va vớ vẩn nữa kẻo tao phang cái ghế này lên đầu mày bây giờ đó”
Cái người kia không chút sợ hãi trước thái độ hung hãn của lão, chợt cái người đó bật cười lên quỷ dị rồi đưa tay chỉ lên đầu mình thách thức.
—- “Hềhề, đầu tao nè, mày đập lên đi”
Lão Đăng thấy vậy thì không một chút suy nghĩ, vội đưa một tay lên giựt cái nón lá của người đó xuống, tay còn lại đưa ghế lên chực chờ chuẩn bị đập lên đầu người đó. Và rồi chỉ trong khoảnh khắc lão ta đứng chết trân tại chỗ, mồm há ra cứng đờ không kêu lên được, hai mắt thì lạc thần khi nhìn thấy sau cái nón lá của người đó bị mình giựt ra, nó không hề có cái đầu.
Trước cái hình ảnh ấy lão Đăng tay chân bủn rủn đứng không vững nữa, liền kinh hãi ngồi thut xuống đất, đầu quay lại nhìn vào trong hẻm miệng ấp úng.
—- “Bố..bố tiên sư nó, gặp ma rồi, bà ơi, có..có ma”
Mặc cho lão ta sợ hãi như muốn ngất xỉu đi, vong ma không đầu kia cười lên ghê rợn lướt từ từ sát lại gần lão rồi trầm giọng nói.
—- “Tao kêu mày kiếm cái đầu cho tao thôi mà. Sao mày lại đuổi tao đi hả?”
Lão nghe đến đây thì hãi hùng ngất xỉu đi không còn biết gì nữa. Sáng tỉnh lại, lão thấy mình đang nằm trong nhà, toàn thân ê ẩm khó chịu, bà Chi thấy chồng tỉnh lại thì vui mừng dìu lão ngồi dậy rồi lo lắng hỏi.
—- “Giời ơi, ông tỉnh lại rồi. Đêm qua ông bị sao vậy? Tự nhiên nằm lăn lóc ra giữa đường là sao? Tui nói rồi mà, ông cứ uống rượu quài chắc bị nó quật cho rồi chứ gì?”
Lão nghe vợ cằn nhằn thì không nói gì, lẳng lặng nằm xuống giường kéo mền che kín từ đầu đến chân, bà Chi ngồi cạnh chồng một lúc nữa, chờ cho lão ăn hết chén cháo thịt bằm, bà mới khiêng cái hộp gỗ đựng bột ra ngoài để đi ra chợ bán mà trong lòng bỗng có chút gì đó thấp thỏm lo âu không thể hiểu được…