Bà ấy ngồi xuống bên cạnh thao thao bất tuyệt kể lại giấc mơ của thầy tào đêm trước. Thì ra thầy đã biết chuyện gia đình My tới nhờ giúp đỡ. Hơn nữa thầy còn soi ra quẻ rằng lần này gia đình cô gặp may mắn và có lộc lớn.
Chiều tối thầy tào mới về đến nhà. Thầy trông gầy hơn lần gặp mặt trước. My thấy thầy về vội đứng dậy chào thầy. Thầy vui vẻ: đúng là khách quý đến rồi, tôi được dàng báo mộng từ trước lên biết chắc hai người sẽ đến đây. Lần này là mang tin vui đến đúng không?
My chẳng giấu diếm nên vào thẳng vấn đề. Cô ngay ngắn đặt chiếc vòng vàng xuống trước mặt thầy tào. Thầy nhìn qua chiếc vòng rồi đáp: lộc tới thì cứ nhận lấy Chứ chần chừ gì nữa?
My không hiểu ý thầy tào, thầy liền giải đáp: cô yên tâm đi, đây là của trời cho đấy.
My đem mọi chuyện rành mạch kể lại cho thầy tào nghe. Nghe xong thầy gật gù: sẽ nhanh thôi có người tìm đến gia đình cô. Tuy nhiên người này không gây bất lợi gì cho gia đình. Nếu giúp được họ thì xem chừng gia đình cô tạo thêm phước lớn. Có thể nó giúp ích cho tương lai đấy.
Thầy tào chỉ nói vậy chứ không giải thích rõ mọi chuyện. My muốn hỏi thêm nhưng thầy chỉ bảo: tại đất nhà cô có người chết, họ muốn về nhà. Món quà này của người chết muốn gửi gia đình trả ơn trước.
Toàn ngạc nhiên: sao nhà con lại có người chết được chứ? Đất này là tổ tiên nhà con ở bao đời rồi thầy ạ!
Thầy tào mỉm cười: có nhiều điều anh chưa biết, vậy chứ anh tính xem gia đình anh đã ở được tất cả bao nhiêu đời?
– Chuyện này…
– Thôi, đáng mừng rồi, mọi người về đi, chuẩn bị mà đón khách.
Hai chị em My đi nhưng không được việc gì. Toàn gọi về báo lại sự việc với gia đình thì nghe tin bố nói: thầy nói đúng đó con. Nhà mình đang có khách phương xa đến tìm người. Họ nói là người nhà của cô gái có chiếc vòng tay giống chiếc vòng con cầm đi. Họ đang ở đây và xin gia đình mình cho tìm người.
Toàn nghe bố nhắc chuyện mà bủn rủn tay chân. Chưa khi nào cậu nghĩ mọi chuyện lại trùng hợp đến như vậy. Cậu cũng kể sơ qua câu chuyện thầy tào dặn dò. Ông Bưởi nghe xong quyết định: vậy là ý trời rồi, thôi, chúng ta tạo điều kiện giúp họ. Âu cũng là làm việc nghĩa.
Hai chị em nhanh chóng quay trở về nhà. Tới nơi cả hai bất ngờ khi thấy cảnh tượng lạ lùng đang diễn ra ở nhà mình. Rất đông người lạ ở đâu kéo đến, họ khóc lóc gọi tên một ai đó. Giữa sân bày rất nhiều các hộp lớn nhỏ toàn đồ màu trắng toát. Thoạt nhìn vào khiến người ta có cảm giác rợn người.
My lách qua đám người hiếu kì đứng bu lại xung quanh xem sự lạ để hỏi thăm chuyện xảy ra ở nhà. Hoa khẽ nói nhỏ vào tai My: gia đình người ta đến tìm người cô My ạ. Đứa bé đang khóc giãy lên ở kia chính là hồn của tổ cô nhà họ nhập vào đến tìm xác đấy.
My bấy giờ mới nhìn vào giữa đàn thì thấy một đứa bé gái ăn mặc kì quặc đang lăn lộn từ bên nọ sang bên kia. Hai mắt nó nhắm nghiền tới khi quay tới phía My nó dừng lại mở mắt trừng trừng nhìn My cười lên sằng sặc: đây…người đây rồi.
My nghe giọng cười đó mà nổi gai ốc: nó nói cái gì vậy?
Đứa bé chạy đến bên My trừng đôi mắt trắng dã nhìn My rồi lại cười hàng tràng dài mà hỏi: vòng đâu? Chiếc vòng đâu?
My bấy giờ mới sực nhớ tới chiếc vòng tay mà cô mang theo bên mình. Cô lôi chiếc vòng ra thì đưa bé cầm lấy chiếc vòng ấy giơ lên cho mọi người xem rồi lại cười khanh khách. Tất thảy mọi người ồ lên rồi một người già trong số những người đó lau nước mắt rồi bỏ chiếc hộp khác đưa ra một chiếc vòng khác giống y hệt chiếc vòng của nhà bà Bưởi, chỉ có điều chiếc vòng kia còn mới và đẹp hơn chiếc vòng bị chôn dưới đất.
Hàng xóm bắt đầu xì xào về điều kì lạ ấy. Họ tin chắc gia đình kia đúng là được người âm chỉ đường nên mới tìm đến tận nhà ông bà Bưởi tìm người như thế.
Một người lớn tuổi bắt đầu khóc lớn tiếng: vậy là chúng con cũng tìm được bà tổ cô rồi. Bà linh thiêng mau chỉ chỗ cho chúng con đưa bà về nhà. Tội của chúng con lớn quá nên bao năm qua để bà nằm nơi đất khách quê người không ai hương khói.
Người phụ nữ ấy lại gần ông bà Bưởi cúi gập người cám ơn và xin phép gia đình bà Bưởi để họ được phép tìm kiếm thi hài của người quá cố. Ông bà Bưởi dĩ nhiên đồng ý bởi nếu quả thật trên mảnh đất ông bà đang ở có một mộ phần thì khi biết chuyện dù họ không đón ông bà cũng đưa đi.
Đứa bé lúc bấy giờ lại lăn đùng ra đất như thể bị co giật. Mấy người đi theo kia bỗng quỳ rạp xuống dưới lẩm bẩm những câu gì nghe không rõ. Hình như họ sử dụng ngôn ngữ riêng để nói chuyện với nhau.
Sau một hồi đứa bé đứng dậy chải tóc rồi chỉ mọi người đi ra sau vườn. Nó dẫn mọi người đến đúng nơi xây cái hầm của ông bà Bưởi mà chỉ: đào chỗ này đi.
Ông Bưởi vội lên tiếng: mọi người chắc chắn chỗ này có hài cốt chứ?
Đứa bé lại trừng đôi mắt nhìn ông Bưởi gật đầu chắc nịch: chắc chắn.
Ông Bưởi giải thích: đây quả đúng là nơi đã tìm thấy chiếc vòng. Tuy nhiên gia đình tôi đã đào sâu tận 2m xuống dưới mà không thấy bất cứ bộ hài cốt nào cả.
Đứa bé chỉ xuống dưới chân: đào đi, đào chỗ này lên, đào lên sẽ thấy.
Gia đình ông Bưởi đã đào lên một lần mà không phát hiện ra điều gì. Nếu họ đào sâu hơn biết đâu sẽ tìm thấy hài cốt thật bên dưới. Nghĩ vậy nên ông kêu thợ hãy đào sâu thêm một chút bởi gia đình ông từng đào sâu 2m rồi. Từng chiếc mai thi nhau cắm xuống nền đất mềm xốp. Khi cái hố được đào xuống quá 2m, đội thợ đào đã mệt mỏi leo lên trên nghỉ ngơi, mồ hơi ai nấy ướt đẫm trên khuôn mặt thì đứa bé bất ngờ nhảy xuống cái hố rồi đưa tay bới liên tục dưới nền đất.
Người phụ nữ vội vã kêu người nhà tiếp tục phụ giúp. Lúc một người thanh niên toan nhảy xuống hố thì bất ngờ đứa bé ngã lăn ra hai mắt trợn ngược rồi nằm bất động. Tất thảy sợ hãi vội vã kéo đứa bé lên bờ. Ông bà Bưởi sợ tới nỗi mặt cắt không ra giọt máu. Những người xung quanh hóng chuyện vội dạt sang một bên để cấp cứu đứa bé. Thật may sau khi nhấn huyệt và phun ngụm nước vào mặt đứa bé đã tỉnh táo trở lại. Nó oà lên khóc. Mẹ đứa bé vội ôm lấy dỗ dàng: con ngoan, mẹ đây
Người phụ nữ già nua lên tiếng: vậy là bà tổ cô đã thăng rồi. Chắc chắn cứ đào xuống dưới chúng ta sẽ tìm được. Mọi người nghỉ tay một lát rồi tiếp tục giúp chúng tôi.
Đám thợ sau một lúc nghỉ ngơi, ăn uống thì lại tiếp tục đào. Trời tối, mọi người thắp điện cho sáng để tiếp tục công việc. Ai cũng mong sẽ mau chóng tìm được phần hài cốt phía dưới.
Trời mỗi lúc một khuya. Đội đào bới vẫn tiếp tục đào. Cái hố đã sâu tới 4-5m nhưng chưa thấy thứ cần tìm. Một người thợ lên tiếng: chúng tôi đã đào sâu lắm rồi, mọi người xem dưới này toàn sỏi đá thì tìm được gì chứ? Nếu có hài cốt cũng không ai chôn sâu tới như vậy đâu ạ.
Có người đề nghị nghỉ rồi ngày hôm sau tiếp tục đào nhưng người phụ nữ lớn tuổi nhất quyết không chịu. Bà xin đội thợ tiếp tục đào bởi gia đình bà đã xem thầy và chỉ định hôm nay phải tìm thấy hài cốt bà tổ cô mới mong tránh được hoạ.
Đội thợ thấy vậy lại tiếp tục tay cuốc tay cào đào tiếp. Cái hố sâu như cái giếng. Khi mọi người quá mệt mỏi toan bỏ cuộc thì đứa bé lại giật lên từng cơn. Nó quát lớn: đào đi, tất cả hãy tập trung. Tìm tới nơi thì làm cho tới luôn. Đừng bỏ giữa chừng.
Một người bực mình lao mạnh cây xà beng xuống đám đất đá bên dưới thì nghe cục cục. Chiếc xà beng chạm phải vật gì đó cứng như đá. Người thợ nhấc lên đào mạnh xuống bên cạnh thêm hai ba lần nữa rồi reo lên: đây rồi, tôi thấy rồi.
Đứa bé nấc lên rồi ngã quỵ xuống đất. Đồng hồ lúc ấy cũng vừa chỉ tới 12h đêm. Người phụ nữ phía trên quỳ sạp xuống đất gọi lớn: bà tổ cô ơi, vậy là chúng con đã thấy bà rồi. Tìm thấy bà thế này con dù chết cũng không còn gì hối tiếc.
Đám thợ như được tiếp thêm sức mạnh, Họ tập trung lại dùng tay bới đám đất lên thì phát hiện một cái rương sắt khá lớn. Tất cả phải rất vất vả mới đào được cái rương ấy lên. Tuy nhiên khi kéo lên thì chiếc rương lại nhẹ vô cùng. Mấy người thợ xì xào: quả đúng là chuyện lạ, người chết phải linh thiêng lắm mới khiến chiếc quan tài nhẹ thế này. Mà không hiểu tại sao người ta lại chôn sâu tới vậy.
Ngoài ra chiếc rương sắt còn một đặc điểm khác thường nữa: nó chính là được chôn theo phương thẳng đứng.
Gia đình ông Bưởi bấy giờ cũng mừng thay cho gia đình họ. Ông chắp tay lên trời mà rằng: tạ ơn trời phật, cuối cùng thì bà ấy cũng được về nhà rồi. Bà linh thiêng theo con cháu về nhà, từ nay không phải bơ vơ không người thân thích như trước đây nữa.
Sáng hôm sau gia đình ông Bưởi báo chính quyền tới làm thủ tục báo cáo về chiếc quan tài kèm bộ hài cốt trong vườn. Gia đình người phụ nữ hoàn tất thủ tục rồi làm lễ đưa hài cốt về quê hương.
Mọi việc xong xuôi, ông Bưởi tự nhiên thấy lòng nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Ông vui vẻ kể lại mọi chuyện cho hàng xóm nghe về chiếc quan tài kì lạ ấy. Lúc họ mở quan tài ra thì bên trong gần như không còn hài cốt nguyên vẹn. Có lẽ bộ hài cốt đã chôn dưới đó rất lâu, từ thời ông bà ông chắc cũng không biết tới nó. Trong ấy còn rất nhiều tiền cổ và trang sức cổ. Tất thảy đều bị rỉ sét. Duy có chiếc vòng tay người thợ đào được ở vườn nhà ông thì vẫn còn mới và sạch hơn tất thảy mọi trang sức chôn kèm theo hài cốt. Ông không biết tại sao chiếc vòng ấy lại không nằm trong chiếc quan tài mà lại nằm bên ngoài để người ta dễ dàng đào thấy như thế. Chuyện ấy ông cứ thắc mắc và nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Bà Bưởi thấy chồng cứ hay nhắc đến chiếc vòng vàng bèn giải thích: chuyện bà ấy về tận nhà đưa con cháu tới tận nhà mình đưa được hài cốt lên bờ thì chuyện chiếc vòng kia không nằm trong chiếc quan tài cũng chẳng có gì lạ cả.
Một tuần sau khi thi hài người phụ nữ trong vườn được đưa đi ông Bưởi bỗng dưng xuất hiện ảo giác. Ông hay nói nhảm một mình và có những hành động lạ thường. Bà Bưởi lắm lúc thấy ông ngồi tha thẩn góc vườn nói lảm nhảm những câu không rõ nghĩa thì bắt đầu lo lắng. Bà gọi các con lại nói chuyện: mấy đứa xem ông Bưởi coi có phải già rồi bị lẫn không? Sao mẹ thấy ông ấy toàn nói lảm nhảm chuyện gì lạ lắm.
Tuân lại gần hỏi chuyện bố nhưng ông lại ngồi ngủ gật ngay gốc cây cạnh bờ ao. Cậu gọi bố dậy nhưng gọi ba câu không thấy ông trả lời. Quá sợ hãi cậu vội tới lay bố dậy thì phát hiện cơ thể ông đã cứng ngắc. Cậu gọi lớn: Toàn đâu, mau đưa bố đi viện.
Toàn nghe tiếng anh trai gọi thì chạy vội ra vườn. Khi cánh tay vừa chạm vào người ông Bưởi thì ông đột ngột mở mắt hỏi: mấy anh làm gì vậy?
Tuân sững người trước câu hỏi của bố nhưng lại mừng như bắt được vàng: ôi bố, vậy mà bố làm con hết cả hồn. Sao bố lại ra vườn ngủ gật ở đây?
Ông Bưởi nhìn xuống gốc cây rồi cười vui vẻ: ôi dào, trong nhà nóng quá thì bố ra đây ngồi cho mát, tiện thể ngắm cái ao cá. Chắc gió mát quá nên bố ngủ quên.
Ông nói rồi thủng thỉnh đi vào trong nhà bỏ lại hai đứa con trai ngơ ngác đứng nhìn phía sau. Toàn hỏi nhỏ: anh gọi giật giọng làm em hết cả hồn. Khiếp quá! Lúc thấy anh sốc bố lên em lại cứ tưởng bố làm sao cơ.
– Nhưng lúc nãy anh chạm vào bố thì rõ ràng cơ thể bố đã cứng. Bố không còn thở nữa.
Hai anh em quay lại nhìn nhau rồi cùng hoang mang. Toàn thì vừa chạy tới nơi nên chỉ mình Tuân ở với ông Bưởi thời khắc ấy. Toàn nhăn trán: có khi nào anh nhầm không?
– Không! Anh không nhầm. Có lẽ chúng ta nên cho bố đi khám càng sớm càng tốt.
Hai anh em bàn tới bàn lui rồi quyết định lựa lời khuyên đưa ông Bưởi đi khám bệnh. Thoạt đầu ông Bưởi thấy các con đề nghị đưa đi khám bệnh tổng quát thì ông ngạc nhiên lắm nhưng mãi sau rồi ông cũng đồng ý. Kết quả khám sức khoẻ của ông hoàn toàn bình thường khiến mọi người cũng bớt lo lắng. Toàn cũng đặc biệt nhờ bác sỹ cho bố đi kiểm tra thần kinh bởi nhiều khi ông hay nói nhảm một mình rồi lại quên hết mọi chuyện xảy ra trước đó nhưng bác sỹ nói đó chỉ là bệnh đãng trí của người già. Họ kê thêm một số loại thuốc bổ thần kinh cho ông Bưởi mà thôi.
Ông Bưởi về nhà uống thuốc theo đơn của bác sỹ nhưng sự việc mỗi lúc một trầm trọng. Điển hình nhất là chuyện nửa đêm ông bật dậy mở cửa đi ra vườn ngồi gốc cây nói chuyện một mình. Bà Bưởi lo lắng ông bị mộng du nên gọi các con đi theo. Lạ thay ông quay lại hỏi tỉnh bơ: đêm hôm mấy đứa không ngủ mà đi ra đây làm gì thế?
Toàn đáp: vậy đêm rồi bố mau vào nhà ngủ cho khoẻ ạ. Tụi con thấy bố ra ngoài này một mình sợ lỡ như bố vấp ngã lại khổ thân.
Ông Bưởi lại lủi thủi đi vào nhà rồi ngủ một mạch tới sáng. Hôm sau bà Bưởi hỏi chuyện: đêm qua ông mở cửa đi ra vườn làm gì thế? Già cả rồi, nhà vệ sinh cũng ngay phòng thì ông ra vườn làm cái gì? Ông không sợ lập cập ngã ra đấy rồi khổ con cái sao?
Ông đáp tỉnh bơ: bà bị mê ngủ à? Tôi đi ra vườn lúc nào?
– Ơ. Thế đêm qua ai đi ra vườn để thằng Toàn phải chạy theo dắt về ngủ?
Ông Bưởi nhăn trán: có chuyện đó sao? Sao tôi lại không nhớ gì cả?
Bà Bưởi chẹp miệng: khổ thế đấy. Già cả lại lẩm cẩm thế này có khổ tôi không? Có khi nào cho ông ăn cơm xong ông lại nói chưa ăn không nhỉ?
Bà Bưởi nói đùa như thế thôi mà trưa đến ông nói như thế thật.
Chả là bà đang ngủ trưa thì nghe tiếng ông nói lớn: bà nó ơi, bà làm cái gì mà không sắp cơm trưa cho tôi ăn thế? Tôi đói lắm rồi đây này.
Bà Bưởi bị ông nói lớn tiếng làm tỉnh cả ngủ. Bà hỏi: ông nói cái gì cơ? Thế lúc nãy ông ăn còn chưa đủ no à?
– ơ hay. Tôi đã ăn đâu mà bà bảo no? Sáng ra tôi ăn có nửa gói mì, chờ tới giờ chưa thấy bà dọn cơm gì cả.
Bà Bưởi ngồi dậy thở dài: ôi trời, sao số tôi khổ thế này cơ chứ? Rõ là trưa nay tay tôi xới cho ông 2 lần lấy cơm mà ông lại bảo chưa ăn là cớ làm sao?
Bà nói vậy thôi nhưng vẫn xuống bếp dọn cơm bưng lên cho ông Bưởi ăn thêm bữa nữa. May mà nhà bà luôn nấu cơm nhiều, nếu thừa thì bà lại cho vào nấu cám cho lợn gà nên không lo thiếu cơm. Ông Bưởi lại đánh tỳ tỳ một lúc hết hai bát cơm một cách ngon lành. Ăn xong ông còn khen bà nấu cơm ngon. Bà chẹp chẹp cái miệng rồi dọn dẹp bát đĩa. Lúc xong xuôi quay lên nhà đã chẳng thấy ông Bưởi đâu cả. Bà sợ hãi gọi lớn: ông nó ơi, ông đi đâu rồi?
Bà chạy ngó sang nhà con trai lớn và con trai út chẳng thấy ông Bưởi đâu. Bà lại chạy ra sau vườn thì bất ngờ thấy ông đã ngồi dựa vào gốc cây mít ngủ ngon lành ở đấy.
Bà tức giận nói dỗi: ơ hay cái ông này càng già càng dở chứng. Sao ông không ngủ trong nhà mà chạy ra ngoài này làm tôi tìm ông nãy giờ?
Ông Bưởi mở mắt ra nhìn vợ nhưng ánh mắt ông vô cùng khác lạ. Bà Bưởi thoáng giật mình. Ông Bưởi lên tiếng: sao bà ra đây làm gì? Tôi tưởng bà ngủ trưa rồi?
– Thôi, ông vào nhà đi, ông mới ăn cơm xong mà ngồi phơi ra ngoài này thấy có tội nghiệp không? Coi chừng ông bệnh là tôi mệt thêm đấy
Ông Bưởi sửng sốt nhìn đồng hồ: hai giờ chiều rồi còn mới ăn cơm gì nữa. Bà nó bị mê sảng hả?
Bà Bưởi tròn mắt nhìn chồng rồi hỏi lại: ông nói cái gì cơ? Ông bảo ai mê sảng? Ai vừa bắt tôi dọn cơm? Ai vừa ăn hai bát cơm tôi xới? Tôi vừa mới rửa bát xong mà thoáng cái ông chạy ra đây ngồi. Ông lại còn bảo tôi mê sảng hả? Ông bị làm sao không? Cái đầu ông bị mất trí nhớ rồi hả?
Bà Bưởi giận nên tuôn một tràng dài. Bà thấy bực mình bởi cái cách nói dở dở ương ương của ông. Rõ ràng ông cứ làm xong lại quên rồi quay lại trách bà.
Ông bị bà mắng giận lắm nhưng lại xuống nước: thôi được rồi, là tôi sai. Chắc tôi ngủ ở đây rồi mộng du cũng nên.
– Thế thì ông vào nhà đi, lỡ ông mộng du lại ngã xuống ao thì khổ.
Bà Bưởi bỏ vào nhà trước, ông lẽo đẽo theo sau. Lần này bà lại bàn với các con đưa ông đi kiểm tra thêm 1 lần nữa để can thiệp sớm. Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện ý định, thì ông H. bỗng dưng mất kiểm soát, rồi ông nhận mình là một người đàn ông người Tàu, lúc nói tiếng Trung Quốc, lúc nói tiếng Việt. Có lần, đang đi, tự dưng ông ngồi ở gốc cây, nói tiếng Trung Quốc. Mọi người thấy thế gọi nhau đưa ông đi bệnh viện. Lúc vào tới bệnh viện ông lại tỉnh dậy bảo: “Tao có làm sao đâu mà đi bệnh viện”.
Đất âm hồn
Tác giả: Hà Dương(Phú Dương)
Các bác sỹ cũng hết sức ngạc nhiên với biểu hiện bệnh lúc tỉnh táo lúc lại mơ hồ. Họ khuyên gia đình đưa ông về và thay nhau trông chừng phòng trường hợp ông mất kiểm soát, không ý thức được hành động rồi xảy ra chuyện đáng tiếc.
Bà Bưởi phải khoá cửa cả ngày. Lúc nào bà ở nhà thì cũng chốt cửa để ông không đi ra ngoài. Hôm nào thằng Tũn không phải học thì sẽ ở nhà chơi với ông. Nó thấy ông nó lúc chơi với nó lại hoàn toàn tỉnh táo. Hai ông cháu vừa chơi vừa nói chuyện ngày Tũn còn bé. Bất chợt ông Bưởi đề nghị: hay là hai ông cháu mình ra ao câu cá đi. Tự nhiên ông thèm ăn cá quá
Thằng Tũn gọi điện thoại cho bố hỏi ý kiến vì nó không dám tự tiện quyết định. Tuân nghe con trai nói chuyện bèn bảo: con bảo ông cứ ở trong nhà chơi với cháu, lát bố cháu về sẽ câu cá cùng ông.
Thằng Tũn nói lại chuyện cho ông Bưởi nghe. Nghe xong ông giận: tụi bây giờ nghĩ cái thân già này là đồ bỏ đi rồi đúng không?
May thay lúc đó có Oanh ghé qua, cô vội khuyên can bố: trời ơi, bố nói gì lạ vậy. Bố muốn làm gì thì con với bố cùng làm?
Ông Bưởi ngẩng đầu lên hỏi: thằng Trưởng đây? Sao lâu rồi không thấy nó sang đây câu cá với bố?
Oanh nghe ông Bưởi nhắc tới chồng lại sựng người. Cô cười mà như mếu: anh Trưởng an nghỉ rồi mà bố. Chắc ở dưới suối vàng anh ấy cũng nhớ bố lắm
Ông gạt đi: con với chả cái, ăn nói linh ta linh tinh, có đời thuở nhà nào vợ nói chồng như thế không? Coi chừng nhà chồng nghe được họ lót lá trả về thì bố cho ăn đòn nghe không?
Oanh biết ông Bưởi lại không minh mẫn nên lúc này đang nhơ những chuyện quá khứ, cô nhận lỗi: vâng ạ, con sai rồi bố.
Ông bỗng cười lớn: ôi, đúng là nhắc đến tào tháo thì tào thới tới liền. Anh còn hơn cả con trai bố ấy chứ!
Hai người quay ra cửa nhìn ông Bưởi vui vẻ nói cười mà lòng hơi trùng xuống. Bên ngoài ông Bưởi vẫn thao thao bất tuyệt: đi nào, anh với bố ra câu cá. Hôm nay bố thèm cá, mà anh làm gỏi cá ăn đi. Lâu lắm nhà mình không tụ tập ăn uống rồi đấy.
Ông Bưởi cứ thế là đi một mạch ra cái ao sau vườn. Oanh phải chạy theo bố vì cô lo bố cô mất kiểm soát không cẩn thận lại ngã thì khổ. Ông Bưởi dường như không quan tâm tới Oanh mà cứ thao thao bất tuyệt nói chuyện một mình.
Oanh nhìn theo bố mà lòng buồn rười rượi. Một lúc sau ông quay lại bảo Oanh: con không làm gì thì vào hái mấy tàu mùng mà làm đi chứ? À tiện thể giã ít riềng và chuẩn bị ít chanh với mẻ cho bố nhé.
Oanh nhìn chiếc cần câu ông Bưởi thả dưới ao chẳng hề đụng đậy mà lòng thêm rối bời. Tiếng ông Bưởi giục: ơ hay cái con Oanh, mau vào chuẩn bị đồ lát còn làm gỏi cá.
– Vâng, lát con làm ù một tý là xong. Bố để con ngồi đây chơi với bố.
– Thôi, chị vào nhà cho tôi nhờ. Chị ở đây cá lại chẳng thèm cắn câu. Tôi với anh Trưởng câu 1 tý có mà đầy thùng.
Ông Bưởi vẫn khẳng định mình đang ngồi câu cá cùng với con rể. Oanh cũng biết đầu óc ông không bình thường nhưng tới mức như vậy thì cô buồn càng thêm buồn.
Một lúc sau Tuân về tới nhà. Tay cậu xách con cá lớn vui vẻ khoe: cả nhà ơi, con mang cá về rồi đây này.
Tũn nói cho bố biết ông ra bờ ao câu cá. Tuân nghe vậy bèn đi ra sau vườn. Ông Bưởi vui vẻ: gớm, đợi anh Tuân về câu cá chung mà các anh đi làm về muộn. Tôi với anh Trưởng câu được con cá to bự chảng rồi đây này.
Ông Bưởi nhấc cái thùng giơ về phía Tuân khoe chiến tích. Hai mắt Oanh bấy giờ mở tròn đầy kinh ngạc bởi từ lúc cô cùng ông Bưởi ra ao cá tới giờ ông chưa một lần nhấc cần câu lên khỏi mặt nước thì con cá kia ở đâu ra?
– Bố…bố câu con cá này từ khi nào đấy ạ?
– Thằng Trưởng câu chứ bố có câu được con nào?
Ông Bưởi nói khiến hai chị em Oanh đứng như trời trồng tại chỗ. Oanh nuốt miếng nước bọt đánh ực xuống cổ họng đang khô khốc kéo tay Tuân: chị theo bố ra đây từ đầu tới giờ. Chị khẳng định là trong xô kia không có cá. Bố cũng không hề nhấc cần câu lên lần nào cả.
Ông Bưởi ngoái lại nhìn hai chị em Oanh đang thì thầm phía sau: hai đứa nói cái gì vậy? Còn không mau vào nhà làm cá cho bố.
– Vâng ạ. Con vào ngay đây.
Tuân bước nhanh chân tới đỡ lấy xô cá của ông Bưởi. Con cá khá lớn đang quẫy mạnh trong xô. Nó cong mình lấy sức bật ra khỏi miệng xô rơi ịch xuống đất. Ông Bưởi lẩm bẩm: trời…có con cá mà cầm cũng không nên thân.
Ông vừa dứt lời con cá đã lách tới sát bên bờ ao. Oanh muốn chặn lấy nhưng không hiểu sao con cá không có chân lại chạy nhanh tới vậy. Thoáng một cái con cá đã cong cái mình lại rồi bật mạnh xuống nước. Nước dưới ao bắn mạnh lên bờ, con cá quẫy đuôi nhanh chóng lặn mất tăm dưới làn nước biếc.
Ông Bưởi tiếc con cá giận các con: đấy, đúng là phí của giời chưa?
Tuân đáp: không sao bố ạ, con mua cá còn to hơn. Con cá cũng xuống ao chứ nào có đi mất. Hôm nay mình ăn cá con mua, hôm khác chúng ta lại bắt con cá kia lên làm thịt. Đồ trong ao nhà chứ nó có chạy mất được đâu. Bố yên tâm đi ạ.
Ông Bưởi không nói gì mà lững thững đi vào nhà. Phía sau lưng ông hai chị em Oanh bước theo mà lòng nặng trĩu.
Cơm nước chuẩn bị xong xuôi bà Bưởi gọi chồng dậy ăn cơm. Ông ngồi dậy rồi thắc mắc: ở, đây là đâu? Sao tôi lại ở đây?
– đây là nhà mình, ông nói gì lạ thế?
– Bà là ai? Sao tôi lại ở đây?
Bà Bưởi khó chịu: ông này còn chưa tỉnh ngủ hả?
Ông xuống giường đi đâm thẳng vào bức tường rồi quát lớn: đứa nào bít lối của ông thế này?
Bà Bưởi kéo ông ra phía cửa: trời ạ, ông bị quáng gà thì cũng phải nhận ra đâu là cửa chứ?
Ông quyết không đi theo hướng bà Bưởi kéo mà đâm thẳng vào tường thêm lần nữa. Các con ông chứng kiến điều ấy đều thở dài ngao ngán. Tất thảy họ đều biết ông đã chuyển biến khá nặng, ông không còn nhận ra mình, thậm chí còn không nhận thức được mọi thứ xung quanh.
Tuân lo lắng quyết định sáng sớm hôm sau đưa ông Bưởi tới viện khám tổng quát. Ông chẳng chịu đi, cứ bảo mình đang khoẻ mạnh. Tuân cố tình ép ông đi thì ông chạy thẳng ra sau vườn nhảy xuống ao bơi một mạch sang bờ bên kia. Đã vậy ông còn thách thức: đứa nào giỏi thì xuống đây mà bắt này.
Hàng xóm xì xào bàn tán rằng ông Bưởi bị bệnh nặng lắm, mất hết trí nhớ, toàn nói chuyện thời cổ. Thậm chí ông còn nhận mình là một người Tầu. Ông không đi theo con đường có sẵn, mà cứ đâm đầu vào tường, đi xuyên qua chuồng lợn chuồng gà. Có lúc ông lội xuống ao. Lúc bấy giờ người ta bán tín bán nghi chuyện ông Bưởi bị một ông người Tàu nào đó nhập xác nên mới xảy ra chuyện kì lạ như vậy.
Một hôm, ông sang nhà con trai, đi vào trong buồng, rồi chửi ầm ĩ rằng “thằng nào xây tường bịt lối đi của tao”.
Thằng Tũn lật đật chạy theo dắt ông ra cửa. Ông nói: đường của tao, đất của tao, ai cho phép chúng mày làm loạn trên đất này. Chúng mày không nhanh chóng tháo gỡ trả đường cho ông thì ông giết chết từng đứa.
Tuân cố gắng giải thích cho bố hiểu nhưng ông không chịu nghe. Ông nói rằng: đất này là của tao, tụi mày chỉ sống nhờ, tao thích đuổi thì tao đuổi.
Ông đi thẳng ra ngoài sân, tiến lại bức tường cạnh cổng cũ chỉ tay mà ra lệnh: đây là lối tao đi, Giờ đứa nào không phá ngay cái bức tường chặn đường của tao đi thì tao giết. Đứa nào cãi tao bóp hộc máu mồm mà chết.
Tới mức không thể chịu đựng được nữa bà Bưởi phát cùn: ông tính làm cái gì hả? Ông giỏi thì bóp tôi đi này. Tôi xem ông bóp hộc máu mồm tôi thế nào?
Quả nhiên hai mắt ông long lên sòng sọc. Ông chỉ thẳng tay vào mặt bà mà quát: con tiện tì thối tha, mày thách ông phỏng? Vậy ông cho mày chết.
Không biết ông lấy sức mạnh ở đâu mà lao tới bóp cổ vợ. May thay lúc ấy các con ở nhà cả nên mọi người ngăn không cho ông đánh bà.
Bà Bưởi uất nghẹn lên tới cổ, hai hàng nước mắt chảy dài: ông giỏi lắm. Bao năm qua tôi về nhà này làm vợ ông, sinh cho ông cả thảy mấy mặt con, hầu hạ ông từng bữa cơm miếng nước. Ấy vậy mà ông đánh tôi. Ông muốn bóp chết tôi phải không? Chết thì cùng chết, tưởng tôi sợ ông sao? Đây, tôi đây, ông tới mà bóp đi.
Toàn phải kéo mẹ sang một bên: mẹ ơi. Bố con không bình thường mà mẹ còn không hiểu hay sao? Mẹ bình tĩnh lại giúp chúng con.
Bà nói tiếp: à…tôi hiểu rồi. Ông muốn bóp chết tôi đi rồi ông rước con hồ ly về chứ gì? Nó giờ chồng chết đang ở giá một mình đợi ông đúng không? Tôi biết ngay mà, ông là không quên được nó đúng không?
Tất thảy mọi người đều hiểu ý bà Bưởi đang nhắc tới ai. Bao năm nay bà vẫn luôn giận chuyện khi xưa ông Bưởi và bà Tý từng có hứa hẹn với nhau. Cũng vì chuyện ấy mà khi Hoa về làm dâu cũng chịu nhiều uất ức, nhiều lúc hứng chịu cơn ghen vô cớ từ phía mẹ chồng.
Tuân gạt đi: mẹ…con xin mẹ hãy bình tĩnh lại đi. Giờ bố không tỉnh táo. Chúng con là ai bố còn không biết nữa…
– Im…im ngay. Mày lấy vợ cũng đừng quên mẹ. Mày đội vợ lên đầu cũng đừng quên mày chui từ bụng mẹ mày mà ra. Trần đời chưa thấy thằng con trai nào bênh nhà vợ mà phản mẹ đẻ cả. Cũng tại mày quen con Hoa nên mới có cơ hội cho ông ấy và bà ta tái hợp. Lỗi tại mày.
Tự dưng bà Bưởi nổi con ghen tuông trách móc hết lượt. Ông Bưởi đưa tay lên gõ mạnh vào đầu rồi quát: mọi người có im ngay đi không? Sao ở đây toàn gặp những người nói không biết nghe. Nếu mấy đứa hầu kia quay lại thì tao đuổi việc hết chúng mày.
Thì ra ông Bưởi không nhận ra mình, cứ khẳng định mình là một người giàu có khác, nhà có chục kẻ ăn người ở hầu hạ bên cạnh. Ông nói ngủ một giấc mà tỉnh lại thấy xung quanh lạ hoắc, chăẳng thấy ai thân quen.
Tuân đưa bố đi khám mãi tình hình cũng không thuyên giảm. Lúc cậu cùng bố ngồi chờ thuốc thì có vài người Trung Quốc tới khám bệnh. Họ không nói tiếng Việt nên bác sỹ cũng gặp khó khăn. Bất ngờ ông Bưởi đứng dậy nói một hồi tiếng tầu rồi quay lại phiên dịch cho bác sỹ. Tuân không tin vào tai mắt của mình bởi xưa nay bố cậu không học tiếng Tầu, ông chưa từng tới nước tàu thì tại sao biết tiếng?
Cậu định đứng dậy kéo bố lại nhưng ông lại tiếp tục dịch lời bác sỹ sang tiếng tầu giúp mấy bệnh nhân nước ngoài. Nghe họ nói chuyện với ông vui vẻ, trơn tru mà đầu óc Tuân muốn nổ tung vì bất ngờ tới kinh ngạc.
Cậu điện thoại kể cho anh chị em nghe chuyện xảy ra ở bệnh viện. Ai nấy đều không tin, Tuân một mực khẳng định điều đó chính là sự thật.
Sau khi giúp đỡ những vị bệnh nhân ngoại quốc kia giao tiếp bệnh với bác sỹ, một người trong số họ còn tặng cho ông Bưởi một cuốn sách làm kỉ niệm. Ông Bưởi nhận lấy, mặt hớn hở, ôm lấy cuốn sách như thể vật báu.
Khi trở về nhà, con cái ông liền mời một người biết tiếng tầu tới nhà trò chuyện thử với bố. Quả nhiên ông Bưởi nói chuyện thông vanh vách. Thậm chí ông nói giỏi hơn người được các con tìm đến. Người đàn ông không khỏi trầm trồ thán phục: ông nhà thật giỏi, ổng nói chuyện bằng tiếng tầu mà tôi cứ ngỡ đang nói chuyện với người tầu đấy chứ.
Đọc nào cả nhà ơi! Tương tác ủn mông em nhé.
Bạn nào vào nhóm ib ạ. 10 ngày nữa em ko nhận vào nhóm nhé