Chương 3: Treo cổ trong đêm
Xác của Thuận bám đầy rêu và bùn đất đen kịt. Mọi người đang xúm vào xung quanh anh, than khóc vật vã. Mẹ của Thuận đã ngất xỉu vì bị shock khi nhìn thấy con trai. Ngân ôm chặt lấy người chồng mới cưới, nấc lên từng hồi ai oán:
– Anh ơi, sao lại ra nông nỗi này? Tại sao anh lại bỏ em mà đi thế? Huhu…
– Em ơi, tỉnh lại đi em. Ngày vui còn chưa hết mà sao em lại bỏ chị, bỏ bố mẹ, bỏ vợ thế này? Huhu… chị gái Thuận cũng khóc rấm rứt.
– Thắng mau đi rửa ảnh và liên hệ với bên tổ chức tang lễ đi. Ông Hải cố nén nỗi đau nói với người con rể. Con trai ông còn chưa kịp có con mà đã chết thảm. Chẳng lẽ gia đình ông đã gây ra tội lỗi gì hay sao mà ông trời nỡ bắt con trai duy nhất của ông đi thế này?
Thế là, rạp cưới còn chưa dỡ hết thì rạp tang đã được dựng. Gia đình Ngân cũng sang nhà thông gia để phụ giúp. Họ thương Thuận một thì thương Ngân 10, chỉ sau 1 đêm mà cô đã trở thành goá phụ. Tuy bây giờ xã hội đã tân tiến hơn rất nhiều nhưng người ta vẫn có ác cảm với những người phụ nữ mới cưới mà đã goá chồng. Họ nói đủ điều cay nghiệt, nào là sát phu, dữ tướng, vô phúc… Ngân biết hết những điều tiếng ấy nhưng cô không còn hơi sức đâu mà tranh cãi với họ nữa. Có khi họ nói đúng, tại cô mà Thuận mới chết, giá như anh không lấy cô thì có lẽ anh đã không ra đi sớm như thế này. Trong khi thầy cúng được mời tới làm lễ, mẹ của Thuận vẫn ngồi gục xuống bên chồng và con gái lớn, không nói với ai câu nào, thì bỗng bà nổi điên lên, hét lớn, tay chỉ thẳng vào mặt Ngân:
– Con này, tất cả là tại mày, tại mày nên con tao mới chết…
– Kìa bà, ngồi xuống để thầy làm lễ xong đã.
– Ngay từ đầu tao đã ngăn cản không cho con tao lấy mày nhưng nó nhất quyết đâm đầu vào. Mày đã bỏ bùa mê thuốc lú gì cho nó hả?
– Mẹ, sao mẹ lại nói thế? Chị gái của Thuận cũng tỏ ý kinh ngạc, cố kéo mẹ ngồi xuống. Mọi người ai cũng hoảng hốt hết nhìn bà Gái (mẹ của Thuận) lại quay sang nhìn Ngân. Có người còn nói thầm vào tai người bên cạnh “đấy, thấy chưa? Tôi nói không sai mà”
Ngân chỉ biết cố tránh sự tấn công của mẹ chồng. Nước mắt rơi ướt đẫm gò má xanh xao của cô, trong khi bà Gái vẫn quát:
– Mày cút ra khỏi nhà tao, thứ sát phu…
Bà Hanh lúc ấy cũng vừa đi vệ sinh ra thấy vậy thì nói:
– Kìa chị, sao chị lại nói như thế? Chồng mất con gái tôi đã khổ lắm rồi, sao chị…?
Bà Gái như không để ý gì đến lời của bà Hanh, tiếp tục quát:
– Mày mau ra khỏi nhà tao, không thì tao lấy dao ra chém chết mày.
Ông thầy cúng thấy vậy thì lắc đầu:
– Không thể làm tiếp được nếu bà ấy cứ như thế. Mọi người mau đưa bà ấy đi nghỉ đi.
Thắng dìu mẹ vợ vào buồng nhưng bà Gái vẫn cứ cố vùng vẫy. Bà ta vẫn không ngừng chửi bới:
– Mày mà còn xuất hiện trước mặt tao thì tao sẽ giết mày… trả con trai cho tao…
Tất cả mọi người lại tiếp tục ngồi sau lưng thầy cúng để hoàn thành nốt buổi lễ. Sau khi đã xong thủ tục cuối cùng, ông thầy quay lại nói với người nhà của Thuận:
– Cậu này chết là do số đã định rồi.
– Thầy ơi, em trai con ngoan ngoãn, hiền lành, học giỏi nên ai cũng quý, tại sao lại chết sớm thế ạ? Chị gái của Thuận vừa khóc vừa hỏi cho em. Bố của Thuận cũng gật gù như xác nhận lời con gái lớn nói là đúng. Về phần Ngân, cô lại không nói gì, bởi khi yêu nhau đôi khi cô cũng thấy Thuận có những tính cách khiến cô không mấy hài lòng nhưng cũng không đến nỗi khó chịu. Cô chỉ thương xót anh, thương xót cho số phận của mình.
– Tôi dựa trên ngày giờ mất của cậu ấy mà nói thôi, chắc chắn có điều gì đó không ổn nên cậu ta mới chết bất đắc kì tử như vậy. Còn cô, đoạn thầy chỉ vào Ngân, cô đừng tự trách mình, cô không có lỗi gì trong chuyện này cả.
– Bố thì không thấy nó có biểu hiện gì lạ, lúc ấy mày cũng đi lấy chồng rồi nên không ở nhà, không biết mẹ mày có biết chuyện gì liên quan đến em mày mà không nói cho bố biết không? Bà ấy chỉ hay bênh con trai vô lý thôi. Bố của Thuận phân trần.
– Thế thầy ơi, liệu con trai con có chết vào giờ xấu không ạ?
– Không yên tâm, không phải trùng tang đâu nhé. Thôi tôi về đây, tuần sau tôi lại đến. Ông thầy thu hết dụng cụ của mình vào trong một chiếc túi vải nâu rồi đeo lên vai, cáo từ mọi người.
Lúc ấy, bà Gái đã lén ra khỏi buồng ngủ, nghe được hết những lời thầy cúng nói. Bà lặng lẽ quay về phòng, ôm lấy tấm ảnh của con trai, nhớ lại thời điểm 5 năm trước. Khi ấy con trai bà còn đang là sinh viên đại học năm cuối, đi học trên thành phố cả 2-3 tháng mới về một lần. Liệu nó có gây ra tội lỗi gì mà không cho bà biết không?
Tuần sau, khi Thuận mất được 7 ngày, Ngân lại từ nhà mình sang dự lễ cúng của anh. Cô không được ở nhà chồng nữa do bà Gái đuổi. Cô van xin cách mấy cũng không được, đành phải về nhà mình ở. Cũng may, bố mẹ cô thông cảm với cô nên đồng ý cho cô trở lại. Ai nấy đều thương xót cho cô gái trẻ có số phận hẩm hiu. Ngân hi vọng, lần này sang sẽ không bị đuổi nhưng bà Gái vừa nhìn thấy cô là chu chéo như thể nhìn thấy kẻ thù. Ngân đành lủi thủi đứng ngoài cổng, khóc thương cho chồng và cho chính mình. Tại sao ông trời lại đẩy cô vào kết cục như thế này cơ chứ?
Sau thất tuần, mọi việc cúng lễ xong xuôi, gia đình Thuận làm cơm 49 ngày nhưng bà Gái không cho Ngân sang tham dự. Nhiều người trong làng cũng có ác cảm với Ngân, họ cho rằng cô là kẻ sát phu nên xa lánh cô. Bà Hanh thấy tình hình như vậy thì nói với con:
– Mẹ nghĩ con nên đi nơi khác sống. Làng mình vẫn còn nhiều quan niệm phong kiến lắm, con không sống nổi ở đây đâu.
Ngân nghe lời mẹ nói nhưng không nói gì. Đó cũng là con đường cô nghĩ tới, cô không thể tiếp tục ở lại đây được nữa. Dù thầy cúng đã nói lỗi không phải do cô nhưng cô không thể xua bớt mặc cảm. Trước khi đi, Ngân ra thăm mộ của Thuận. Cô ở đó một lúc khá lâu, lâm râm khấn vái và nói hết những tâm sự trong lòng mình cho anh nghe. Từ sau đó, không ai còn nhìn thấy Ngân đâu nữa. Ông bà Hanh nói cô đã vào trong thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.
Tầm 3 năm sau, Yến đi lấy chồng. Cô lấy một người ở cách làng mình ở chừng 20km. Không biết có phải vì tiếng xấu dân làng gắn cho chị gái cô không mà không chàng trai nào trong làng dám yêu Yến. Biên- anh chàng người yêu của Yến cũng chia tay cô sau quá nhiều điều tiếng và sự cấm cản của mẹ. Đám cưới của Yến cũng diễn ra chóng vánh tại làng của chú rể. Những tưởng hai vợ chồng Yến sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, nhưng đến đêm tân hôn, điều kinh hoàng đã xảy ra cho chồng của cô.
Do cả ngày làm đám cưới mệt mỏi, đến đêm Yến ngủ say không biết trời đất gì nữa. Phải đến 4h sáng khi cô bất ngờ trở mình, không thấy chồng nằm cạnh, cô mới đi tìm anh. Gọi không thấy chồng trả lời, mắt lại cay xè vì đang cơn buồn ngủ, trong khoảng không gian tranh tối tranh sáng, Yến vô tình va phải một thứ gì đó treo lủng lẳng ở giữa phòng. Không phải mất nhiều thời gian Yến cũng nhận ra đó chính là chồng mình. Cô hét lên một tiếng kinh hoàng, đánh thức bố mẹ và gia đình chị gái chồng đang say ngủ. Họ vội chạy sang phòng của hai vợ chồng Yến để xem thì thấy cảnh tượng Kính (chồng của Yến) đang treo cổ trên sợi dây thừng vắt ở giữa nhà, hai mắt mở trừng trừng, lưỡi thè ra đỏ lòm. Tiếng khóc ai oán vang lên khi anh rể của Kính xác định Kính đã chết rồi. Yến lặng người khi nghe câu nói đó. Chẳng lẽ chị em cô cùng có số sát phu hay sao mà đến nỗi chồng của hai người đều chết ngay trong đêm tân như thế này?
Tin dữ bay đến tai của Ngân nhanh như một cơn gió. Cô không thể về dự đám cưới của em gái vì bận công việc, và cũng vì lo sợ điều tiếng có làm ảnh hưởng đến em. Vậy mà không ngờ em gái cô cũng chịu cảnh giống hệt cô, rồi ngẫu nhiên mang tiếng sát phu. Cô gọi điện hỏi thăm tình hình của Yến, cũng may nó không bị mẹ chồng hắt hủi giống cô. Yến ngậm ngùi nói với chị:
– Có lẽ sau khi lo xong tang lễ cho anh Kính, em sẽ vào thành phố Hồ Chí Minh cùng chị.
Ngân thở dài khi nghe em gái nói vậy. Sau chuyện này, tiếng dữ sẽ càng tăng, em gái cô không thể sống ở làng được nữa. Cô nói:
– Ừ em cứ vào đây với chị. À mà em đã đốt cái sợi dây Kính đã treo cổ chưa? Không là sẽ có “dớp” đấy.
– Bố chồng em đốt rồi chị ạ. Yến nói trong nước mắt.